Tên
gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc?
Cù Huy Hà Vũ
05/05/2023
https://baotiengdan.com/2023/05/05/ten-goi-nao-cho-ngay-30-thang-4-de-hoa-giai-dan-toc/
LGT: Gần 20 năm trước, vào dịp
đầu năm 2005, GS Lê Xuân Khoa có một bài viết đăng trên BBC, tựa đề: Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến? Các tên gọi
thường được sử dụng, đã được nhắc tới trong bài, như: Chiến tranh chống cộng,
chiến tranh chống Mỹ-Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam,
chiến tranh ủy nhiệm…
Tác giả đã đưa ra bốn tên gọi gây tranh cãi
nhiều nhất rồi phân tích, và ông cho rằng cuộc chiến này nên được gọi là “chiến
tranh Việt Nam”. Theo ông, tên gọi này “với ý nghĩa khách quan, phi chính trị
là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nội dung phức tạp của nó sẽ được
lịch sử ghi chép một cách đầy đủ và trung thực”.
Ngoài cái tên gọi cho cuộc chiến này gây tranh
cãi trong nhiều năm qua, bài viết sau đây của TS Luật Cù Huy Hà Vũ, bên cạnh việc
tranh luận về cuộc chiến, còn bàn về chủ đề có thể gây tranh cãi, đó là cái tên
gọi cho ngày kết thúc cuộc chiến này.
***
Năm nào cũng thế, cứ những ngày cuối tháng Tư
người Việt gốc gác Việt Nam Cộng hòa ở hải ngoại rầm rộ kỷ niệm “Ngày quốc hận
30-4”. Họ cho rằng ngày đó Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Bắc
Việt Nam đã cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Nam Việt
Nam, dẫn đến họ “mất nước”.
Chu Tất Tiến, một cựu sĩ quan quân lực Việt
Nam Cộng hòa đã viết bài “Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam” và gửi
cho các diễn đàn trên mạng vào ngày 26/4 vừa qua. Bài này sau đó đăng trên Nhật báo Cali (1).
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/05/1-13.jpg
Ảnh: Lễ Tưởng
Niệm Quốc Hận 30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn:
Văn Lan/ Người Việt)
Trong lời giới thiệu bài “Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa Chu Tất Tiến” gồm
2 kỳ đăng trên báo Tiếng Dân (2), được đăng lại trên Facebook Cù
Huy Hà Vũ, tôi đã chứng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa
không phải là hai quốc gia độc lập. Thực vậy, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình
chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải
là biên giới giữa hai quốc gia.
Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm
1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu
đến Ải Nam Quan.” Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà
là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn
gọi là “nội chiến” (civil war).
Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm
lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác
mà thôi!
Khi giới thiệu bài viết nói trên của tôi, tôi
đã đặt câu hỏi tại sao những người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng
hòa, đặc biệt ở Mỹ, lại hận thù Nhà nước Việt Nam hiện hành dai dẳng đến như vậy,
khi mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua và Mỹ, quốc gia mà họ nhập tịch, đã có quan hệ
ngoại giao với Việt Nam từ 30 năm nay. Bạn Thuy Nguyen hồi đáp: “Họ nhớ dai
vì chính quyền VN nào cho quên? Vẫn ăn mừng chiến thắng đánh cho Mỹ cút Ngụy
nhào. Và hơn nữa, trẻ em bên Mỹ hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, sự nhắc nhở
này chỉ nói lên tại sao họ có mặt ở đất nước này. Đó là lý do cá nhân, không có
chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”
Quả vậy, trên báo của Đảng cộng sản Việt Nam
và các báo khác ở Việt Nam (báo Nhà nước đương nhiên, vì tư nhân không được ra
báo) đều xuất hiện dòng chữ “Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất
nước (30/04/1975 – 30/04/2023)”.
Bản thân tôi cách đây 13 năm đã yêu cầu Nhà nước
Việt Nam bỏ cách diễn đạt ngày 30/4 thành “Ngày giải phóng Miền Nam”, “bởi nó –
tôi nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 29/4/2010
có tiêu đề “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà
Vũ” (3) – “dễ bị diễn giải thành ‘Miền Bắc thôn tính Miền Nam’ và
trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ
trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản. Mặt
khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên
kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn
duy trì cách diễn đạt mang đậm chất ‘thắng – thua’ như trên”.
Và tôi đã đề nghị, chỉ dùng “Ngày Thống nhất Đất
Nước” để diễn đạt biến cố lịch sử này. Kết cục là Nhà nước Việt Nam chẳng những
không nghe lời nói phải này của tôi để thực thiện Hòa Giải Dân Tộc mà lại còn bỏ
tù tôi vì đã nêu ra yêu cầu này cũng như các kiến nghị đổi mới chính trị khác
trong bài trả lời phỏng vấn nói trên của tôi.
Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người
chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận
cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt
tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn
chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt
Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt
Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc
nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn
không kém!
Tư tưởng phục thù này đã ít nhiều thành công
khi có một số người trẻ tuổi gốc Việt tổ chức các “Đại hội hậu duệ Việt Nam Cộng
hòa” để “nguyện cùng đứng lên đón nhận trọng trách và nối tiếp con đường của
thế hệ Cha Anh kiêu hùng, để tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng
Hoà và điều tâm niệm phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì
mãi mãi trong những thế hệ mai sau”, như Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019 (4) đã
dõng dạc tuyên bố trong Thư ngỏ. Tại Đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại
năm 2022, cựu tướng Mỹ gốc Việt, ông Lương Xuân Việt, con của một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến
Việt Nam Cộng hòa và là Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Mỹ, đã thổ lộ
nỗi đau “mất nước” và thẳng thừng gọi cộng sản Việt Nam là “giặc”, được cử tọa
rào rào vỗ tay tán thưởng (5).
Cho dù Nhà nước Việt Nam có nghiêm túc coi đây
là mầm mống của phiên bản “Chiến tranh Việt Nam” trong tương lai hay không thì
sự kêu gọi phục thù từ người Việt chống Cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng
hòa cùng với hưởng ứng nhiệt thành của “hậu duệ” của họ, trong đó có sĩ quan
cao cấp của quân đội Mỹ, càng làm cho Nhà nước Việt Nam tin rằng “các thế lực
thù địch” muốn thanh toán họ là hiện hữu!
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/05/1-14.jpg
Ảnh: Học sinh “hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” tham dự Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận
30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn: Văn Lan/ Người Việt
Về ý kiến, theo đó trẻ em gốc Việt bên Mỹ mà
có hận thù cộng sản Việt Nam thì là tự ý chúng chứ “không có chủ trương, định
hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”, tôi cho rằng đó là một so sánh không
chuẩn. Thực vậy, Đảng Cộng sản đang thực hiện chế độ toàn trị ở Việt Nam thì việc
họ buộc người dân và các tổ chức tổ chức mừng “Ngày Giải phóng Miền Nam” là điều
không có gì là khó hiểu. Còn đối với nước Mỹ và các nước khác, mà tuyệt đại đa
số, nếu không nói là tất cả, người Việt có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nhập tịch,
ngày 30-4 đâu phải là ngày “mất nước” để trở thành “ngày quốc hận” của các nước
này để rồi chính quyền “có chủ trương, định hướng và bắt buộc” tổ chức ký niệm
ngày này!
Bất luận thế nào, tôi vẫn kiên trì rằng “Ngày
Thống nhất đất nước” là cách diễn đạt ngày 30-4 thích hợp nhất vì nó phù hợp nhất
với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa
Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt. Điều này một khi được Nhà nước Việt
Nam chấp thuận sẽ là bước đi thực tế để hóa giải hận thù của những người “đồng
bào” đã từng ở bên kia chiến tuyến trong một cuộc nội chiến không đáng có, cho
dù nguồn cơn là Chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Đông Nam Á
rơi vào tay cộng sản theo “Thuyết domino” (6).
Tác
giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả
và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ
Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
________
Chú thích
1. Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam, Nhật báo
Cali, 2/5/2023
2. Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa”
Chu Tất Tiến (Kỳ 1 và kỳ cuối), Tiếng Dân. ngày 30/4/2023
3. Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà
Vũ, VOA Tiếng Việt, 29/4/2010
4. Đại
hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019, Liên hiệp Hội đồng quốc
dân Việt Nam
5. Tướng Lương Xuân Việt nói thẳng mặt Cộng sản: Các anh giải
phóng cái gì? Ai cần các anh giải phóng? DTV, 9/6/2022
6. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của
Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ
quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy
nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn
giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là
không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến
tranh do Hoa Kỳ tiến hành. Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi
Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là
giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy tôi (Cù Huy Hà
Vũ) cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt
Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt
(trích Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà
Vũ đã dẫn).
No comments:
Post a Comment