Việt
Nam muốn dạy học sinh “tư duy phản biện” và “tư duy lịch sử” nhưng vẫn chưa khỏi
vòng kim cô
RFA
2023.05.02
Tháng 8 năm 2022, Bộ Giáo
dục và Đào tạo Việt Nam công bố "Chương trình giáo dục phổ thông môn lịch
sử". Trong chương trình này, Bộ Giáo dục xác định sẽ dạy cho học sinh các
kỹ năng "tư duy lịch sử" (historical thinking skills) và "tư duy
phản biện" (critical thinking skills.)
Tư duy lịch sử được Chương
trình khung nói trên giải thích là “nhận diện được các loại hình tư liệu
lịch sử”, “hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được tư liệu lịch sử trong
quá trình học tập”, “tái hiện và trình bày được dưới hình thức nói hoặc viết về
diễn trình của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử từ đơn giản đến phức tạp.”
Quan niệm coi việc giáo dục
lịch sử là giáo dục kĩ năng “tư duy lịch sử” là một điều mới ở Việt Nam ngày
nay; nhưng không mới ở các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Việc Bộ Giáo dục
và Đào tạo Việt Nam đưa ra yêu cầu khá chi tiết đối với việc giáo dục “tư duy lịch
sử” cho học sinh trong "Chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử"
công bố tháng 8 năm 2022 có thể được coi là một bước tiến bộ hay không? RFA
trao đổi với một số chuyên gia quốc tế về vấn đề này.
Cuộc chiến chống Trung Quốc
xâm lược năm 1979 được viết sơ sài trong Sách giáo khoa lớp 12. (Ảnh: Đại học
Quốc gia Hà Nội)
.
Vì sao “tư duy lịch
sử” lại quan trọng?
Trong một bài viết bằng
tiếng Anh gửi cho RFA để chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân đối với việc học
sử ở Hoa Kỳ thời kì trung học, Tiến sỹ Nu-Anh Tran, một Giáo sư sử học ở Đại học Connecticut, cho biết trong chương trình
Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate - IB) mà bà được học hồi nhỏ ở bang
Washington, bà và bạn học đã được thực hành tranh luận với nhau về cách diễn giải
quá khứ. Dưới đây là một trích đoạn trong bài được RFA dịch sang tiếng Việt.
“Cuộc tranh luận về lịch sử đầu
tiên mà tôi từng đọc thời trung học là một loạt bài viết về nguyên nhân của
Cách mạng Nga, và các tác giả thực sự không đồng ý với nhau. Đọc những bài báo
đó, tôi nhận ra rằng lịch sử không chỉ là về những sự thật và sự kiện về những
gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn là cách chúng ta giải thích và diễn giải những
sự kiện đó, cũng như tầm quan trọng của những sự thật đó. Các nhà sử học không
phải là tác giả sách giáo khoa thông thạo mọi thứ, mà là những nhà tư tưởng tìm
kiếm và vật lộn với bằng chứng, để đưa ra những lập luận cạnh tranh với nhau về
cách hiểu quá khứ.”
Giáo sư Olga Dror, một chuyên gia về lịch sử Việt Nam ở Đại học Texas A&M, giải
thích với RFA vì sao trên thế giới người ta lại quan niệm về giáo dục lịch sử
như vậy. Theo Giáo sư Olga, sử học không phải là một khoa học chính xác như các
môn khoa học tự nhiên hay một số môn khoa học nghiên cứu về xã hội (như kinh tế
học, xã hội học). Đó là một môn học có tính “chủ quan”. Khi nhìn về quá khứ,
chúng ta không có “quá khứ” mà chỉ có “tư liệu về quá khứ”. Chúng ta phải
nghiên cứu các tư liệu này và diễn giải chúng để tạo ra nhận thức về lịch sử.
Vì vậy, mỗi người với những tư liệu khác nhau, cách phân tích tư liệu khác
nhau, sẽ cho ra những nhận thức khác nhau về quá khứ. Chính vì lí do này, bản
thân việc “nghiên cứu tư liệu lịch sử” và “diễn giải tư liệu lịch sử”, tức là
“kĩ năng tư duy lịch sử”, trở nên vô cùng quan trọng.
.
Vẫn chưa đi ra khỏi
vòng kim cô?
Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon,
cho rằng chúng ta phải xem cách Bộ Giáo dục hay tác giả các bộ sách giáo khoa cụ
thể hóa chương trình khung này thì mới đánh giá được. Giáo sư nói:
“Việc nhấn mạnh vào các kĩ năng
tư duy này là rất tốt, là cái mới. Nếu họ thực sự làm được thì rất tốt. Nếu họ
cho phép tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện phát triển đúng theo
cách hiểu khoa học của những khái niệm này thì rất là hay. Miễn là họ đừng bóp
méo nó đi, kiểu như “tư duy phản biện” thì chỉ phê phán Mỹ chứ không được phê
phán Việt Nam, hay “phản biện” thì chỉ phản biện những quan điểm lịch sử trái với
Nhà nước thôi, chứ không phải là phản biện quan điểm Nhà nước.”
Thành ra khái niệm mà
Chương trình khung đưa ra thì hay, nhưng nội dung thực tế như thế nào, cách vận
dụng ra sao, thì còn phải xem xét thêm.
Đi vào chi tiết của
Chương trình khung nói trên, Giáo sư Vũ Tường chỉ ra rằng, ở Mục số II, “Quan
điểm xây dựng chương trình”, Chương trình Khung này đưa ra năm nội dung là
“Khoa học, hiện đại”, “hệ thống, cơ bản”, “thực hành, thực tiễn”, “dân tộc,
nhân văn”, “mở, liên thông”. Theo Giáo sư, nội dung đầu tiên của quan điểm
“Khoa học, hiện đại”, là “quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và
Nhà nước Việt Nam” thì hỏng rồi, vì một tổ chức chính trị dù lớn đến mấy
cũng không hiển nhiên đại diện cho tính “khoa học, hiện đại”, mà ngược lại, tổ
chức đó có nhiệm vụ phải cố gắng đạt được tính “khoa học, hiện đại”.
“Mục tiêu hướng dẫn cho học
sinh tự tìm hiểu, khám phá lịch sử theo nguyên tắc “khoa học lịch sử”, qua đó
phát triển “tư duy lịch sử”, “tư duy phản biện” chỉ nằm ở vị trí thứ 3. Vì nằm ở
vị trí thứ yếu, nó phải được hiểu là phát triển tư duy lịch sử sao cho quán triệt
quan điểm của Đảng. Ví dụ, hướng dẫn cho học sinh tự tìm hiểu, khám phá lịch sử
thì có thể hiểu là đi thăm quê hương cụ Trần Phú, viếng mộ mẹ Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Mục “thực hành, thực tiễn” nói đến một số kĩ thuật giáo dục mới, như thay
vì học tại lớp thì học tại thực địa, như tại các bảo tàng, di sản. Nhưng ở Việt
Nam, hệ thống các bảo tàng, di sản được được thiết kế cẩn thận thành một mạng
lưới phục vụ nhu cầu chính trị của Đảng cầm quyền, trong khi đó nội dung thực tế
của sự thật lịch sử cần khám phá thì rộng lớn hơn thế rất nhiều. Các nội dung về
tính “dân tộc, nhân văn” thì tôi nghĩ sẽ không có gì mới so với cách dạy cũ, vì
khái niệm “dân tộc, nhân văn” ở Việt Nam cũng được chính trị hóa, kiểu như yêu
nước là yêu chủ nghĩa xã hội chẳng hạn.”
Ở phần III, Mục tiêu
Chương trình, chương trình khung này có đặt ra yêu cầu giúp học sinh “nhận
diện các loại hình tư liệu lịch sử”. Giáo sư Vũ Tường cho rằng điều này rất
hay, nhưng chúng ta phải xem tư liệu lịch sử nào là tư liệu học sinh trong thực
tế được phép tiếp cận và phân tích, thảo luận cởi mở, tư liệu nào bị cấm, coi
như không tồn tại.
“Về mục tiêu dạy cho học sinh
kĩ năng phân tích các quá trình lịch sử thì lâu nay lịch sử chính thống vẫn
dùng cách “cưỡng ép lịch sử,” tức là loại trừ tư liệu này, nhấn mạnh tư liệu
kia. Chúng ta phải xem cách nhà giáo dạy học sinh cách đánh giá tư liệu nữa.
Trong mỗi giai đoạn, sự kiện, nhân vật, có tư liệu thứ yếu và tư liệu chủ yếu.
Tất cả đều phải được xem xét chứ không phải loại trừ những tư liệu quan trọng,
coi như chúng không tồn tại, trong khi đó lại nhấn mạnh những tư liệu thứ yếu.
Nói chung có nhiều vấn đề phải xem xét ở đây.”
.
Tư duy lịch sử đa
chiều và đa nguyên
Theo Giáo sư Vũ Tường, ở
đây vấn đề cốt lõi không chỉ là giáo dục “tư duy lịch sử” cho học sinh mà
là “tư duy lịch sử đa chiều và đa nguyên”. Ông giải thích,
trong chính trị, đại khái, chủ nghĩa đa nguyên chủ trương là tất cả các bên,
các thành phần chính trị xã hội khác nhau đều được tham gia vào quá trình thảo
luận của Nhà nước để ra một quyết định nào đó. Không có nhóm nào bị loại bỏ, dù
họ nhỏ bé đến mấy đi nữa. Người ra đặt ra yêu cầu như vậy vì thực tế chính trị
xã hội rất đa dạng, chứ không ở đâu và khi nào lại có một lực lượng duy nhất là
có ý nghĩa, còn các nhóm khác “đáng” bị loại bỏ cả. Các quá trình lịch sử trong
quá khứ cũng tương tự như vậy. Có rất nhiều biến số, nhiều lực lượng, nhiều
nhóm hiện diện trong mỗi giai đoạn lịch sử, với những động lực khác nhau. Trong
quá khứ, họ có thể hợp tác hay va chạm với nhau tùy thời điểm, và những gì họ để
lại đều là tư liệu lịch sử. Do đó thường thì có nhiều tư liệu lịch sử của nhiều
bên khác nhau cùng liên quan đến một sự kiện lịch sử, một quá trình lịch sử. “Tư
duy lịch sử đa chiều” là chúng ta khảo sát và phân tích tư liệu của tất
cả các chiều, chứ không sử dụng một nguồn tư liệu duy nhất và loại bỏ các nguồn
tư liệu đến từ các chiều nhìn, góc nhìn khác. Độc tôn một nguồn tư liệu thì chỉ
tạo ra một bức tranh lịch sử phiến diện. “Tư duy lịch sử đa chiều và đa
nguyên” do đó rất cần thiết để hiểu một quá trình lịch sử nào đó trong
quá khứ một cách toàn diện và đúng đắn.
Chính vì sự đa dạng này của
đời sống chính trị xã hội, mỗi nhóm xã hội sẽ có một nguồn tư liệu lịch sử khác
nhau, do đó nhìn lịch sử cũng khác nhau. Giáo sư Vũ Tường lấy ví dụ, cùng một sự
kiện, một quá trình lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn lịch sử theo kiểu này,
nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhìn lịch sử theo kiểu khác. Người Việt trong nước
nhìn thế này, người Việt hải ngoại nhìn thế khác. Cùng là nhìn lại một cuộc chiến,
nam giới có thể nhìn lịch sử kiểu này, phụ nữ có thể nhìn kiểu khác, những “anh
hùng” của cuộc chiến đó có thể nhìn lại theo kiểu này, còn những người dân có số
phận nhỏ bé, bình thường thì nhìn kiểu khác.
Cái nhìn lịch sử đa chiều,
đa nguyên là sử dụng, tham chiếu, khảo sát tất cả các góc nhìn đó cũng như những
tư liệu lịch sử mà tất cả các bên lưu giữ.
Trong Chương trình khung
nói trên của Bộ Giáo dục, Giáo sư Vũ Tường chỉ ra là Bộ Giáo dục nói là sẽ dạy
học sinh kĩ năng tái hiện các sự kiện, quá trình lịch sử từ đơn giản đến phức tạp.
Ta có thể lấy ví dụ như một vụ nổ bom (sự kiện đơn giản), hay sự ra đời của một
nhà nước hay cả cuộc chiến tranh Lạnh (quá trình lịch sử phức tạp). Họ không
nói đến tính đa chiều, đa nguyên của tư duy lịch sử. Thành ra những gì Chương
trình khung nói là đúng, nhưng không đầy đủ. Cái thiếu sót là một tư duy lịch sử
“đa chiều” chấp nhận sự đối thoại sử học dựa trên các tư liệu lịch sử “chính thống”
hay “phi chính thống”. Tư liệu lịch sử chính thống là tư liệu cho các nhà nước
sưu tập, lưu giữ, công bố. Nhà nước nào, thời nào, ở đâu cũng có những bộ tư liệu
chính thống như vậy. Ví dụ thời phong kiến, “Đại Việt Sử kí Toàn thư” là tư liệu
chính thống, còn “Lĩnh Nam chích quái” là phi chính thống. Còn đối với lịch sử
thế kỉ 20 ở Việt Nam, ví dụ, các bộ Văn kiện Đảng là tư liệu chính thống, còn lời
kể của những số phận nhỏ bé đã phải kinh qua chiến tranh là tư liệu phi chính
thống.
Quan điểm lịch sử hiện đại
là chấp nhận những nguồn tư liệu phi chính thống, tư liệu của những người không
thuộc tầng lớp tinh hoa, những người không có điều kiện và phương tiện để cất
lên tiếng nói của họ.
Tư duy lịch sử đa chiều
không đánh giá về giá trị của tư liệu lịch sử bằng cách dựa vào “vị thế” chính
thống hay phi chính thống của nó, vì “vị thế” này sẽ thay đổi theo thời đại chứ
không tồn tại vĩnh viễn, mà là khảo sát tính xác thực của nó, giá trị của nó
trong việc tìm hiểu quá khứ.
Dựa trên những bằng chứng
khác nhau mà mỗi bên đưa ra, và thừa nhận rằng quan điểm của mỗi bên, dựa trên
tư liệu của mỗi bên, chỉ là một phần của bức tranh lịch sử và cần bổ sung cho
nhau. Các bên khác nhau liên quan đến một quá trình lịch sử nào đó có những vị
trí, thế đứng, tư liệu khác nhau. Những điều này cần bổ sung được cho nhau để
có được cái nhìn đầy đủ về lịch sử.
GS Vũ Tường lấy ví dụ thời
Trần, có “Đại Việt Sử kí Toàn thư” của Việt Nam, có “Nguyên sử” của nhà Nguyên,
có “An Nam chí lược” của Trần Ích Tắc… Mỗi nguồn tư liệu đều đến từ các lực lượng
chính trị khác nhau, có góc nhìn khác nhau. Hoặc đối với chiến tranh Việt Nam
thế kỉ 20, tư liệu lịch sử đến từ “Oral History”, tức là “Lịch sử nói”, ghi lại
cuộc đời, số phận của những con người “nhỏ bé” sẽ cung cấp cho người nghiên cứu
sử một phần khác của lịch sử, bổ sung cho bức tranh lịch sử của những nhân vật
lịch sử “lớn”. Đối với chiến tranh Việt Nam, trước đây giới sử gia quốc tế hầu
như chỉ quan tâm đến tư liệu từ phía Bắc Việt.
Nhưng sau khi chiến tranh
Lạnh kết thúc, người ta thoát khỏi sự chi phối của tinh thần chiến tranh Lạnh,
người ta bắt đầu nghiên cứu về hệ thống tư liệu do phía Việt Nam Cộng Hòa để lại.
Và từ những tư liệu này, một phần khác của bức tranh lịch sử, bao gồm lịch sử
kinh tế, lịch sử chính trị, lịch sử văn hóa, giáo dục, báo chí, tinh thần… được
tái hiện để soi chiếu với bức tranh trước đây, vốn chỉ tập trung vào lịch sử
quân sự. Các góc nhìn khác nhau này sẽ giúp nhận thức lịch sử toàn diện hơn.
Nhưng vấn đề là phải học các kĩ năng tư duy lịch sử để phân tích được các tư liệu
đó, và học được tinh thần chấp nhận các tư liệu lịch sử phi chính thống, có thể
đem đến những ánh sáng mới, khác với cách nhìn chính thống, thậm chí xung đột với
cách nhìn chính thống. Do đó, Giáo sư Vũ Tường cho rằng:
“Ở bất kì thời nào, phía chính
thống luôn có nhiều nguồn lực và phương tiện để xây dựng hệ thống tư liệu và
quan điểm lịch sử chính thống một cách hệ thống. Phản biện hệ thống quan điểm
này không dễ. Giáo dục tư duy lịch sử phải chấp nhận khả năng sinh viên hay học
sinh tìm ra các tư liệu có khả năng đối thoại với hệ thống đó. Đó là những gì
diễn ra trong lịch sử giáo dục hiện đại trên thế giới. Thậm chí ở các nền giáo
dục tiên tiến ngày nay, người ta làm điều đó dễ hơn nữa vì thực ra họ không đặt
ra một quan điểm chính thống về lịch sử.”
Triết lý giảng dạy và
phương pháp giảng dạy lịch sử như trên tác động rất lớn đến sự hứng thú học tập
lịch sử của học sinh. Ở Việt Nam, nhiều năm nay, người ta lên tiếng báo động về
việc học sinh không thích học sử. Giáo sư Olga Dror chia sẻ với RFA rằng việc học
sinh sinh viên không thích theo đuổi môn sử là khá phổ biến trên thế giới, bởi
một trong những lí do chủ yếu là môn sử khó giúp cho người học dễ dàng tìm kiếm
việc làm trong tương lai như các ngành học khác. Nước Mỹ cũng không phải là ngoại
lệ, trừ ngành sử ở những trường đại học thuộc nhóm “tinh hoa”. Nhưng ở Mỹ, theo
GS. Olga, học sinh sinh viên được huấn luyện kĩ năng tư duy lịch sử để phát triển
tính sáng tạo. Điều này giúp cho việc học sử của họ trở nên thú vị. Theo Giáo
sư Olga Dror, điều quan trọng nhất của việc giáo dục kĩ năng tư duy lịch sử cho
học sinh, sinh viên là xây dựng khả năng sáng tạo của họ. Quá trình nghiên cứu
và diễn giải tư liệu lịch sử, theo bà, giống như là một phương trình của sự
sáng tạo. Khảo sát về "Chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử"
của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, bà nhận thấy nó chưa thực sự hướng đến mục
tiêu ấy. Vốn sinh ra và lớn lên ở Liên Xô và sau đó du học Israel và Hoa Kỳ, GS
Olga nhận xét rằng học sinh, sinh viên Hoa Kỳ “đang làm tốt hơn bởi vì họ
được học cách diễn giải tư liệu lịch sử. Lịch sử thực sự là một công cụ tuyệt vời
để thực hành kĩ năng xử lý, phân tích, giải thích và phát triển dữ liệu lịch sử.”
--------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
Hà
Nội có thực sự tôn trọng sự thật lịch sử?
Số
phận “long đong” của môn Lịch sử
Lịch
sử là môn tự chọn có thu hút được học sinh?
Lịch
sử nên là môn học tự chọn hay bắt buộc ở cấp phổ thông?
No comments:
Post a Comment