Saturday, May 13, 2023

NHIỀU DẤU HIỆU CHO THẤY HOA KỲ MUỐN GIẢM CĂNG THẲNG VỚI TRUNG QUỐC (Thanh Hà / RFI)

 



Nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn giảm căng thẳng với Trung Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 12/05/2023 - 14:52

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230512-nhi%E1%BB%81u-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-cho-th%E1%BA%A5y-m%E1%BB%B9-mu%E1%BB%91n-l%C3%A0m-gi%E1%BA%A3m-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-trong-quan-h%E1%BB%87-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Phải đợi đến khi kết thúc hai ngày họp tại Áo giữa cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và nhân vật cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, Washington và Bắc Kinh mới chính thức thông báo sự kiện này. Thông cáo của Nhà Trắng và đánh giá của Tân Hoa Xã giống nhau như hai giọt nước. Đôi bên hài lòng vì « kênh liên lạc vẫn được duy trì », vì đối thoại « thẳng thắn, có thực chất và mang tính xây dựng ».  

 

https://s.rfi.fr/media/display/360bb0b0-f0be-11ed-acbd-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23131627417603%20%281%29.webp

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 24/04/2023. AP - Andrew Harnik

 

Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu khép lại sự cố « khinh khí cầu dọ thám » hồi tháng 2/2023 khiến ngoại trưởng Antony Blinken đã hủy chuyến đi Bắc Kinh vào giờ chót. Giới quan sát quốc tế không ngạc nhiên trước hiện tượng « tan băng » trong quan hệ song phương. Thậm chí đây là điều « đã được báo trước và cần thiết » tránh để xảy ra bất kỳ một sự cố nào giữa hai cường quốc.   

 

Đã đến lúc các bên cần « nối lại các kênh liên lạc bình thường ». Điển hình là từ nhiều tuần qua, hoạt động ngoại giao của cả đôi bên đều cố gắng hướng tới việc « làm hòa ».

 

Washington không che giấu là nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ chuẩn bị sang Bắc Kinh (trong số này có từ các bộ trưởng Tài Chính và Thương Mại đến ngoại trưởng Antony Blinken hay đặc sứ về khí hậu của tổng thống Biden, ông John Kerry…). Về phía Trung Quốc, sau gần ba tháng đảm nhận nhiệm kỳ 3, ông Tập Cận Bình cũng có nhiều lý do, cả về ngoại giao lẫn kinh tế, để « làm lành » với Hoa Kỳ.    

 

Dù vậy, điều bất ngờ ở đây là thái độ « mềm mỏng » của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh. Hãng tin Mỹ AP trích dẫn một nguồn tin thông thạo khẳng định Nhà Trắng đã « nói thẳng với phía Trung Quốc là muốn cho vào quá khứ  sự cố quả bóng do thám ». Phải chăng chính vì thế mà báo cáo của Cục Điều Tra Liên Bang FBI về quả khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ, lẽ ra phải được công bố giữa tháng 4 vừa qua, đến nay vẫn biệt tăm ?

 

Shannon Tiezzi, tổng biên tập báo mạng của Nhật The Diplomat (ngày 12/05/2023) nói đến « cái giá mà Washington phải trả » để làm hòa với Trung Quốc. Còn hãng tin Anh Reuters thì cho biết « FBI hoàn toàn im lặng về tin này », đồng thời tiết lộ, Rick Waters, đặc trách về hồ sơ Trung Quốc và Đài Loan trong bộ Ngoại Giao Mỹ, giải thích ngay sau khi Washington phát hiện quả bóng dọ thám Trung Quốc, nhân viên trong bộ này đã được lệnh là chỉ phản ứng một cách « dè dặt » và có thể là những quyết định sẽ phải được « điều chỉnh » tùy theo diễn biến tình hình.

 

Ngay từ cuối tháng 3/2023, chính ông Waters trong một cuộc họp nội bộ đã chủ trương « nên gác hồ sơ khinh khí cầu Trung Quốc sang một bên để tập trung vào những việc khác ». Ngoại trưởng Antony Blinken đã giao hồ sơ « khinh khí cầu Trung Quốc » cho nhân vật số hai của bộ là bà Wendy Sherman xử lý. Vẫn theo Reuters, đến nay, từ ngoại trưởng Blinken đến bà Sherman hay bộ phận báo chí của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều tỏ ra mơ hồ và kín đáo về vụ « bóng dọ thám Trung Quốc ». 

 

Cùng lúc, giới phân tích cũng nhận thấy chính quyền Biden chậm trễ « một cách bất thường » trong lịch trình ban hành các biện pháp trừng phạt những doanh nghiệp Trung Quốc. Đành rằng Washington cập nhật hóa hàng tuần danh sách các thực thể bị trừng phạt, nhưng chỉ riêng với Hoa Vi, các nguồn tin được Reuters trích dẫn cho biết chính phủ đã soạn thảo xong các tài liệu để siết chặt thêm nữa phạm vi hoạt động của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Nhưng văn bản chính thức sau cùng đến nay vẫn chưa được công bố, do chưa có tiếng nói cuối cùng của nhân vật số 2 bên bộ Ngoại Giao, Wendy Sherman. Chỉ riêng trên điểm này, từ Lầu Năm Góc đến bộ Thương Mại Mỹ cũng đều « đẩy đưa » khi được hỏi và từ chối bình luận.   

 

Điều tra của Reuters còn cho thấy dường như bộ Ngoại Giao Mỹ đã « hoãn ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số quan chức cao cấp Trung Quốc, trong đó có lãnh đạo Tân Cương, mà phía Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định là « nhân vật trực tiếp nhúng tay vào vụ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ».   

 

Dù vậy, những nỗ lực làm tan băng của Washington cũng có giới hạn. Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đến nay vẫn từ chối đối thoại với đồng cấp Mỹ Lloyd Austin với lý do bộ trưởng họ Lý là một trong số các quan chức của Bắc Kinh có tên trong sổ đen bị Washington trừng phạt. Trong tuần, phía Trung Quốc đã cho biết ít có khả năng hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Trung họp riêng bên lề diễn đàn an ninh ở Singapore vào tháng 6 tới. 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Vụ khinh khí cầu gián điệp khuấy động quan hệ Mỹ-Trung

 

HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Mỹ-Trung nối lại đối thoại ngoại giao cấp cao

 

MỸ -TRUNG

Bắc Kinh : Ổn định quan hệ Trung- Mỹ là cấp bách

 

 

 

 



No comments: