Wednesday, May 24, 2023

VIỆT NAM TRONG CÁC SỰ KIỆN NGOẠI GIAO DỒN DẬP CỦA NGA - TRUNG - NHẬT (RFA)

 



Việt Nam trong các sự kiện ngoại giao cấp tập của Nga-Trung- Nhật

RFA

2023.05.23

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-in-diplomatic-activities-of-russia-china-japan-05232023143636.html

 

Tuần qua, trên thế giới diễn ra nhiều sự kiện ngoại giao liên quan đến an ninh quốc gia và kinh tế của Việt Nam. Từ 19 đến 21 tháng 5, Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước G7 ở Hiroshima. Nước này mời Việt Nam, với đại diện là Thủ tướng Phạm Minh Chính, là một trong những thành viên khách mời. Cùng lúc G7 họp thượng đỉnh ở Nhật, Trung Quốc họp thượng đỉnh với 5 quốc gia vùng Trung Á là Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, và Kazakhstan. 

 

Cũng trong những ngày qua, các nhà quan sát thảo luận nhiều về chuyến thăm của ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đến Hà Nội vào ngày 21/5. Cùng thời điểm đó, tại Hiroshima, Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7. 

 

Vào ngày 23/5/2023, Bloomberg News cập nhật thông tin Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thăm Trung Quốc trong hai ngày 23-24 tháng 5, 2023. Như vậy, chuyến thăm này của Thủ tướng Nga đến Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đến Việt Nam chỉ một ngày. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-in-diplomatic-activities-of-russia-china-japan-05232023143636.html/@@images/ad7f2d7d-3b0e-45a1-baf6-a4968f16b21e.png

Tàu khảo sát Nga "Viện sĩ Oparin" hôm 23/5/2023 ở gần đảo Phú Quý, trong khu vực bể Cửu Long, một khu vực thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam.    Marine Traffic / RFA

 

Như RFA đã đưa tin, Trung Quốc tung tàu khảo sát Xiang Yang Hong-10 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 7/5/2023 đến nay. Trong khu vực tàu khảo sát của Trung Quốc cố gắng xâm nhập, có cả khu vực Việt Nam và Nga đang hợp tác thăm dò khai thác dầu khí.

 

Hôm 17/5/2023, Nga đã điều tàu tàu nghiên cứu khoa học mang tên "Viện sĩ Oparin" cập cảng Nha Trang. Theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận được, con tàu này đã di chuyển dọc theo bờ biển Việt Nam tiến về phía nam, theo hướng vùng thăm dò khai thác dầu khí Cửu Long và Nam Côn Sơn. 

 

Hãng Sputnik đưa tin Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi hội đàm với ông Medvedev hôm  22/5: “Ngoài chuyến thăm của Ngài, chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của lãnh đạo nước Nga." Như vậy có khả năng ông Putin sắp sang thăm Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu làm việc tại ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore chia sẻ góc nhìn với RFA: 

 

“Hội nghị của Trung Quốc với các nước Trung Á diễn ra gần như đồng thời với Hội nghị G7. Tại Trung Á, từ thập niên 1990s có hai tổ chức của Nga và Trung Quốc gây ảnh hưởng ở hai lĩnh vực khác nhau: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc sáng lập vốn chỉ tập trung chủ yếu vào hợp tác kinh tế, và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu thì tập trung vào vấn đề an ninh. Nhưng trong hội nghị tại Tây An diễn ra đồng thời với hội nghị G7 lần này, Trung Quốc đề nghị mở rộng hoạt động sang lĩnh vực an ninh cho Trung Á, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế. Có thể phán đoán là Trung Quốc đang muốn tận dụng sự sa sút của Nga do vướng vào cuộc chiến ở Ukraine để tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á hơn. 

 

Tuy vậy, tôi không nghĩ là Nga - Trung chia nhau ảnh hưởng ở Trung Á. Ở đây, Nga có lợi thế truyền thống và các chính quyền chuyên chế trong vùng vốn thân Nga hơn, mặc dù từ sau 2021 thì có vẻ thay đổi, đặc biệt là sau chính biến ở Kazakhstan.” 

 

Giáo sư Zhiqun Zhu (Chu Chí Quần) ở Đại học Bucknell, Mỹ, nói trên AFP rằng hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima tập trung vào chiến lược đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trên thế giới, còn hội nghị thượng đỉnh của Trung Quốc với các nước Trung Á là một cách để ông Tập "định vị mình là một nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu". 

 

Đối với chuyến thăm Việt Nam của ông Medvedev diễn ra trong khi Trung Quốc họp thượng đỉnh với các nước Trung Á và đưa tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang cho rằng “chuyến thăm của ông Medvedev sang Việt Nam chắc hẳn phải có lịch trình lâu rồi, nên tôi không cho đây chỉ là động thái phản ứng cho hành động của Trung Quốc hiện nay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có khả năng cao đây là chuyến thăm chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống V. Putin. Nga có thể đang muốn chứng minh là họ không bị cô lập về ngoại giao.” 

 

Về chuyến thăm của ông Medvedev sang Việt Nam, các bản tin trên truyền thông Nhà nước chỉ trình bày những nội dung hội đàm quen thuộc. RFA đặt câu hỏi với TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu làm việc tại ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore, rằng chắc hẳn chuyến thăm này của ông Dmitry Medvedev không chỉ nhằm trao đổi những vấn đề chung chung trong quan hệ hai nước như vậy mà có thể có những ý nghĩa quan trọng hơn hay không. TS. Hà Hoàng Hợp nhận xét:

 

"Ngoài những gì báo Nga và báo Việt Nam đã nêu, chắc hẳn còn các chủ đề cụ thể về các mối quan tâm an ninh mà Nga và Việt nam cùng quan tâm được bàn thảo trong các cuộc gặp của ông Medvedev ở Hà Nội. An ninh, an toàn cho các điểm khai thác dầu - khí liên doanh Nga-Việt ở biển Đông là một hàm ý."

 

Về những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, cả ở những lợi ích trước mắt lẫn lợi ích chiến lược của cả Việt Nam và Nga là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở Biển Đông trong khi Trung Quốc liên tục gây hấn, và quan hệ quốc phòng hai nước trong bối cảnh Nga bị suy yếu vì cuộc chiến Ukraine, TS Hà Hoàng Hợp cho rằng "hợp tác dầu khí Việt Nga ở biển Đông sẽ không có thay đổi, bất chấp Trung Quốc gây hấn mạnh hơn trước. Còn về quan hệ quốc phòng thì Việt Nam đã giảm mua sắm quốc phòng với Nga từ năm 2016, và từ đó đến nay không có chiều hướng tăng.”

 

Hai lĩnh vực quan trọng nhất đối với Việt Nam trong mối quan hệ với Nga là dầu khí và quốc phòng, còn đối với kinh tế, theo TS Hà Hoàng Hợp, “thương mại Việt-Nga giảm từ hơn sáu tỷ USD xuống múc xấp xỉ 4 tỷ, tức là rất nhỏ. Việt Nam đã đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí, nên càng ít phụ thuộc vào nguồn Nga. Điều chắc chắn Việt Nam và Nga vẫn duy trì ổn định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.” 

 

Do lợi ích của Việt Nam trong các mối quan hệ Việt Nga khoanh vùng chủ yếu trong hợp tác dầu khí và quân sự, và ở cả hai lĩnh vực này, Việt Nam đều đang có những bước đi quyết đoán bao gồm đa dạng hóa nguồn vũ khí ngay từ trước khi xảy ra cuộc chiến Ukraine, cho nên theo TS. Hà Hoàng Hợp, “nếu nước Nga suy yếu, Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Châu Âu và Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ rơi vào những khó khăn lớn hơn mức hiện nay, trong quan hệ với Trung Quốc."

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Việt Nam lo ngại về nhà hàng lẩu của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm

·        Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam từ cả hai phía đông và tây?

·        Tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 quay lại EEZ của Việt Nam

·        Nhìn lại 10 ngày tàu Xiang Yang Hong 10 khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

·        Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Việt Nam có thể thoát Trung và thoát cả chế độ độc tài toàn trị!

 

 

 

 










No comments: