Quyền
tự do báo chí bị vi phạm trên khắp thế giới
Thanh Phương
- RFI
Đăng ngày: 03/05/2023 - 15:00
Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới hôm nay,
03/05/2023, các tổ chức quốc tế báo động về những mối đe dọa đối với quyền tự
do báo chí trên toàn cầu, với việc nhiều phóng viên bị sách nhiễu, bị bỏ tù, thậm
chí bị sát hại ở nhiều nước trên thế giới.
Bảng xếp hạng tự do báo chí trên thế giới 2023 - Phóng Viên Không Biên Giới,
ngày 03/05/2023 © RSF
Năm nay là đúng 30 năm Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc ra quyết định chọn ngày 3 tháng 5 hàng năm là Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Cũng
như mọi năm, hôm nay, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới của Pháp đã công bố bảng
xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ tự do báo chí năm 2023. Bảng xếp
hạng này cho thấy là tại 7 phần 10 số quốc gia và vùng lãnh thổ, điều kiện hành
nghề của giới nhà báo là “tồi tệ”, chỉ có 3 phần 10 trong số này được xem là “tốt”.
Trong bảng xếp hạng của Phóng Viên Không Biên
Giới, trong năm thứ 7 liên tiếp, Na Uy vẫn đứng đầu bảng, nhưng đứng thứ 2 năm
nay không phải là một quốc gia Bắc Âu mà là Ireland, trước Đan Mạch, nay xuống
hạng 3. Năm nay, ba nước đứng chót bảng đều là ở châu Á, đó là Việt Nam (thứ hạng
178), chỉ hơn có Trung Quốc (179) và Bắc Triều Tiên (180).
Cũng nhằm đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới,
tối qua, tổ chức UNESCO đã trao giải tự do báo chí thế giới 2023 cho 3 nữ phóng
viên Iran đang bị cầm tù. Phát biểu qua video tại một hội nghị tại trụ sở Liên
Hiệp Quốc ở New York, kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổng thư ký
Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Tự do báo chí là yếu tố căn bản
trong các quyền của con người. Thế mà ở khắp nơi trên thế giới, quyền tự do báo
chí đang bị tấn công”. Ông Guterres nói thêm: “Các phóng viên và các
nhân viên những cơ quan truyền thông thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa, bắt
giữ, cầm tù”.
Không những thế, theo Phóng Viên Không Biên Giới,
trong năm 2022, đã có đến 55 phóng viên bị sát hại khi hành nghề báo chí trên
thế giới. Đối với tổng giám đốc tổ chức UNESCO Audrey Azoulay, tình trạng
này là “không thể chấp nhận được”, nhất là vì, theo bà, có nhiều phóng viên bị
giết ngay tại nhà, thường là trước mặt người thân.
Nhưng điều mà lãnh đạo UNESCO đặc biệt lưu ý,
đó là thời đại công nghệ số đang làm thay đổi toàn bộ môi trường thông tin và “trong
bối cảnh này chúng ta cần các nhà báo hơn bao giờ hết”. Tổng thư ký Liên Hiệp
Quốc Antonio Guterres cũng nhìn thấy một thực tế: “Sự thật đang bị đe dọa bởi
việc phát tán những thông tin sai lạc và bởi những lời lẽ kích động hận thù”.
Khi công bố bảng xếp hạng tự do báo chí 2023,
tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cũng nhấn mạnh rằng, từ tuyên truyền chính
trị, cho đến dùng trí tuệ nhân tạo để “sản xuất” các nội dung giả, việc phát
tán thông tin sai lạc theo nghĩa rộng đang là mối đe dọa lớn đối với tự do báo
chí trên thế giới.
Cụ thể, như trường hợp của các nước Nga, Ấn Độ,
Trung Quốc hay Mali, chính các chính phủ hay các tác nhân chính trị khác tham
gia vào những chiến dịch phát tán ồ ạt các thông tin sai lạc, hay các chiến dịch
tuyên truyền. Trả lời hãng tin AFP hôm nay, tổng thư ký Phóng Viên Không Biên
Giới Christophe Deloire còn nêu bật một thực tế, đó là ngành công nghệ số cũng
sản xuất các tin giả, phát tán các tin đó hoặc làm gia tăng tác động của các
tin đó.
Một hiện tượng khác khiến Phóng Viên Không
Biên Giới lo ngại không kém, đó là những thông tin sai lạc được tạo ra bởi những
ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như Midjourney, biết tạo ra những hình ảnh
có độ phân giải rất cao, nhìn rất giống ảnh thật, được phát tán với tốc độ cực
kỳ nhanh trên các mạng xã hội, như các ảnh giả về vụ “bắt giữ” cựu tổng thống Mỹ
Donald Trump.
Phóng Viên Không Biên Giới cảnh báo những khả
năng thao túng thông tin đó được sử dụng để làm suy yếu những nhà báo chân
chính, đồng thời làm suy yếu nền báo chí nói chung. Theo đánh giá của tổng thư
ký Christophe Deloire, “thông tin đáng tin cậy bị dìm dưới nhiều tin giả,
khiến công chúng ngày càng không thể phân biệt giữa thực tế và nhân tạo, giữa
thật và giả”.
No comments:
Post a Comment