NATO
mở văn phòng tại Nhật Bản, tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 03/05/2023 - 11:29
Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO lên kế hoạch mở
văn phòng liên lạc tại Tokyo, Nhật Bản, vào năm tới, theo tin của trang mạng
Nikkei Asia hôm nay, 03/05/2023. Đây sẽ văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở
châu Á.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (T) bắt tay thủ tướng Nhật Fumio
Kishida, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/01/2023. via REUTERS - POOL
Văn phòng NATO tại Tokyo sẽ giúp liên minh
quân sự tiến hành tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong
khu vực như Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên như
một thách thức mới đối với NATO, bên cạnh đối thủ trọng tâm truyền thống của khối
này là Nga.
Theo Nikkei Asia, NATO và Nhật Bản cũng sẽ
nâng cấp hợp tác, hướng tới ký kết Chương trình Đối tác phù hợp với từng nước
(ITPP) trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva, vào ngày 11-12/07.
Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa trên mạng,
phối hợp lập trường về các công nghệ mới nổi và mang tính đột phá, đồng thời
trao đổi các tài liệu về việc chống thông tin sai lệch. Các kế hoạch nói trên
đã được cả quan chức Nhật Bản và NATO xác nhận.
Dự định mở văn phòng liên lạc lần đầu tiên được
thảo luận giữa thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thư ký NATO Jens
Stoltenberg trong chuyến thăm Tokyo của lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương
vào cuối tháng 1 năm nay. Đến giữa tháng 4, NATO đã đưa ra một dự thảo đề xuất
cho 31 nước thành viên của khối này, dự kiến mở văn phòng liên lạc ở Tokyo vào
năm 2024.
NATO hiện đã có các văn phòng liên lạc tương tự
tại Liên Hiệp Quốc ở New York, tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở
Vienna, cũng như ở các nước Gruzia, Ukraina, Bosnia- Herzegovina, Moldova và
Koweït. Theo Nikkei Asia, Nhật Bản cũng có kế hoạch thành lập một phái bộ độc lập
tại NATO, tách phái bộ này khỏi sứ quán Nhật ở Bỉ.
Hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius dự kiến
sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand -
giống như năm ngoái - thể hiện sự tham gia sâu hơn của NATO vào khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment