BRICS mở rộng: “Đông vui hao” và sẽ chẳng nên “cơm
cháo” gì?
Mỹ Anh -
Saigon Nhỏ
24 tháng 8, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/brics-mo-rong-dong-vui-hao-va-se-chang-nen-com-chao-gi/
Nhằm tìm kiếm thêm ảnh hưởng
về chính trị và kinh tế trong một hệ thống toàn cầu do Hoa Kỳ và Châu Âu thống
trị, câu lạc bộ BRICS gồm các quốc gia mới nổi, vào ngày 24 Tháng Tám 2023, đã
đồng ý mở rộng với việc kết nạp thêm sáu quốc gia mới.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1636010756.jpg
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 24
Tháng Tám 2023 (ảnh: Per-Anders Pettersson/Getty Images)
Việc mở rộng được coi là
một chiến thắng đáng kể của hai thành viên hàng đầu trong nhóm – Trung Quốc và
Nga. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phải đối mặt với những cơn gió ngược kinh tế
ngày càng tăng có thể làm suy yếu nền kinh tế của chính các quốc gia mà họ
tuyên bố đang thúc đẩy lợi ích.
Tham gia cùng Trung
Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi trong câu lạc bộ BRICS
truyền thống là sáu thành viên mới: Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập,
Argentina và Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Nhìn tổng thể bộ sậu mới của
BRICS, có thể thấy rõ sự không đồng nhất và không có sự gắn kết chính trị rõ
ràng, ngoại trừ mong muốn định hình lại hệ thống quản lý và tài chính toàn cầu
hiện tại thành một hệ thống “cởi mở hơn, đa dạng hơn và ít hạn chế hơn” – và ít
phụ thuộc vào Mỹ hơn. 11 quốc gia của BRICS mới
có dân số khoảng 3.7 tỷ nhưng trong đó có năm nước theo hệ thống chính trị dân
chủ, ba “anh” độc tài, hai chế độ quân chủ chuyên chế và một chế độ thần quyền.
Ảnh hưởng tài chính của “tân BRICS” cũng tương
đối nhỏ, ngoại trừ Trung Quốc, dù việc bổ sung Saudi Arabia và Tiểu vương quốc
Arab Thống nhất được kỳ vọng mang lại nhiều sức mạnh tài chính hơn, đặc biệt
khi BRICS cố gắng tăng quy mô và ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng riêng nhằm có
thể lật đổ đồng đôla Mỹ.
Một cách thận trọng, giới quan sát sẽ theo dõi
xem liệu những thay đổi được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh BRICS (tổ chức
ngày 22 đến 24 Tháng Tám tại Johannesburg, Nam Phi) có tác động và tạo ra những
ảnh hưởng mà các nước đang mong đợi hay không. Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh
tế của Goldman Sachs, người đặt ra thuật ngữ BRIC (viết tắt từ Brazil,
Russia, India, China, và South Africa) vào năm 2001, cho biết dữ liệu
lịch sử cho thấy BRICS cho đến nay vẫn chỉ là một tụ “đông vui hao”, rằng các
cuộc họp thượng đỉnh BRICS “đều mang tính biểu tượng”.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1635683400.jpg
Tập Cận Bình đến Johannesburg giữa ngổn ngang khó khăn chưa giải quyết được
trong nước (ảnh: Per-Anders Pettersson/Getty Images)
Những phát biểu hùng hồn hay ho phát ra từ
Johannesburg lần này, cùng với việc bổ sung thêm thành viên, vẫn không thể che
giấu những vấn đề quan trọng sờ sờ có thể đè nặng lên các thành viên BRICS thời
gian sắp tới. Trung Quốc – tay “đại bàng” lớn nhất khối BRICS – đang bước vào
giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử phát triển nước này, với nền kinh
tế trong tình trạng ảm đạm, bất động sản lớp thì đóng băng lớp thì phá sản,
chính trường lộn xộn với việc cách chức ngoại trưởng và việc bất ngờ sa thải loạt
tướng lĩnh hàng đầu.
Trong khi đó, Nga – một con đại bàng nhỏ hơn –
cũng đang te tua. Bản thân kinh tế Nga đang sụp đổ dưới sức nặng của các lệnh
trừng phạt. Một điều mỉa mai nữa là chính các thành viên BRICS đang lợi dụng thế
khó của Kremlin để… bóc lột Nga. Họ mua các sản phẩm xuất khẩu của Nga, đặc biệt
dầu, với giá rẻ mạt.
Chưa hết, dù không khí hội nghị thượng đỉnh
Johannesburg thể hiện tinh thần “anh em đoàn kết” một nhà nhưng trong thực tế,
các thành viên BRICS đã đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về việc mở rộng.
Trong khi Bắc Kinh thúc vào lưng các thành viên và liên tục nhắc rằng tất cả phải
nỗ lực tiến lên càng nhanh càng tốt và đây là thời điểm phải gắn bó để trở
thành một nền tảng thách thức sức mạnh Mỹ, một số nhà lãnh đạo lại không đồng
ý. Họ cảnh báo về sự trở lại mô hình “trật tự toàn cầu” gây chia rẽ như thời
Chiến tranh Lạnh.
Trong thực tế, ai cũng ghét Mỹ nhưng chẳng ai
muốn nghỉ chơi với Mỹ, kể cả Trung Quốc.
Manoj Kewalramani, nhà phân tích về Trung Quốc
tại Viện Takshashila của Ấn Độ, nhận định rằng, nhìn chung, BRICS “đang đi theo
một con đường chưa được khám phá, với các tay chơi mới mà mỗi anh đều có mối
quan tâm khác nhau”; và điều này khiến “tôi dám nói là hoạt động của họ sẽ trở
nên kém hiệu quả hơn.” Dĩ nhiên những “người trong cuộc” chẳng bao giờ đồng ý
như vậy. Họ lạc quan tin vào mô hình của họ. Anil Sooklal, đại diện của Nam Phi
trong các cuộc đàm phán BRICS, cho rằng cấu trúc toàn cầu của các thể chế do
phương Tây thống trị cần phải thay đổi theo thời đại.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1619121166.jpg
Người dân Nam Phi biểu tình chống BRICS. Chọn phe cho đúng nhưng phe đúng
là phe nào? (ảnh: Fani Mahuntsi/Gallo Images via Getty Images)
Điều tréo ngoe nhất là Iran lại xuất hiện cùng
kẻ thù truyền kiếp Saudi Arabia trong mô hình “tân” BRICS. Trong khi Tehran
cung cấp “hàng nóng” cho quân xâm lược Nga tại Ukraine thì Riyadh với Hoa Kỳ vốn
là đồng minh sát sườn. Hiện Saudi Arabia vẫn nhập phần lớn vũ khí từ Mỹ và các
nhà phân tích nói rằng nước này sẽ không sớm từ bỏ sự bảo trợ về mặt an ninh của
Hoa Kỳ. Dù vậy, giới chức Saudi Arabia ngày càng không tin tưởng Washington. Họ
hoài nghi thực tâm cam kết với Trung Đông của Mỹ và đó là lý do Saudi Arabia bắt
đầu đàm phán nối lại quan hệ hợp tác với Tehran tại Bắc Kinh vào đầu năm nay.
Trong tương lai, BRICS vẫn mong muốn mở rộng
hơn nữa. Giới chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến
việc gia nhập BRICS và 22 quốc gia đã chính thức yêu cầu được kết nạp. Tuy
nhiên, như đã nói, đông không có nghĩa là mạnh, có khi đông lại trở thành một
nhóm hỗn tạp.
Như đã nói, dù chiếm khoảng 40% dân số thế giới
và 1/4 GDP toàn cầu, việc 5 thành viên “gốc” của BRIC không đạt được tầm nhìn
nhất quán từ lâu đã khiến họ không còn đủ sức nặng với tư cách là một chủ thể
kinh tế và chính trị toàn cầu. Washington dường như không “care” BRICS có bành
trướng thêm hay không.
Ngày 22 Tháng Tám 2023, Cố vấn an ninh quốc
gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói rằng, do quan điểm khác nhau của các nước
BRICS về các vấn đề quan trọng, khối này sẽ không thể trở thành đối thủ địa
chính trị đáng sợ của Hoa Kỳ. Nội việc Ấn Độ (thành viên quan trọng trong lịch
sử BRICS) nghiêng nhiều sang Mỹ đã cho thấy “nội lực chính trị” của BRICS lủng
củng như thế nào, dù Bắc Kinh liên tục dày công vun đắp đê bao thành lũy chống
Mỹ. Và việc Putin không dám đến Johannesburg lần này vì sợ bị bắt bởi lệnh truy
nã quốc tế của International Criminal Court cũng cho thấy thế đứng chính trị của
BRICS trên võ đài thế giới.
No comments:
Post a Comment