Mỹ muốn đưa VN vào nhóm
'đáng quan ngại' về tự do tôn giáo vì khởi tố một mục sư
Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
3 tháng 5 năm 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65370732
Mục sư A Ga, 46 tuổi, người
dân tộc Hà Lăng, đã tỵ nạn tại Mỹ năm năm, mới đây vừa bị chính quyền tỉnh Đắk
Lắk khởi tố vắng mặt với tội danh 'phá hoại chính sách đoàn kết' theo điều 116
Bộ Luật hình sự Việt Nam.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7B57/production/_129557513_aga10.jpg
Mục sư A Ga (giữa, áo thổ
cẩm) cùng thành viên các tổ chức nhân quyền quốc tế
Theo Bộ Công an, việc khởi
tố mục sư A Ga diễn ra cùng lúc với việc khởi tố ông Y Krếc Byă tại huyện Buôn
Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cũng với tội danh này.
Bộ Công an nói ông Aga và
Y Krếc Byă cấu kết cùng các đối tượng khác "tổ chức hàng trăm buổi họp tập
huấn trực tuyến để chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia
rẽ giữa dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa những người
dân theo các tôn giáo khác nhau…"
Nói với BBC News Tiếng Việt
từ North Carolina - nơi ông cùng vợ và con trai đang tỵ nạn từ khi chạy khỏi Việt
Nam, mục sư A Ga cho hay:
"Tôi biết mục đích của chính quyền là muốn đe dọa
những ai còn ở trong Hội thánh Tin lành Đấng Christ, buộc họ phải từ bỏ đức tin
của mình - như chính quyền đã làm đối với tôi. Những ai không chịu từ bỏ thì
trong tương lai sẽ bị truy tố như tôi."
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0E7C/production/_129580730_aga1.jpg
Mục sư A Ga là người Thành lập Hội thánh Tin lành Đấng
Christ Tây Nguyên - nơi ông Y Krếc Byă đang hoạt động như một nhà truyền đạo.
.
'Khởi tố xuyên quốc
gia'
Sự việc mục sư A Ga bị khởi
tố 'xuyên quốc gia' là một trong những chi tiết chính được hơn 70 nhóm tôn giáo
quốc tế đề cập trong thư gửi chính quyền Biden hồi tháng Tư, phản ánh việc bức
hại tôn giáo tại Việt Nam.
Các nhóm tôn giáo quốc tế
cho đây là hành động hết sức nguy hiểm, cần phải có biện pháp ngăn chặn.
Trao đổi với BBC, ông
Sean Nelson, Cố vấn Pháp lý của ADF Quốc tế về Tự do Tôn giáo Toàn cầu, cho rằng
đây là diễn biến đáng lo ngại khi chính phủ Việt Nam trả đũa các cá nhân thuộc
các nhóm tôn giáo thiểu số và các nhóm tôn giáo không chịu nằm trong sự kiểm
soát của chính phủ.
"Chúng tôi cũng đã
chứng kiến những trường hợp chính phủ Việt Nam quấy nhiễu các thành viên gia
đình của những người thiểu số tôn giáo đã rời khỏi Việt Nam.
"Chúng tôi khuyến khích
chính phủ Hoa Kỳ thông qua và thực thi luật để tăng cường khả năng chống lại sự
đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các cộng đồng thiểu số tôn giáo.
Bên cạnh đó, trong báo
cáo năm 2023 công bố đầu tháng Năm, Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế
(USCIRF)đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách 'các quốc
gia đặc biệt đáng quan ngại'.
Việc một nước bị đưa vào
danh sách này, như được nêu trong Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm
1998, khiến chính phủ Mỹ phải nỗ lực thực hiện các lựa chọn chính sách phi kinh
tế để chấm dứt vi phạm tự do tôn giáo tại nước đó, và áp dụng các hình phạt
kinh tế sau đó nếu các nỗ lực phi kinh tế thất bại.
USCIRF báo cáo rằng chính
phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, đặc biệt là những
nhóm hoạt động độc lập, không đăng ký với chính quyền. Các hình thức bức hại
bao gồm quấy rối, đe dọa bỏ tù, phạt tiền và ép buộc phải từ bỏ hoặc rời bỏ các
giáo phái tôn giáo của họ.
.
Hành trình tỵ nạn
của một mục sư
Trong cuộc phỏng vấn với
BBC News Tiếng Việt, mục sư A Ga cho hay khi còn ở Việt Nam, ông thường xuyên bị
chính quyền quấy nhiễu, bị mời lên công an làm việc ít nhất 40 lần. Hiện ông vẫn
còn giữ những giấy triệu tập này.
Ba lần ông đã bị công an
biên phòng bắt nhốt, một lần bị đánh, khi ông đi làm công tác truyền giảng lời
Chúa cho bà con cũng vùng gần biên giới khu vực Kon Tum.
Công an nhiều lần bắt ông
ký vào các giấy tờ khai tên tuổi của những người tham gia Hội thánh Tin lành Đấng
Christ, nhưng ông không đồng ý.
Công an tỉnh Kon Tum và bộ
đội biên bòng từng tới nhà ông yêu cầu ông hợp tác làm gián điệp, đưa các thông
tin nội bộ về hội thánh cho chính quyền, nhưng ông từ chối, theo lời kể của mục
sư A Ga.
Đỉnh điểm là khi công an
tỉnh Kon Tum tới nhà ông quay phim, chụp ảnh, bắt ông từ bỏ đức tin và nói rằng
do ông cấu kết với một số phần tử phản động nước ngoài tại Mỹ nên tổ chức của
ông là phản động, lưu vong.
Sau đó, chính quyền cho
người xuống bao vây nhà mục sư A Ga để bắt giữ ông, nhưng hôm đó mục sư không
có nhà do ông đang đi truyền giảng.
Nhận được tin báo từ gia
đình, ông đã bỏ trốn lên tỉnh Kon Tum, sau đó vào Sài Gòn, sang Campuchia và cuối
cùng chạy sang lánh nạn tại Thái Lan.
.
Bị 'bắt cóc' ở
Thái Lan
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/F4F4/production/_129580726_aga3.jpg
Mục sư A Ga trong một dịp diện kiến cựu Tổng thống Mỹ
Donald Trump tại phòng bầu dục để trình bày về tình hình nhân quyền VN
Các vụ việc người bất đồng
chính kiến như Thái Văn Đường, Trương Duy Nhất nghi bị công an Việt Nam bắt cóc
đem về Việt Nam truy tố và bỏ tù không phải xa lạ với mục sư A Ga vì ông từng
là nạn nhân, chỉ có điều ông không bị đưa về Việt Nam mà vào nhà tù IDC tại
Bangkok.
Năm 2017, khi đang ở Thái
Lan, ông nhận được tin chính quyền Kon Tum phát lệnh truy nã. Ảnh và thông tin
của ông được dán trên khắp các đường phố ở quê nhà.
Trong lúc đang lo lắng
cho sự an nguy của mình, một ngày mục sư A Ga nhận được điện thoại của một người
tự xưng là người Việt tỵ nạn, muốn được nghe giảng lời Chúa. Họ ngỏ ý muốn tới
nhà nhưng mục sư A Ga chỉ đồng ý gặp tại quán cà phê cách nhà khoảng 200 m.
Tới ngày hẹn, vợ và con mục
sư A Ga tới quán cà phê trước để dò la thì chỉ thấy có hai ông bà người Việt
đang ngồi đợi.
Một lúc sau mục sư A Ga mới
tới nơi thì ngay lập tức, mật vụ và công an Thái Lan nấp trong quán rất đông,
cùng hai xe ô tô ập tới, vây bắt ông.
Khi đưa ông về IDC, họ hỏi:
'Ông có biết vì sao chúng tôi lại bắt ông không? Đó là do công an Việt Nam đề
nghị chúng tôi vì ông đang bị truy nã."
Mục sư A Ga đã trải qua
ba tháng tại IDC, trong một không gian chật hẹp 120 người một phòng mà ông mô tả
là không khác gì 'trại heo'.
Cũng có lần người của Bộ
Ngoại giao Việt Nam tới thuyết phục ông ký vào một số giấy tờ để trở về Việt
Nam, nhưng ông nói: "Nếu về Việt Nam được sống tự do, gặp bố mẹ, vợ con
thì tôi về. Nhưng tôi chắc chắn không có chuyện đó mà tôi sẽ vào tù. Nên tôi
thà chết ở đây còn hơn."
Mục sư A Ga kể rằng tình
cảnh lúc đó rất đáng lo ngại. Nhiều người trong trại đã bị trục xuất về nước.
Ông không còn biết làm gì khác ngoài cầu nguyện.
Toàn bộ câu chuyện 'bắt
cóc' này đã được mục sư A Ga lập hồ sơ gửi lên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
và BBC đang có trong tay tài liệu này.
Ba tháng trong IDC cũng
là lúc ông có thời gian đọc toàn bộ Kinh Thánh.
"Chúa đã bảo vệ
tôi," mục sư A Ga kể lại.
Với sự giúp đỡ của nhiều
tổ chức quốc tế, IMO, đại sứ quán Mỹ, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,.. cuối
cùng mục sư A Ga đã được tại ngoại, lên đường sang 'tạm lánh' ở Philippine và
cuối cùng là tỵ nạn tại Mỹ cùng vợ và con.
.
'Cộng đồng bị bách
hại phải tự biết bảo vệ mình'
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/C977/production/_129557515_aga5.jpg
Mục sư A Ga (trái) cùng TS Nguyễn Đình Thắng - Giám
đốc Boat People SOS
Từ Mỹ, TS Nguyễn Đình Thắng,
Giám đốc kiêm Chủ tịch Boat People SOS - tổ chức chuyên giúp đỡ các thuyền nhân
và người tỵ nạn Việt Nam nói với BBC rằng "Chủ thể của sự thay đổi phải
chính là người dân, đặc biệt là các cộng đồng đang bị bách hại."
"Họ phải tăng nội lực,
phải tăng sự liên kết với nhau và với quốc tế để tự bảo vệ. Quốc tế có thể phụ
giúp thêm bằng cách tạo không gian đủ an toàn cho các cộng đồng ấy thực hiện những
gì cần để tự bảo vệ quyền và lợi ích," ông Thắng nói.
Để thực hiện điều này,
Boat People SOS đã có khóa đào tạo 12 tháng cho mục sư A Ga về cách thức thu thập
chứng cứ và viết báo cáo các vụ việc bị đàn áp để gửi lên Cao ủy Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc.
Sau đó, mục sư A Ga tập
huấn trực tuyến lại cho bà con giáo dân ở quê nhà.
"Nhờ có thời gian một
năm đó mà tôi biết làm thế nào thực hiện được các báo cáo về nhân quyền, về sự
đàn áp của chính quyền theo đúng chuẩn của UN," mục sư A Ga nói với BBC.
"Anh em ở nhà cũng
biết cách thu thập thông tin, bằng chứng và gửi cho tôi để viết báo cáo."
Theo TS Thắng, văn phòng
của Boat People SOS ở Thái Lan hiện đang hỗ trợ khoảng 1000 đồng bào người Thượng
và người Hmong theo đạo Tin Lành - những người phải đi lánh nạn vì bị đàn áp
tôn giáo.
Ttrong số đó khoảng 30
người giống trường hợp mục sư A Ga, mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn
giáo của các tín hữu kẹt lại trong nước.
Bên cạnh đó còn có các
người Việt theo Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hoà Hảo cũng như hàng trăm người
Khmer Krom theo Phật giáo tiểu thừa.
Cũng theo TS Thắng, chỉ
có một số ít hội thánh được nhà nước Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân và
cho phép hoạt động như Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam, Hội thánh Tin lành
Việt Nam miền Bắc, Hội thánh Tin lành Cơ đốc Phục lâm, Hội thánh Tin lành Trưởng
Lão, Hội Thánh Truyền giáo Cơ đốc và Hội thánh Tin lành Liên Hữu Cơ Đốc.
Tất cả các hội thánh giữ
tính độc lập với nhà nước và các hội thánh tư gia đều bị cấm đoán.
Tại Thái Lan, ngoài một
nhóm luật sư bảo vệ quyền tị nạn của đồng bào, BPSOS còn có một nhóm nhân sự thực
hiện đề án dân quyền bao gồm:
.
Tình hình tự do
tôn giáo tại Việt Nam
Về tình hình tôn giáo hiện
nay tại Tây Nguyên có cải thiện gì so với trước khi ông ra đi hay không, mục sư
A Ga nói có và không.
"Có cải thiện là ở
chỗ, do bây giờ có internet, bất cứ sự việc gì xảy ra người ta cũng có thể đăng
lên ngay để người khác biết. Bên cạnh đó, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp
Quốc cùng một số tổ chức khác đã làm việc với Hà Nội và đã tới thăm các hội
thánh tại Tây Nguyên, nên chính quyền đã bớt đánh đạp bà con công giáo. Trước
đây đã có trường hợp một mục sư bị đánh đến chết.
"Tuy nhiên việc quẫy
nhiễu, theo dõi, hăm dọa, bắt từ bỏ đức tin thì vẫn diễn ra thường xuyên,
24/24. Nhưng nhiều người không dám lên tiếng."
Khi được hỏi vì sao ông
không chịu tham gia vào các tổ chức tôn giáo do chính quyền kiểm soát để được
'yên thân' thờ phượng Chúa, mục sư A Ga nói:
"Tôi chỉ muốn được
thực hành quyền công dân của mình như hiến pháp Việt Nam quy định và công ước
quốc tế về tôn giáo cùa Liên Hiệp Quốc quy định."
"Ai cũng có quyền được
chọn con đường đức tin của mình. Nếu tôi không muốn gia nhập thì tại sao lại bức
hại tôi?"
Và ông dẫn câu Kinh Thánh
ưa thích nhất của mình:
"Nhưng trước hết,
hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm
các ngươi mọi điều ấy nữa." (Mathieu 6:33)
--------------------
TIN LIÊN QUAN
Nhân quyền Úc-Việt: Các
vụ tù chính trị, cấm xuất nhập cảnh và tự do tôn giáo 'đều rất khó'
24 tháng 4 năm 2023
.
Phật giáo Việt Nam 'hưng
thịnh không phải nhờ chùa đồ sộ'
13 tháng 9 năm 2022
.
Linh mục Công giáo VN
'tham gia bộ máy chính quyền' có phải là 'làm tôi hai chủ'?
17 tháng 4 năm 2023
.
Phan Văn Thu - tù nhân
chết trong giam cầm và tự do tôn giáo ở Việt Nam
24 tháng 11 năm 2022
.
Nhà hoạt động Phạm Thanh
Nghiên kể về hành trình sang Mỹ tỵ nạn
18 tháng 4 năm 2023
.
Năng lượng VN 2023:
Điện than đang thoái trào hay bùng nổ?
10 tháng 4 năm 2023
.
Có gì trong thư 70 nhóm
tôn giáo quốc tế gửi chính quyền Biden về 'đàn áp tôn giáo ở VN'?
26 tháng 4 năm 2023
No comments:
Post a Comment