Thất
nghiệp tràn lan, dân lao động ở Sài Gòn tìm đường về quê
An Vui - Saigon
Nhỏ
4 tháng 5, 2023
Bị mất việc làm, nhiều người lao động ở Sài
Gòn đang thu dọn hành lý để trở về quê.
Kết quả khảo sát hơn 1,000 công nhân ở Sài
Gòn, Đồng Nai, Bình Dương của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life),
cho biết 15.5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44.6% người lưỡng
lự và 39.9% người chưa có dự định.
Lý do lớn nhất để người lao động nhập cư trở về
quê là gần gia đình, khi thu nhập ở đô thị không đủ sống. Trong đó nhóm lao động
trên dưới 40 đang có con gửi ông bà dưới quê có ý định hồi hương nhiều nhất.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/4.5.23_Anh-4.jpg
Buổi tuyển dụng lao động do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức
cho lao động hồi hương hồi đầu năm 2023 – Ảnh: VnExpress
Một lý do khác là cơ hội việc làm ở quê cũng
đã tốt hơn khi chi phí mặt bằng, nhân công ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương tăng
cao, các công ty có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để có chi
phí rẻ hơn, kéo theo số lao động hồi hương.
Xu hướng lao động về quê có hai nhóm, với người
trẻ khi hồi hương sẽ tiếp tục làm việc trong các nhà máy gần nhà, còn lao động
trung niên sẽ trở về với nông nghiệp.
Khảo sát của Sở Lao động Sài Gòn về nhu cầu sử
dụng lao động của gần 4,000 công ty trong quý I/2023 cũng cho thấy, so với cuối
năm ngoái, gần 31% công ty giảm lao động, trên 50% công ty không tuyển mới và
khoảng 19% công ty có tuyển thêm lao động. Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu thuộc
ngành giày da, dệt may, xây dựng, chế biến thực phẩm…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/4.5.23_Anh-5.jpg
Nhiều phòng trọ ở gần công ty Pou Yuen Việt Nam cửa đóng then cài do công
nhân mất việc về quê – Ảnh: VOVLive
VnExpress ngày 4 Tháng Năm
nêu hai trường hợp người lao động nhập cư ở Sài Gòn đã trở về quê. Đó là vợ chồng
bà Trần Thị Cẩm Linh, làm việc ở công ty L.R Việt Nam (TP. Thủ Đức), chuyên gia
công giày. Sau khi công ty thiếu hụt đơn hàng dẫn đến thu nhập giảm, vợ chồng
bà quyết định về quê Định Quán (Đồng Nai) để làm vườn. Khi còn ở Sài Gòn, thu
nhập cả hai vợ chồng hơn 20 triệu đồng ($852) nhưng vẫn không có dư, vì chi phí
phòng trọ, nuôi một con nhỏ ở Sài Gòn và hai con ở dưới quê.
Trải qua biến cố đại dịch Covid, vợ chồng bà bắt
đầu nghĩ đến chuyện hồi hương, đặc biệt khi hai con lớn đến tuổi dậy thì, cần
cha mẹ bên cạnh. Đầu năm ngoái, chồng bà nghỉ việc trước, về chăm sóc vườn cây
có sẵn và trồng thêm sầu riêng. Còn bà Linh vẫn làm việc ở nhà máy để có khoản
thu ổn định, thế nhưng khi thu nhập ở công ty giảm sút, bà quyết định nghỉ và học
cách chi tiêu theo thu nhập mùa vụ. Công việc làm rẫy làm vườn cũng cực hơn lúc
làm công nhân nhưng bù lại, cả gia đình bà được sống bên nhau.
Trường hợp khác là bà Phan Thị Kiều Trang, mẹ
đơn thân, 40 tuổi. Sau gần 15 năm làm việc ở công ty Nikkiso Việt Nam (quận 7),
thu nhập của bà mỗi tháng gần 16 triệu đồng ($681) đã gọi là cao, tuy nhiên vẫn
không đủ sống, đã vậy hai con gái đi học không người đưa rước. Khi Nikkiso mở
thêm nhà máy ở Quảng Ngãi, cách nhà ở quê khoảng 30 phút chạy xe gắn máy, bà
Trang đã xin chuyển về quê làm việc để mẹ phụ giúp đưa đón con gái đi học, lo
cơm nước hàng ngày. Tuy thu nhập có giảm so với lúc làm việc ở Sài Gòn, nhưng
bà Trang cảm thấy hài lòng hơn.
Không riêng gì bà Trang, từ đầu năm 2023 đến
nay, đã có hơn 10 công nhân Nikkiso xin chuyển việc về nhà máy ở Quảng Ngãi cho
gần nhà, đỡ tốn tiền phòng trọ. Còn công ty Tỷ Hùng ở Sài Gòn sau khi cắt giảm
hơn 3,000 lao động ở Sài Gòn cuối năm ngoái cũng cho biết nhà máy của công ty đóng
tại Bến Tre và Đồng Tháp sẽ nhận lại công nhân có quê ở đó.
VOVLive ngày 12 Tháng Ba
2023 khảo sát các khu phòng trọ gần công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân,
Sài Gòn) sau khi công ty này cho nghỉ 2,300 công nhân, cho biết, nhiều phòng trọ
cửa đóng then cài, công nhân trả phòng, ngậm ngùi về quê ngay khi hoàn tất các
thủ tục tại công ty. Một số ít ở lại với hy vọng tìm được việc làm mới, tuy
nhiên, chi phí hiện tại quá cao khiến họ cũng nản lòng.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/4.5.23_Anh-6.jpg
Vợ chồng bà Trần Thị Cẩm Linh sau khi về quê đang chăm sóc vườn xoài ở Định
Quán – Ảnh: VnExpress
VOVLive dẫn trường hợp của
gia đình bà Nguyễn Thu Hoài (29 tuổi, quê Vĩnh Long), gồm hai vợ chồng đều làm
công nhân và hai con nhỏ. Lúc có việc, mỗi tháng thu nhập tổng cộng của hai vợ
chồng 14 triệu đồng ($596), lo cho hai con đi học mất gần một nửa, trả tiền
phòng trọ 2.1 triệu đồng ($89), còn lại là ăn uống và các chi phí khác… nên chẳng
có khoản nào dư.
Với tình hình cả hai vợ chồng đều bị giảm việc,
thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, bà Hoài nói có lẽ phải về
quê sớm hơn. Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Trinh (51 tuổi, quê Sóc
Trăng), đã hơn 10 năm làm việc ở công ty Pou Yuen, nay bị cắt việc, chỉ còn
trông vào lương của chồng nên không đủ sống. Bà Trinh cho hay, ở quê vườn khá rộng,
nuôi thêm con gà, con vịt nữa là ổn, cái ăn không lo, con cái đi học cũng đỡ tốn
kém hơn ở Sài Gòn.
Thế nhưng, Lao Động ngày 29
Tháng Ba 2023 dẫn nguồn tin của Sở Lao động Cà Mau cho hay có hơn 80% lao động
mất việc về quê ở tỉnh Cà Mau nay đã quay lại các đô thị tìm việc. Tính từ
Tháng Mười Một 2022 đến 20 Tháng Hai 2023, tổng số lao động mất việc trở về địa
phương là 3,172 người, nhưng Tháng Ba 2023 đã có 2,618 lao động quay lại các đô
thị để tìm việc, chiếm hơn 82.5%!
Khi các đô thị phát triển không đồng đều, người
lao động rơi vào vòng luẩn quẩn: hết việc ở Sài Gòn, về quê; sau đó không tìm
ra việc ở quê, lại tiếp tục lên Sài Gòn, Đồng Nai hay Bình Dương sống kiếp tha
hương.
No comments:
Post a Comment