Friday, May 26, 2023

LIỆU NGUYỄN PHÚ TRỌNG CÓ PHẾ TRUẤT PHẠM MINH CHÍNH (Trần Cảnh Chân / VNTB)

 



Liệu Nguyễn Phú Trọng có phế truất Phạm Minh Chính?

Trần Cảnh Chân  /  Việt Nam Thời Báo

25.05.2023 6:06

https://vietnamthoibao.org/vntb-lieu-nguyen-phu-trong-co-phe-truat-pham-minh-chinh/

 

(VNTB) – Việc xoá mọi hình ảnh Phạm Minh Chính  bắt tay Zelensky có chăng chỉ là một động thái dằn mặt trong toàn bộ sách lược của Nguyễn Phú Trọng đối với thủ tướng.

 

Hình : https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2023/05/Pham-minh-chinh-zelensky-.jpg

Phạm Minh Chính bắt tay Zelansky. Nguyễn Phú Trọng bắt tay Medvedev

 

Dư âm từ đại án Việt Á chưa hết khi 2 phó thủ tướng thuộc cấp của Phạm Minh Chính bị mất chức. Giờ tới cái bắt tay thân mật và lời cảm ơn thấm thiết tới tổng thống Zelensky, người mà đảng của ông Trọng vẫn coi là “thằng hề” và “trùm phát xít”.  Có lẽ cái ghế của Phạm Minh Chính đang lung lay hơn bao giờ hết.

Sao phải xoá hết hình ảnh Phạm Minh Chính  bắt tay Zelensky?

Ngày 21/05, thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cái bắt tay thân mật với tổng thống Ukraine Zelensky, bên lề hội nghị G7 tại Nhật. Trong cuộc gặp, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước. 

 

Báo chí Việt Nam đã cập nhật đầy đủ, chi tiết và tự hào về sự kiện này. Tuy nhiên, vài giờ đồng sau khi đăng, tất cả các bài vết về cuộc gặp này đã bị gỡ xuống. Nội dung các bài báo nói về việc ông Chính ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của Ukraine và rất coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với nước này.

 

Thủ tướng cho rằng Việt Nam thấu hiểu các giá trị của hòa bình vì đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Ông Chính nhắc lại chuyện Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Ukraine và cam kết sẽ hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên. Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Ukraine đã hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine.

 

Thời điểm tất cả các bài báo, hình ảnh về cuộc nói chuyện này bị xoá sạch cũng trùng hợp với chuyến thăm đột xuất của Medvedev. Medvedev là nhân vật quyền lực thứ hai tại Nga với vai trò phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên Bang Nga, chủ tịch đảng Nước Nga Thống Nhất, từng là tổng thống và thủ tướng Liên bang Nga.

 

Như vậy, khi vừa đáp chuyến bay từ Nhật về, ông Chính đã phải tiếp trong chiều ngày 22/05, ngay sau khi gặp Zelensky chỉ một ngày trước đó. Tuy đã xoá mọi hình ảnh trên các phương tiện truyền thông trong nước, nhưng cũng không thể tẩy trắng được tất cả. Cho nên động thái này của đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là để vui lòng Medvedev, mà có thể còn có những nguyên nhân khác.

Phạm Minh Chính có thành dê tế thần?

Chuyến vi hành đầy bất ngờ của nhân vật quyền lực thứ hai nước Nga tới Việt Nam một phần cũng vì những biểu hiện của Phạm Minh Chính với các nước trong hội nghị G7. Rõ ràng Nga đang rất lo sợ mất đi một lá phiếu ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Putin tại Liên Hiệp Quốc.

 

Vì vậy Nguyễn Phú Trọng buộc phải có những hành động để thể hiện lòng thành kính của mình với người bạn lớn này. Rất có thể con dê tế thần sẽ là Phạm Minh Chính, kẻ vừa biểu hiện tình cảm nồng cháy với Zelensky, người bị Nga cùng với đảng cộng sản Việt Nam gọi là “tên phát xít kiểu mới”. Phế truất Chính, Trọng vừa hạ được một đối thủ chính trị, vừa có một con dê dâng lên quan thầy Nga, một công đôi việc.

 

Cái ghế của ông thủ tướng đã lung lay dữ dội khi các thuộc cấp trực tiếp như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Phạm Trường Sơn… lần lượt bị mất chức và vào tù, nó cũng báo hiệu nửa cuối nhiệm kỳ đầy u ám với Phạm Minh Chính. Khi Nguyễn Phú Trọng đã quyết tâm triệt hạ toàn bộ tay chân và cả thủ trưởng cũ của ông Chính là Nguyễn Xuân Phúc, thì không dễ gì đương kim thủ tướng Việt Nam lại được ngồi yên trong vùng cấm.

 

Việc xoá mọi hình ảnh về cái bắt tay thân thiện của ông thủ tướng với tổng thống Ukraine có chăng chỉ là một động thái dằn mặt trong toàn bộ sách lược của Nguyễn Phú Trọng đối với Phạm Minh Chính. Trước đó, ông Trọng cũng đã dùng chiêu lấy phiếu tín nhiệm để hạ bệ các đối thủ chính trị của mình. Tại lần lấy phiếu tín nhiệm này, có vẻ ông Chính đã phá được âm mưu của tổng bí thư. Nhưng nếu tổng bí thư đã rấp tâm triệt hạ, thì liệu Phạm Minh Chính có thoát được hết thiên la địa võng con cáo già đứng đầu bộ chính trị không?

 


 

Tổng bí thư kiêm nhiệm Thủ tướng sẽ là giải pháp tốt nhất

Lê Tự Do  / Việt Nam Thời Báo

24.05.2023 12:23

https://vietnamthoibao.org/vntb-tong-bi-thu-kiem-nhiem-thu-tuong-se-la-giai-phap-tot-nhat/

 

(VNTB) – Tổng bí thư là chính khách thỏa mãn yêu cầu “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng.”

 

Hình : https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2023/05/Hoi-nghi-trung-uong-20230516.jpeg

 

Doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, liên tục trong gần như cả 3 năm qua…

 

Thông tin trên báo chí cho biết, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thư ký Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, chia sẻ với báo chí bên lề hành lang Quốc hội ở phiên họp thường kỳ đang diễn ra là cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài, một cách tổng thể để cứu nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Ông Trần Hoàng Ngân đánh giá doanh nghiệp bắt đầu khó khăn khi có đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021. Sang năm 2022, gặp phải chiến tranh Nga – Ukraine, dẫn đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Sau đó là ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhân đạo… Vì vậy, bản chất năm 2022, doanh nghiệp phục hồi nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới, nên chỉ phục hồi trong nửa đầu năm, đến quý III/2022 đến nay bắt đầu chậm lại.

 

“Bây giờ phải rất bình tĩnh để giải quyết một cách căn cơ các bài toán một cách tổng thể. Không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác. Chúng ta phải vừa có giải pháp cấp bách ngắn hạn vừa phải có giải pháp dài hạn để cứu nền kinh tế”, ông nói.

 

Theo quan sát của ông Trần Hoàng Ngân, với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, hiện tại khó khăn nhất là về thị trường. Thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Theo ông, nếu thị trường quốc tế khó khăn kéo dài thì phải tính đến thị trường trong nước 100 triệu dân.

 

Ông cho biết ở các nước, những quốc gia có dân số từ vài chục triệu người đến trên 100 triệu dân, thì thường phải kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Bình quân các nước trên thế giới có độ trung bình khoảng 55-60%. Những nước có dân số đông như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia… đều kiểm soát độ mở một cách vừa phải.

 

Trong khi đó, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Ông đánh giá đây là một yếu tố “nguy hiểm” và “rủi ro”. Độ mở lớn thì chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài là rất lớn.

 

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu đạt tới 90% GDP nhưng giá trị gia tăng vẫn rất thấp, chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu và bán thành phẩm. Là một quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD hàng nông sản.

 

Thế giới bên ngoài có nhiều yếu tố bất định. Độ mở lớn sẽ khiến chúng ta phải chao đảo với biến động với thế giới. Cần đặt ra bài toán nghiêm túc để kiểm soát độ mở nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ”, ông Trần Hoàng Ngân diễn giải.

 

Ở một chia sẻ khác về y tế, có ý kiến nói rằng không thể viện bất cứ lý do gì cho bào chữa chuyện thiếu vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em.

 

“Trong thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo người dân tham gia tiêm chủng mở rộng là “đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ”. Khuyến cáo ấy hoàn toàn trái ngược với thực tế đang xảy ra tại các địa phương khi không có vắc-xin tiêm cho trẻ, người dân buộc phải bỏ tiền tiêm vắc-xin dịch vụ hoặc bỏ/ trì hoãn tiêm.

 

Điều này khiến cho những tụng ca về tính ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa rất cần được xem xét lại, và trên thực tế đúng là cần hoài nghi tất cả những gì mà số liệu trong báo cáo văn kiện Đảng lâu nay về chuyện “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam như ngày hôm nay”.

 

Người viết bài này cho rằng căn cứ theo quy định hiện hành của Đảng, trước thực tế ‘sức khỏe’ nền kinh tế đang ‘bệnh toàn thân’, và một thực tế khác là y tế nước nhà cũng thiếu đủ thứ thuốc chữa trị, vắc-xin tiêm chủng, rất cần đưa đến điều chỉnh nhân sự cấp cao.

 

Theo đó, Tổng bí thư cần kiêm nhiệm luôn là Thủ tướng chính phủ. Bởi, theo “Tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, thì Tổng bí thư là chính khách thỏa mãn yêu cầu “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…

 

Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc…”.

 

Như vậy, khi mà mới đây trong hội đàm với Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất Dmitry Medvedev, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại đầy tự tin, rằng “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (với đại diện cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) đã đạt được kết quả chưa bao giờ có, là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam như ngày hôm nay”.

 

Người cộng sản nói được là làm được, vì vậy đề xuất Tổng bí thư kiêm Thủ tướng chính phủ, tin rằng sẽ giải quyết được các vướng mắc ở trên của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, cũng như giải quyết căn cơ về vấn đề y tế nước nhà.

 

 




No comments: