Friday, May 19, 2023

NGƯỜI DÂN VIỆT NAM CẠN KIỆT TIỀN MUA SẮM (Hồng Phúc / Dân Việt)

 


Người dân cạn kiệt tiền mua sắm - bài 1: Chợ ế chỏng chơ, cả tuần chưa bán mở hàng    

Hồng Phúc  /  Dân Việt 

Thứ năm, ngày 18/05/2023 09:51 AM (GMT+7)

https://danviet.vn/nguoi-dan-het-tien-mua-sam-bai-1-cho-e-chong-cho-ca-tuan-chua-ban-mo-hang-20230518080932313.htm

 

Nhiều quầy sạp tại các chợ truyền thống ở TP.HCM đang buộc phải ngừng bán. Người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua tiếp tục rơi xuống thấp kỷ lục. Chuyện cả tuần chưa bán mở hàng cái áo, cái quần đã quá quen thuộc nhưng khi nhắc lại, tiểu thương không cầm được nước mắt.

 

 

·        Diễn đàn Kinh tế TP.HCM HEF 2023 hướng tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải bằng không

·        Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Tăng trưởng thấp nằm trong dự tính nhưng mức giảm sâu hơn

 

 

LTS: Tình hình thương mại, dịch vụ, mua sắm, bán lẻ tại TP.HCM từ sau Tết Nguyên đán đến nay giảm sâu. Buôn bán ế ẩm xuất hiện đều ở các kênh bán lẻ, từ truyền thống đến hiện đại. Theo lý giải của các đơn vị, do “người dân hết tiền mua sắm” trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phải thắt chặt hầu bao, muốn chi cho mặt hàng nào cũng đều phải tính toán, cân nhắc.

 

.

Tiết kiệm từng đồng

 

Chị Thanh Tuyền - công nhân công ty Pou Yuen, quận Bình Tân - TP.HCM đau đầu với các khoản chi tiêu hàng ngày sau khi vừa gửi về cho ba mẹ ở quê 5 triệu đồng. Các bữa cơm gần đây của gia đình chị chủ yếu là rau, trứng chiên và mấy con cá mua ở chợ chồm hổm quanh công ty.

 

“Cá thịt, rau vẫn rẻ, chưa tăng giá. Nhưng tiền bạc bây giờ của chúng tôi ít quá, chưa biết sắp tới công ty có cắt giảm công nhân nữa hay không nên phải tiết kiệm. Tích cóp được đồng nào hay đồng đó. Mua sắm bây giờ mỗi ngày chủ yếu là mua thịt cá, mấy bộ đồ bộ bán trước cổng công ty chưa tới 100.000 đồng tôi cũng không dám rớ”, chị Tuyền nói.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/base64-1684370902453890270314.png

Người dân hết tiền mua sắm: Công nhân chắt bóp chi tiêu vì cuộc sống khó khăn, nhiều nguy cơ bị sa thải khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Ảnh: Hồng Phúc

 

Không chỉ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều bà nội trợ cũng bắt đầu tính toán kỹ lưỡng mỗi khi đi chợ. 

 

Bà Thanh Hương (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đi chợ gần nhà những ngày gần đây chỉ đi đúng một đường ra khu vực rau củ, thịt cá, vì sợ chi “quá tay” cho các khoản hoa tươi, bánh trái.

 

“Chỉ tiêu của tôi đặt cứng bây giờ là 200.000 đồng mỗi ngày; khi thì thịt, khi thì cá kèm với rau củ. Trước đây, cả nhà 4 người ăn sáng bên ngoài nhưng bây giờ thì khác. Tôi mua ít đồ để nấu ăn sáng vào hôm sau cho tiết kiệm. Nấu ăn bữa sáng đơn giản đâu đó chưa tới 100.000 đồng, nhưng ăn bên ngoài, chỗ nào ăn được chút là gấp đôi”, bà Hương nói.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/base64-16843710029391045676881.png

Tiểu thương bán vải chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM ngồi dài hai bên lối đi để chờ khách. Ảnh: Hồng Phúc

 

Muốn thấy rõ người dân thắt chặt chi tiêu ra sao phải đến các khu chợ công nhân, chợ truyền thống. 

 

10h sáng ngày 16/5, chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh không thấy người mua bao nhiêu, chỉ có tiểu thương ôm ghế ngồi cạnh quầy hàng chờ khách. Không khí chợ buồn hiu. 

 

Qua giờ cao điểm nhưng sạp thịt của bà Dương Mai, tiểu thương có hơn 30 năm bán tại chợ này, vẫn còn ê hề. “Giá các mặt hàng thịt heo đang giảm nhưng sức mua còn giảm nặng hơn nữa. Hiện mỗi ngày số lượng tôi bán ra giảm 70% so với trước dịch Covid-19. Dù thịt heo nhà nào cũng cần, nhưng người dân rất cân nhắc, trước đây mua hàng ngày thì bây giờ xen kẽ, mình rất khó tính toán mua bán. Người ta hết tiền mua rồi”, bà Mai rầu rĩ.

 

 

Khóc ròng vì cả tuần chưa bán mở hàng

 

TP.HCM có hơn 200 chợ truyền thống đang hoạt động khắp các quận huyện. Chỉ một số chợ ở khu vực trung tâm như chợ Bến Thành, chợ Tân Định có khách du lịch thì tình hình buôn bán có phần lạc quan, còn lại tình cảnh chung hiện nay, theo ghi nhận của Dân Việt, đều ế thảm. Dịch Covid-19 qua đã lâu nhưng nhiều sạp tại các chợ vẫn cửa đóng, then cài.

 

Nằm ngay khu dân cư đông đúc, đường sá tấp nập nhưng tình hình buôn bán của tiểu thương chợ Hòa Hưng (quận 10) gần như bất động. 

 

Bà Lê Thị Niệm (66 tuổi) tiểu thương tại chợ này, than cả chục năm buôn bán, chưa bao giờ bà gặp tình cảnh lại ảm đạm như vậy. Bà nói trước đây, chợ Hòa Hưng khách đông từ sáng đến tối, nhưng giờ vắng hoe.

 

“Giờ tôi muốn sang sạp cũng khó, vì chợ ế thế này không ai muốn đến buôn bán”, bà Niệm nói mà không cầm được nước mắt.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/img2186-2-16843710633281354162694.jpg

Khu vực thực phẩm thiết yếu tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM vắng tanh, không một vị khách. Ảnh: Hồng Phúc

 

Ngay cả chợ Bà Chiểu - một ngôi chợ có tiếng tại TP.HCM, nhưng tình hình vẫn rất đáng báo động. Tại khu vực hàng thiết yếu, tạp hóa, tiểu thương chỉ biết nhìn nhau chờ khách. Tình hình chung hiện giờ của tiểu thương là 7h sáng mở hàng, khách lai rai đến 9h sáng là ngồi chơi tới chiều. Dù vậy, nhiều tiểu thương vẫn nán lại, may ra có khách. Số khác quyết định dọn hàng về sớm, vì giờ cao điểm buổi chiều cũng không có bao nhiêu người tới chợ.

 

Khi được hỏi về chuyện buôn bán, nhiều tiểu thương ngành hàng thiết yếu khoác tay, giọng buồn hiu: “Ở đây chưa ế nhất đâu, cứ vào sâu bên trong, vắng tanh như chùa Bà Đanh luôn chứ không còn là chợ Bà Chiểu”.

 

Chúng tôi đi theo lời chỉ dẫn. Bên trong nhà lồng, khu vực tầng 1 chuyên kinh doanh giày dép, quần áo, nhiều lối đi không một bóng khách. Người bán lướt điện thoại. Khi hỏi về sức mua, hầu hết họ đều lắc đầu chán nản như chực khóc, vì rau củ, thịt cá người tiêu dùng còn mua ít lại, thì quần áo giày dép làm sao bán được.

 

Bà Đỗ Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, xác nhận với Dân Việt tình hình sức mua hiện nay tại chợ Bà Chiểu rất thấp so với những năm trước. Bà nói tuy có phục hồi hơn sau dịch Covid-19, nhưng phục hồi cũng không được bao nhiêu. 

 

“Có khi 2-3 ngày, thậm chí cả tuần lễ các tiểu thương ngành hàng quần áo, vải sợi, mỹ phẩm, giày dép cũng không bán mở hàng được, vì sức mua quá yếu”, bà Hòa nói.

 

Theo bà Hòa, tình hình chung các chợ hiện nay đều rơi vào cảnh ế ẩm, vì người dân thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng chỉ dám mua mặt hàng tươi sống, hàng hóa thiết yếu, bất chấp việc ban quản lý các chợ linh động tổ chức nhiều chương trình như bán hàng trực tuyến, tăng khuyến mãi, quà tặng để thu hút người dân mua sắm.

 

                                                                *****

 

Người dân cạn tiền mua sắm - bài 2: Siêu thị ngược xuôi kích cầu, giảm giá sâu vẫn ế, chật vật thu bạc lẻ

Hồng Phúc  /  Dân Việt 

Thứ sáu, ngày 19/05/2023 06:27 AM (GMT+7)

https://danviet.vn/nguoi-dan-het-tien-mua-sam-bai-2-sieu-thi-dua-giam-gia-van-e-thay-thuong-2023051808315054.htm

 

Giá hàng loạt loại rau củ tại siêu thị ở TP.HCM đang giảm rất sâu, chỉ từ hơn 10.000 đồng/kg kể kích thích sức mua. Cùng một loạt các chương trình khác như bình ổn giá, "khóa giá" nhưng vẫn ế ẩm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

 

Không chỉ tại chợ truyền thống, sức mua tại các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, trung tâm thương mại cũng đang giảm rất sâu. Những người có thu nhập từ khá trở lên cũng đang mạnh tay cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu Covid-19.

 

 

Siêu thị ế thấy thương, đại gia cũng chỉ thu từng cắc

 

Ghi nhận của Dân Việt trong những ngày tháng 5 tại hầu hết các siêu thị lớn ở TP.HCM như Co.opmart, GO!, Aeon, MM Mega Market, cho thấy sức mua đã giảm sâu sau đợt lễ 30/4. Dù sáng hay chiều tối thì lượng khách tại các siêu thị này không cao, kể cả các điểm bán thường có doanh số tốt nhất của từng siêu thị.

 

Tại MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức) dù là cao điểm buổi sáng nhưng tổng lượng khách hàng đến đây mua sắm trong nhiều ngày đều thưa thớt. GO! Gò Vấp (quận Gò Vấp), Big C miền Đông (quận 10) cũng tương tự. 

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/base64-16843726821721231726580.png

Người dân hết tiền mua sắm: Siêu thị giảm giá sâu vẫn vắng khách. Ảnh: Hồng Phúc

 

Lãnh đạo các siêu thị đều cho biết sức mua giảm sâu sau các dịp Tết và giá trị từng đơn hàng cũng giảm mạnh so với trước đó. Người tiêu dùng có xu hướng chỉ tập trung cho các sản phẩm thiết yếu, cắt giảm nhu cầu cho nhóm sản phẩm chưa quá cần thiết hoặc hàng cao cấp.

 

Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc MM Mega Market Việt Nam, xác nhận  trong quý I/2023, giỏ hàng của người tiêu dùng mua sắm tại các điểm bán MM khu vực TP.HCM đang bị hụt đi, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, do sức mua và nhu cầu hiện nay chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu. 

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Đối ngoại Central Retail (doanh nghiệp quản lý chuỗi GO!, Tops Market và Big C tại Việt Nam) đánh giá tình hình sức mua trong quý I/2023 là không an toàn, do rơi vào cao điểm Tết và người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu cho nhóm sản phẩm ngoài hàng thiết yếu. 

 

Bà Hiền cho biết sức mua đang có xu hướng chững lại và chưa dám đưa ra dự đoán nào cho quý II/2023.

 

Ngay cả Thế Giới Di Động, doanh nghiệp lớn trong mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ, điện máy, hàng tiêu dùng cũng báo cáo một kết quả kinh doanh ảm đạm nhất lịch sử kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Kết thúc quý I/2023, Thế Giới Di Động chỉ lãi hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 1.450 tỷ.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/img2433-1684374642903722660520.jpg

Trung tâm mua sắm dưới lòng đất ở quận 1 không một bóng khách. Ảnh: Hồng Phúc

 

Hàng loạt các trung tâm thương mại tại TP.HCM cũng đều "ế nhệ". Gần đây, Parkson đã tuyên bố nộp đơn phá sản, nhiều trung tâm thương mại khác phải tìm cách kinh doanh mới trong bối cảnh tầng lớp có thu nhập khá trở lên ít lui tới.

 

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2022, tăng trưởng của ngành bán lẻ đạt 22% thì theo dự báo của Bộ KHĐT năm 2023 chỉ ở mức 17,5%. Tuy nhiên, theo ông Đức, thực tế những tháng đầu năm con số này còn thấp hơn. Ông dẫn số liệu của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, rằng không có nhà bán lẻ nào trong quý I/2023 tăng trưởng dương, để thấy các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang rất khó khăn trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu.

 

 

Kích cầu bằng giảm giá và chờ đợi…

 

Không hẹn mà gặp, giải pháp duy nhất của các nhà bán lẻ lúc này là đẩy mạnh hết cỡ cho hoạt động khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm. 

 

Chưa bao giờ giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các siêu thị lại giảm mạnh như hiện nay. Giá bán nhiều mặt hàng đang rất cạnh tranh, thậm chí ngang ngửa hoặc rẻ hơn so với giá bán tại chợ truyền thống, chỉ từ trên dưới 10.000 đồng/kg.

 

Cụ thể, các siêu thị MM Mega Market, GO!, Big C, Co.opmart tại TP.HCM đang có hàng loạt ưu đãi, giảm giá cho các loại rau củ quả: Bắp cải Đà Lạt 8.000 - 9.000 đồng/kg, su su Đà Lạt 14.000 đồng/kg, bí đao 12.000 đồng/kg, dưa leo 19.000 đồng/kg, cải thìa 24.000 đồng/kg, bí giống Nhật 22.000 đồng/kg… nhiều thời điểm còn rẻ hơn giá mua ở các chợ nhỏ.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/base64-16843731878281919526960.png

Bên cạnh giảm giá, các siêu thị đang thực hiện nhiều chương trình khác để kích cầu nhưng thực tế, sức mua vẫn khá hẩm hiu. Ảnh: Hồng Phúc

 

Giám đốc MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết hệ thống này đang áp dụng hai chiến dịch về giá, được xem là lớn nhất trong năm, gồm giá sỉ cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống và “khóa giá” hơn 500 mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, để hỗ trợ người tiêu dùng, kích thích sức mua trong bối cảnh khó khăn chung. 

 

Riêng chương trình “khóa giá”, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm với giá cố định trong suốt quý II/2023, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

 

Theo đại diện Central Retail, thời gian qua, tập đoàn đã nỗ lực chủ động thực hiện nhiều biện pháp, hợp tác với các nhà cung cấp, Sở Công Thương TP.HCM để thực hiện chương trình bình ổn, giảm giá kích cầu trong bối cảnh hiện nay. “Chúng tôi cũng sẽ có chương trình đồng hành giá luôn rẻ hơn, chạy cả năm, hy vọng với lượng hàng hóa dồi dào, giảm sâu sẽ thu hút người tiêu dùng”, vị này cho biết.

 

Dù vậy, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ lớn cho biết các hoạt động kích cầu đã triển khai thời gian qua vẫn chưa kéo nổi sức mua, trong bối cảnh kinh tế TP.HCM ảm đạm, nhu cầu mua sắm giảm quá sâu. 

 

Các doanh nghiệp bán lẻ từ lớn tới nhỏ đang tiếp tục giảm sâu hơn nữa để kích cầu. Tuy nhiên, tất cả  đều chung nhân định phải có thêm nhiều giải pháp, hỗ trợ đồng bộ để “cấp cứu” sức mua quá kém trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

 

                                                       *****

 

Người dân cạn tiền mua sắm - bài 3: Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua

Hồng Phúc  /  Dân Việt 

Thứ bảy, ngày 20/05/2023 06:06 AM (GMT+7)

https://danviet.vn/nguoi-dan-het-tien-mua-sam-bai-3-can-cap-cuu-gap-20230518084755587.htm

 

Các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đều mong chờ vào thuế giá trị gia tăng (VAT) sớm giảm xuống còn 8%, thậm chí giảm hơn nữa xuống mức chỉ còn 5-6%, để kích cầu mua sắm nội địa.

 

Mong chờ giảm thuế VAT

 

Trao đổi với Dân Việt, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành gắn liền với nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng thiết yếu, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm, dẫn đến hàng tồn kho tăng, doanh nghiệp đã thôi tăng ca.

 

“Bây giờ, xu hướng chung, trước mắt và tương lai gần nhất là phải kích cầu nội địa”, bà Chi nhấn mạnh. Theo bà, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp kích cầu thị trường lúc này. Từ đầu năm, bản thân bà và các doanh nghiệp đã đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính sớm tiếp tục giảm thuế VAT khi chính sách hỗ trợ năm 2022 hết hạn.

 

"Khi giảm VAT, đừng phân biệt loại hình doanh nghiệp nào hết. Năm 2022 khi áp dụng phân chia loại hình, do phải phân loại nên rất mất thời gian, cứ doanh nghiệp nào 10% thì giảm xuống hết 8% sẽ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp lúc này", bà Chi nhấn mạnh.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/tttmai5-16495573770841902292532-16495580006931162192067-1684373938718164702849.jpeg

Các doanh nghiệp mong chờ thuế VAT sớm được giảm, thậm chí giảm sâu để kết hợp với các chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm nội địa. Ảnh: Hồng Phúc

 

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng ủng hộ rất cao việc giảm thuế VAT. Doanh nghiệp bền bỉ đề xuất từ đầu năm, và dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Mà nếu được thông qua thì thời gian áp dụng sẽ kéo dài đến cuối năm 2023, tức chỉ có khoảng 6 tháng triển khai. Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức kỳ vọng chính sách giảm thuế GTGT về 8% được triển khai càng sớm càng tốt trong lúc này, để kích cầu mua sắm.

 

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, để kinh tế sớm phục hồi, phải tăng sức mua cho thị trường, bằng cách triển khai kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.

 

Với công cụ của nhà nước, chuyên gia cho rằng tiếp tục giảm thuế VAT là cần thiết. Theo ông, giảm thuế VAT xuống 8% là chưa đủ, mà cần có giải pháp mạnh hơn, thậm chí giảm xuống còn 5-6%. Thứ hai, là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. 

 

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Du Lịch cho rằng nên chấp nhận thực hiện các chiến dịch giảm giá, kích thích thị trường trên tất cả lĩnh vực, để giảm hàng tồn kho, một mặt phục vụ thị trường nội địa, một mặt chờ tín hiệu từ thị trường quốc tế để nối lại hoạt động xuất khẩu.

 

.

Ngân hàng đừng chần chừ giảm lãi nữa!

 

Bên cạnh cần sớm thúc đẩy giảm thuế VAT, bà Lý Kim Chi cho biết việc giãn nợ hiện nay rất quan trọng, bởi sức khỏe doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, hầu hết đều từ lỗ tới huề vốn. 

 

“Tôi hy vọng các ngân hàng thương mại phải nhanh chóng đưa quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn nợ vào áp dụng thực tế, đừng để có độ trễ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng ngân hàng rất chần chừ. Tín dụng ngân hàng là sự sống còn của chúng tôi và chúng tôi, cũng là sự sống còn của ngân hàng. Vì vậy, phải bắt tay, hỗ trợ nhau”, bà Chi thẳng thắn.

 

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đánh giá các chính sách đồng bộ từ phía Chính phủ và các bộ ngành rất quan trọng trong việc "cấp cứu" sức mua.

 

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2023/5/18/vinhthanhdat-1-16550913572931231140151-0-37-327-560-crop-1655091613464842351401-1684373766052274201042.jpg

Lãi suất vay ngân hàng quá cao là trở ngại lớn để doanh nghiệp phục hồi hiện nay. Ảnh: Quốc Hải

 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết thêm bên cạnh nỗ lực kích cầu nội địa bằng chương trình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung - vốn là các chương trình sáng tạo của thành phố, thì năm nay, lần đầu tiên Sở tổ chức diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM. Đây là hội chợ chuyên đề riêng về xuất khẩu, tập trung duy nhất vào việc hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM và cả nước kết nối nhà mua hàng quốc tế trong bối cảnh khó khăn.

 

Hội chợ sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thực phẩm và đồ uống, dệt may, thủ công mỹ nghệ, cao su nhựa… trực tiếp giao thương, đàm phán với khoảng 3.000 nhà mua hàng từ các quốc gia nhập khẩu trọng điểm như Mỹ, Hàn, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia…

 

“Các doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp FDI sẽ tăng cường cơ hội kết nối với các đối tác, khách hàng quốc tế, xem xét mở rộng thị trường nội địa để giải quyết khó khăn hiện tại và nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu dùng trong nước”, ông Vũ nhấn mạnh.

 

Các chuyên gia tin rằng doanh nghiệp rất trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong bối cảnh khó khăn, các chính sách lúc này sẽ là phao cứu sinh hỗ trợ vực dậy thị trường. 

 

Kinh tế toàn cầu cũng đang dần ổn định tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các chính sách hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp vừa chắc chân thị trường trong nước vừa chuẩn bị nối lại hoạt động xuất khẩu, phục hồi trong nửa cuối năm.

 






No comments: