Tuesday, May 2, 2023

NHÂN NGÀY 30 THÁNG TƯ, VÀI SUY NGHĨ VỀ HÀN QUỐC (Trần Hùng)

 



Nhân ngày 30 tháng4, vài suy nghĩ về Hàn Quốc

Trần Hùng

30/04/23

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/28584-nhan-ngay-30-thang4-vai-suy-nghi-v-han-qu-c

 

I. Về Cách Mạng Tháng Tư 1960 tại Hàn Quốc

 

Tháng tư này đánh dấu 63 năm cuộc Cách Mạng Tháng Tư tại Hàn Quốc, nhân đây xin chia sẻ với các thân hữu một vài suy nghĩ về sự kiện bước ngoặt này của Hàn Quốc. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52859580396_d38581105d.jpg

Jin Young-suk không đơn độc, học sinh và sinh viên là lực lượng chính của cuộc cách mạng này

 

Trước hết là một bức thư mà một nữ sinh trung học để lại cho mẹ mình trước khi tham gia cuộc biểu tình ngày 19/4/1960, sự kiện được nhắc tới trong lời nói đầu của hiến pháp Hàn Quốc.

 

"Vì không đủ thời gian nên con đã đi mà không thể gặp mẹ. Con sẽ đấu tranh đến cùng để chống lại cuộc bầu cử gian lận này. Con, các bạn con và hàng triệu học sinh sinh viên trên cả nước đang đổ máu cho nền dân chủ. Mẹ ơi, đừng quở trách con vì đã tham gia cuộc biểu tình này. Nếu không phải là chúng con thì ai sẽ gánh việc này ? Con biết mình vẫn chưa đủ lớn nhưng con biết phải làm gì cho đất nước, cho dân tộc này. Con sẽ dâng hiến cuộc đời mình để chiến đấu cho tổ quốc. Hẳn mẹ sẽ rất đau buồn vì con biết mẹ yêu con rất nhiều. Nhưng xin mẹ hãy thấy vui mừng vì tương lai tươi sáng của đất nước và tự do cho dân tộc ta…" - Jin Young-sook (1946-1960) (1).

 

Đằng sau sự bồng bột của tuổi trẻ là một ý thức cực kỳ mạnh mẽ về lòng yêu nước, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận với đất nước, cũng như khao khát dân chủ và ý thức về công lý. Sẵn sàng chiến đấu tới cùng để chống lại một cuộc bầu cử gian lận, chống lại sự gian trá. Nữ sinh Jin Young-sook lúc đó mới 14 tuổi bị cảnh sát bắn chết trong "Ngày Thứ Ba Đẫm Máu" (Bloody Tuesday - 19/4/1960), sự kiện nằm trong cao điểm của cuộc Cách Mạng Tháng Tư nhằm lật đổ chế độ độc tài của Lý Thừa Vãn sau cuộc bầu cử gian lận ngày 15/3/1960. Jin Young-suk không đơn độc, học sinh và sinh viên là lực lượng chính của cuộc cách mạng này. Trong cuộc biểu tình lên án cuộc bầu cử gian lận ngay ngày 15/3 tại Masan, nơi bắt đầu cuộc cách mạng, 7 trong 9 người biểu tình bị cảnh sát bắn chết là học sinh trung học. Sự kiện người Hàn Quốc có thể sản sinh ra một thế hệ trẻ như vậy chỉ sau hơn một thập kỷ độc lập và sau 7 năm có hòa bình tiết lộ lý do tại sao họ chỉ cần hai thế hệ để đi từ một nước độc tài và nghèo đói thành một trong những nước dân chủ và thịnh vượng nhất Châu Á. Một dân tộc có thể sản sinh ra những thế hệ như vậy không muốn vươn lên cũng không được ! 

 

.

Một ý thức quốc gia cực kỳ mạnh mẽ

 

Là một đất nước có nền văn hóa đặc sắc và lịch sử lâu đời, gần như có độc lập trong suốt dòng lịch sử, cùng với một lãnh thổ ít thay đổi kể từ cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ, cũng như một sự đồng nhất cao về cả sắc tộc và ngôn ngữ, Hàn Quốc đã có sẵn nhiều yếu tố nền tảng giúp hình thành nên một ý thức quốc gia mạnh. Nhưng cuộc xâm lược của Nhật Bản có lẽ là bước ngoặt. Trong 35 năm thống trị bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đã thực hiện chính sách cai trị cực kỳ tàn bạo. 7 triệu người bị cưỡng bức lao động, 1,5 triệu người bị đẩy ra chiến trường để phục vụ cho những cuộc chiến của Nhật, trên một dân số chưa tới 25 triệu. Bên cạnh đó là chính sách phân biệt đối xử, vơ vét, dồn mọi nguồn lực cho chiến tranh, trong những năm cuối của Thế Chiến Thứ Hai 90% ngân sách của chính quyền tại bán đảo Triều Tiên được dành cho những hoạt động quân sự của Nhật. Cùng với đó là việc đàn áp dã man phong trào vận động đòi độc lập. Và nhất là chính sách diệt chủng về mặt văn hóa, cố gắng xóa bỏ ngôn ngữ và chữ viết, chữ Hàn bị cấm giảng dạy, các tờ báo tiếng Hàn bị đóng cửa, chữ Nhật được đưa thành quốc ngữ, các văn tự ngôn ngữ và lịch sử của các triều đại cũ đều bị tiêu huỷ. Kết quả là cả ba yếu tố, xung đột văn hóa, mâu thuẫn quyền lợi và nhu cầu căn cước, những động cơ mạnh nhất của đấu tranh chính trị đều được thổi bùng lên trong và sau 35 năm thống trị của Nhật Bản. Chính nó đã góp phần hình thành nên một ý thức quốc gia rất mạnh cho Hàn Quốc sau này.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52859585801_05b0076a39.jpg

Người dân đứng đầy trên lề đường, vỗ tay nhiệt liệt để cổ vũ tinh thần dũng cảm của đoàn giáo sư biểu tình. 

 

Nhưng chưa hết, một yếu tố quan trọng khác là sự xuất sắc về mặt tư tưởng chính trị của giới trí thức Hàn Quốc, có thể nói là hơn hẳn bất cứ quốc gia nào khác ở Châu Á. Hãy lấy một thí dụ hiến pháp đầu tiên của Hàn Quốc được thông qua năm 1948, dựa trên nhiều ý kiến của Yoo Jin-oh, thể chế chính trị được đưa ra không phải là chế độ tổng thống như nhiều người lầm tưởng mà là chế độ đại nghị. Yoo Jin-oh lập luận rằng "chế độ tổng thống có thể dẫn tới độc tài" và "quốc gia duy nhất có thể duy trì chế độ tổng thống mà không gặp phải vấn đề gì lớn là Hoa Kỳ". Họ đã nhìn thấy những thiếu sót của chế độ tổng thống vào thời mà Hoa Kỳ đang mạnh hơn cả phần còn lại của thế giới và là mơ ước của mọi quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Điều này cho thấy đã có những thảo luận rất có chiều sâu về tư tưởng chính trị ngay từ trước năm 1948. Với những thảo luận chính trị có chiều sâu như vậy không có gì lạ khi chủ nghĩa cộng sản không bén rễ được vào Hàn Quốc như trường hợp của Việt Nam Cộng Hoà. (Trong hiến pháp 1948, tổng thống được quốc hội bầu ra với giới hạn 2 nhiệm kỳ. Trong dự thảo trước đó, tổng thống chỉ có vai trò nghi lễ nhưng đã bị sửa đổi dưới áp lực của Lý Thừa Vãn. Năm 1952, Lý Thừa Vãn sửa đổi hiến pháp để người dân trực tiếp bầu tổng thống. Trong lần sửa đổi kế tiếp năm 1954, giới hạn nhiệm kỳ bị xóa bỏ để Lý Thừa Vãn có thể cầm quyền suốt đời.) Để nhìn rõ sự tiến bộ của họ thì cứ thử nhìn qua Việt Nam, vào cùng thời kỳ, không có một đảng phái nào, ngay cả đảng cộng sản, có thể nhìn rõ những vấn đề đang đặt ra cho đất nước, chứ chưa nói tới giải pháp và hướng đi trong tương lai. Và thậm chí là hơn 70 năm sau, đa số trí thức Việt Nam vẫn xác quyết chế độ trong tương lai của đất nước là chế độ tổng thống, một xác quyết mang tính cảm tính chứ không dựa trên một lý luận nghiêm chỉnh nào cả. Trí thức họ hơn xa chúng ta. 

 

Di sản lịch sử, nhu cầu căn cước và tư tưởng chính trị đã sản sinh ra một ý thức quốc gia cực kỳ mạnh mẽ, chính nó đã sản sinh ra những thế hệ như Jin Young-sook. Và cũng chính nó đã tạo ra một đồng thuận dân tộc rất mạnh cho người Hàn với hai mục tiêu chính là xây dựng một chính quyền tự chủ và dân chủ, và phát triển đất nước trở nên giàu mạnh. Lãnh đạo nào đi chệch khỏi một trong hai mục tiêu này đều bị chống đối dữ dội, còn nếu đi chếch khỏi cả hai thì bị lật đổ, đó là trường hợp của Lý Thừa Vãn. Đồng thuận dân tộc này là yếu tố chính viết nên lịch sử của Hàn Quốc nửa sau thế kỷ 20, chính nó đã giúp họ gượng dậy được sau cuộc nội chiến tàn khốc, cũng chính nó đã tạo nên Kỳ Tích Sông Hán. Nhờ nó mà dù gặp bất lợi tới đâu Hàn Quốc vẫn có thể đứng dậy và tiếp tục vươn lên. Thập kỷ 1970 cả thế giới tư bản chao đảo vì cuộc khủng hoảng dầu lửa thì Hàn Quốc vẫn trỗi dậy mạnh mẽ. Các tướng lĩnh hết lần này tới lần khác đàn áp dã man phong trào dân chủ thì hết thế hệ này tới thế hệ khác trí thức và sinh viên vẫn đứng dậy để đặt các tướng lĩnh về đúng với vị trí của họ. Cuộc khủng hoảng tài chính 1997 thổi bay 10 năm tăng trưởng trước đó thì họ cũng chỉ cần 5 năm để lấy lại những gì đã mất và tiếp tục trỗi dậy, trong khi những nạn nhân khác của cuộc khủng hoảng này đều sa lầy trong bế tắc. Đồng thuận dân tộc này là cái quan trọng nhất, phần còn lại chỉ là những chi tiết. Tuy vậy đi vào những chi tiết sẽ càng làm chúng ta nhìn rõ hơn đồng thuận này. Cuộc Cách Mạng Tháng Tư sẽ là một thí dụ. 

 

.

Bối cảnh 

 

Bước ra khỏi cuộc nội chiến tàn khốc làm chết hơn 3 triệu người (tương đương khoảng 10% dân số bán đảo Triều Tiên lúc đó), ¼ dân số sống trong tình trạng không nhà cửa, phần lớn cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Hàn Quốc những năm cuối thập niên 1950 được đánh dấu bởi tình trạng kinh tế đình trệ, thất nghiệp diện rộng trong khi tham nhũng tràn lan. Cả nước ngập chìm trong nghèo đói. Nhưng cũng có điều tích cực là cuộc chiến này đã khiến đa phần trí thức di chuyển xuống phía nam bán đảo. Điều này tạo điều kiện cho việc phát triển của các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự, nhất là khi tư tưởng chính trị của trí thức Hàn Quốc đã rất khá. Nó cũng làm gia tăng ý thức dân chủ của quần chúng, khi mà giáo dục được đầu tư rất mạnh mẽ sau khi Nhật Bản rút khỏi bán đảo Triều Tiên. Cuộc diệt chủng về văn hóa trước đó của Nhật đã làm cả trí thức và chính quyền đồn rất nhiều cố gắng để khơi dậy văn hóa và tinh thần dân tộc của thế hệ trẻ, cuộc chiến với khối cộng sản cũng làm giới lãnh đạo xã hội tìm mọi cách để truyền bá tinh thần dân chủ, như một cách để đối chọi lại với chủ nghĩa cộng sản ở phía bắc. Tư tưởng của dân chúng ngày càng hướng về dân chủ, trong khi chính quyền thì ngược lại, mâu thuẫn này sớm muộn cũng dẫn tới một cuộc cách mạng. Giáo dục phát triển cũng đưa tới một tầng lớp thanh niên tốt nghiệp đại học trình độ cao, nhưng họ lại thất nghiệp do kinh tế trì trệ, bất mãn lại càng tăng cao.

 

Một di sản khác của cuộc chiến 1950-1953 là nó đã làm cực đoan hóa bộ máy chính quyền, công an và quân đội, điều này cùng với tham vọng quyền lực của Lý Thừa Vãn làm cho chính quyền non trẻ của Hàn Quốc ngày càng trở nên độc đoán hơn. Hiến pháp 1948 là một hiến pháp dân chủ, tuy nhiên đó chỉ là trên giấy tờ, việc kiểm duyệt báo chí, đàn áp đối lập, bao gồm cả việc thủ tiêu những người đe dọa quyền lực của mình, hay đưa "người chết đi bỏ phiếu" trong nhiều cuộc bầu cử là những thủ đoạn thường được chính quyền Lý Thừa Vãn dùng để duy trì quyền lực. Lý Thừa Vãn đã được quốc hội đầu tiên bầu lên khi mà ông ta ít nhiều có sự chính đáng lịch sử, tuy nhiên sự ủng hộ trong quốc hội ngày càng giảm dần. Nhận thấy điều này ông ta đã cố sửa đổi hiến pháp để người dân trực tiếp bầu tổng thống, trong dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1952. Tuy nhiên nó đã bị quốc hội bác bỏ trong lần đầu bỏ phiếu, trong lần thứ hai quốc hội đã bị đe dọa để buộc phải thông qua sửa đổi (trong chính biến Busan). Trong lần sửa đổi hiến pháp năm 1954 để bỏ giới hạn nhiệm kỳ, tu chỉnh đã chỉ có được số phiếu 135/203 (66.5%), tức là chưa đủ  (66.67%) để thông qua, tuy nhiên chính quyền đã "làm tròn" con số để thông qua sửa đổi này. Sự kiện này đã biến chính quyền thành trò hề và khiến Lý Thừa Vãn bị chỉ trích dữ đội từ mọi phía, ngay cả trong đảng Tự Do cầm quyền. Nhiều thành viên của đảng Tự Do đã ly khai, họ kết hợp với đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng đối lập lớn nhất đã được thành lập từ thập niên trước, cùng với những người đối lập khác để hình thành nên đảng Dân Chủ (năm 1955), tổ chức được xem là lực lượng đối lập mạnh nhất quy tụ những người chống lại chính quyền của Lý Thừa Vãn. 

 

Một năm sau đó, năm 1956, trong cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống, ứng cử viên cho ghế tổng thống của Đảng Dân Chủ bất ngờ qua đời, Lý Thừa Vãn dễ dàng thắng cử, nhưng trong cuộc bầu cử phó tổng thống, bất chấp những cố gắng gian lận, ứng cử viên của đảng Dân Chủ vẫn thắng (46,42% so với 44,03%). Điều này cho thấy người dân đã chán ghét chế độ và cơ sở quần chúng của đối lập đã rộng khắp. 4 năm sau, trong cuộc bầu cử năm 1960, cả 2 ứng cử viên có thể đe doạ Lý Thừa Vãn đều chết trước cuộc bầu cử (một bị hành quyết nhân danh chống cộng, một chết bất ngờ (?)), điều này khiến cuộc đua phó tổng thống trở thành tâm điểm vì Lý Thừa Vãn lúc này đã 85 tuổi. Nhưng đây cũng là cuộc đua mà đảng Tự Do chắc chắn thua nếu không gian lận. Họ đã gian lận, thắng cử để rồi bị lật đổ. 

 

.

Diễn biến

 

Trong cuộc bầu cử 15/3/1960, những hành động như "đưa người chết đi bầu cử", mua phiếu bầu, đe dọa những người bỏ phiếu cho đối lập, hay tấn công các quan sát viên của đảng đối lập… xảy ra khắp các điểm bỏ phiếu. Kết quả thì chắc chắn là chiến thắng áp đảo của 2 ứng viên đảng Tự Do, Lý Thừa Vãn và Lee Ki-poong. Điều này dẫn tới những cuộc biểu tình lên án bầu cử gian lận trên khắp Hàn Quốc. Nhưng tâm điểm là tại Masan, nơi có tỉ lệ ủng hộ đảng đối lập được xem là áp đảo. Vào ngày bỏ phiếu, các quan sát viên của đảng Dân Chủ đối lập đã tố giác những hành vi gian lận của đảng Tự Do, kết quả là họ bị trục xuất khỏi các điểm bỏ phiếu. Để phản đối, những đảng viên này đã nhanh chóng tổ chức một cuộc biểu tình lớn, con số 1000 người ban đầu đã nhanh chóng tăng lên 10.000 vào buổi tối. Để giải tán cuộc biểu tình, cảnh sát đã bắt cả đạn hơi cay lẫn đạn thật vào đám đông, kết quả là 9 người biểu tình bị bắn chết và hàng trăm người bị thương, trong 9 người này có 7 người là học sinh trung học, Kim Ju-yeol (1944-1960) là một trong số đó. Để che giấu tội ác này cảnh sát đã vứt xác các nạn nhân xuống biển. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52859972795_040f5b042f_w.jpg

 

27 ngày sau, 11/4, thi thể của Kim Ju-yeol được nhìn thấy ở một bến cảng tại Masan. Hình ảnh một lựu đạn hơi cay cắm vào đầu một học sinh trung học đã nhanh chóng được báo chí lan truyền, và làm dư luận phẫn nộ, rồi trở thành ngòi nổ cho cuộc cách mạng. Giận dữ trước tội ác này, ngay tối hôm đó hơn 30.000 người tại Masan đã xuống đường biểu tình. Họ yêu cầu chính quyền chịu trách nhiệm cho cái chết của Kim Ju-yeol (trước đó chính quyền thông báo Kim Ju-yeol chết đuối) và lên án cuộc bầu cử gian lận. Người biểu tình nhanh chóng áp đảo lực lượng an ninh, và cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, khi đám đông phẫn nộ tấn công vào nhiều đồn cảnh sát rồi đập phá trụ sở chính quyền. Cảnh sát tiếp tục nổ súng, thêm người biểu tình bị bắn chết, đám đông càng trở nên giận dữ hơn. Họ tấn công và đốt phá cả nhà riêng lẫn cơ sở kinh doanh của các lãnh đạo đảng Tự Do cầm quyền. Masan gần như rơi vào tình trạng vô chính phủ, từ đây biểu tình nhanh chóng đã lan ra toàn quốc. Dù vậy chính quyền vẫn gọi hai cuộc nổi dậy tại Masan là do cộng sản kích động. 

 

7 ngày sau tại Seoul, hơn 3000 sinh viên đã tổ chức biểu tình ngồi trước tòa nhà quốc hội để lên án cuộc bầu cử gian lận và yêu cầu tổ chức bầu cử lại. Cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hoà, nhưng khi ra về sinh viên đã bị đám côn đồ với sự hậu thuẫn từ chính quyền tấn công (lực lượng thanh niên chống cộng). Bất chấp các cố gắng kiểm duyệt, hình ảnh những sinh viên bị côn đồ đánh gục nằm trên đường phố vẫn được báo chí lan truyền rộng rãi. Sự kiện chính quyền dùng đám xã hội đen để đáp lại những đòi hỏi ôn hòa từ sinh viên càng làm dư luận sôi sục hơn. Ngay ngày hôm sau, 19/4/1960, hàng trăm nghìn người đã tràn ra đường trên khắp Hàn Quốc, dưới sự tổ chức của các đảng phái đối lập và các hội đoàn xã hội dân sự, trong đó tích cực nhất là các hội sinh viên. Họ yêu cầu chính quyền chịu trách nhiệm cho cái chết của Kim Ju-yeol, Lý Thừa Vãn từ chức và một cuộc bầu cử mới. Tại Seoul, vào chiều cùng ngày, khi người biểu tình áp sát trụ sở của lực lượng an ninh và phủ tổng thống, cảnh sát đã xả súng bừa bãi vào đám đông, hàng chục người bị bắn chết tại chỗ. Trong cả cuộc cách mạng 186 người chết và hơn 6000 người bị thương. Dù vậy lực lượng an ninh vẫn không kiểm soát được tình hình. Chính quyền đàn áp càng kéo nhiều người xuống đường hơn, các hội sinh viên được tổ chức rất tốt đã chống trả lại lực lượng an ninh, họ đốt phá trụ sở của các tờ báo ủng hộ chính quyền, trụ sở của lực lượng thanh niên chống cộng, cũng như tấn công vào nhiều cơ quan công quyền… cảnh sát và người biểu tình đụng độ nhau trên đường phố. Trước tình trạng hỗn loạn này, chính quyền đã ban bố thiết quân luật, quân đội được lệnh tiến vào nhiều thành phố để lập lại trật tự. 

 

 

Bước ngoặt, quân đội từ chối đàn áp, đồng minh quay lưng 

 

Với sự hỗ trợ của quân đội, người biểu tình nhanh chóng bị đẩy khỏi trung tâm thành phố, tuy nhiên, khác với lực lượng cảnh sát, các quân nhân nhận được lệnh bắn vào mặt đường thay vì bắn vào người biểu tình. Như một hành động mang tính biểu tượng, khi các lực lượng sinh viên bị truy đuổi, co cụm và tập hợp lại tại khuôn viên đại học Korea, nguy cơ đổ máu lớn có thể xảy ra, thì tướng Jo Jae-mi, chỉ huy lực lượng quân đội tại Seoul, đã tay không tiến vào khuôn viên trường chỉ cùng với 2 phụ tá. Ông đã nghiêng mình trước thi thể của vô số người biểu tình đang được quấn quanh bởi lá quốc kỳ ướt đẫm máu. Các lực lượng sinh viên sau đó đã hạ vũ khí và để quân đội dẫn đi. Quân đội đã bày tỏ thái độ ủng hộ người biểu tình và từ chối phục tùng mệnh lệnh của Lý Thừa Vãn, tại sao ? 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52859006362_c6071f664f.jpg

Sự kiện chính quyền Hàn Quốc công khai xả súng vào người biểu tình ngay trước phủ tổng thống đã nhanh chóng được báo chí quốc tế lan truyền

 

Nguyên nhân trước hết là do mâu thuẫn giữa lực lượng cảnh sát và quân đội. Dưới thời Lý Thừa Vãn, các công chức và quân nhân được trả lương ở mức "chết đói", khiến mọi người đều phải tham nhũng, và cảnh sát là lực lượng có điều kiện tham nhũng nhất vì họ làm việc trực tiếp với người dân. Cùng với đó là cảnh sát cũng là lực lượng đặc lực nhất của Lý Thừa Vãn trong việc duy trì quyền lực, đàn áp đối lập và nhất là tiêu diệt các lực lượng cộng sản. Điều này khiến cảnh sát có được nhiều đặc quyền, và gây ra sự bất mãn của quân đội. Một nguyên nhân nữa là việc đảng Tự Do được tổ chức khá lỏng lẻo, đã chỉ được thành lập sau khi Lý Thừa Vãn cầm quyền (đây là lý do khiến đảng Tự Do "bốc hơi" ngay sau khi Lý Thừa Vãn từ chức), trong khi quân đội có tổ chức chặt chẽ hơn nhiều, tình trạng khiến nhà độc tài lo lắng về việc các tướng lĩnh có thể thách thức mình, nên ông ta đã ngăn chặn con đường thăng tiến của nhiều tướng lĩnh. Không có gì bất ngờ nếu các tướng lĩnh cũng muốn loại bỏ Lý Thừa Vãn. 

 

Sự kiện chính quyền Hàn Quốc công khai xả súng vào người biểu tình ngay trước phủ tổng thống đã nhanh chóng được báo chí quốc tế lan truyền, và khiến chế độ bị chỉ trích dữ dội bởi truyền thông phương Tây. Sự kiện này kết hợp với việc quân đội đã quay lưng với nhà độc tài thì Mỹ không còn lý do gì để tiếp tục ủng hộ Lý Thừa Vãn. Với sự quay lưng của quân đội và đồng minh, số phận của nhà độc tài coi như đã điểm. 

 

Một lý do khác nữa dẫn tới sự quay lưng của cả quân đội và Mỹ có lẽ là vì lúc này Lý Thừa Vãn đã 85 tuổi, và có vẻ không ai còn muốn "đặt cược" vào một nhà độc tài sắp chết và đã mất sạch sự hậu thuẫn của quần chúng. 

 

Những cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 25/4 được dẫn đầu bởi các giáo sư đại học, cùng sự tiếp tay của quân đội có thể xem như là phát súng ân huệ đối với chế độ độc tài. Lý Thừa Vãn từ chức ngay sau đó và đào thoát qua Hawaii.

 

Đó là một tóm lược sơ sài về cuộc Cách Mạng Tháng Tư, chỉ là một vài nét chính được tổng hợp lại từ nhiều tư liệu khác nhau. Những diễn biến sôi động của cuộc cách mạng có thể làm nhiều người phấn khích và quên đi những yếu tố nền tảng. Những biến động xã hội của một dân tộc thực ra chỉ sản phẩm của những thay đổi về tâm lý và văn hóa của dân tộc đó phản ứng với một bối cảnh lịch sử nhất định. Chúng ta sẽ không rút ra được những kết luận đúng đắn nếu chỉ nhìn vào kết quả mà không nhìn vào gốc rẽ. Dưới đây là một vài phân tích về những gì đã đưa tới cuộc cách mạng này. 

 

.

Cuộc vận động dân chủ đã hoàn tất

 

"A student said that he was prepared to die if that was what it would take to achieve democracy" (Một sinh viên nói rằng anh ta sẵn sàng chết nếu đó là điều cần thiết để đạt được dân chủ) (2). Như đã nhắc đến ở phần trên, trí thức Hàn Quốc đã đồn mọi cố gắng để truyền bá tư tưởng dân chủ vào quần chúng, và vào thời điểm này (1960) nó đã chín muồi để đưa tới một cuộc cách mạng, anh sinh viên này hay trường hợp của Jin Young-sook chỉ là những thí dụ. Chẳng chế độ độc tài nào có thể "sống yên ổn" với một tâm lý xã hội như thế này. Trí thức Hàn Quốc đã rất xuất sắc khi làm việc này chỉ trong một thập kỷ. 

 

.

Cả 4 điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng đều đã có 

 

Trong bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng (3), điều kiện thứ nhất ‘chế độ bị toàn dân thù ghét' đã có, điều này có thể nhìn thấy rõ trong cuộc bầu cử phó tổng thống năm 1956, đảng Tự Do đã cố gian lận nhưng vẫn thua. Điều kiện thứ hai "chế độ phân hóa, chia rẽ và mất khả năng tự tồn" cũng đã có, một phần của đảng Tự Do đã ly khai vào năm 1954-1955 để chống lại Lý Thừa Vãn, cũng như việc quân đội từ chối đàn áp người biểu tình là những minh chứng. Điều kiện thứ ba "đồng thuận dân tộc về một chế độ mới" cũng đã đạt được, như đã phân tích ở đầu bài, người Hàn Quốc đã có một đồng thuận dân tộc rất mạnh về việc xây dựng một chế độ dân chủ và phát triển đất nước. Điều kiện thứ tư "một lực lượng chính trị xuất hiện để làm tụ điểm cho khát vọng đổi mới" cũng đã có sẵn với đảng Dân Chủ đối lập. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc cách mạng lại bắt đầu, và diễn ra rất dữ dội tại Masan, nơi được xem là có tỉ lệ ủng hộ cho đảng Dân Chủ đối lập áp đảo đảng Tự Do cầm quyền. Khi đã có tổ chức và cơ sở quần chúng mạnh thì không khó để phát động một cuộc biểu tình, chỉ cần một mồi lửa. Với việc hội tụ cả bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ, sự sụp đổ của chế độ độc tài Lý Thừa Vãn là không thể tránh khỏi, dù theo cách này hay cách khác. 

 

Cuộc cách mạng dang dở 

 

Cuộc Cách Mạng Tháng Tư còn có tên gọi khác là Cuộc Cách Mạng Không Trọn Vẹn. Sau khi Lý Thừa Vãn từ chức, hiến pháp đã được sửa đổi để chuyển đổi từ chế độ tổng thống sang chế độ đại nghị nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện một nhà độc tài mới. Đảng Dân Chủ đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội sau đó (nắm 75,1% Hạ viện và 53,4% Thượng viện). Tuy nhiên thiết lập dân chủ khó hơn nhiều so với những gì họ nghĩ. Chế độ đại nghị đặt nền tảng trên sinh hoạt chính đảng, nhưng đảng Dân Chủ đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Đảng Dân Chủ vốn được thành lập từ năm 1955 với một phần đến từ đảng Dân Chủ Nhân Dân đã được thành lập từ trước, cùng với những người độc lập, và những người ly khai khỏi đảng Tự Do. Những phe phái này luôn tồn tại những mâu thuẫn âm ỉ, tuy nhiên họ vẫn có thể đứng với nhau trong một hàng ngũ nhờ có hai mục tiêu chung là chống lại chế độ độc tài và thiết lập chế độ dân chủ đại nghị. Cả hai mục tiêu chung này đều đã tiêu tan sau khi họ được đưa lên cầm quyền. 

 

Không có dự án chính trị nào để đoàn kết các đảng viên, kết quả là đảng Dân Chủ bị vỡ ra làm hai phe, xung đột gay gắt với nhau trên nhiều vấn đề như phân chia quyền lực và thực thi chính sách, và làm tê liệt hoạt động của chính quyền. Tình trạng hỗn loạn tới mức nhiệm kỳ trung bình của một bộ trưởng khi đó chỉ có hai tháng, nhiều bộ trưởng chỉ nắm quyền chưa tới một tháng (bộ trưởng bộ quốc phòng cũng bị thay đổi liên tục), nội các cải tổ liên tục, dù đảng Dân Chủ đang kiểm soát quốc hội. Trong khi đó Hàn Quốc đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cấp bách, từ nguy cơ đến từ chế độ cộng sản miền bắc, tới việc xử lý những di sản của chế độ độc tài, cải tổ lực lượng cảnh sát và quân đội, phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền dân chủ… 

 

Nội bộ chia rẽ trầm trọng cộng với việc không có một dự chính trị đã khiến đảng Dân Chủ gần như không giải quyết được vấn đề gì lớn, sự ủng hộ của dân chúng đã bốc hơi nhanh chóng. Biểu tình diễn ra hằng ngày, bất mãn khắp nơi, niềm tin vào chế độ dân chủ lao dốc, khi một chính quyền dân cử lại không thể đáp ứng được những đòi hỏi của dân chúng. Tình trạng hỗn loạn này, cộng với những cải tổ thô vụng nhằm vào quân đội, lực lượng có tổ chức nhất, đã gây ra nhiều bất mãn cho các tướng lĩnh, và đã mở đường cho cuộc đảo chính của Park Chung-hee. Dù thông tin đảo chính đã có từ trước nhưng vì quá chia rẽ chính quyền của đảng Dân Chủ đã không làm gì để ngăn chặn. Chế độ dân chủ đại nghị sụp đổ chỉ sau hơn 9 tháng cầm quyền. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vẫn còn tiếp diễn. Đảng Dân Chủ bị nhiều người chỉ trích rằng họ đã trao lại chính quyền và nền dân chủ mà sinh viên và dân chúng đã giành được bằng máu cho các tướng lĩnh. 

 

Tuy vậy sẽ là sai lầm lớn khi đánh giá thấp cuộc Cách Mạng Tháng Tư. Đó là sự kiện lần đầu tiên người dân Hàn Quốc đứng lên để lật đổ một chế độ độc tài. Nó đã đánh dấu một bước tiến lớn về ý thức chính trị của dân chúng và đưa quyền tự do ứng cử và bầu cử, tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định một chế độ dân chủ, vốn chỉ có trên giấy tờ trở thành thực chất. Các cuộc bầu cử sau này, ngay cả dưới thời các tướng lĩnh bị xem là độc tài, đều được đánh giá là có thực chất. Như trường hợp của Park Chung-hee, năm 1963 ông ta đã được bầu làm tổng thống với cách biệt chưa tới 2% so với đối thủ (46,65% so với 45,1%). Và thậm chí là ngay cả sau khi hiến pháp Yushin được thông qua năm 1972, trao cho tổng thống quyền lực bao trùm, thì trong cuộc bầu cử quốc hội 1973 và 1978, đảng của Park Chung-hee vẫn dành được ít phiếu hơn đối lập (mặc dù vẫn nắm đa số quốc hội vì Park được quyền bổ nhiệm trước  số đại biểu quốc hội). Cách Mạng Tháng Tư là một bước tiến lớn, dù chưa đủ để xây dựng một chính quyền dân chủ hoàn chỉnh. 

 

.

II. Về Kỳ Tích Sông Hán

 

Park Chung-hee, một ​​khế ước xã hội khắc nghiệt và Kỳ Tích Sông Hán

Sau khi đảo chính và nắm chính quyền 2 năm, dưới áp lực của quần chúng và trí thức cũng như của Hoa Kỳ, năm 1963, Park Chung-hee cởi bỏ áo lính và ra tranh cử tổng thống với tư cách là ứng viên của đảng Cộng Hòa, một đảng được thành lập như là chân rết của cục tình báo trung ương. Park Chung-hee đã giành chiến thắng sát nút với ứng viên của đảng đối lập, là một nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc tài và muốn thiết lập một chế độ độc tài, nhưng chế độ dưới thời Park là một chế độ dân chủ, dù là một nền dân chủ đầy thiếu sót. Dưới nền dân chủ thiếu sót này, cùng với đồng thuận dân tộc có sẵn, Park Chung-hee đã áp đặt một khế ước xã hội khắc nghiệt lên dân chúng Hàn Quốc. Theo đó người dân phải làm việc chăm chỉ, với mức lương rẻ mạt, trong những điều kiện cực kỳ tồi tệ, cũng như chính quyền dành mọi ưu đãi có thể có cho các Chaebol, để họ mạnh lên và tiếp tục tái đầu tư để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Các doanh nhân đã tỏ ra mình hiểu và tôn trọng khế ước xã hội này, thuế thừa kế tại Hàn Quốc là 50%, các Chaebol không ngừng tái đầu tư và cải tiến sản phẩm để có thể cạnh tranh sòng phẳng với tập đoàn đến từ các nước phát triển. Họ mang ngoại tệ về cho Hàn Quốc, giúp quốc gia này sống sót và trỗi dậy ngay cả trong cuộc khủng hoảng dầu lửa thập niên 1970. Chính quyền cũng đã thực hiện đúng như khế ước xã hội này, họ dùng tiền thu được từ sự tăng trưởng của nền kinh tế để tái đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và chất lượng của nền giáo dục, chỉ trong hơn một thế hệ, lao động Hàn Quốc đã có kỹ năng và trình độ không kém gì các quốc gia phát triển. Hàn Quốc trỗi dậy từ đây. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52859006352_2d54c308c6.jpg

Chính quyền dành mọi ưu đãi có thể có cho các Chaebol, để họ mạnh lên và tiếp tục tái đầu tư để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Tuy vậy, do thiếu thảo luận dân chủ, khế ước xã hội này cũng để lại nhiều hậu quả tai hại. Chính sách cấp phát tín dụng bừa bãi cho các Chaebol theo chỉ đạo của chính quyền (như trong chương trình HCI - The Heavy and Chemical Industry năm 1973) đã làm suy yếu hệ thống tài chính và cho phép các Chaebol sống trong núi nợ đã là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 1997, thổi bay 10 năm tăng trưởng của Hàn Quốc trong vòng vài tuần. Việc áp đặt những hi sinh quá mức lên dân chúng cũng đã làm suy kiệt sức khoẻ của người dân và để lại nhiều hậu quả xã hội tai hại, như văn hóa làm việc quá sức, người Hàn Quốc nằm trong nhóm đầu thế giới về tỉ lệ nghiện rượu, tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. 

 

Xét cho cùng, Park Chung-hee và cái khế ước xã hội mà ông ta đưa ra là điều chẳng đặng đừng, trong tình trạng các lực lượng dân chủ không đưa ra được một dự án xây dựng dân chủ. Nhưng cần phải nhìn rõ rằng Hàn Quốc không vươn lên nhờ những hành động phản dân chủ của Park mà bởi đồng thuận dân tộc có sẵn cùng với văn hóa của họ cũng như nền dân chủ sơ khai mà Park muốn tiêu diệt. Việc kiểm duyệt báo chí, đàn áp đối lập, gửi mật thám vào các trường đại học, tra tấn những người đấu tranh cho nhân quyền hay can thiệp thô vụng vào quy luật thị trường… không đóng góp gì cho sự vươn lên của Hàn Quốc cả. Mà chính đồng thuận dân tộc, từ học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nhân, công chức cho tới các chính trị gia, nhà khoa học đều quyết tâm đưa đất nước vươn lên, cùng với những giá trị được thể hiện rõ rệt trong thế hệ trẻ, mà Jin Young-sook là một đại diện mới là thứ tạo ra Kỳ Tích Sông Hán. Đó là lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, khao khát dân chủ, ý thức về công lý, sự chăm chỉ cũng như tinh thần cầu tiến và đặc biệt là khả năng suy nghĩ độc lập như những con người tự do. Trước khi tham gia cuộc biểu tình 19/4 Jin Young-sook đã nói với mẹ mình rằng "nếu trường học không tổ chức một cuộc biểu tình (để lên án cuộc bầu cử gian lận), thì chính cô sẽ kêu gọi bạn bè mình làm điều đó", đó là suy nghĩ của một cô gái 14 tuổi. Nhiều học giả xếp Hàn Quốc vào nhóm các nước Khổng Giáo, tôi không chia sẻ quan điểm này, văn hóa của họ không mang nặng yếu tố nô lệ, phục tùng và nhẫn nhục trước độc tài chuyên chế như trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam. 

 

"Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố : một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc". Hàn Quốc đã có đủ cả ba yếu tố này sau cuộc Cách Mạng Tháng Tư. 

 

.

Hàn Quốc 1960 và Việt Nam 2023

 

Phải chua xót mà nhận định rằng chúng ta, nhất là trí thức Việt Nam vẫn kém trí thức Hàn Quốc cách đây hơn 60 năm, về cả tinh thần dân tộc, khao khát dân chủ, ý thức về công lý và kiến thức chính trị. Về tinh thần dân tộc, cứ nhìn sự ủng hộ của trí thức với các đảng phái đối lập, giải pháp duy nhất để dân chủ hóa đất nước, thì thấy rõ. Về khao khát dân chủ, đáng buồn là nó quá thấp, đa phần người ta chống chế độ cộng sản vì nó bất tài trong việc hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia chứ không phải vì nó phản dân chủ. Về kiến thức chính trị, như đã nói ở phần trên, những thảo luận về thể chế chính trị phơi bày sự tụt hậu của chúng ta. Những thảo luận nghiêm túc về thế chế chính trị của ta không phải không có, đã có tổ chức thảo luận rất sâu và trình bày những đề nghị về của mình, nhưng trí thức Việt Nam thiếu đi sự lương thiện để nhìn nhận nó, dù là ủng hộ hay phản đối. Khác với trí thức Hàn Quốc, họ có sự lương thiện để nhìn nhận những ý kiến của Yoo Jin-oh. 

 

Tuy vậy chúng ta cũng đã có nhiều điểm hơn Hàn Quốc vào thời điểm cuộc cách mạng dân chủ bùng phát. Đã có chính đảng có dự án chính trị, điều này đảm bảo đất nước sẽ không rơi vào tình trạng hỗn loạn như Hàn Quốc dưới thời đảng Dân Chủ. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng yếu hơn nhiều so với các chế độ độc tài của Hàn Quốc trước đây, nó quá phân hóa, chia rẽ và lệ thuộc quá nặng vào ngoại thương với các nước dân chủ để có thể đàn áp dã man như các chế độ độc tài ở Hàn Quốc. Nó sẽ lùi bước nếu chúng ta có một lực lượng dân chủ mạnh. Các tướng lĩnh tại Hàn Quốc vẫn có thể phản công với dân chủ nhân danh chống cộng, còn chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại không còn có thể nhân danh một cái gì để tồn tại nữa cả. 

 

.

Lời cuối 

 

"Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng", đây là câu nói nổi tiếng của Park Chung-hee mà nhiều người đấu tranh hay nhắc tới khi nói về sự thành công của Hàn Quốc. Hoàn toàn sai. Dù thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, nhưng đây chỉ là câu nói của một kẻ độc tài tự cho mình sinh sát với người khác. Trong một chế độ dân chủ, việc xét xử và trừng phạt là công việc của tư pháp chứ không phải của tổng thống. Vả lại những nước ít tham nhũng nhất trên thế giới là những nước dân chủ, bao dung và hiền hòa chứ không phải ngược lại. Sự kiện nhiều người đấu tranh trích dẫn lại và tôn vinh câu nói này phơi bày sự hiểu biết hời hợt của chúng ta về dân chủ và tinh thần dân chủ. Nó lý giải tại sao phong trào dân chủ không mạnh lên được. Một đề xuất là từ nay khi nói về sự thành công của Hàn Quốc, hãy trích dẫn lại bức thư của Jin Young-sook. Nó nói lên quyết tâm và đồng thuận của người Hàn Quốc, thứ có ngay cả ở một đứa trẻ, để xây dựng nên một đất nước dân chủ và phồn vinh, nó cũng chứa đựng những giá trị cao quý và đáng tôn vinh nhất trong một xã hội dân chủ. Có dân tộc nào đề cao những giá trị này mà không vươn lên ? 

 

Trần Hùng

(30/4/2023)

 

(1) Bức thư của Jin Young-sook

I have very little time left... So, Mother, I must leave now without seeing you. I will fight until the bitter end in the protest against the fraudulent election. Right now, myself, all my friends, and all students in Korea are ready to spill our blood for the democracy of our country. Please do not criticize me for joining the protest, Mother. If not us, then who will stand up and fight ? I may be young and inexperienced, but I know the path that leads to a better future for our country and our people. We, all classmates, have prepared ourselves to die for this cause. I am willing to give my life to this fight, without any regrets even if it means losing it during the protest. I know you must be feeling heartbroken with love for me, but please be happy for the future of our country and people. My heart is already out on the streets, and my hands are shaking so much with the urgent desire to be there that I can barely write this letter. Please take care of your health. I want to emphasize once again that I have already made the decision to sacrifice my life. I am sorry, but I must stop writing now as I have no more time left.

This letter is from Jin Young-sook, a second-year student at Hansung Girls' Middle School who participated in a protest. Young-sook Jin was shot and killed by the police during the protest.

Bản dịch đầu bài được dẫn lại từ đài KBS : https://bit.ly/KBS-Jin-Young-sook

 

(2) "A Seoul National University medical school student, who was shot in the leg during the march to the presidential residence on April 19, said that he was prepared to die if that was what it would take to achieve democracy" - https://bit.ly/3NpnttL

 

(3) Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên 

 

 





No comments: