Saturday, May 27, 2023

'NGƯỜI CON GÁI VIỆT-MỸ' TÌM ĐƯỢC MẸ RUỘT SAU 45 NĂM LƯU LẠC KHI MỚI LỌT LÒNG (Đằng Giao / Người Việt)

 



 

‘Người con gái Việt-Mỹ’ tìm được mẹ ruột sau 45 năm lưu lạc khi mới lọt lòng

Đằng-Giao/Người Việt

May 26, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nguoi-con-gai-viet-my-tim-duoc-me-ruot-sau-45-nam-luu-lac-khi-moi-lot-long/

 

GARDEN GROVE, California (NV) – Chín năm trước, vào một ngày của năm 2014, bà Alice Lê, người mang hai dòng máu Việt-Mỹ, chủ tiệm nail ở Garden Grove, tìm được người mẹ ruột ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau 45 năm lưu lạc khi mới lọt lòng chỉ được một ngày.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Alice-Le-Con-Lai-01-1068x801.jpg

Bà Alice Lê (giữa) ôm mẹ khi cùng chồng về thăm Quy Nhơn, Tháng Tư, 2023. (Hình: Alice Lê cung cấp)

 

Chín năm sau, một ngày giữa Tháng Năm, 2023, bà Alice Lê kể lại chuyện tìm mẹ với báo Người Việt, như “một kết thúc có hậu” của đời mình.

 

Bà Alice Lê, tên thật là Lệ, nhưng khi sang Mỹ bà chọn tên Alice, nhìn bề ngoài là một phụ nữ Mỹ da trắng. Nhưng trò chuyện mới biết, bà mang tâm hồn vô cùng bao dung và vị tha, hoàn toàn theo lối Việt Nam.

 

“Vì từ nhỏ, tôi đã mê phim ‘Alice in Wonderland’ rồi,” bà giải thích. “Và tên Lệ nghe buồn quá.”

 

Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hồn nhiên, không một chút “hận đời,” bà Alice ôn lại câu chuyện nổi trôi đời mình trong xúc động.

 

.

Mới lọt lòng đã bị đem đi cho người khác

 

“Mẹ sinh ra tôi năm 1969 ở Cát Tiến, thành phố Quy Nhơn, nay thuộc tỉnh Bình Định. Năm đó mẹ tôi chỉ mới 15 tuổi và bà buộc lòng phải để người nhà đem tôi đi cho người khác lúc tôi mới ra đời có một ngày,” bà Alice kể.

 

Nguyên nhân của sự việc đau lòng này, theo bà Alice, là mẹ của bà sinh ra trong gia đình rất nghèo nên từ ngày còn bé phải đi ở với hết gia đình này đến gia đình khác.

 

Một lần tình cờ, mẹ bà gặp cha bà tại một quán nước của một người thân. Cha bà không là quân nhân mà là một kỹ sư Mỹ sang Việt Nam làm việc cho một hãng xây dựng và ở ngay cạnh quán nước này.

 

“Hai người quen nhau mau chóng dù mẹ tôi không biết tiếng Anh và cha tôi không biết tiếng Việt,” bà Alice nói. “Có lẽ là tình cảm có ngôn ngữ riêng.”

 

Khi cô bé 15 tuổi mang thai, cô không mảy may hay biết và cũng không ai biết gì cả. Vì vậy, người anh trai vô tình gả cô cho một người đàn ông khác.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Alice-Le-Con-Lai-02.jpg

Bé Lệ thời thơ ấu luôn quấn quít bên má Sáu Lê. (Hình: Alice Lê cung cấp)

 

.

“Họa trung hữu phúc”

 

Đến khi sự việc vỡ lở, người chồng mới cưới đành nuốt giận đem vợ đi sinh.

 

Trong khi chờ đợi, gia đình người chồng có việc nên anh phải về gấp.

 

Khi đứa bé ra đời, mọi người thấy bé “lai” quá nên xúi người mẹ 15 tuổi đem cho trước khi người chồng quay lại vì anh sẽ giận dữ hơn nếu biết cô sinh “con lai.”

 

Còn quá hoang mang và mệt mỏi, người mẹ quá trẻ này buông xuôi cứ để ai muốn làm gì thì làm.

 

Cô Hai, em gái của người chồng, bế bé gái mới sinh một ngày lên thị xã Quy Nhơn cho một người tên là cô Năm.

 

Cô Năm thấy đứa bé sơ sinh quá kháu khỉnh, dễ thương nhưng lại nuôi không được nên đem cho cô Sáu Lê, một người đã lập gia đình và có hai con.

 

“Tôi gọi người đẻ ra tôi là ‘mẹ’ và má Sáu Lê là ‘má,’” bà Alice phân biệt.

 

.

Mái ấm thời thơ ấu

 

Có lẽ do duyên số mà cô Sáu Lê, đem lòng quyến luyến đứa bé dù chồng cô hết mực cản ngăn.

 

Bà Alice nói: “Tôi nghe kể là ba tôi không muốn má tôi nhận tôi vì sợ má tôi cực. Ông nói, ‘Nhà có hai mặt con mà bà còn nhận thêm con nuôi làm cái gì.’ Nhưng má tôi cương quyết nuôi tôi.”

 

Thế là bé Lệ sống với ba má và anh chị.

 

Kể từ ngày đó, số phận cô Sáu Lê và bé Lệ quyện chặt vào nhau.

 

“Gia đình tôi thương nhau lắm và cả đời tôi, không ai chọc ghẹo hay bêu rếu tôi hết. Ai cũng coi tôi như người nhà và tới khi hơn 10 tuổi, tôi vẫn nghĩ tôi là con ruột trong gia đình,” bà Alice hồi tưởng.

 

Thỉnh thoảng, trẻ con lối xóm gọi bé Lệ là ‘Mỹ lai.”

 

Trong trí óc non nớt, bé Lệ chỉ mơ hồ hiểu rằng Mỹ là người da trắng đến đánh người Việt nhưng cô không hiểu vì sao người ta lại gọi mình như vây.

 

Cô chỉ biết “Mỹ lai” là một cái gì không hay.

 

“Tôi rất ghét những người gọi tôi như vậy thôi. Trong đầu tôi, tôi là con ruột của ba má, là em ruột của anh Tâm, chị Vân tôi,” bà Alice kể.

 

Cuộc đời cứ tưởng vậy sẽ bình lặng trôi đi.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Alice-Le-Con-Lai-03-1068x980.jpg

Bé Lệ (trái) được đối xử như người ruột thịt trong gia đình má Sáu Lê. (Hình: Alice Lê cung cấp)

 

.

Vào Sài Gòn…

 

Nhưng biến cố 30 Tháng Tư, 1975 đã khiến gia đình có một đứa con “lai Mỹ” như cô không thể bình yên mà sống ở Quy Nhơn.

 

Công an phường khóm thường lùng sục tìm kiếm những đứa con lai.

 

Bà Alice nói: “Mấy lần, má tôi đã bỏ tôi vô trong cái bể hứng nước mưa, lấy tôn cũ che kín rồi biểu tôi phải đứng im trong đó vì Việt Cộng đi lùng soát. Má nói, ‘Đứng im trong này. Nó mà bắt là mày chết đó con. Tôi phải đứng trong cái bể tối thui từ sáng tới tối luôn. Lúc đó tôi rất sợ và không biết vì sao mình phải trốn như vậy.”

 

Nước ngập tới đầu gối, bé Lệ lúc đứng, lúc ngồi trong bể nước cho đến khi má cô cho ra.

Bà kể: “Tới giờ thì má đưa cơm cho tôi ăn. Tôi sợ lắm nhưng chỉ ở trong bể đợi má tôi thôi.”

Năm 1978, cô Sáu Lê gởi hai con ruột là Tâm và Vân cho bà ngoại rồi cùng chồng đưa bé Lệ, lúc đó 9 tuổi, vô Sài Gòn.

 

“Như đã nói, từ ngày nuôi tôi, má tôi không hề rời tôi nửa bước,” bà Alice nhấn mạnh.

Ba cô định vượt biên rồi bảo lãnh cho mọi người nhưng lại bị bắt tù cả năm. Tất cả vốn liếng đem vô từ Quy Nhơn chỉ còn vừa đủ để mua một rẻo đất ở Thanh Đa sống lây lất chờ thời.

 

.

Qua Mỹ, miền đất mới

 

Năm 1990, gia đình cùng cô Lệ, khi đó 21 tuổi, được qua Mỹ theo diện con lai.

 

Đến Manila, Philippines, trại chuyển tiếp trước khi sang Mỹ, lần đầu tiên trong đời cô Lệ mới gặp nhiều người lai Mỹ như mình.

 

“Tôi không bao giờ quên được thời gian ở Manila. Cực lắm. Nhưng cũng có nhiều niềm vui và kỷ niệm khó quên.”

 

“Sau bảy tháng 10 ngày, chúng tôi được ‘sponsor’ (bảo lãnh) qua tiểu bang South Dakota. Sống ở đó được hai tháng, vì lạnh quá, ba má tôi quyết định về California theo lời khuyên một người bạn ba tôi,” bà Alice nói.

 

Tại California, trong một tiệc cưới, bà gặp một người mà sau này bà lấy làm chồng.

Bà kể: “Lần đó tôi định không đi dự tiệc vì không có quần áo. Nhưng anh người quen rất sốt sắng, mượn quần áo của em anh cho tôi mặc. Thấy anh thật lòng như vậy, tôi mới đi.”

 

“Anh là một người đàn ông dễ mến, nhưng lại ở Canada nên ban đầu chuyện tưởng không đi đến đâu.”

 

Trong thời gian đầu cư ngụ ở vùng Little Saigon, bà Alice làm ở quán cà phê.

 

“Tôi làm ở cà phê Tao Nhân một thời gian và được chị chủ giúp đỡ rất nhiều,” bà kể. “Chị cho tôi làm sớm để bấm giờ cho có đủ tiền và có thời gian đi học nghề nail.”

 

Năm 1992, bà bằng lòng qua Canada lấy chồng.

 

Bà kể: “Anh ấy người Việt Nam và rất đàng hoàng, ăn ở có trước có sau. Tôi sanh đứa con đầu lòng ở bên đó.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Alice-Le-Con-Lai-04.jpg

Cô Alice Lê (trái) và ba má nuôi ngày mới sang định cư tại California. (Hình: Alice Lê cung cấp)

 

.

Tình thương và trách nhiệm

 

Nhưng một lần về Little Saigon thăm ba má, bà Alice muốn ở lại vì thấy hoàn cảnh của song thân quá đáng thương.

 

Hai ông bà phải làm ở “shop may” kiếm sống. Ở tuổi lỡ cỡ không trẻ, không già, họ chỉ biết ủi đồ, cắt chỉ mà thôi.

 

Vì không đủ ăn nên hai người phải kiếm thêm tiền bằng cách khác.

 

“Thấy ba má tôi phải lụi cụi đi lượm vỏ chai và báo cũ đi bán, tôi không đành lòng quay lại Canada. Tôi cũng phụ họ lượm ve chai kiếm sống,” bà kể. “Tôi gọi điện thoại báo chồng tôi và ở đây luôn.”

 

Nhưng người cha không bằng lòng cho bà Alice ở lại Mỹ.

 

Bà kể: “Ba tôi nói mình xin phép người ta qua đây thăm ba má mà ở lại luôn là nói láo. Mình làm vậy thì người ta nói ba má không biết dạy con.”

 

Nghe lời ba, bà Alice quay lại Canada với chồng nhưng lúc nào cũng canh cánh nghĩ tới ba má. Thấy bà quá nặng lòng đối với cha mẹ, chồng bà quyết định đưa vợ qua Mỹ sống.

 

Từ nhỏ, bà Alice được uốn nắn theo quan niệm nhân, nghĩa, trí, lễ, tín theo truyền thống Đông phương nên suy nghĩ và cách cư xử của bà mang đậm nét Việt Nam.

 

“Hồi tôi còn nhỏ, má tôi không rời tôi nửa bước thì khi lớn lên, tôi lúc nào cũng gắn bó với bà,” bà Alice nói.

 

Bà kể: “Tôi hay bồng má đi tắm và có lần má đi tiêu trên tay tôi. Lần đó má tát nhẹ lên mặt tôi và hỏi, ‘Sao mày không sợ dơ hả con?’ Tôi cười, ‘Hồi xưa má lo cho con thì má có sợ dơ không? Con là con của má mà.’”

 

Thấy Alice hay ôm hôn mình chùn chụt, bà Sáu Lê cứ sợ con ruột ghen với em. Nhưng bà Alice không thể thay đổi cách thể hiện tình thương của mình đối với má được.

Năm 1998, Alice có bằng nail và trải qua biết bao khó nhọc, mấy năm sau, bà mới mở tiệm tại Garden Grove. 


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Alice-Le-Con-Lai-05-1068x756.jpg

Bà Alice (phải) đến thăm thân nhân ở Quy Nhơn. (Hình: Alice Lê cung cấp)

 

.

Tìm về quê mẹ

.

Khi công việc làm ăn ổn định, cũng là lúc bà Alice dốc lòng đi tìm người mẹ ruột.

 

“Từ năm 2004 tôi nhờ hết người này đến người kia ở Quy Nhơn tìm kiếm mẹ tôi.”

 

Bà kể: “Mấu chốt đầu tiên là tôi liên lạc với cô Năm là người nhận tôi rồi đem tôi cho má Sáu Lê. Cô Năm cần gì là tôi giúp liền, tốn bao nhiêu tiền bạc, vậy mà tới năm 2014 tôi mới gặp được mẹ tôi qua sự giúp đỡ của chị Khanh, một người chị bạn dì của tôi.”

 

Bà tiếp: “Tôi được biết sau khi cho tôi, mẹ tôi đã nhiều lần lặn lội đi tìm tôi mà không được.”

Bà Alice cũng biết mẹ ruột mình bị chồng đánh đập thường xuyên và cũng tự tử mấy lần mà không chết được.

 

“Tôi không hề oán hận mẹ tôi. Bà gặp hoàn cảnh khó khăn khi còn quá trẻ nên phải như vậy thôi. Bà còn biết làm gì hơn,” bà Alice cho hay. “Tôi vui là mẹ tôi là người rất hiền lành. Hiền lắm.”

 

Từ ngày liên lạc được với mẹ ruột, bà Alice xây nhà khang trang cho mẹ và thăm hỏi mẹ thường xuyên.

 

Lần gần đây nhất bà Alice gặp lại mẹ là Tháng Tư, 2023.

 

Bà Alice chưa có dịp nằm với mẹ ruột một đêm để nghe hết tâm sự của bà, năm nay gần 70 tuổi.

 

“Tôi không dám nghe tâm sự của mẹ vì sợ chồng bà nổi cơn ghen tức rồi hành hạ bà,” bà Alice nói.

 

Đó cũng là lý do mà bà Alice không tiện kể tên mẹ ruột của mình. “Kệ, chuyện qua rồi…”

 

Thương mẹ thì thương lắm nhưng bà Alice vẫn không quên má mình.

 

Bà Sáu Lê qua đời năm 2020 trước đại dịch COVID-19 và an nghỉ tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, vùng Little Saigon.

 

Ông chồng của bà Sáu Lê qua đời năm 2006 tại Quy Nhơn, Việt Nam. Hai người con của bà Sáu Lê, con trai ở Mỹ, còn con gái ở Việt Nam.

 

Cô bé Lệ ngày xưa hiện đang sống tại thành phố Anaheim Hills, với chồng là ông Nguyễn Thanh Đạm và hai con gái là Thanh Anh Nguyễn và Ngọc Quyên Nguyễn.

 

“Đứa út của tôi sắp lấy chồng rồi,” bà Alice hạnh phúc nói. “Chồng sắp cưới của nó người Mỹ mà rất Việt Nam, tự động tới tiệm tôi xin phép tôi trước rồi tìm chồng tôi xin phép được lấy con gái tôi.”

 

Cả cuộc đời, bà Alice luôn sống theo quan niệm của người Việt đúc kết từ xa xưa.

 

Bà nói: “Tôi tin rằng mình cứ sống tử tế với mọi người thì chuyện tốt sẽ tự nhiên tới với mình. Cứ rộng rãi. Của cho đi không bao giờ mất!” (Đằng-Giao) [kn]

—–
Liên lạc tác giả: 
ngo.giao@nguoi-viet.com

 





No comments: