Friday, August 25, 2023

LÒNG HAM MUỐN ĐỊA VỊ QUÁ ĐỘ và SỰ THIẾU VẮNG TÌNH YÊU (Hồng Hoa / Luật Khoa)

 



Lòng ham muốn địa vị quá độ và sự thiếu vắng tình yêu

Hồng Hoa  |  Luật Khoa

Aug 24, 2023

https://www.luatkhoa.com/2023/08/long-ham-muon-dia-vi-qua-do-va-su-thieu-vang-tinh-yeu/

 

“Bản ngã xã hội của một người là sự công nhận mà họ có được từ người khác.”

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/08/L-ng-ham-mu-n.jpg

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

                                                           *

 

Loài người là sinh vật có tính xã hội. Do đó, sự cân nhắc về địa vị có ảnh hưởng lớn lên các quyết định và hành động của một người.

 

Lòng ham muốn bước chân lên nấc thang xã hội cao nhất trong khả năng có thể và bằng một cách chính đáng là điều rất đáng được hoan nghênh.

 

Nỗi khao khát này đóng vai trò năng lượng thúc đẩy quá trình đào sâu khai phá và phát huy mọi dạng ưu thế tài nguyên sẵn có, cả ở quy mô cá nhân lẫn tập thể.

 

Tuy nhiên, bất cứ ham muốn quá độ nào cũng dẫn đến sự mất cân bằng và sụp đổ. Vậy biểu hiện của lòng ham muốn quá độ này là gì và nguyên nhân của nó do đâu?

 

 

Địa vị xã hội và bài kiểm tra bong bóng ở Mỹ

 

Charles Murray là một nhà khoa học chính trị theo chủ nghĩa tự do, đồng thời là tác giả sách, chủ mục báo, và là thành viên của Viện Kinh tế Mỹ.

 

Trong cuốn “Coming Apart: The State of White America 1960-2010” (tạm dịch: Tan rã: Nhà nước của người Mỹ da trắng 1960-2010) xuất bản lần đầu năm 2012, ông đề cập đến giới tinh hoa, mà theo ông là những người điều hành đất nước. [1] Nhóm tinh hoa rộng bao gồm các nhân vật xuất chúng từ Kansas City đến Indianapolis hay ở từng thành phố. Họ là giám đốc điều hành của những ngành công nghiệp quan trọng nhất, là thị trưởng, là những người sở hữu đài truyền hình, v.v. 

 

Nhóm tinh hoa hẹp bao gồm những người có ảnh hưởng lên văn hóa quốc gia, nền kinh tế, và chính trị. Đó là một tập thể rất nhỏ. Ước chừng chỉ dưới 100.000 người tại Mỹ có được những quyền lực đó. Điều ông thấy ở tầng lớp tinh hoa rộng và hẹp này là họ tách biệt khỏi phần còn lại của đất nước, xây dựng cộng đồng và văn hóa của riêng mình.

 

Murray trăn trở về việc nhiều độc giả của ông thực sự thuộc tầng lớp thượng trung lưu (upper middle class) và tầng lớp thượng lưu (upper class) - đặc biệt người trẻ - mà hoàn toàn không ý thức được họ đang tách biệt như thế nào.

 

Do vậy, bên cạnh phương pháp dựa vào các chỉ số có tính chính xác cao như tổng thu nhập trong năm để xác định giai cấp và địa vị xã hội của một người, Murray đưa ra bài kiểm tra “Bạn có đang sống trong bong bóng?” để đem đến cho mỗi cá nhân cái nhìn thực tế và trực quan hơn. [2]

 

Bài kiểm tra bao gồm một số câu hỏi có/ không, chẳng hạn như:

 

- Bạn có từng sống ít nhất một năm ở khu vực mà phần đông trong số 50 người hàng xóm gần nhất không có bằng đại học?

 

- Bạn có lớn lên trong một gia đình mà người lao động chính không làm việc ở vị trí quản lý hoặc chuyên gia cao cấp - ví dụ: luật sư, bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư, khoa học gia hoặc giảng viên đại học?

 

- Bạn có từng sống ít nhất một năm với thu nhập gia đình gần bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo? (Chuẩn nghèo của mỗi quốc gia là khác nhau: ví dụ vào năm 2022 tại Mỹ là 13.590 USD/người/năm, [3] tại Việt Nam là khoảng 769 USD/người/năm ở khu vực nông thôn và 1.026 USD/người/năm ở khu vực thành thị’ [4] [5] để so sánh thu nhập gia đình trong quá khứ với chuẩn nghèo hiện tại, bạn lấy số tiền kiếm được trong một năm của người nuôi dưỡng vào thời điểm bạn còn nhỏ nhân với chỉ số lạm phát quốc gia năm đó - hoặc trực tiếp so sánh với chuẩn nghèo cùng năm.) [6] [7]

 

- Bạn có từng bước đi trên sàn của một nhà máy?

 

- Bạn có từng làm công việc khiến bạn bị đau một bộ phận nào đó trên cơ thể vào cuối ngày? (Không tính đau đầu, đau xương cổ tay, đau vai gáy hay đau lưng vì ngồi cả ngày trước màn hình máy tính; có tính đau chân khi phải đứng trong một thời gian dài.)

 

- Bạn có biết Jimmie Johnson là ai không? (Một tay đua xe chuyên nghiệp người Mỹ.)

 

- Bạn có từng mua sản phẩm của Avon? (Một thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa, chăm sóc cá nhân phân khúc bình dân.)

 

v.v.

 

Kết quả bài kiểm tra sẽ chỉ ra rằng bạn có thể thuộc:

 

- Tầng lớp lao động lâu năm với thói quen văn hóa ở mức trung bình.

 

- Tầng lớp trung lưu (middle class) thế hệ thứ nhất, có cha mẹ thuộc tầng lớp lao động với thói quen văn hóa ở mức trung bình.

 

- Tầng lớp thượng trung lưu (upper middle class) thế hệ thứ nhất, có cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu.

 

- Tầng lớp thượng trung lưu thế hệ thứ hai (hoặc hơn) đã cố gắng nhiều để ra khỏi bong bóng. 

 

- Tầng lớp thượng trung lưu thế hệ thứ hai (hoặc hơn) với thói quen văn hóa của tầng lớp thượng trung lưu.

 

Chỉ xét riêng trong mỗi nhóm trên, sự khác biệt cũng là đáng kể. Nhìn chung:

 

- Điểm số càng cao, bong bóng càng mỏng.

 

- Điểm số càng thấp, càng chứng tỏ bạn đang sống trong bong bóng đặc quyền giai cấp rất dày mà bạn đã có thể hoặc không nhận thức được.

 

Lưu ý độ chính xác của bài kiểm tra sẽ cao hơn khi bạn xem xét đến ẩn ý của từng câu hỏi.

 

Ví dụ:

 

Bạn có thể có mức lương thấp vì hiện tại bạn đang trong giai đoạn đầu mở công ty riêng, không phải vì bạn thuộc tầng lớp lao động nghèo.

 

Bạn có thể không có một số thói quen, sở thích phổ biến đối với một tầng lớp chỉ vì bạn vô tình không thích chúng - không phải vì bạn không có các thói quen, sở thích tương tự, hay bạn không thuộc tầng lớp đó.

 

v.v.

 

25 câu hỏi trong bài kiểm tra hoàn toàn mang tính Mỹ, nhưng có lẽ chúng ta vẫn nắm bắt được tinh thần chung của chúng.

 

 

Địa vị xã hội và những kẻ hợm hĩnh

 

Theo từ điển Cambridge, “snob” là người đánh giá tầm quan trọng của mọi người chủ yếu dựa trên địa vị hoặc của cải, và tin rằng vị trí xã hội cao hay sự giàu có khiến một người trở nên tốt đẹp hơn người khác. [8]

 

Theo từ điển Oxford, “snob” là người có sự tôn trọng thái quá đối với vị trí xã hội cao hoặc sự giàu có và coi thường những người bị coi là thấp kém trong xã hội. [9]

 

Kẻ hợm hĩnh hay kẻ hợm mình có thể nằm trong hoặc nằm ngoài nhóm người mà họ thể hiện sự coi trọng.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, tuy thường xuyên, nhưng không phải lúc nào nhóm người nắm giữ địa vị cao cũng sở hữu của cải dồi dào. Qua đó có thể thấy, sự ngưỡng mộ của những kẻ hợm hĩnh không cụ thể dành cho người giàu, mà được luân phiên đặt vào những nhóm người nổi bật và có nhiều sức ảnh hưởng trong xã hội.

 

Giáo sư Steven Blader (Đại học New York) và Giáo sư Ya-Ru Chen (Đại học Cornell) viết trên Journal of Personality and Social Psychology (tạm dịch: Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội) rằng: 

 

“Địa vị là uy tín, sự tôn trọng và quý mến mà một người có được trong mắt người khác […], là chỉ số đánh giá giá trị xã hội mà người khác gán cho một cá nhân hoặc một nhóm người. Địa vị bắt nguồn từ bên ngoài và từ sự đánh giá của người khác thông qua quá trình trao địa vị.

 

[...] Quyền lực được định nghĩa tốt nhất là sự kiểm soát những nguồn lực quan trọng - đồng nghĩa với kiểm soát đầu ra.” [10]

 

Khi chúng ta có quyền lực nhưng không có địa vị, ta vẫn có thể thực thi uy quyền hoặc kiểm soát người khác. Khi chúng ta không có quyền lực, chính địa vị là thứ giúp ta được lắng nghe.

 

Với những kẻ hợm hĩnh, giá trị họ đề cao không hoàn toàn nằm ở tiền bạc hay tri thức, lòng tốt hay nghệ thuật, mà nằm ở địa vị và quyền lực — dù chúng thuộc về tăng lữ, vua quan, binh lính, thi sĩ - văn nhân, nông dân - công nhân, người nổi tiếng trong giới giải trí, thương gia, chính trị gia, hay bậc trí giả, v.v. Trên thực tế, khi sự phân bố quyền lực, địa vị bắt đầu dịch chuyển, đối tượng mà lòng ham muốn của họ hướng đến cũng dần chuyển dịch.

 

Bởi vậy, sự ủng hộ lâu bền của nhóm người này dành cho một giá trị nào đó nằm ngoài địa vị và quyền lực là rất mong manh.

 

Giả định trong một xã hội đề cao tri thức, một nền tinh anh trị: dù bề ngoài giống nhau, vẫn có sự khác biệt lớn về bản chất giữa những kẻ hợm hĩnh với những người thực sự tin vào và theo đuổi (hoặc ủng hộ những người theo đuổi) giá trị cốt lõi của tri thức.

 

Giả định trong một xã hội mà tri thức bị rẻ rúng và bị tước đoạt mọi quyền lực, khả năng cao là tri thức và những người đại diện cho tri thức cũng sẽ bị chính những kẻ hợm hĩnh quay lưng.

 

 

Nguyên nhân của lòng ham muốn địa vị 

 

có thể bắt nguồn từ rất sớm.

 

Khi mới được sinh ra, và khi còn là một đứa trẻ, chúng ta gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người nuôi dưỡng. Nhận được sự chú ý và yêu thương của người nuôi dưỡng cũng có nghĩa chúng ta nhận được đồ ăn, thức uống, sự âu yếm, và sự bảo vệ. 

 

Các nhu cầu của chúng ta được đáp ứng vô điều kiện, cho đến khi chúng ta rời khỏi vòng tay gia đình và bước vào xã hội.

 

Với hầu hết mọi người, rất khó để gạt bỏ cảm giác tổn thương khi những lời ta nói ra bị xem nhẹ, khi sự xuất hiện của ta không được ai dòm ngó. Do đó, chúng ta luôn bị thôi thúc không ngừng tìm kiếm sự công nhận của các thành viên khác trong xã hội.

 

William James viết trong “The Principles of Psychology” (tạm dịch: Những quy tắc tâm lý học) xuất bản lần đầu năm 1890:

 

“Bản ngã xã hội của một người là sự công nhận mà họ có được từ bạn bè mình. […] Không sự trừng phạt nào độc ác hơn […] việc một người […] bị mọi thành viên của xã hội đó tuyệt đối ngó lơ. Nếu không ai quay lại khi chúng ta bước vào, đáp lại khi chúng ta nói, hoặc để tâm khi chúng ta làm; nếu mọi người chúng ta gặp đều phũ phàng phớt lờ chúng ta, và hành xử như thể ta không tồn tại, thì cơn thịnh nộ và nỗi bất lực tuyệt vọng đã sớm dấy lên trong ta, khiến những hành hạ thể xác tàn bạo nhất cũng trở thành điều khuây khỏa; vì sự hành hạ ấy dù tồi tệ đến đâu cũng không đến nỗi khiến ta cảm thấy mình không xứng đáng nhận được chút chú ý nào.” [11]

 

Để được chú ý và yêu thương, để nhận được sự bao dung và tôn trọng từ xã hội, chúng ta cần có địa vị cao. [12] Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ cần tỏ vẻ dễ thương để được quan tâm như khi còn thơ bé, vậy nên chúng ta phải tìm cách khác: chúng ta tham khảo điều đó ở những người mà trong thời đại của chúng ta có sức ảnh hưởng lớn, những người thâu tóm quyền lực.

 

Trong “The Theory of Moral Sentiments” (tạm dịch: Lý thuyết về cảm nhận đạo đức) xuất bản lần đầu năm 1759, tác giả Adam Smith viết:

 

“Kẻ nghèo ra ngoài và bước đến mà chẳng ai chú ý, và khi ở giữa đám đông, người này vẫn cảm nhận được sự vô danh ấy như thể bị giam cầm trong chính ngôi nhà nhỏ tồi tàn của họ. Ngược lại, một người có địa vị và danh hiệu được cả thế giới để ý đến. Ai cũng háo hức nhìn người này. […] Hiếm một lời nói, một cử chỉ nào của họ bị người khác bỏ qua.” [13]

 

Biểu hiện dễ thấy của sự phân tầng giai cấp từng hầu hết xoay quanh tiền bạc, phương tiện đi lại, thực phẩm, thời trang, nhà cửa, v.v. nhưng ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

 

Nguyên nhân được cho là nhờ sự ra đời của hàng loạt phát minh kỹ thuật - công nghệ và sự phát triển vượt bậc của khoa học - kinh tế trong vài thế kỷ gần đây, điều này khiến nhiều thành phần xã hội cùng có khả năng tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng vật chất, từ đó thu hẹp những khác biệt đáng kể về lối sống. 

 

“Ngày càng tiến tới việc người giàu và người nghèo cùng đọc những cuốn sách, cùng xem những bộ phim, và cùng nghe những chương trình phát thanh. Sự khác biệt trong cách sống của họ đã được giảm bớt nhờ việc sản xuất đại trà quần áo giá rẻ và sự nâng cấp về nhà ở.” [14]

 

Điều này góp phần làm tăng thêm khát khao của chúng ta trong việc tìm kiếm các điểm tham chiếu thay thế nhằm củng cố cảm giác tự hào về thành tựu, địa vị, đồng thời thỏa mãn nhu cầu khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa về sự tồn tại của chính mình trong cuộc sống.

 

Mức độ ham muốn củng cố cảm giác tự hào này ở mỗi cá nhân là khác nhau, phụ thuộc vào những giá trị mà người đó cho là quan trọng và ý nghĩa đối với sự tồn tại của họ, cũng như khả năng tự ý thức và tự công nhận những giá trị ấy.

 

                                                         ***

 

Không phải lòng ham muốn địa vị xã hội nào cũng trở nên quá độ.

 

Gia đình vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh khi chúng ta lớn lên. Sự quan tâm và tình yêu vô điều kiện mà ta muốn nhận từ họ, nếu như chưa từng có - trừ khi xảy ra phép màu - khả năng cao cũng không đột ngột xuất hiện khi ta trưởng thành. Với những cá nhân kém may mắn này, lòng ham muốn được chú ý và yêu thương càng trở nên mạnh mẽ.

 

Nỗi bất hạnh cũng xảy ra khi một người quá nhạy cảm với việc bị từ chối, không có các mối quan hệ tình cảm bạn bè lành mạnh, dễ cảm thấy bất an, kỳ vọng cao vào cuộc sống, hoặc sở hữu phẩm chất khác biệt so với môi trường xung quanh dẫn đến sự bị ruồng bỏ hay cảm giác lạc lõng, v.v. Khi ấy, lòng ham muốn được tôn trọng, yêu thương, và ghi nhận bởi xã hội rất dễ trở nên quá độ.

 

                                                     ***

Không phải lòng ham muốn địa vị xã hội quá độ nào cũng khiến một người trở nên hợm hĩnh.

 

Một cách vô thức, để bù đắp cho nỗi bất an đeo bám từ thuở nhỏ, sự quan sát, tôn sùng, và bắt chước những người có địa vị cao rất tự nhiên xảy ra, đi kèm với kỳ vọng được ghi nhận bởi nhóm người này và toàn bộ xã hội. 

 

Trong quá trình đó, nếu không (hoặc không thể) đánh giá đúng mức các yếu tố ngoại cảnh trắc trở hay thuận lợi cấu thành nên địa vị của mỗi cá nhân và nhóm người trong xã hội, thì khi ấy, sự thiếu hụt trí huệ và lòng trắc ẩn sẽ là chất xúc tác cho thói hợm hĩnh nảy mầm.

 

                                                      ***

 

Có lẽ không ai muốn mình trở thành kẻ hợm hĩnh đáng ghét cả, tôi cũng vậy.

 

Nhưng chúng ta rất dễ có thể trở thành, hoặc đã là mà không nhận thức được.

Bởi một phần nào đó trong mỗi chúng ta đều mong manh, nhạy cảm, và thiếu thốn tình yêu.

 

 

Giải pháp làm giảm lòng ham muốn

 

Nỗi bất an xã hội xuất phát từ cảm giác thiếu thốn tình yêu gia đình - theo quan niệm chung của nhiều nền văn hóa - có thể phần nào được khỏa lấp bởi tình yêu đôi lứa hoặc/và tình yêu nghệ thuật.

 

Tạm bỏ qua yếu tố thứ nhất, trong khuôn khổ bài viết chúng ta xem xét đến yếu tố thứ hai.

Tất cả con người đều bình đẳng trước nghệ thuật - nếu đó là thứ nghệ thuật đích thực, được tạo tác bởi thiên nhiên hoặc những nghệ sĩ chân chính, mà không bị bóp méo hay pha tạp bởi ý định hợm hĩnh của con người.

 

Họa sĩ tỷ đô Pablo Picasso được cho là đã từng phát biểu:

 

“Các bạn biết đấy, ngày hôm nay tôi vừa nổi tiếng lại vừa giàu có. Nhưng khi ở một mình, tôi không có đủ can đảm coi mình là một nghệ sĩ theo ý nghĩa cổ xưa của từ này. Họa sĩ vĩ đại là những người như Giotto, Titian, Rembrandt, Goya. Tôi chỉ là một kẻ mua vui công cộng hiểu được thời đại của mình và đã trục lợi được nhiều nhất có thể từ sự ngu độn, tính háo danh, và lòng tham của những người đương thời. Lời thú nhận cay đắng của tôi đây thực ra còn đau đớn hơn vẻ bề ngoài, nhưng giá trị của nó là sự chân thành.” [15]

 

Picasso cũng nhận định: “Chúa chỉ là một nghệ sĩ khác. Ông đã sáng tạo ra voi, hươu cao cổ và mèo.” [16]

 

 

Không cần đến tiền bạc hay quyền lực, ngay lúc này, chúng ta đã có thể học được từ các nhà thơ cổ điển haiku cách cảm nhận vẻ đẹp của thế giới quanh mình:

 

Ao cũ tĩnh lặng
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.
(Matsuo Bashō)  

                          

Ánh sáng một ngọn nến
được truyền sang ngọn nến khác —
xuân chạng vạng.
(Yosa Buson)

 

Thế giới của sương này
là thế giới của sương.
Và còn… và còn… (*)
(Kobayashi Issa)

 

Tôi viết, xóa, viết lại
Lại xóa, và rồi
Một bông anh túc nở.
(Katsushika Hokusai)

 

(*) Bài thơ mang âm hưởng Phật giáo, được viết một tháng sau khi con gái của tác giả qua đời.

 

Bất kể xuất thân hay địa vị, con người bình đẳng trước cái đẹp, và có quyền mưu cầu cái đẹp.

 

Con người tiếp xúc với cái đẹp cũng là để được bồi đắp lòng tự tôn và nuôi dưỡng tình yêu dành cho bản thân, để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tự giữ gìn phẩm giá, để cảm thấy an tâm về địa vị chính đáng của mình trong cuộc đời với tư cách một con người.

 

Lưu ý rằng tôi không ca ngợi những thứ mộc mạc trước mắt với ý định triệt tiêu ham muốn phấn đấu của mỗi cá nhân hướng đến địa vị xã hội cao hơn mà người đó xứng đáng, hay phủ nhận hiệu quả tích cực của quyền lực trong việc gây ảnh hưởng lên xã hội nhằm đạt được những mục tiêu nhân đạo hay có tính thiện.

 

Tôi chỉ mong mỗi người trong hiện tại có thể bình tâm làm tốt công việc sở trường của mình trong khi giữ vững các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, không hoàn toàn phụ thuộc hay mù quáng chạy theo sự công nhận của người khác và các nấc thang quyền lực luôn tuần hoàn thay đổi.

 

Miễn chúng ta còn trân trọng những vẻ đẹp giản dị nhưng hướng thượng như âm thanh ếch nhảy xuống ao, hay biết ngắm nhìn và suy tưởng trước khung cảnh mặt trời lặn - thì (hy vọng rằng) dù ở thời đại nào, những kẻ hợm hĩnh thiếu thốn tình yêu nhất cũng không nỡ vung tay phá bỏ bất cứ thứ gì đại diện cho cái hay, cái đẹp, không ngây ngô phớt lờ khó khăn của đồng loại mà vun vén xây nên những tòa lâu đài địa vị riêng mình.

 

----------------

Chú thích

 

1. Coming Apart: The State of White America, 1960-2010: Murray, Charles: 9780307453433: Amazon.com: Books. (n.d.). https://www.amazon.com/Coming-Apart-State-America-1960-2010/dp/030745343X#:~:text=Book%20details&text=In%20Coming%20Apart%2C%20Charles%20Murray,lines%20of%20race%20or%20ethnicity

 

2. Charles Murray’s Bubble Quiz. (n.d.). American Enterprise Institute (AEI). https://www.aei.org/murray-bubble-quiz/

 

3. The Assistant Secretary for Planning and Evaluation (ASPE). (n.d.). 2022 U.S. Federal Poverty Guidelines: 48 Contiguous States (all states except Alaska and Hawaii). Health and Human Services (HHS). https://aspe.hhs.gov/sites/default/files/documents/4b515876c4674466423975826ac57583/Guidelines-2022.pdf

 

4. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 – 2025. (n.d.). http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=230023

 

5. Vietnamese Dong (VND) To US Dollar (USD) Exchange Rate History for 2022. (n.d.). https://www.exchange-rates.org/exchange-rate-history/vnd-usd-2022

 

6. World Bank Open Data. (n.d.). World Bank Open Data. https://data.worldbank.org/indicator/FP.CPI.TOTL.ZG?locations=VN

 

7. Chuẩn nghèo Việt Nam qua các giai đoạn. (n.d.). Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hậu Giang. https://haugiang.gov.vn/documents/20124/1798299/Phụ+lục+3.+Chuẩn+nghèo+VN+qua+các+giai+đoạn.doc/958f2641-aaba-f7b4-a44c-a81061192968?t=1593498970792

 

8. snob. (2023). https://dictionary.cambridge.org/us/dictionary/english/snob

 

9. Concise Oxford English Dictionary. (n.d.). Google Books. https://books.google.com/books?id=sYScAQAAQBAJ&pg=PA1367&lpg=PA1367&dq=snob+origin&source=bl&ots=nYiBPnJT33&sig=ACfU3U1jF44LKaq64UwPkneZm3hFItYSnw&hl=en&sa=X&ved=2ahUKEwj9-syL4qSAAxXKJEQIHRGeCL44ChDoAXoECAIQAw#v=onepage&q=snob%20origin&f=false

 

10. Journal of Personality and Social Psychology. (n.d.). APA. https://www.apa.org/pubs/journals/psp/index

 

11. William James, The Principles of Psychology, William Benton, 1952, p. 189. 

 

12. Alain de Botton, Status Anxiety, Penguin Books, 2004, p.15-16.

 

13. Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, Henry G. Bohn, 1853, p.71-72.

 

14. George Orwell, The Lion and the Unicorn, Penguin Books, 1941, p. 67.

 

15. LIFE, Special Double Issue dedicated to Picasso, Dec 27, 1968, p. 134.

 

16. LIFE, Special Double Issue dedicated to Picasso, Dec 27, 1968, p. 128-129.

 

=====================================

 

Nhấm nháp ngụm trà bên cạnh một nhà hiền triết

Làm bạn với triết gia qua quyển sách “Alain nói về hạnh phúc”.

Luật Khoa tạp chí    -    Y Chan

 

.

 

“Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?”: Lấp đầy tâm trí bằng những câu hỏi triết học

Một cuốn sách triết dành cho mọi cái đầu tìm kiếm sự khai phóng.

Luật Khoa tạp chí    -    Vệ Nữ

 

.

Tự do âm và tự do dương

Đoan Trang – Từ tháng 1 này, Luật Khoa tạp chí sẽ đăng tải một loạt bài với chủ đề “Triết học chính trị dành

Luật Khoa tạp chí   -   Đoan Trang

 





No comments: