Saturday, May 20, 2023

TRUNG QUỐC GÂY SỨC ÉP LÊN VIỆT NAM TỪ CẢ HAI PHÍA ĐÔNG và TẨY? (RFA)

 



Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam từ cả hai phía đông và tây?

RFA

2023.05.18

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-pressures-vietnam-from-both-east-and-west-05182023134250.html

 

Gần đây các động thái mới của Trung Quốc trên bán đảo Đông Dương và Biển Đông dường như đã tạo ra một thế trận mới bao quanh Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-pressures-vietnam-from-both-east-and-west-05182023134250.html/@@images/4435236b-eebb-4f24-8cd5-07851b2d5b6e.png

 Trung Quốc và Lào lần đầu tập trận từ ngày 9 đến 28 tháng 5, 2023.  Xinhua

 

Trung Quốc từ lâu đã phát triển căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia. Hồi tháng 3 năm 2023, Trung Quốc và Campuchia lần đầu tiên tổ chức tập trận chung. Từ ngày 9 đến 28 tháng 5, 2023, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận chung với Lào. Trong khi Trung Quốc tập trận chung với Lào thì họ cũng đồng thời cho tàu khảo sát Xiang Yang Hong-10 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ hôm 7/5/2023, và hoạt động liên tục nhiều đợt từ đó đến nay. Đồng thời, Trung Quốc cũng thực thi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông đến hết mùa hè năm nay. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-pressures-vietnam-from-both-east-and-west-05182023134250.html/xiang-yang-hong-may-17.png/@@images/51a0ca5c-820a-43e5-9168-6a0d2a905c6a.png

Các tàu Việt Nam CSB 7011, Kiểm Ngư 465 và 468 giám sát hoạt động của Xiang Yang Hong-10 khi nó quay trở lại hôm 17/5/2023. (Marine Traffic/ RFA)

 

Nhà nghiên cứu Raymond Powell ở Đại học Stanford chia sẻ với RFA nhận xét của mình về các hoạt động tăng cường của Trung Quốc xung quanh Việt Nam, cả trên lục địa ở phía tây và trên biển ở phía đông. 

 

“Tại Campuchia, việc Trung Quốc phát triển Căn cứ Hải quân Ream, cũng như Sân bay Quốc tế Dara Sakor gần đó, cả hai căn cứ này đều là những điểm triển khai tác chiến tiềm năng cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Tôi chắc chắc muốn nói rằng Việt Nam nên hết sức quan tâm và nên cảnh giác với những dấu hiệu cho thấy Campuchia có ý định mở rộng quyền tiếp cận cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc đối với các căn cứ này.

Mục đích chính của Trung Quốc trong việc phát triển các căn cứ ở Biển Đông là phô diễn sức mạnh và kiểm soát không gian biển bằng cách sử dụng lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển.”

 

Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sỹ về An ninh Hàng hải và Hải quân ở Đại học UNSW Canberra, Úc, cũng nhận xét rằng căn cứ Hải quân Ream và Không quân Dara Sakor của Trung Quốc ở Campuchia thực sự có ý nghĩa chiến lược, vì chúng cách đảo Phú Quốc chỉ 20 hải lý (căn cứ Ream) và cách thị xã Hà Tiên khoảng 100 km. Những căn cứ này cũng giúp Trung Quốc dễ dàng kiểm soát Vịnh Thái Lan và vươn tầm ảnh hưởng tới eo biển Malacca. 

 

Tuy vậy, cả hai nhà nghiên cứu Raymon Powell và Nguyễn Thế Phương đều cho rằng Trung Quốc không có ý định tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự lớn với Việt Nam vào thời điểm này. 

 

Ông Raymond Powell nói:

 

“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn xung đột quân sự với Việt Nam. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng họ tìm cách nâng cao thế trận chiến lược của mình để các nước láng giềng cảm thấy buộc phải ngày càng để Trung Quốc ra lệnh cho các điều khoản cam kết.”

 

Ông Powell so sánh chiến thuật của Trung Quốc đối với Việt Nam với chiến thuật họ dùng với Phillipines. Đó là tăng cường các lực lượng quân sự áp sát biên giới trên biển hoặc trên bộ nhưng là để gây sức ép trên bàn đàm phán.

 

“Trung Quốc đã tìm kiếm một thỏa thuận phát triển mỏ khí đốt chung với Philippines tại Bãi Cỏ Rong. Tối cao Pháp viện Philippines đã phán quyết là thỏa thuận này bất hợp pháp vì Philippines đã bỏ quyền chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể thuyết phục Philippines làm điều này bởi vì Trung Quốc mạnh hơn và có thể kiểm soát việc tiếp cận Bãi Cỏ Rong, do họ có lực lượng quân sự và bán quân sự lớn cũng như các căn cứ quân sự trên đảo Trường Sa như Đá Vành Khăn.”

 

Ông Nguyễn Thế Phương cũng có nhận xét tương tự như vậy về chiến thuật của Trung Quốc :

 

“Những gì Trung Quốc đang làm ở Ream, căn cứ hải quân ở Campuchia, chỉ là một phần của chiến lược vùng xám, mà đã là vùng xám thì tức là xây dựng căn cứ quân sự nhưng không phải để đánh nhau. Họ xây dựng các căn cứ đó để gây áp lực lên các nước khác trong đó có Việt Nam. 

Trung Quốc không dại gì mang quân, mang tàu đi đánh người khác lúc này. Bởi vì như thế sẽ tạo ra cớ cho các nước đối thủ can thiệp quân sự vào. Trong khi đó, với chiến thuật vùng xám, tiến dần dần theo cách “tằm ăn lá”, họ có thể một mình một chợ để từng bước gây áp lực lên các nước trong khu vực.” 

 

Ông Raymond Powell phân tích lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông trong tổng thể chiến thuật vùng xám nói chung của Trung Quốc:

 

“Trước hết chúng ta cần thấy là thực sự thì Biển Đông cần có một số loại quy chế có tính thường xuyên để chế tài việc đánh bắt cá nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp một cách hợp lý và công bằng của tất cả các bên, trong khi đó, những gì Trung Quốc đang làm là hành động đơn phương. Họ đơn phương tuyên bố và đơn phương thực thi nó. 

Hành động đơn phương này diễn ra trong bối cảnh họ cũng đồng thời đưa ra yêu sách lãnh thổ. Bằng cách nói rằng chúng tôi cấm tất cả mọi hoạt động đánh bắt cá trên vĩ tuyến 12, họ thể hiện rằng họ có quyền điều chỉnh việc đánh bắt cá trên Biển Đông. Đây là cách họ nói với mọi người rằng Trung Quốc sở hữu không gian biển đó một cách chắc chắn. Bằng cách làm điều đó, họ thể hiện là mình đang làm một việc có ý nghĩa bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Đồng thời hành động này cũng nhắm đến một điều chỉ một mình họ chấp nhận, đó là yêu sách không gian biển.

Tôi nghĩ rằng sẽ rất có ý nghĩa nếu Trung Quốc và ASEAN, hoặc thậm chí chỉ là một số quốc gia Đông Nam Á xung quanh Biển Đông, có thể cùng nhau thống nhất và đồng ý với các quy định đánh bắt cá hợp lý ở đây.

Thật không may, Trung Quốc đã đơn phương làm điều đó. Sẽ rất khó để họ quay lại và thừa nhận rằng các quốc gia khác cũng có tiếng nói khác.” 

 

Trung Quốc từ những năm 2000 đã đặt ra chiến lược “tam chủng chiến pháp”, gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý. Nhà nghiên cứu Raymond Powell phân tích lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc như một kiểu chiến tranh pháp lý :

 

“Đó là những gì chúng ta sẽ gọi là luật? Họ đơn phương đặt ra luật, về cơ bản là luật nội địa. Và rồi bằng cách áp dụng luật nội địa của mình cho các phần của Biển Đông, họ mặc nhiên tuyên bố rằng luật nội địa của Trung Quốc áp dụng cho không gian biển đó, ngay cả khi nó nằm trong toàn bộ yêu sách đường đứt đoạn 9 đoạn mà Trung Quốc ứng xử với nó như là vùng nội thủy. Họ muốn gửi một thông điệp rằng luật nội địa của họ là cái cần phải được xem xét,  thực thi. 

Đối với người Trung Quốc thì Công ước của Liên Hiệp quốc về luật biển không áp dụng cho đường chín đoạn trên Biển Đông vì đây là lãnh thổ Trung Quốc. Họ muốn nói rằng họ không thể cho phép Luật biển Quốc tế quyết định những gì xảy ra ở Biển Đông.”

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng mặc dù Trung Quốc đang dần dần tạo sức ép lên Việt Nam từ cả phía đông và phía tây, nhưng ở phía tây, Việt Nam vẫn có thể bảo đảm là nguy cơ một cuộc tấn công kiểu như thời Khmer Đỏ là không cao :

 

“Campuchia đã nghiêng hẳn sang phía Trung Quốc. Lào đang tập trận với Trung Quốc (từ ngày 9 đến 28 tháng 5, 2023) nhưng Lào hiện vẫn đỡ hơn. Để bảo đảm an ninh ở phía tây, Việt Nam không chỉ chuẩn bị về quân sự mà còn có các biện pháp kinh tế, ngoại giao, và cả gây ảnh hưởng.  

Cả căn Ream ở Campuchi và sân bay Dara Sakor gần đó là cái Việt Nam theo dõi rất kĩ. Toàn bộ phía nam biển Đông, Vịnh Thái Lan và thậm chí cả eo biển Malacca sẽ nằm trong tầm theo dõi của họ. Sau khi hoàn thành các căn cứ ở Hoàng Sa, Trường Sa và giờ là Ream ở Campuchia thì Trung Quốc đã hoàn thành một chuỗi các căn cứ trên biển. 

Việt Nam cần tập trung vào hướng biển. Vì khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ phía đất liền thì hoàn toàn không cao. Ở hướng tây, Việt Nam có thể xử lý bằng các mặt trận chính trị, đối ngoại, kinh tế chứ không chỉ bằng bằng quân sự. Nhưng phía biển Đông thì Việt Nam còn lúng túng với các biện pháp kinh tế, chính trị, đối ngoại của mình.”





No comments: