Thursday, May 18, 2023

ĐIỆN GIÓ VIỆT NAM : NGUY CƠ THIỆT HẠI HÀNG TỶ ĐÔLA ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI (Mỹ Hằng / BBC News Tiếng Việt)

 



NỘI DUNG :

 

Điện gió VN: Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - Bài 1

Mỹ Hằng  /  BBC News Tiếng Việt

.

Điện gió Việt Nam: Mối lo an ninh, quốc phòng và nhà đầu tư Trung Quốc - Bài 2     Mỹ Hằng  /  BBC News Tiếng Việt

 

====================================================

.

.

Điện gió VN: Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - Bài 1

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 2 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64727997

 

Được đánh giá là một nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi dồi dào nhất khu vực châu Á nhưng Việt Nam đang có nguy cơ để tuột khỏi tay nhiều cơ hội quý để phát triển ngành này, đồng thời làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, theo các đánh giá mà BBC tìm hiểu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5C6C/production/_128706632_gettyimages-1422792602.jpg

(Hình chỉ có tính chất minh họa)

 

Cuối tháng 7/2022, công ty năng lượng AES Corp có trụ sở tại Hoa Kỳ (AES.N) có kế hoạch phát triển một trang trại gió ngoài khơi Việt Nam trị giá 13 tỷ USD.

 

Trang trại gió này dự kiến có tổng công suất 4.000 MW, có khả năng tăng gấp đôi công suất điện gió của Việt Nam.

 

.

Năng lượng tái tạo VN: Nghịch lý tăng than dù thừa điện mặt trời và câu hỏi về điện khí LNG - Bài 1

 

Năng lượng tái tạo VN: Chỉ còn 'chờ quyết tâm của chính phủ' - Bài 2

 

Năng lượng tái tạo: 'VN cần nâng cấp lưới điện quốc gia' - Bài 3

.

 

Bên cạnh đó còn có Sumitomo Corp của Nhật Bản với dự án điện gió công suất 500 MG đến 1G vào 2030.

 

Ngoài ra, tập đoàn Renova của Nhật đã ký biên bản ghi nhớ với PetroVietnam Group, với kế hoạch phát triển dự án điện gió ngoài khơi công suất 2 GW.

 

Ở châu Âu có công ty Orsted của Đan Mạch đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn T&T của Việt Nam, dự định phát triển các dự án điện tái tạo công suất 2 GW vào năm 2030.

 

Đáng kể nhất phải kể đến khoản đầu tư 15,5 tỷ USD từ các nước phát triển, ký kết vào năm ngoái, để Việt Nam thực hiện chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm đạt cam kết Net Zero vào 2050.

 

Nhưng hàng tỷ USD này đến này vẫn chỉ nằm trên giấy vì một đề án quy hoạch đã chỉnh sửa nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được Việt Nam thông qua.

 

.

Nguồn tài nguyên gió dồi dào

 

Theo số liệu của Global Energy Monitoring cung cấp cho BBC News Tiếng Việt, cho tới tháng 1/2023, Việt Nam được xếp vào danh sách 20 nước có tiềm năng điện gió và mặt trời lớn nhất. Điện gió Việt Nam có khả năng đóng góp 1,2% vào tổng công suất điện gió toàn cầu.

 

Hiện Việt Nam có 79 trang trại điện gió đang vận hành với công suất 4.646 MW, và 39 trang trại điện gió đang được xây dựng.

 

Nhưng được đánh giá tiềm năng hơn cả là điện gió ngoài khơi. Uớc tính lĩnh vực này có thể bổ sung ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế của Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới.

 

Đáng mừng hơn, là hai cản trở mang tính lịch sử đối với năng lượng tái tạo là giá thành và tính không ổn định, nay đã không còn là mối lo ngại.

 

Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson, nói với BBC News Tiếng Việt hồi tháng 1/2023:

 

"Giá điện mặt trời đã giảm xấp xỉ 85% từ năm 2009 và tiếp tục giảm bởi quy trình sản xuất được mở rộng và cải thiện. Điện gió cũng giảm ở mức tương tự trong cùng khung thời gian.

"Thậm chí ngay giữa đại dịch, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đã chỉ ra rằng chi phí cho cả hai nguồn năng lượng tái tạo trên tiếp tục giảm và đang ngày càng trở nên cạnh tranh."

 

Hiện năng lượng gió mới chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng công suất phát điện của Việt Nam, và chỉ là điện gió trang trại.

 

Chính phủ Việt Nam có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên khoảng 30% vào năm 2050, chủ yếu dựa vào điện gió ngoài khơi.

 

.

Nhiều lần trì hoãn và giá điện khiến nhà đầu tư lo ngại

 

Tiềm năng điện gió dồi dào này đang bị lãng phí khi mà việc cho phép đầu tư nước ngoài vào các dự án ngoài khơi phụ thuộc vào một quy hoạch chưa biết bao giờ mới được thông qua.

 

VN vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết 'phát thải bằng 0' vào 2050 - Bài 1

Tăng điện than tới 2030 - 'Cú giáng' của VN vào mục tiêu năng lượng sạch? - Bài 2

Việt Nam sẽ làm gì với gói tài trợ khí hậu 15 tỷ USD từ G7?

 

Trong bản Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) lần sửa đổi gần đây nhất của Bộ Công thương, Việt Nam dự định đạt mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào 2030 từ mức 0 GW hiện nay.

 

Nhưng việc thông qua dự thảo này đã nhiều lần bị trì hoãn. Ông Minh Nguyễn, phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, phát biểu tại một hội nghị hôm thứ Năm rằng có thể tới cuối năm sau hoặc hơn thế nữa, theo Reuters.

 

Lý do mà ông Minh Nguyễn nêu ra là việc phê duyệt văn bản này phụ thuộc vào luật mới về sử dụng không gian biển cho mục đích quân sự, hàng hải hoặc các mục đích khác - dự kiến sẽ không được thông qua trước tháng 10.

 

Một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lý do an ninh quốc gia, lo ngại các trang trại gió có thể được sử dụng để giám sát, theo Reuters.

 

Chính vì sự chậm trễ này, Việt Nam được cho là đang làm nản lòng các nhà đầu tư lớn và có nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đôla dự kiến đầu tư vào ngành này.

 

Trong một bài viết trên trang BBC News Tiếng Việt 'Việt Nam và con đường đến đích 'Phát thải Zero' mới đây, doanh nhân Singapore gốc Việt, ông Michael Nguyễn cho rằng câu chuyện ngành điện nằm trong bức tranh chung về chiến lược năng lượng sạch và các cam kết của chính phủ Việt Nam.

 

Ông cho rằng "chặng đường đến với Giảm phát thải Zero còn khá nhiều gập ghềnh không chỉ đối với các nhà đầu tư phát triển năng lượng trong nước và nước ngoài, mà còn là bài toán cần giải quyết giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam".

 

Theo ông, giá bán điện mới, vừa được Bộ Công thương ban hành đầu tháng 1/2023 vừa qua, là một trong số các vấn đề nghiêm trọng:

 

"Trong một thời gian dài từ đầu tháng 11/2021 đến đầu tháng 1/2023, nhiều nhà máy điện đã xây dựng xong nhưng chưa có giá bán điện mới để hòa mạng, chưa được đấu nối, gây bức xúc cho nhà đầu tư và lãng phí cho nền kinh tế. Đây là các dự án không vận hành trước 11/1/2021 (là thời điểm chốt chính sách ưu đãi giá điện cũ) gồm 62 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 3500MW và 16 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 252MW.

 

Do lo ngại về tính an toàn, ổn định của cả hệ thống, nên EVN không chấp nhận cho các nhà máy năng lượng tái tạo mới hoàn thành được hoà mạng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời đã tạo ra những thách thức cho sự ổn định của lưới điện (quán tính hệ thống thấp, nghẽn đường truyền tải, dư thừa công suất, lỗi dự báo sai lệch lớn, nguy cơ lỗi đi qua và tỷ xuất dòng ngắn mạch giảm thấp gây mất ổn định."

 

Ông Michael Nguyễn kể câu chuyện:

 

"Trong cuộc họp Hội đồng quản trị đầu năm mới 2023 của một tập đoàn năng lượng tái tạo lớn tại Singapore mà tôi được mời dự với tư cách cố vấn, vị Chủ tịch tập đoàn tỏ ý quan ngại về các dự án điện đang và chuẩn bị thực hiện tại Việt Nam, với động thái mới nhất trên thị trường điện là Bộ công thương thông báo giá bán điện (FIT) áp dụng cho các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp, cách đây một tuần. Họ lo ngại giá FIT mới không như kỳ vọng và không đem lại lợi ích cho nhà đầu tư."

 

Các bạn đọc Bài 2 trong chùm bài Điện gió ngoài khơi tại đây.

 

 

                                                            *****

 

Điện gió Việt Nam: Mối lo an ninh, quốc phòng và nhà đầu tư Trung Quốc - Bài 2   

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

24 tháng 2 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64728002

 

Có thông tin rằng Việt Nam chưa mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào điện gió ngoài khơi chủ yếu là do lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc.

 

Tuy nhiên phân tích từ một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy những góc nhìn khác.

 

.

Nhiều gió hơn ở vùng 'an toàn' hơn

 

Vùng biển Việt Nam có tiềm năng gió dồi dào nhất, thực ra lại là vùng 'an toàn' - không nằm trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc, GS Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc cho BBC News Tiếng Việt hay hôm 24/2.

 

Điện gió VN: Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - Bài 1

Việt Nam sẽ làm gì với gói tài trợ khí hậu 15 tỷ USD từ G7?

 

Các nghiên cứu khoa học dự báo về sự phát triển điện gió trong tương lai ở Việt Nam chỉ ra rằng các trang trại gió gần bờ và ngoài khơi trong phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam sẽ sản xuất điện nhiều gấp 19 lần so với các trang trại gió ngoài khơi nằm ngoài 50 km, theo GS Carl Thayer.

 

Nếu Việt Nam chú tâm vào đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi trong phạm vi này thì có thể sản xuất được 9.500 MW điện vào năm 2030, so với chỉ 500 MW từ các trang trại gió ngoài khơi xa hơn 50km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam, GS Thayer nói, trích dẫn nghiên cứu của Chương trình Phát triển LHQ và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Kịch bản kinh tế xanh cho Việt Nam (tháng 5/2022).

 

"Khu vực dưới 50km nằm trong phạm vi quyền lợi hợp pháp của Việt Nam là Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý (EEZ).

 

"Hiện Việt Nam đang vận hành một nhà máy điện gió ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận và Trung Quốc không có bất kỳ phản đối nào," GS Carl Thayer nêu dẫn chứng.

 

Nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Úc về an ninh hàng hải, ông Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng về mặt an ninh, thì khác với các dự án dầu khí, điện gió ít gặp thách thức hơn.

 

"Lý do là các dự án điện gió hầu hết được triển khai ở khu vực lãnh hải của Việt Nam, vốn không có tranh chấp gì, trong khi dầu khí thì lại triển khai ở thềm lục địa và EEZ mở rộng.

 

"Chuyện có thể phức tạp hơn khi Việt Nam xuất khẩu điện ra nước ngoài, như xuất cho Singapore chẳng hạn, vì có thể có liên quan tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải. Nhưng điều này cũng không tác động nghiêm trọng tới tranh chấp," ông Phương nói với BBC News Tiếng Việt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3E5B/production/_128736951_44055994-2173-43ce-85e6-c2fcbac4f247-1.png

Nguyễn Thế Phương

 

.

Vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc

 

Vấn đề an ninh biển, đảo và nguy cơ từ Trung Quốc luôn là quan ngại của Việt Nam, nhưng GS Carl Thayer chỉ ra rằng bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc, và điện gió ngoài khơi không phải là ngoại lệ.

 

VN vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết 'phát thải bằng 0' vào 2050 - Bài 1

Tăng điện than tới 2030 - 'Cú giáng' của VN vào mục tiêu năng lượng sạch? - Bài 2

 

 

Ông nói: "Đã có những thời điểm quan trọng trong lịch sử gần đây của Việt Nam khi có những cuộc biểu tình công khai chống lại đầu tư của Trung Quốc. Hai sự kiện nổi bật là cuộc biểu tình năm 2009 phản đối Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên và cuộc biểu tình năm 2018 phản đối Dự Luật về các Đặc khu kinh tế. Dự luật này sau đó đã bị rút khỏi Quốc hội.

 

"Các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng tâm lý bài Trung Quốc có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt đối với bất kỳ sự cố nào ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc.

 

"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chính thức khuyến khích đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ, tại phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Nam Ninh vào tháng 7/2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị người đồng cấp Vương Nghị về việc "Trung Quốc mở rộng dòng chảy đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam…"

 

"Tháng 11/2022, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh gặp Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo ghi nhận: "Phía Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư và kinh tế-thương mại. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đủ năng lực đầu tư vào Việt Nam dựa trên nguyên tắc thị trường và thương mại."

 

"Tóm lại, Việt Nam có cả khả năng chấp nhận đầu tư của Trung Quốc vào việc phát triển lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi và cũng có khả năng từ chối đầu tư của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, như đã làm với mạng 5G của Huawei trong năm 2019-2020."

 

.

Giải pháp cho điện gió ngoài khơi Việt Nam

 

Theo nhiều chuyên gia, sự chậm trễ lặp đi lặp lại trong việc thông qua Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ vấn đề Trung Quốc hay an ninh quốc gia.

Chẳng hạn như về cơ chế giá bán điện (FIT), vấn đề cơ cấu nguồn năng lượng (than, LNG và năng lượng tái tạo) để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thu hút đủ đầu tư trực tiếp nước ngoài (ước tính ở mức 15,5 tỷ đô la Mỹ) để tài trợ cho dự án năng lượng ngoài khơi.

 

Bên cạnh đó, còn vô số cá vấn đề khác như thiếu quy hoạch biển quốc gia, lưới điện quốc gia xuống cấp và lạc hậu không tải nổi điện từ các nguồn tái tạo, các chính sách chồng chéo, thay đổi liên tục làm nản lòng nhà đầu tư, v.v...

 

Năng lượng tái tạo VN: Nghịch lý tăng than dù thừa điện mặt trời và câu hỏi về điện khí LNG - Bài 1

Năng lượng tái tạo VN: Chỉ còn 'chờ quyết tâm của chính phủ' - Bài 2

Năng lượng tái tạo: 'VN cần nâng cấp lưới điện quốc gia' - Bài 3

 

GS Carl Thayer chỉ ra rằng Việt Nam đã có nhiều chích sách và lực lượng để bảo vệ các khu kinh tế, doanh nghiệp và chủ quyền quốc gia, như tự vệ, dân quân, cảnh sát biển, hải quân...

 

"Việc cần làm hiện nay là đẩy nhanh quá trình rà soát và sửa đổi các luật và quy định trong nước, các trách nhiệm pháp lý chồng chéo đang thay đổi của chính quyền địa phương.

"Việt Nam đã thực hiện các bước làm việc với các đối tác nước ngoài để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của mình. Ví dụ điển hình là Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng giữa Việt Nam (Just Energy Transition Partnership) và Nhóm Đối tác Quốc tế được thành lập vào tháng 12/2022. Các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng gần như nhất trí với quan điểm rằng Việt Nam cần thống nhất khung chính sách và quy định của mình càng sớm càng tốt," GS Carl Thayer nói.

 

.

Chưa thông qua Quy hoạch điện VIII

 

Mới đây, chính quyền Việt Nam lại một lần nữa không thông qua bản Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã chỉnh sửa nhiều năm.

 

Điều này đồng nghĩa hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực điện gió sẽ bị đình trệ, khiến các nhà đầu tư nản lòng và tiếp tục làm lãng phí nguồn điền gió được đánh giá là tiềm năng nhất khu vực châu Á của Việt Nam.

 

Ông Minh Nguyễn, phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nói rằng việc phê duyệt văn bản này phụ thuộc vào luật mới về sử dụng không gian biển cho mục đích quân sự, hàng hải hoặc các mục đích khác - dự kiến sẽ không được thông qua trước tháng 10.

 

Bên cạnh đó, một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lý do an ninh quốc gia, lo ngại các trang trại gió có thể được sử dụng để giám sát, theo Reuters.

 

================

TIN LIÊN QUAN

 

Điện mặt trời: Cắt giảm mạnh công suất, 'VN giáng đòn vào nỗ lực năng lượng sạch'

15 tháng 9 năm 2022

.

Việt Nam sẽ làm gì với gói tài trợ khí hậu 15 tỷ USD từ G7?

15 tháng 12 năm 2022

.

COP27: Tăng điện than tới 2030 - 'Cú giáng' của VN vào mục tiêu năng lượng sạch? - Bài 2

25 tháng 11 năm 2022

.

COP27: Việt Nam vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết Net Zero năm 2050 - Bài 1

10 tháng 11 năm 2022

.

Năng lượng tái tạo VN: Nghịch lý tăng than dù thừa điện mặt trời và câu hỏi về điện khí LNG - Bài 1

18 tháng 1 năm 2023

.

Năng lượng tái tạo VN: Thừa điện gió và mặt trời, chỉ còn 'chờ quyết tâm của chính phủ' - Bài 2

21 tháng 1 năm 2023

.

Năng lượng tái tạo: 'VN cần nâng cấp lưới điện quốc gia' - Bài 3

22 tháng 1 năm 2023

.

Điện gió VN: Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - Bài 1

23 tháng 2 năm 2023

 

 




No comments: