Friday, May 19, 2023

NHẮM VỊ TRÍ 'HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI', VINFAST KHÔNG NGẠI XE TRUNG QUỐC, NHƯNG ĐANG GẶP VẤN ĐỀ CHẤT LƯỢNG (VOA Tiếng Việt)

 



Nhắm vị trí ‘hàng đầu thế giới’, VinFast không ngại xe TQ, nhưng đang gặp vấn đề chất lượng

VOA Tiếng Việt

18/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/vinfast-hang-dau-the-gioi-canh-tranh-xe-trung-quoc-van-de-chat-luong/7098829.html

 

Tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng nói hôm 17/5 rằng VinFast nhắm mục tiêu thành hãng xe “hàng đầu thế giới” và “không ngại” cạnh tranh với xe Trung Quốc, các báo Việt Nam tường thuật. Hai chuyên gia ô tô có hàng chục năm kinh nghiệm nói với VOA rằng tham vọng của VinFast gặp khó vì hãng còn phải khắc phục nhiều vấn đề về chất lượng.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d00c-08db57ab2da3_w1023_r1_s.jpg

Các lãnh đạo Vingroup tại phiên họp cổ đông thường niên của công ty sáng 17/5  (ảnh

 

Đưa tin về cuộc họp cổ đông của Vingroup, tập đoàn mẹ của hãng xe hơi VinFast, báo chí Việt Nam dẫn lời ông Vượng, Chủ tịch Tập đoàn, ví von rằng xe VinFast và xe Trung Quốc giống như "nước sông không phạm nước giếng".

 

“Họ có nhóm khách hàng của họ. Chúng tôi có định vị của chúng tôi”, ông Vượng nói khi trả lời câu hỏi từ cổ đông về việc xe Trung Quốc đã và đang được bán nhiều ở Việt Nam.

 

“Xe Trung Quốc không thể chiếm 100% thị phần ở Việt Nam, toàn cầu, thậm chí tại Trung Quốc. Tại Trung Quốc, xe nước ngoài cũng bán với giá rất rẻ. VinFast cũng không có tham vọng chiếm 50% chứ không nói 100% thị phần. Cho nên đấy là câu chuyện kinh doanh, cạnh tranh bình thường, vui vẻ thoải mái", Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói, theo báo chí trong nước.

 

Nhà tý phú tiết lộ rằng đến tháng 8, hãng xe của ông sản xuất đủ các dòng xe từ phân hạng A đến E, trở thành hãng xe hơi điện “đầu tiên trên thế giới có đủ các dải sản phẩm”. Ông nói thêm: "Chúng tôi đang triển khai đến cuối 2024 ra mắt xe siêu nhỏ và giá thành rẻ nhưng rất đẹp”, các báo cho hay.

 

“Hướng tới hãng xe hàng đầu thế giới thì không bỏ qua sản phẩm nào mà thị trường có nhu cầu", ông chủ của Vingroup khẳng định.

 

Lời tuyên bố sẽ sản xuất thêm dòng xe nhỏ được ông Vượng đưa ra sau khi một số mẫu xe hơi điện cỡ nhỏ của Trung Quốc đã được bán ở Việt Nam trong thời gian gần đây, theo quan sát của VOA.

 

https://gdb.voanews.com/03370000-0aff-0242-702e-08dae2facf67_w650_r0_s.jpg

Gần 2.000 xe VinFast VF 8 đến Mỹ, tính đến tháng 5/2023.

 

Xe VinFast khó cạnh tranh về giá?

 

Từ góc nhìn của mình, tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương, chuyên gia kiến trúc dòng xe thế hệ mới của hãng BMW, nhận xét với VOA rằng trước các cổ đông, ông Vượng phải tỏ ra tự tin và “nói cứng” song trên thực tế, cạnh tranh với xe Trung Quốc sẽ không dễ dàng:

 

“Cái mà thua, cái mà ông bị chậm hơn là người ta [Trung Quốc] đã đưa xe vào rồi. Bây giờ mới tuyên bố VinFast chạy theo sau thì cái đó ông bị thua thiệt. Nếu làm xe bình dân, xe rẻ, chắc chắn VinFast sẽ lỗ vì họ toàn thuê mướn cả. Ở phân khúc A này, tôi không nghĩ VinFast cạnh tranh lại được với xe Trung Quốc”.

 

Lý giải thêm, tiến sĩ Phương ở Đức đưa ra quan điểm cá nhân với VOA rằng do VinFast phải thuê các đối tác sản xuất hầu hết các bộ phận xe nên sẽ khó có thể đạt được mức giá cực rẻ, hay nói cách khác sẽ phải chịu lỗ mới có mức giá cạnh tranh với các hãng Trung Quốc vốn đã tự phát triển xe của chính họ, có kinh nghiệm và chất lượng “không tệ”.

 

“Ở Việt Nam, VinFast không phải là đối thủ của xe Trung Quốc. Chất lượng của xe Trung Quốc tôi biết là tốt hơn xe VinFast nhiều, chắc chắn, và giá cũng hấp dẫn hơn. Ở thị trường xe giá rẻ, nếu xe Trung Quốc vào được, họ sẽ thắng xe VinFast”, vẫn lời tiến sĩ Phương.

 

Việc chậm chân không phải là sai lầm chiến lược của VinFast, chuyên gia ô tô có hàng chục năm kinh nghiệm ở Đức nói, mà do VinFast chọn con đường đi thẳng vào làm xe “đẳng cấp”, “tên tuổi” giống BMW của Đức chứ không làm giống hãng Tata của Ấn Độ.

 

Hãng BMW, trong lịch sử của mình, luôn sản xuất xe sang, đắt tiền cỡ trung và cỡ lớn trong hàng chục năm đầu, về sau mới đi vào sản xuất xe nhỏ - A Class - để cạnh tranh với Audi, VW…, phục vụ những người trẻ, ít tiền, tạo sự trung thành của họ với BMW để khi họ giàu có hơn sẽ vẫn mua xe của hãng, tiến sĩ Phương nói.

 

Tuy còn khác xa về uy tín thương hiệu song giờ đây các dấu hiệu cho thấy VinFast đang lặp lại cách làm kể trên, ông Phương nhận xét.

 

Hãng xe của tỷ phú Vượng đang chiêu dụ các khách hàng chưa có nhiều tiền và rất có thể sau này, khi họ giàu hơn, sẽ vẫn mua các xe VinFast lớn hơn. Đó không phải là một chiến lược sai, tiến sĩ Phương nói, nhưng liệu hãng theo đuổi được cuộc chơi không lại là một vấn đề:

 

“Họ có làm được hay không, họ có chịu lỗ nổi hay không? Vì về xe hạng nhỏ, như tôi đã nói, VinFast không thể cạnh tranh với xe Trung Quốc vì cái phát triển của họ [VinFast] toàn thuê mướn không, nên giá thành phát triển xe rất là cao”.

 

Chuyên gia kỳ cựu của BMW đưa ra bình luận cá nhân rằng việc phải tung ra xe hạng A trong giai đoạn này sẽ buộc VinFast phải căng mình hơn nữa, có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề về chất lượng đã xảy ra với các mẫu xe hiện có, đã bị báo chí Mỹ nêu lên và chỉ trích từ năm ngoái đến năm nay.

 

Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 12 năm ngoái, trang tin chuyên về ô tô Jalopnik đăng phóng sự dài nói rằng xe VinFast VF 8, khi đó còn ở giai đoạn tiền sản xuất, “chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ”; và hồi đầu tháng này, ít nhất 7 báo Mỹ chuyên vê ô tô - trong đó có MotorTrend, Edmunds và Jalopnik - đồng loạt đăng bài phê bình mạnh mẽ nhiều vấn đề chất lượng ở phiên bản VF 8 City Edition đã được giao xe ở Mỹ.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-52e4-08db539f0f02_w650_r0_s.jpg

Trang Jalopnik đăng bài đánh giá xe VinFast VF 8 hôm 12/5/2023.

 

 

Chất lượng là vấn đề hóc búa

 

Với bề dày kinh nghiệm chuyên môn tại một hãng có uy tín lâu năm ở Đức nhìn vào hãng xe Việt Nam mới hoạt động chưa đầy 6 năm, tiến sĩ Phương đánh giá từ góc nhìn cá nhân:

“Họ vừa học vừa làm, chẳng có kinh nghiệm gì, họ tìm cách giải quyết lỗi kiểu giật gấu vá vai thôi vì thiết kế có nhiều vấn đề mà người ta không chú ý ngay từ đầu để có sản phẩm bền vững”.

 

Đi sâu phân tích, ông Phương chỉ ra rằng các đối tác VinFast thuê chỉ là các trung tâm thiết kế, chưa hề làm xe đại trà bao giờ, không phải là các nhà chế tạo xe hơi thực thụ. Các trung tâm này không nắm được chiến lược, bí quyết, nghệ thuật làm toàn bộ một chiếc xe, nên xe của họ thiết kế cho VinFast bị nhiều lỗi mà ngay cả những người thiết kế đó cũng chưa từng biết đến.

 

Thứ hai là kinh nghiệm làm xe truyền thống thực sự có ích và rút ngắn thời gian làm xe điện. Ngược lại, các hãng chế tạo xe điện, kể cả Tesla, phải mày mò rất nhiều năm tháng. VinFast mới chỉ hoạt động từ cuối năm 2017 nên không thể tránh khỏi việc gặp các sự cố, tiến sĩ Phương khẳng định.

 

Tham gia cuộc chơi muộn nên hãng bị “thiếu thời gian” và “nôn nóng”, đó là nguyên nhân thứ ba và cũng là một trở ngại lớn, ông Phương nói:

 

“Sản phẩm của họ nhiều lỗi như thế là điều hiển nhiên. Có nhiều cái không thể giải quyết bằng ý chí mà kỹ thuật cần phải có thời gian, nhất là công nghệ xe hơi cần rất nhiều thử nghiệm. Mình bán hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn chiếc đều phải như nhau, hoặc tỷ lệ lỗi phải cực thấp”.

 

Một chuyên gia ô tô khác, ông Trần Khắc Huy, người có gần 30 năm công tác trong ngành, bao gồm kinh nghiệm làm giám đốc kỹ thuật cho Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, có chung quan điểm. Ông Huy nói với VOA:

 

“Việc kiểm soát chất lượng, kiểm tra sản phẩm trước khi ra thị trường có vẻ VinFast đang đốt cháy giai đoạn, họ đang quá vội vàng. Bằng chứng là mọi người đều thấy xe ở Việt Nam bị lỗi rất nhiều, thường xuyên phải cập nhật phần mềm mới. Về phần cứng, model này lắp đồ của model kia, có thể thấy khá rõ ràng”.

 

Tình hình như vậy giáng đòn mạnh vào tên tuổi của hãng, ông Huy nhận định và nói thêm:

“Quá là rõ ràng trên thị trường, khi mà đưa ra một sản phẩm mà không đủ chất lượng, không được test một cách kỹ càng và để xảy ra nhiều lỗi thì đương nhiên ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng rồi”.

 

Về việc khắc phục lỗi, đặc biệt là ở Mỹ trong bối cảnh một loạt trang tin của nước này mới đây đưa ra các đánh giá tiêu cực về VF 8 City Edition, chuyên gia Trần Khắc Huy e rằng VinFast sẽ không xoay sở kịp thời:

 

“Có lỗi có thể xử lý được khá nhanh như cập nhật phần mềm. Nhưng những lỗi liên quan đến thiết kế, cảm giác lái, hệ thống treo… phần cứng ấy, theo tôi, trong 6 tháng đến 1 năm VinFast khó có thể làm hài lòng các khách hàng có trải nghiệm không tốt về sản phẩm”.

 

 

Yếu tố ‘lòng yêu nước’

 

Tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương, thuộc hãng BMW, cho rằng sẽ không thể xử lý triệt để các lỗi của các sản phẩm hiện nay mà VinFast chỉ còn cách tung ra một sản phẩm mới được làm bài bản, kỹ lưỡng ngay từ đầu. Ông đưa ra lời tư vấn:

“VinFast cần học hỏi kinh nghiệm, sau đó tiếp tục phát triển, chứ còn cứ thuê nước ngoài thì sẽ lăn bánh trên vết xe cũ thôi”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-a30e-08db39c13213_w650_r0_s.jpg

VinFast nói họ giao 51 chiếc VF hồi tháng 2023.

 

Nếu bỏ qua các yếu tố kỹ thuật, thị trường, ông Phương cho rằng VinFast vẫn có cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong nước khi tính đến các yếu tố khác như sự ủng hộ mang màu sắc chính trị hoặc các lý do như “ghét Trung Quốc”, “thể hiện đẳng cấp, không dùng hàng Tàu…”

 

Các bản tin ở Việt Nam trích lời Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói với cổ đông về vấn đề cạnh tranh với xe Trung Quốc rằng ông tin tưởng Việt Nam “có rất nhiều người yêu nước” và VinFast chỉ “cần sản phẩm tốt” sẽ được “nhiều người ủng hộ”.

 

Chuyên gia ô tô Trần Khắc Huy nhìn nhận rằng việc viện dẫn ra lòng yêu nước là một “chiến thuật marketing” của VinFast.

 

Không bình luận về mặt lợi hay hại của cách làm đó, ông Huy đưa ra quan điểm: “Cá nhân tôi không thuộc vào những người mang tiền bạc của mình ra để thể hiện lòng yêu nước như người ta đang nói trên thị trường, trên các diễn đàn. Tôi không thuộc type người như vậy”.

VOA cố liên lạc với VinFast để tìm hiểu thêm về quan điểm của họ song không có hồi đáp.

 

VIDEO :

VinFast ‘không ngại’ xe TQ, nhưng đang gặp vấn đề chất lượng

https://www.youtube.com/watch?v=hfBATJrM5AU




No comments: