Không hiểu nổi tại sao họ khóc?
An Vui -
Saigon Nhỏ
13 tháng 5, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/khong-hieu-noi-tai-sao-ho-khoc/
Tôi đã định tắt màn hình, kết thúc một ngày, nhưng
video của Dân Trí và Lao Động với màn khóc lóc của cổ động viên
Việt Nam sau khi U22 Việt Nam thua Indonesia tại SEA Games 32 lại khiến tôi bật
dậy.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/13.5.23_Anh-7.jpg
Cô gái này khóc vì U22 mất cơ hội giành huy chương vàng SEA Games 32, với
lời nhắn nhủ đừng để mất “huy chương đồng”, nghĩa là phải có huy chương – Ảnh cắt
từ video của Dân Trí
Đó là những cổ động viên trẻ của U22 Việt Nam,
đang xem trận đấu giữa Việt Nam và Indonesia qua màn hình tại phố đi bộ Nguyễn
Huệ (quận 1, Sài Gòn) chiều 13 Tháng Năm 2023.
Người khóc có cả nam, cả
nữ. Nước mắt tràn ngập trên gương mặt họ. Điều đáng nói là họ khóc thật tình,
đau đớn thật tình, thất vọng thật tình, không hề giả trân.
Tôi không hiểu nổi, cách họ bày tỏ sự thất vọng;
cách họ tiếc nuối, rên rỉ, trách móc; cách họ van vái, rồi quỳ mọp xuống hoặc
ngã vật ra… Tôi không hiểu nổi tại sao họ lại đau đớn, vật vã giữa phố đông người…
chỉ vì đội tuyển Việt Nam thua Indonesia, mất cơ hội đoạt huy chương vàng môn
bóng đá nam?
Nhìn các bạn trẻ khóc lóc
thật tình chỉ vì U22 Việt Nam thua một trận bóng tranh huy chương vàng SEA
Games – thường gọi là cuộc chơi “ao làng”, tôi hoàn toàn không hiểu nổi, nhưng cảm thấy rất rõ
là Việt Nam không có hy vọng vào tương lai.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/13.5.23_Anh-8-800x450.jpg
Người đàn ông này khóc vì đáng lẽ chậm một tí thì U22 không thua – Ảnh cắt
từ video của Dân Trí
Nhiều năm qua, khi nhìn thấy số đông người trẻ
giờ chỉ còn quan tâm vào chuyện thắng thua của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam,
tôi thấy buồn và ngán ngẩm. Đây rõ ràng là trào lưu (hay xu hướng) được nhà nước
Việt Nam khuyến khích.
Họ khéo lồng vào cái gọi là “tinh thần dân tộc”,
đội tuyển bóng đá nam thắng là Việt Nam đang thắng; còn đội tuyển bóng đá nam
thua là Việt Nam đang thua, điều họ không thể chấp nhận với tâm lý ngạo mạn.
Mỗi khi nhìn dàn cổ động viên Việt Nam ngồi
trên khán đài cổ vũ đội tuyển bóng đá nam, nhìn cách họ kêu gào, hú hét chữ “Việt
Nam”, khua chiêng đánh trống, giơ cờ, trưng ảnh… sao tôi không hề thấy tự hào
mà chỉ thấy sợ?
SỢ. Vì cổ động viên Việt Nam giống hệt “hồng vệ
binh”, nhuộm đỏ người từ đầu đến chân, một màu đỏ hiếu thắng và ngạo mạn, với
niềm tin “sắt máu” là “Việt Nam luôn thắng” (!) nên mỗi lần đội tuyển bị thua
là mỗi lần họ cay cú, khóc lóc, tưởng như Việt Nam bị bại trận tới nơi!
Còn mỗi lần đội tuyển bóng đá nam thắng thì
chao ơi, chính những fan cuồng của bóng đá lại là niềm sợ hãi của bao nhiêu người,
trong đó có tôi, vì nhóm người này sẽ nhân danh ăn mừng chiến thắng để thổi kèn
ồn ã suốt đêm.
Hành vi phổ biến là họ sẽ tràn ra đường, cởi
áo, khua chiêng gõ trống, hú hét, trở thành hung thần đường phố…, sẵn sàng lạng
lách bất chấp gây tai nạn cho người khác, mà công an nếu có mặt cũng ưu ái “bao
dung” với cớ họ đang ăn mừng chiến thắng!
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/13.5.23_Anh-9.jpg
Các bạn trẻ này thể hiện sự chán chường, nỗi tuyệt vọng khi U22 thua, giống
như chẳng còn điều gì ý nghĩa hơn trên đời này vậy – Ảnh cắt từ video của Lao Động
Phải khen là ai đó đã khéo khơi dậy “tinh thần
dân tộc” bằng cách dựng màn hình lớn, tụ tập đám đông mê bóng đá đến phố đi bộ
Nguyễn Huệ cùng xem để cổ vũ cho U22 Việt Nam. Có cả trẻ em trong đám đông đó mới
sợ chớ.
Màu đỏ tràn ngập khắp nơi, nhuộm đỏ từng người,
từ tấm băng quấn quanh đầu, đến sticker dán trên mặt, áo mặc trên người, cờ cầm
trên tay… Một màu đỏ không phải của đam mê mà của sự hiếu chiến.
Nhìn giới trẻ bộc lộ sự vui mừng quá đà khi
U22 Việt Nam thắng, rồi khóc lóc cũng quá trớn khi U22 Việt Nam thua, tôi cho
là fan cuồng cổ vũ bóng đá Việt Nam không hiểu được sự thắng thua là lẽ thường ở
đời này.
Bởi đôi khi thua mà lại “thắng”, còn thắng có
khi lại là “thua”. Có những chiến thắng lại khiến người ta khóc cùng với đối thủ;
và có những khi thua mà người ta vẫn an nhiên mỉm cười, cảm ơn đối thủ.
Than ôi, chỉ khi nào biết khiêm nhu trong chiến
thắng thì người ta mới biết bình tâm khi thua cuộc. Chỉ khi nào đủ dũng khí biết
nhận mình yếu, mình thua là lẽ thường thì lúc đó mới có chiến thắng thực sự.
Còn nếu giới trẻ – cổ động viên cuồng nhiệt
cho bóng đá hôm nay, chỉ sống trong ảo tưởng, tự ru ngủ điệp khúc “Việt Nam
luôn thắng”, “Việt Nam không thể thua” thì mãi mãi đất nước này sẽ chẳng có
ngày mai nào tươi sáng!
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/13.5.23_Anh-10.jpg
Nhìn biểu hiện của ba chàng trai này chán quá đi mất, đã vậy còn lôi một
đứa trẻ đi theo – Ảnh cắt từ video của Lao Động
Nhìn đám đông người vò đầu bứt tóc khi Việt
Nam thua Indonesia trên phố Nguyễn Huệ chiều 13 Tháng Năm 2023, tôi tự hỏi
trong số họ có bao nhiêu người đang lậm vào trò cá độ bóng đá? Có bao nhiêu người
cười như điên như dại khi U22 thắng vì họ thắng đậm, sắp có số tiền lớn vì thắng
độ?
Có bao nhiêu người khóc như cha chết, mẹ chết…
(cũng chưa chắc cha mẹ họ chết mà họ khóc) khi U22 thua vì lý do thực sự là họ
đã thua độ, sắp nợ nần, phá sản đến nơi?
Một người bạn của tôi có cậu con trai duy nhất
từng du học ngoại quốc, có tấm bằng thạc sĩ, thế mà đi làm mới vài năm, dính
vào trò cá độ bóng đá, bạn phải trả nợ thay con vài lần, quá sợ hãi đến mức buộc
con nghỉ làm, mỗi ngày phát cho 200,000 đồng ($8.5) để tiêu xài, với mục đích
khi không làm ra tiền, không gặp gỡ ai thì con sẽ cắt đứt cơn nghiện cá độ.
Một người bạn khác có em trai cũng du học ngoại
quốc về, rất hiền lành chăm chỉ… bỗng một ngày phải trốn chui trốn nhủi đến nỗi
gia đình không thể liên lạc, vì em nợ nần cá độ bóng đá quá nhiều không trả nổi
mà gia đình cũng không ai đủ sức “gánh” thay. Tất cả đều là thanh niên con nhà
tử tế, được học hành đến nơi đến chốn.
Ngoài nghiện cá độ, thèm cảm giác chiến thắng
trong các trận bóng đá đang là một “cơn nghiện” khác của giới trẻ Việt Nam.
Cơn nghiện ấy chỉ được thỏa mãn khi đội tuyển
bóng đá nam chiến thắng, đủ giúp họ quên đi sự bức bối của việc làm, của đồng
lương không bao giờ đủ mua một căn nhà; quên đi sự tha hóa của đạo đức cá nhân
khi con người sẵn sàng trút giận vào nhau; quên đi môi trường sống (từ văn hóa
đến không khí) ngày càng ô nhiễm; quên đi sự nhọc nhằn của chính cha mẹ họ đang
ngày ngày vật lộn với giá cả leo thang của thực phẩm và điện nước, hoặc có khi
chết sớm vì không đủ tiền chữa trị bệnh tật.
Khi nào cơn cuồng bóng đá của giới trẻ Việt
Nam có điểm dừng, chuyện thắng thua của đội tuyển bóng đá nam không còn tác động
đến cảm xúc của giới trẻ, không còn là điều quan trọng nhất đối với họ thì lúc
đó, Việt Nam mới có tương lai. Ngày đó chắc còn xa lắm.
Cảm ơn trời, đêm nay tôi sẽ được ngủ ngon vì
U22 Việt Nam thua.
No comments:
Post a Comment