Friday, May 5, 2023

TỪ VỤ HỒ DUY HẢI BỊ CAN CÓ BUỘC PHẢI THAM GIA THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA? (Luật sư Ngô Ngọc Trai)

 



Từ vụ Hồ Duy Hải bị can có buộc phải tham gia thực nghiệm điều tra?

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi bài từ Hà Nội

5 tháng 5 2023, 16:17 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-65494964

 

Lâu nay trong nhiều vụ án cướp giết hiếp, để làm rõ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, để củng cố cơ sở căn cứ kết tội, cơ quan điều tra thường tiến hành hoạt động thực nghiệm điều tra.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/BF16/production/_109981984_11417665_1444811709172387_929488315340875148_n.jpg

Vụ án Hồ Duy Hải

 

Khi ấy bị can sẽ được cho thực hiện lại các thao tác diễn biến hành vi như trước đó đã khai báo, quá trình đó sẽ chụp lại bản ảnh và ghi chép lại thành biên bản thực nghiệm, những tài liệu đó được đưa vào hồ sơ trở thành căn cứ để giải quyết vụ án.

 

Hoạt động đó được thực hiện phổ biến lâu nay và mọi người đều xem là bình thường, nhưng qua quá trình nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải tôi muốn chỉ ra rằng các nghi can hình sự không bắt buộc phải tham gia hoạt động thực nghiệm điều tra, các bị can cần được giải thích rõ về ý nghĩa của hoạt động này để quyết định tham gia một cách tự nguyện.

 

.

Hiểu sai về quyền và nghĩa vụ

 

Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, bị can Hồ Duy Hải sau khi khai báo đã được cho tiến hành thực nghiệm, Hải đã thực hiện các thao tác, quá trình thực nghiệm đã được chụp lại thành bản ảnh và ghi chép thành biên bản, những tài liệu đó trở thành cơ sở căn cứ để kết tội.

Cũng giống như vụ án của ông Hàn Đức Long đã được minh oan trước kia, quá trình điều tra ông Long cũng khai báo nhận tội và được cho tiến hành thực nghiệm điều tra diễn lại các thao tác hành vi gây án và điều đó trở thành cơ sở căn cứ kết án.

 

Câu hỏi đặt ra là các bị can như ông Hàn Đức Long hay Hồ Duy Hải có hiểu được hệ quả của việc tham gia vào hoạt động này, họ có biết rằng kết quả của hoạt động thực nghiệm điều tra sẽ được sử dụng làm bằng chứng để kết tội mình?

 

Tìm hiểu thì được biết, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về hoạt động thực nghiệm điều tra, trong đó đã đưa ra quy định có tính chất tùy nghi rằng "trong trường hợp cần thiết bị can cũng có thể tham gia thực nghiệm điều tra".

 

Với cách quy định tùy nghi như vậy thì có thể hiểu bị can không bị bắt buộc phải tham gia và việc thực nghiệm điều tra được thực hiện với vai trò chính bởi những người khác.

 

Như thế mới đúng và phù hợp với tinh thần các nội dung điều khoản khác của luật, ví như có nội dung điều khoản rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, còn bị can có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

 

Vậy nhưng thực tế lâu nay nhiều vụ án các bị can lại giữ vai trò chính trong các hoạt động thực nghiệm, đây là hệ quả của việc hiểu sai về các quyền và nghĩa vụ.

 

Cũng giống như tình trạng vận dụng một nội dung điều khoản khác đó là bị can được quyền trình bày lời khai, theo đó khai báo là quyền chứ không phải nghĩa vụ, nhưng lâu nay rất nhiều bị can lầm tưởng rằng buộc phải khai báo như là một nghĩa vụ đương nhiên.

 

Việc trình bày lời khai hay tham gia thực nghiệm điều tra đều là những hoạt động diễn ra trong quá trình tố tụng, đều cần đến ý chí của bị can, nếu thực hiện do bị ép buộc thì vi phạm vào nội dung rằng nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6BA8/production/_129606572_11156117_1401284110191814_7765186921823287271_n.jpg

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, đã kêu oan cho con

 

Bản chất điều luật là như vậy nhưng thực tế lâu nay nhiều bị can đã tham gia một cách không tự nguyện vào hoạt động thực nghiệm điều tra để tạo lập cơ sở căn cứ kết tội chính mình.

 

Điều này có nguyên nhân ở việc một người lần đầu bị bắt giữ khởi tố hình sự hầu như sẽ không hiểu được về các quy trình thủ tục tố tụng.

 

Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự cũng có quy định về trách nhiệm giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can, nhưng việc được giải thích quyền và nghĩa vụ trước mỗi buổi lấy cung thực tế điều tra viên chỉ đọc lại nội dung điều luật về quyền và nghĩa vụ của bị can mà hầu như không có giải thích gì thêm.

 

Điều đó đã không giúp các bị can thoát khỏi bức màn phủ bóng thiếu vắng kiến thức biểu biết về các quyền và nghĩa vụ của mình.

 

Từ vụ án Hồ Duy Hải thiết nghĩ giới tư pháp và cộng đồng xã hội cần quan tâm tìm hiểu và phổ biến kiến thức pháp lý để mọi người hiểu rõ bị can không bắt buộc phải tham gia vào hoạt động thực nghiệm.

 

Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng thì cũng cần điều chỉnh đường lối xác lập cơ sở căn cứ giải quyết vụ án, việc thực nghiệm điều tra trong các vụ án vẫn có thể tiến hành bằng cách nhờ người bên ngoài thực hiện các thao tác diễn biến hành vi thay vì yêu cầu bị can thực hiện.

 

Ngoài ra việc tạo lập cơ sở căn cứ buộc tội cần dựa vào các nhân chứng, vật chứng rõ ràng thay vì phụ thuộc vào những lời khai nhận của bị can và kết quả của hoạt động thực nghiệm điều tra do chính họ thực hiện.

 

.

Vì sao bị tình nghi?

 

Khi suy nghĩ đến việc Hồ Duy Hải có thể bị oan, tôi cũng đặt vấn đề ngược lại rằng vậy thì vì sao Hồ Duy Hải lại bị tình nghi để rồi bị bắt? Hẳn là phải có một lý do nguyên cớ nào đấy cho thấy một chút dính dáng liên quan mới khiến cơ quan điều tra để ý đến.

 

Trong quá trình điều tra, một phương hướng xác định thủ phạm là cơ quan điều tra khi ấy đã căn cứ vào những số điện thoại liên lạc đến bưu điện Cầu Voi trong một khoảng thời gian gần trước đó, thông qua tra cứu danh bạ cuộc gọi liên lạc đến bưu điện.

 

Khi liên hệ với một số máy thuê bao thì người này cho biết chiếc sim anh ta sử dụng là do được Hồ Duy Hải cho, khi cho thì trong sim vẫn còn 80 nghìn đồng.

 

Lúc ấy có thể ai đó đã cho rằng vì Hải là người liên quan cho nên sau đó đã cho đi chiếc sim điện thoại từng liên lạc tới hai cô gái ở bưu điện như một cách xóa bỏ dấu vết liên quan.

 

Đến đây tôi lại muốn nói về việc sử dụng sim thẻ điện thoại của những người cùng lứa tuổi của tôi như sau, mặc dù tôi hơn Hải hai tuổi nhưng cũng có thể xem là cùng trang lứa.

 

Tôi bắt đầu sử dụng điện thoại di động chừng năm 2006, trong khi vụ án của Hải xảy ra năm 2008, như còn nhớ thì khi ấy các sim thẻ điện thoại được bày bán rất dễ dàng phổ biến ở những cửa hiệu nhỏ gần ngay vỉa hè đường phố.

 

Khi một người sử dụng muốn mua một chiếc sim thì sẽ được đưa cho một list danh sách các số điện thoại muốn chọn, sau đấy người bán sẽ kích hoạt cho mình và chỉ việc sử dụng

 

Còn nhớ thời điểm ấy đám thanh niên thường xuyên đổi số điện thoại, đôi khi mua một chiếc sim mới chỉ để thực hiện những cuộc gọi hay tin nhắn miễn phí của nhà mạng, chỉ nhiều năm sau mới có quy định việc kích hoạt sử dụng sim điện thoại sẽ gắn liền với chứng minh thư nhân dân của chủ thuê bao sử dụng.

 

Nói như thế để thấy rằng ở thời điểm năm 2008 việc sử dụng sim điện thoại của đám thanh niên là rất thoải mái, cho nên việc cho tặng nhau chiếc sim là điều bình thường và giá trị của sim nằm ở số tiền còn sử dụng được, nếu như sim không còn tiền thì cho không ai nhận.

 

Bởi vậy việc Hồ Duy Hải cho đi chiếc sim điện thoại vẫn còn tiền thì không có gì đặc biệt, nhưng đặt trong bối cảnh khi ấy cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm thủ phạm thì đó đúng là một dấu hiệu khả nghi dẫn tới việc cần phải triệu tập thẩm vấn.

 

Nhưng cũng nên biết rằng thủ phạm chỉ có một trong khi người bị tình nghi thì có nhiều, cho nên cần hiểu là không phải cứ người nào có dấu hiệu khả nghi thì đúng là thủ phạm

 

Cũng có nghĩa là nhiều đối tượng tình nghi thực sự không liên quan tới vụ án, những dấu hiệu bất thường ở người đó chỉ đơn thuần là những sự việc độc lập trùng hợp ngẫu nhiên.

 

---------------------------

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

 

.

TIN LIÊN QUAN

 

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Cơ hội, niềm tin và cảm xúc

9 tháng 5 năm 2020

.

Mẹ Hồ Duy Hải: "Từ hiền lành chất phác tôi thành người đàn bà dữ dằn.'

4 tháng 12 năm 2019

.

VN: chính sách đất khiến dân phải sống nghèo?

17 tháng 1 năm 2017

.

Bắn ba người vì đất đai: 'Con đường nguy hiểm'

28 tháng 10 năm 2016

.




No comments: