Thursday, May 25, 2023

NỢ CÔNG Ở MỸ và MINH BẠCH NGÂN SÁCH Ở VIỆT NAM (Lê Quốc Quân)

 



Nợ công ở Mỹ và minh bạch ngân sách ở Việt Nam

Lê Quốc Quân

25/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/no-cong-o-my-va-minh-bach-ngan-sach-o-viet-nam/7107488.html

 

Điểm khó khăn nhất của Nhà nước Việt Nam là do có một “Nhà nước song trùng”, nghĩa là song song với một chính phủ công khai thì còn có một chính phủ thực sự của đảng cộng sản.

 

https://gdb.voanews.com/C6B0F0AE-C4B8-4751-8DFE-763DB18E436D_w1023_r1_s.jpg

Ngân sách của bên Đảng chưa bao giờ được công khai chi tiết. Nhân dân đang bàn đến việc kiểm toán thu chi của Chính phủ nhưng chưa ai dám nhắc tới về việc kiểm toán tài chính của đảng.

 

Theo số liệu thống kê của Ngân Hàng thế giới thì đến cuối năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ là 23.32 ngàn tỷ USD, chiếm 24,1% GDP toàn cầu.

 

Từ cuối thế kỷ 19, đất nước non trẻ này đã vượt qua đế chế Anh, dẫn dắt thế giới đi lên với vô vàn khái niệm tài chính tiền tệ theo sự tưởng tượng kỳ diệu của các chuyên gia nhưng ngày càng mông lung với người dân lao động.

 

Khi bước chân đến New York, người bạn tôi chỉ những cao ốc và nói rằng, “gần 1/3 tiền tệ thế giới đi qua thành phố này”. Khi xuôi về Washington DC, người bạn ghé tai thì thầm: “Hơn 1/2 quyền lực chính trị thế giới nằm ở đây”.

 

Bất cứ lúc nào ở New York ta cũng gặp đại diện các tập đoàn tài chính trong những cao ốc sang trọng còn bất cứ lúc nào trên vỉa hè Washington DC, chúng ta cũng vô tình gặp một bộ trưởng của một quốc gia nào đó đang rảo bước.

 

Nhưng giờ đây quốc gia giàu mạnh nhất hành tinh lại không thanh toán được các hoá đơn của mình hay sao?

 

.

Bảng cân đối - Phát minh kỳ diệu

 

Sau khi phát minh ra tiền tệ, loài người bắt đầu đẻ ra hàng loạt thứ thú vị, trong đó có bảng “cân đối kế toán”. Bảng “ghi nhận những thu chi” này bắt nguồn từ hơn 3,000 năm trước ở vùng Mesopotamia và Ai Cập cổ đại và liên tục được cập nhật trong suốt hàng ngàn năm. Giờ đây nó đã trở nên vô cùng phức tạp với vô vàn khái niệm phi vật chất dựa trên ngôn ngữ, sự tưởng tượng và logic toán học của con người.

 

Nhưng cụ thể là, giống như mọi cá nhân, gia đình, tổ chức… chính phủ cũng phải có một bảng cân đối thu chi của mình. Khi còn chế độ Kim bản vị (bản vị vàng) thì chính phủ chỉ được in một số tiền tương ứng với số vàng mình có và tiền đó sẽ được “bảo chứng” 100% bằng vàng. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, chế độ kim bản vị dần dần suy yếu và cuối cùng đã bị kết liễu bởi tổng thống Nixon vào năm 1971 bằng sắc lệnh 11615.

 

Từ đó chính phủ Hoa Kỳ có thể in tiền theo nhu cầu chi tiêu mà không buộc phải có một số lượng vàng tương ứng để bảo chứng. Tương tự như nhiều nước, việc quản lý chi tiêu tại Hoa kỳ do quốc hội thông qua và giám sát nó.

 

Khi chi lớn hơn thu thì phải vay và sẽ “ghi nợ” vào tương lai. Kỳ vọng vào việc trả nợ cũng chính là kỳ vọng vào tương lai phát triển của loài người, thông qua khả năng tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Những quốc gia có mức nợ công cao cũng thường là những đất nước phát triển nhất.

 

.

Minh bạch ngân sách ở Hoa Kỳ và Việt Nam

 

Nếu như khả năng vỡ nợ của Hoa Kỳ là xây dựng dựa trên các số liệu báo cáo và cân đối thu chi thì ở Việt Nam là một bức tranh hoàn toàn khác.

 

Các tài khoản về ngân sách quốc gia ở Mỹ được hình thành và công bố rộng rãi cho toàn dân có thể tìm hiểu . Ai ai cũng có thể tiếp cận và đọc được từng dòng ngân sách dành cho từng việc chi tiêu. Chính vì vậy Bộ tài chính Hoa kỳ có thể xác định được số tiền mặt hiện có và dự báo chính xác đến từng ngày về việc “hết tiền”.

 

Ngược lại, tìm hiểu các khoản chi Ngân sách quốc gia tại Việt Nam là như mò kim đáy bể.

 

Điều 15, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (Luật số 83/2015/QH13) quy định rất rõ và chi tiết về việc phải “công khai ngân sách Nhà nước” nhưng có quá nhiều cách “công khai”, ví dụ: thay vì đưa lên trang web, chính phủ thông báo ở cuộc họp riêng hoặc dán ở bảng tin, chụp ảnh làm bằng chứng đã công khai, rồi sau đó gỡ xuống ngay.

 

Thay vì viết ra rõ ràng dễ đọc thì người ta tìm mọi cách để che giấu những điều cần giấu mà khi cần vẫn nói là đã “công bố”. Kỹ năng che dấu này ở bậc thượng thừa, cơ bản là vượt trên những hiểu biết thông thường của nhân dân.

 

Người viết đã cố gắng tìm kiếm các dòng chi ngân sách cho từng lĩnh vực nhưng vô cùng khó khăn. Năm trước tôi tìm và thấy dư toán ngành công an lớn hơn gấp 4 lần ngành giáo dục và đã đưa lên Facebook và năm nay không còn được công khai nữa.

 

Điều đáng chú ý là chỉ có “dự toán” là công khai còn trong quá trình làm việc, chính phủ và quốc hội, theo lệnh của đảng cộng sản liên tục điều chỉnh, sửa đổi, làm tròn số rất tuỳ tiện theo kiểu “bốc thuốc” mà các chuyên gia sừng sỏ nhất cũng phải chạy đua quyết liệt, đào bới từng dòng mới ra được một vài con số có ý nghĩa ẩn giấu dưới lớp chữ.

 

.

Kiểm toán nhà nước và bản chất song trùng

 

Điểm khó khăn nhất của Nhà nước Việt Nam là do có một “Nhà nước song trùng”, nghĩa là song song với một chính phủ công khai thì còn có một chính phủ thực sự của đảng cộng sản.

 

Chính phủ có các bộ thì trong đảng cũng có các ban. Ví dụ: Chính phủ có Văn phòng chính phủ, Bộ tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao… thì đảng cũng có: Văn phòng TW đảng, Ban kinh tế, Ban đối ngoại, Ban tuyên giáo… với quy mô, con số biên chế không thua kém và quyền lực thì lại lớn hơn cả các bộ của chính phủ.

 

Ngân sách của bên Đảng chưa bao giờ được công khai chi tiết. Nhân dân đang bàn đến việc kiểm toán thu chi của Chính phủ nhưng chưa ai dám nhắc tới về việc kiểm toán tài chính của đảng. Chúng ta chỉ một lần biết được rằng một tờ báo Nhân dân của đảng có dự toán chi lớn hơn cả đài truyền hình VTV và năm nay không tìm thấy được nữa.

 

Khi còn hoạt động bí mật, đảng đã dùng rất nhiều cách cả hợp pháp và bất hợp pháp để tạo ra tiền chi tiêu cho tổ chức của mình, nhưng giờ đã gần 80 năm cầm quyền, hệ thống pháp luật coi như đã khá đầy đủ nhưng nhân dân vẫn không biết chính xác tiền Đảng lấy từ ngân sách là bao nhiêu? được chi tiêu như thế nào, báo cáo và kiểm toán ra sao?.

 

Nếu tiếp tục như vậy, đảng cộng sản Việt Nam nên rút vào hoạt động bí mật chăng?

 

Trong năm năm qua, mức độ công khai ngân sách ngày càng thụt lùi. Luật Ngân sách ban hành ra nhưng các nghị quyết, nghị định và thông tư dưới luật ngày càng bóp hẹp lại, các chỉ đạo thì càng theo hướng phòng thủ và kém minh bạch làm cho người dân vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

 

Ví dụ Nghị quyết số 40/2021/QH15 năm 2021 có công khai trên mạng gửi kèm theo Phụ lục 2 và Phụ lục 3 ghi rõ dự toán thu chi của từng ngành, từng lĩnh vực, của các bộ ngành trong năm 2022 nhưng đến Nghi quyết số 69/2022/QH15 của năm nay thì các phụ lục trên không còn được công khai. Hình thức công khai cũng kém đi: thay vì đưa lên mạng thì chỉ họp phổ biến; thay vì phát hành ấn phẩm thì chỉ dán ở bảng tin nội bộ… Các nhà báo ngày càng khó khăn hơn khi lấy tin, có tin rồi càng khó khăn hơn khi đưa tin.

 

Nếu so sánh với Mỹ đang sắp vỡ nợ thì Việt Nam có lẽ không bao giờ vỡ nợ vì nhân dân thực sự không biết bảng “cân đối kế toán” của nhà nước nó như thế nào và Đảng muốn như thế nào? Và nếu có khả năng vỡ nợ thì sửa luôn cách tính GDP để mức vay thấp hơn.

 

.

Đòi hỏi của dân và sân chơi quốc tế

 

Chi cho đầu tư phát triển là quan trọng và, nhà nước cũng như cá nhân, thiếu thì có thể đi vay. Vay nợ cũng là chuyện bình thường nhưng chủ nợ luôn có xu hướng tìm kiếm sự minh bạch để đánh giá được mức độ rủi ro tài chính đến đâu.

 

Dù cho sắp có khả năng vỡ nợ, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có uy tín và dễ dàng đi vay nhất. Ngược lại, chính phủ Việt Nam đang rất tù mù trong công bố thông tin ngân sách quốc gia; nhà nước hoạt động song trùng, tài chính đảng chồng lấn, lồng ghép với chính phủ từ trung ương xuống địa phương. Trường hợp cô Lê Thị Dung vừa qua là rất phức tạp, nhập nhằng. Nó như một cục rối vô cùng khó gỡ cho những người mong muốn quản lý ngân sách bằng đầu ra.

 

Cụ thể cô Lê Thị Dung là một con người giữ hai nhiệm vụ, ăn hai lương, điều chỉnh bằng 2 văn bản là Quyết định số 169/QĐ-TW của Ban bí thư BCH TW đảng về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên với tư cách cô ấy là Bí thư chi bộ, và Thông tư số 28/2009/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục về chế độ với giáo viên phổ thông với tư cách cô ấy là giáo viên.

 

Đây chính là một trường hợp điển hình của một con người ở cơ sở vừa là giáo viên vừa là đảng viên mà không một bảng “cân đối kế toán nào” tự nó có thể minh bạch được. Có hàng triệu trường hợp như vậy thì sai số của “bảng cân đối thu chi” ngân sách nó lớn đến nhường nào và ngân sách quốc gia không thể nào minh bạch được.

 

Nếu không minh bạch được ở tầm cấp quốc gia, thì các tổ chức quốc tế khó cho vay tiền trong khi lúc này Việt Nam đang bắt đầu thời kỳ phải vay nợ để trả nợ gốc và lãi, trong bối cảnh tốc độ giải ngân thực sự yếu kém, đặc biệt là giải ngân từ vốn vay nước ngoài chỉ đạt 3,43% kế hoạch đề ra trong quý 1 năm nay.

 

Mỹ có thể vay nợ nhiều, cả với quốc tế và người dân trong nước, nhưng bất cứ ai cũng biết được khoản tiền mình cho vay đã đi vào đâu, làm việc gì và luôn luôn được hai đảng đối lập bàn bạc và thách thức lẫn nhau trên từng dòng ngân sách.

 

Ngược lại Việt Nam có thể sẽ không bao giờ vỡ nợ nhưng sự tù mù về ngân sách ảnh hưởng ngay đến sự phát triển của quốc gia trong dài hạn.

 

=========================

XEM THÊM

Nước Mỹ có vỡ nợ? Thực chất và hệ luỵ?

Lê Quốc Quân

20/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nuoc-my-co-vo-no-thuc-chat-va-he-luy-/7101765.html

 

 

 





No comments: