Friday, May 19, 2023

ĐẾN VỚI ĐẢO TRƯỜNG SA (Vũ Kim Hạnh)

 



Đến với đảo Trường Sa    

Vũ Kim Hạnh 

18/05/2023 18:28

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa

 

LTS. Theo đài RFA, Từ hôm 7 tháng 5 đến nay, Trung Quốc tung tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng 10) vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hôm 10 tháng 5 năm 2023,  Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng đây là “hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Một lần nữa, cái gọi là "hoạt động bình thường" ấy của kẻ quen tự coi mình là trung tâm của thế giới, luôn luôn dựa vào sức mạnh vũ phu để chèn ép lân bang, nói lên tình trạng luôn luôn nóng bỏng của thời sự Biển Đông, nhất là đối với những người có nhiệm vụ canh giữ cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ngoài biển đảo xa xôi. 

 

Sau một chuyến đi thăm Trường Sa cuối tháng 4 vừa qua, nhà báo Vũ Kim Hạnh đã cho đăng dần trên trang Facebook của chị một loạt 6 bài viết về nhiều khía cạnh của cuộc sống của những người lính giữ đảo ấy. Diễn Đàn chân thành cảm ơn tác giả đã vui lòng gửi bài và ảnh cho mình, và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.



Bài 1

Đêm đầu tiên ra đảo



Thế gian có con vật nào không bao giờ ngủ? Ai đó, hình như là ông Alan Phan từng nói, đó là lãi suất. Mấy ngày nay, mình biết thêm, có một con vật nữa cũng không bao giờ ngủ, đó là con tàu Kiểm ngư KN-290. Đêm đầu tiên trên tàu, và suốt nhiều đêm nữa, mình nằm im nghe tiếng máy tàu bền bỉ nổ rì rầm, nhè nhẹ suốt đêm. Ngoạm trong lòng nó tới hơn 300 con người, ngày được phục vụ 4 bữa ăn và mọi nhu cầu sinh hoạt, ăn uống, ngủ, nghỉ, vệ sinh, tắm táp, vui chơi, thông tin, thể dục, giải trí… Tàu có đủ thứ, cả sân bay, cabin (đài) chỉ huy, phòng ngủ, phòng giặt, khu vệ sinh (dùng chung), nhà bếp, nhà ăn... Thông với nhau bằng những cánh cửa luôn khép chặt, mở rất nặng và lại có một người đi qua, hồn nhiên buông tay khiến mình suýt bị kẹt tay, đập vào trán.

 

Tàu thường xuyên lắc lư, may mà nó lắc ngang nên ai nấy đi lại cứ va vào hai bên vai chứ không bị té ụp mặt. Hai ngày cuối nó lắc mạnh khiến các cô gái say sóng nằm dài bỏ ăn. Các bà say sóng, các ông say rượu, sóng biển thì thừa, sóng điện thoại leo lên boong kiếm hoài chẳng có. Các bà thường không say mà vẫn nằm, bận hát bài, biển một bên, còn XÔ một bên (để mà nôn)....

 

Mình nói chuyến hải trình là “sống một đời sống khác”, đó là nói nghĩa đen, không văn hoa gì cả. Sống như bộ đội, làm gì cũng phải đúng giờ, lịch làm việc rất chặt, dù kỷ luật cũng hơi lỏng lẻo chút, vì “quân nhân” ở đây, ngoài lính và các sĩ quan chuyên nghiệp thì là đại biểu của đoàn thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết là những người có “máu mặt”: ban giám đốc các Sở ngành, quận huyện, tư lệnh lực lượng công an, bộ đội TP, chủ tịch các Hội, có cả nhà báo, văn nghệ sĩ... Anh thuyền trưởng khá trẻ, chỉ ba mươi tuổi và anh thuyền phó là một cậu mới hăm bảy. Sáng sáng, thuyền trưởng nói sang sảng trên loa chung: “Toàn đoàn báo thức, báo thức toàn đoàn”. Thế là ai nấy, dù làm ông bà gì cũng phải lồm cồm, lắc lư bò dậy, chạy đi vệ sinh, tập thể dục rồi đi ăn sáng.

 

Mình mắc cái tật dậy sớm, 3g sáng mỗi ngày, giường tầng thì chật đến không thể ngồi hay lăn qua lại, nằm cứng khừ, ánh sáng không đủ để đọc, nên mình mong lời đánh thức ấy như mong mẹ đi chợ về. Mà trên tàu thì không có chợ, căn tin, mình thiếu gì, toàn lân la đến các chú bộ đội nhà bếp, cười cầu tài, xin.

 

Đặc biệt nhất là từ khi tàu ra cửa biển là tất cả sóng viễn thông đều tắt. Chỉ còn sóng biển, không có chút sóng nào cho điện thoại, càng không có wifi với mấy gờ. Ai xài Viettel thì thỉnh thoảng trộm được chút sóng khi tàu đi gần hay ngừng ở một hòn đảo, mà cũng chập chờn. Suốt bảy ngày, cái điện thoại chỉ còn dùng để chụp hình. Vài người nghe nhạc, xem phim lưu sẵn. Coi giờ thì thỉnh thoảng nó tự động nhảy theo…giờ Trung quốc. Các chị thì còn dùng được thêm công dụng nữa là soi gương. Và hết. Làm gì có FB với zalo, Instagram.

 

Con tàu sống động ngay sau tiếng loa báo thức toàn đoàn. Mình nhanh chóng chạy lên boong tàu, đã thấy thấp thoáng một hòn đảo mà tàu chuẩn bị cặp bến. Chương trình là đi thăm 6 đảo, trong đó có 3 đảo có dân. Tất cả, trừ đảo Trường Sa lớn tàu lớn cặp sát cầu tàu của đảo, 5 đảo kia đều phải đi bằng ca nô (xuồng) từ tàu lớn, cặp lên đảo. Nhà giàn thì lên xuống gay go hơn. Cứ vậy, hàng đêm, khi mọi người ngủ thì tàu chuyên cần chạy đến điểm mới. Mấy chục anh bộ đội thức suốt đêm điều khiển tàu, canh phòng và bắt đầu nấu bữa ăn sáng từ giữa đêm.

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h1.jpg

Ca-nô để chuyển khách lên nhà giàn

 

Mùa này là biển yên nhất trong năm, bốn ngày đầu, ca nô có lắc, nước ướt hết mình mẩy cũng là vui thôi. Đến nhà giàn mới biết đá biết vàng.

 

Mỗi đảo mình đến đều có câu chuyện hay riêng. Đảo Cô Lin gần đảo Gác Ma nhất (đã bị Tàu chiếm) là đảo chìm không dân, vắng vẻ, có câu chuyện lập “cột mốc sống” rất anh hùng. Đảo Sinh Tồn vừa cặp bến đã nghe “báo động toàn đảo cấp 1” và mình bị “sửa lưng” một cú đáng đời. Đảo An Bang nghe nói “phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt” lại xanh mượt bóng cây và đón khách bằng 3 chậu nước trong vắt cho khách rửa tay. Đảo Đá Tây A trù phú, có cửa hàng DVHC (muốn biết DVHC là gì, xin xem bài cuối!) và có những câu khẩu hiệu viết tắt rất rõ nghĩa.

 

Yêu nhất là rau xanh trên các đảo, được trồng thật cưng, thật nâng niu với đất trồng được mang ra từ trong đất liền. Đảo Đá Tây A còn trồng được dưa hấu, trái to vật như chú heo con. Bạn Tạ Bích Loan nằn nì, chị Hạnh tìm cách làm thương hiệu cho dưa hấu Đá Tây A đi. Mình cười ha ha, vậy phải nhanh nha, có chừng chục trái thì dùng làm kiểu chụp hình, xong làm nhanh "hệ thống nhận diện", chứ không, bị ăn hết, lấy gì còn thương hiệu? Nghĩ lại, vì thương quá mà "long trọng hóa", cũng như mình thương quá mà phải đi lùng sục, tìm cho ra hai chú heo nuôi trên đỉnh nhà giàn !

 

Còn hoa, chao ơi, nó đẹp, nó rực và tươi tắn mà hầu như chỉ có một thứ hoa thật là…hoa giấy, thứ hoa không cần nước tưới. Cây thì chỉ có bàng vuông, với cây phong ba và bão táp. Mình tìm mãi mới ra chú bộ đội chỉ cách phân biệt phong ba với bão táp. Hiếm hoi thấy được cây bách táng tùng…3 đảo có chùa. To nhất có lẽ là chùa trên đảo Sinh Tồn. Còn Nhà Giàn thì leo lên khá là khó, và ngược cái sự đời là sao leo xuống còn khó hơn, mình đi cùng khắp hai khu nhà cùa Nhà Giàn DK1-14 không sót chỗ nào (có lẽ là người hiếm hoi đi xem từng cây gia vị quí hiếm với nhiều cảm xúc nhất)

 

Mình sẽ kể chuyện từng đảo ở các bài sau...

 

Bài 3

Một cú sửa lưng từ lính đảo

 

Theo thứ tự chuyến hải trình tôi đã viết xong bài số 2, đến (đảo) đá chìm anh hùng Cô Lin. Song tôi lại nhận được mấy tin nhắn yêu cầu, chị viết về cái “cú sửa lưng chị cho là đích đáng” trước đi. Thế là mình cất bài 2 và ngồi viết bài 3, bài 2 sẽ đăng sau.

 

Đến đảo Sinh Tồn.

 

Đảo này rộng 12 ha, là đảo có dân và có âu tàu để cứu nạn và cung cấp dịch vụ cho tàu đánh cá.

 

Khó tin là tàu phải lênh đênh suốt 2 ngày 2 đêm - 48 giờ- mới đến được điểm thăm đầu tiên là Cô Lin và Sinh Tồn.

 

Vừa bước chân lên đảo Sinh Tồn, tôi giật mình nghe tiếng còi hụ và tiếng loa dõng dạc “Báo động phòng không cấp 1. Tất cả chiến sĩ vào vị trí chiến đấu. Báo động phòng không…”. Có xôn xao chuyển các vị trí đang đi trên đảo nhưng không có sự hốt hoảng. Tôi thận trọng bước theo bờ kè vào sâu trong đảo khá rộng. Một lát nghe tiếng loa, kết thúc báo động phòng không cấp 1. Tôi thở phào song tự dặn là phải hỏi vụ báo động này.

 

Tôi mong sẽ gặp được đầu tiên, một đứa bé là công dân của đảo. Gặp các cháu thấy chúng lễ phép và có phần dạn dĩ. Có hai ông bố có con đi bộ đội đang ở đây cũng được mời tham gia đoàn. Hai cậu bộ đội trẻ vừa nhập ngũ chừng 5 tháng, một ở Bình Tân và một ở Phú Nhuận. Cơ hội cho các nhà đài (TV) khai thác. Anh bộ đội nhà ở Phú Nhuận (đường Nguyễn Trọng Tuyển) tình cờ được bố đưa điện thoại nói chuyện với mẹ, mặt búng ra sữa bừng vui rất dễ thương khi thì thầm, má, con nè má…

 

Tôi đi một mình ra dãy nhà phía xa, là nơi ở của các gia đình dân trên đảo. Gặp một căn nhà có người, tôi bước vào. Anh nói là cựu quân nhân tên Trương Điệp Hưng, ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Anh dắt tôi ra khoe mảnh vườn rau và khi thấy tôi chú ý cứ "mê" đám cây bàng vuông mới ương cao gần một tấc, anh xởi lởi, cô thích thì cháu tặng cô một cây. Còn gì bằng, tôi hỏi cách chăm sóc. Cô con gái cao nghệu so với tuổi, cũng đi học về, anh giới thiệu khách đến thăm và tiếp tục “hào phóng”, gợi ý cháu tặng khách cây hoa làm bằng vỏ ốc. Cô bé tỏ ra không vui khi bị đề nghị tặng qua đột xuất, tôi lật đât giải tỏa, không sao, con không phải tặng, thôi mình chụp một tấm ảnh, con và các bạn, làm kỷ niệm đi. Vậy mà xem lại ảnh, chưa thấy cô bé cười.

 

Tôi ra ngồi ở bàn có đặt cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách, định tìm các ý kiến thú vị. Nhưng tôi lại thấy hầu hết là những bài có ngôn ngữ…văn kiện, mà màu mực ghi ý kiến với màu mực chữ ký có vẻ khác nhau. Tôi gấp cuốn sổ, thôi coi như mình…thất thu.

 

Bỗng một sĩ quan hải quân bước đến chào. Nắng quá, chị có muốn dùng nước tôi lấy cho chị chai nước suối?

 

Tôi nhớ ý định tìm hiểu cuộc báo động nên chớp thời cơ. Tôi cám ơn, nói không cần nước, và đặt ngay câu hỏi. Sáng nay có cuộc báo động cấp 1. Đó là đảo mình tập dượt để sẵn sàng chiến đấu phải không?

 

Anh sĩ quan ngồi xuống, chăm chú nhìn tôi, đổi cách xưng hô. Xin lỗi, cháu gọi cô bằng cô mới phải, gọi bằng chị là sai. Cháu tự giới thiệu, cháu là N.Đ.C, thiếu tá. Nhưng câu cô hỏi lại là sai rồi. Không phải tập dượt cô à. Không có cuộc tập dượt nào xảy ra vào sáng nay hết. Đó là báo động thật, anh sĩ quan hơi gằn giọng.

 

Anh tiếp. Đảo Gac Ma cách đây có 10 km. Máy bay của nó bay lên, bên này mình cũng phải sẵn sàng. Địch nó không bao giờ từ bỏ dã tâm, mưu đồ thôn tính biển đảo của ta và độc chiếm biển Đông. Nhiệm vụ người lính trên đảo là mài sắc ý chí chiến đấu.

 

Chiến đấu ! Cô biết không? Lịch sử mình, biết bao lần nó đánh mình mà có báo trước để mình tập dượt đâu. Trên đảo này, có ngày diễn ra 5 vụ báo động, đều là thật hết. Căng thẳng, sống còn. Không phải tập dượt, cô hiểu không? Cuộc báo động nào cũng là thật hết, vì không biết nó đánh mình lúc nào, nó không nói gì cũng có thể tấn công mình huống chi nó đang rất gần mình.

 

Nhìn ánh mắt sáng lên cương quyết của anh sĩ quan, tôi bỗng thấy…vui. Lạ không, bị quát, bị sửa lưng vậy mà tôi thấy vui.

 

Bộ đội mình quyết liệt vậy là mình yên tâm chứ? Anh sĩ quan lễ phép chào tôi bước đi mà tôi chợt thấy an tâm, quên bày tỏ một lời "hối lỗi" vì “dám” hiểu nhầm.

 

Tôi biết, nhiều nhà báo để được duyệt đăng bài, đã phải tự biên tập, và lập đi lập lại một câu tôi nghe hoài trên loa thành quen tai, “âm mưu kẻ thù nước ngoài rất phức tạp, tình hình diễn biến khó lường”.

 

Trên biển này, trên các đảo này, có bao nhiêu kẻ thù là “nước ngoài”? Danh từ chung đó nhằm nói tới bao nhiêu nước? Thế nào, mức độ nào là khó lường? Có mơ hồ chung chung không? Đôi khi chúng ta phải dùng uyển ngữ vì ngoại giao, vì “tình hữu nghị’ (???), vì giữ hòa khí mà chúng ta không hiểu sâu tình thế thật căng, hiểm nguy, gian khổ khôn lường mà chiến sĩ mình đang trải qua từng ngày từng giờ ở biên giới biển?

 

Tối về, tôi cứ nhớ tới giọng đanh thép của người sĩ quan sửa lưng tôi trưa nay.

 

Khi lên tàu đi bắt đầu chuyến đi Trường Sa, tôi chưa một lần nghe bài “Trường Sa ca”. Nhưng chỉ sau một tuần, tôi thích bật lại bài hát ấy và nghe. Nghe những người lính đảo hát, rõ từng lời như nói “Ngày qua ngày. Đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Dù phong ba. Dù bão tố... Giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta. Giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta”.

 

Họ nói. Và họ hát. Những lời đanh thép. Không phải hô khẩu hiệu.

 

Sáng nay, thứ bảy, ngày lễ, bắt đầu đợt nghỉ dài. Tôi bật máy, nghe lại. Và thấy. Vang lên từ đáy lòng mình: Giữ lấy chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, là tiếng nói rất tự nhiên, rất bình thường tự trong tâm mình.

 

                                                            *

 

Bài 2

Điểm đầu tiên - Đảo chìm Cô Lin và những điều chưa biết...



Sau 48 giờ vượt biển, điểm đến đầu tiên là đảo chìm Cô Lin. Đảo nhỏ, phải tiếp cận bằng xuống. Mỗi chiếc xuống chở được tối đa 12 người, mà phải vận chuyển hơn 200 người lên đảo, nên những chiếc xuồng đầu tiên đã khởi hành từ rất sớm.

 

Ghi nhận đầu tiên của tôi. Nước biển trong, nhìn thấu đáy. Đá sỏi và san hô rõ mồn một. Nước trong đến nỗi tôi phân vân không chọn được một từ nào diễn tả được độ trong đến kinh ngạc của nước biển (Trong veo? Trong vắt? Không, đều chưa đúng độ trong). Một anh bộ đội kể. Từ ngày 15/3 năm ngoái đến nay mới có đoàn khách này lên đảo. Đảo vắng, không có dân…

 

Và một điều anh quên nói. Đảo chỉ cách Gac Ma có 1,9 hải lý (tức chừng 3,5 km về phía tây bắc, gần quá, đứng trên Colin, thấy và chụp ảnh được Gac Ma đang bị nó chiếm trái phép).

Đảo là đảo chìm. Hôm nay nước không lớn, sóng lặng biển êm, nước không ngập cầu cảng, đi đứng dễ dàng. Đảo vừa xây thêm nhà văn hóa nối với đảo chính bằng một cây cầu dài. Qua chiếc cầu là đến đảo chính.

 

XÚC ĐỘNG MẠNH TỪ ĐIỀU BÌNH DỊ NHẤT

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h2.jpg

Vườn rau trên đảo nhỏ Cô-lin anh hùng

 

Hai khu vực gây xúc động nhất là mảnh vườn trồng rau xanh nhỏ xíu và căn phòng thờ cũng nhỏ trên tầng cao của đảo. Không thể hình dung miếng vườn nhỏ xíu trồng rau xanh chủ yếu để tăng gia mà lại mượt xanh và phong phú đến thế. Khoai lang, giàn bầu, mồng tơi, rau húng…Tôi bốc lên một nắm đất trồng rau từ đất liền gửi ra, thấy đất ấm lạ. Đất của mình đây, đang nuôi bộ đội từng ngày...

 

Tôi đến thắp nhang trước đức Thánh Trần. Tượng gỗ ghi: Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương. Đôi mắt ngài nghiêm nghị.

 

Một chi tiết ngộ nghĩnh, trong xấp tiền (vàng mã) cúng ngài, có cả một xấp giấy …100 đô la Mỹ.

 

Cũng ở tầng cao nhất là mấy dàn những tấm quang năng điện mặt trời. Cô Lin nằm ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, một năm có tới 300 ngày nắng gắt. Tôi đi dưới cái nắng nổ đầu của Cô Lin, nghĩ về cuộc sống cực kỳ khắc nghiệt của lính đảo ở đây. Quá gần Gạc Ma. Có 3 khối gió mùa Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc dập dồn thay nhau, hơi nước từ biển luôn “uy hiếp” cả thiết bị lẫn vũ khí. Vắng vẻ và khắc nghiệt. Chỉ có nắng và gió. Nóng kinh hoàng.

Tôi nhìn một dãy những vật thể đen trên biển và hỏi anh bộ đội. Đó là những thuyền cá phải không? Anh ấy lắc đầu. Đó là những tấm bia cho bộ đội tập bắn. Tập thể lực, rèn sức chiến đầu. Tôi nhớ lại một góc tư liệu tôi đã tìm đọc hôm trước khi đi, và lòng ngạc nhiên tự hỏi, sao không thấy ai gọi Cô Lin là một đảo nhỏ rất anh hùng?

 

KHÔNG THỂ KHÔNG NHẮC CUỘC GIỮ ĐẢO CÔ LIN ANH HÙNG.

 

Vào tối 21/4/2023, buổi tối thứ hai khi tàu KN-290 vẫn lênh đệnh giữa trùng khơi, cuộc tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma diễn ra. Sáng sớm mai, đoàn sẽ đặt chân lên (đảo) đá chìm Cô Lin.

 

Sự kiện CQ-88 (tức Trường Sa – 1988, nghĩa là “chủ quyền 1988) cưỡng chiếm Gạc Ma không phải là trận hải chiến. Thực chất đó là cuộc tàn sát trên biển. Một bên là hải quân Trung quốc, một bên là những người lính chính nghĩa hải quân Việt Nam đang thực thi pháp luật chủ quyền trên biển, đảo của Việt Nam. Họ bất ngờ bị hải quân Trung Quốc đem tàu đến gây hấn và nã đạn, chiếm đảo sau “cuộc tàn sát đẫm máu”. 35 năm, nỗi đau Gạc Ma luôn khắc sâu trong tim người dân Việt.

 

Đầu tháng 3-1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa, TQ muốn chiếm luôn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực.

 

Thấy quân TQ rầm rộ mang 12 tàu chiến, pháo lớn, tiến về Gạc Ma, lúc 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho 3 thuyền trưởng giữ vững 3 đảo, chỉ huy bộ đội thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm để xác định chủ quyền. Lúc 6 giờ sáng 14/3, quân TQ tấn công. Chiến sĩ ta kháng cự đến cùng song với quân lính và vũ khí áp đảo, chúng đã chiếm đảo Gạc Ma. Từ đó đến nay, thi thể 64 chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma chìm xuống biển sâu vẫn nằm lại giữa biển.

 

Khoảnh khắc Gạc Ma rơi vào tay giặc là lúc cuộc chiến anh hùng giữ đảo Cô Lin lập tức diễn ra.

 

Sau khi tàu HQ 604 đóng ở Gạc Ma bị bắn chìm, hai tàu chiến Trung quốc quay súng sang tấn công tàu HQ 505 (được phân công giữ đảo Cô Lin). Toàn bộ mạn phải tàu 505 bị đạn pháo TQ bắn cháy và bị thủng; phòng truyền thông tin phía boong bốc cháy dữ dội, một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương. Thuyền trưởng đại tá Vũ Huy Lễ ra 2 quyết định cùng lúc. Ông lệnh cho 5 cán bộ, chiến sĩ hạ xuồng cứu sinh (loại lớn) sang Gạc Ma tìm kiếm. Đến 12 giờ cùng ngày, xuồng quay về với 44 chiến sĩ Gạc Ma, trong đó 5 người đã hy sinh, và tất cả đều bị thương. Và để giữ đảo Cô Lin, thuyền trưởng Lễ đã quyết định lùi tàu HQ 505 ra xa rồi mở hết tốc lực lao lên đảo Cô Lin dưới lưới đạn khủng khiếp của TQ điên cuồng cày xới mặt biển. Đó là lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 14-3-1988, 35 năm trước.

 

Con tàu 505 vừa đi cứu đồng đội bị tàn sát trên đảo Gác Ma, vừa lao thẳng lên đảo Cô Lin khi đang cháy, dưới lưới đạn khủng khiếp để xác lập “pháo đài” và “cột mốc sống” của chủ quyền Việt Nam, chính là thể hiện sự dũng cảm phi thường. Không có một tia hi vọng nào về sự sống sót, song họ sẵn sàng đổi mạng sống mình trong thế yếu kém hơn về quân số và vũ khí để giữ cho được chủ quyền một mảnh đất nhỏ của mình, giữa biển.

 

Quá anh hùng đi chứ?

 

Kết luận bài rồi, mà tôi vẫn thấy phải viết thêm…

 

PS 1. Khi hình dung chiếc tàu cháy 505 băng mình dưới đạn lao lên đảo, tôi bỗng nhờ đến một đoạn tư liệu cũ rất… lan quyên (nói lái - chú thích của Diễn Đàn). Ba năm trước, ngày 19/5 (là ngày gì, bạn nhớ không?) Sở ài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng phải rà soát việc doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê đất của UBND TP tại các vị trí ven biển. Bởi vì ngay trước đó, cử tri Đà Nẵng chất vấn và, Bộ Quốc phòng cho biết: Tại Đà Nẵng ngoài các cá nhân, có 7 doanh nghiệp “có yếu tố” Trung Quốc đã và đang sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm (Danh sách bảng phong thần dài lắm, dài hơn độ dài nguyên bài viết này nên tôi cắt)…

 

Chúng ta biết, theo Luật Đất đai 2013, quy định không giao đất, cho thuê đất cho cá nhân người nước ngoài; người nước ngoài không được nhận quyền sử dụng đất của ta. Và một lý lẽ thường được nêu: Các luật khác liên quan (luật đầu tư, luật nhà ở…) thường thiếu thống nhất và chặt chẽ với luật đất đai. Thế mới sinh ra cái sự... báo chí và dư luận thắc mắc mà…“không có lửa làm sao có khói?”

 

Thật cay đắng phải không, khi chiến sĩ ta đổ máu giữ từng hòn đảo nhỏ để xác lập chủ quyền giữa biển khơi mít mùng, đơn độc, xa xôi, thì hàng chục, hàng trăm hecta đất đai dọc biển, dọc phi trường lại được TQ sở hữu và sử dụng theo kiểu…chờ…rà soát?

 

PS 2. Đó là chưa kể, một ngày sau chuyến đi trọn tuần (hoàn toàn mù mịt thông tin trong ngoài nước) tôi về nhà, lại đọc thấy một tin khá trớ trêu: Nước Mỹ cấm công dân 4 nước (Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn và Nga) mua đất nông nghiệp ở bang Texas theo dự luật 147 đã được các nhà lập pháp bang thông qua ngày 27-4. Luật cấm mua bán những vùng đất mà quyền sở hữu nước ngoài sẽ gây ra mối đe dọa vượt quá giới hạn cho phép, chẳng hạn các khu vực nông nghiệp, dầu mỏ, gỗ và khoáng sản.

 

                                                                

                                                                      *

 

Bài 4

Xanh ơi, chú mày đáng yêu thế !

 

Điều tôi nghe về đảo An Bang trước khi đến, gợi trong tôi nhiều tò mò, hồi hộp. Cách đảo Trường Sa lớn chỉ 135 km, diện tích nhỏ lắm, chỉ 1 ha. Nền đảo là bãi san hô ngập nước, toàn đảo như cái nấm san hô khổng lồ. Cấu trúc chung là san hô dựng đứng nên bao quanh đảo là sóng vỗ ầm ì, gió dữ gió giật. Đảo có một đội chuyên kéo tàu khi khách đến thăm mà bị sóng dữ, không vào đảo được. Và toàn đảo không có giếng nước ngọt; mặt đất toàn cát san hô, khó trồng cây. Bộ đội trên đảo PHẢI TIẾT KIỆM TỪNG GIỌT NƯỚC NGỌT…

 

VÂNG, AN BANG KHÔNG ĐẤT TRỒNG, KHÔNG NƯỚC NGỌT.

 

Tôi lồm cồm bò trên những bao cát trải dài, tay chống trên những hạt cát san hô ẩm ướt. Và khi đứng dậy, ngước lên…WOW ! Một dãy ba cái thau nước (ngọt) trong vắt, kê ngang tầm tay cùng ba chiếc khăn mặt sạch bong. Một anh bộ đội nói nhẹ, cô rửa tay cho hết cát rồi vào thăm ạ. Họ tiết kiệm từng giọt nước và…mời khách rửa tay? Sự hiếu khách của lính đảo bỗng khiến tôi chùng lòng, xúc động.

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h3.jpg

Những thau nước đón khách

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h4.jpg

Cây xanh dệt thành mái che cho phòng họp lộ thiên

 

Tôi bước vào “hoang mạc” , càng ngạc nhiên. Ở họng của công sự đầu tiên là nhà màng trồng rau, và chung quanh đều phủ xanh bóng cây. Gần, xa chung quanh tôi đều rợp xanh. Cuộc họp mặt và giao lưu giữa khách và bộ đội diễn ra ở một phòng họp cũng hết sức đặc biệt, giữa sân, trời vẫn nắng chói chang mà sân mát rượi dưới “mái che” toàn là những tầng lá giao nhau. Ngồi nghe các phát biểu dưới lá của “phòng họp thiên nhiên”, tôi cứ chĩa ngược điện thoại lên trời, chụp ảnh “mái che” khiến anh bộ đội ngồi cạnh thắc mắc hỏi, cô có muốn chụp ảnh thì đưa máy cháu chụp cô ngồi họp ạ. Tôi phì cười, cô chụp cây lá thôi.

 

Một lát tôi rời đi xuống phía bờ. Sóng vẫn vỗ mạnh, nắng vẫn đổ lửa. Tôi bỗng nghe trong tiếng gió một cuộc chuyện trò. Cây cột điện gió hỏi cây trụ thông tin đối diện, này tớ cung cấp đủ năng lượng, cậu có truyền tin kịp nhanh không đấy? Trong lòng tôi, vừa phục vừa thương những người chủ đảo, khi biết thêm, ở đảo này, không chỉ khổ vì khí hậu, thổ nhưởng, họ còn từng phút từng giây căng thẳng đương đầu với sự hung hăng xảo quyệt của kẻ thù, bởi An Bang là lá chắn vòng ngoài ngăn chặn tấn công của địch từ hướng biển và khống chế các loại máy bay quân sự, các tàu xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ngọn đèn biển xây trên đảo nhỏ này, từ 1966, đằng xa là điểm sáng của hòn đảo nhỏ là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

 

“QUÊ CON Ở TRƯỜNG SA”.

 

Đảo Trường Sa lớn quả thực là lớn nếu so với An Bang, ở gần đất liền nhất, cách Cam Ranh chừng 250 lý (dân đảo gọi là lý, thay vì hải lý). Đảo có diện tích 48 ha. Đây cũng là đảo duy nhất mà tàu Kiểm Ngư KN-290 cặp thẳng lên càu tàu, không phải đi xuồng (và thế là lần đầu tiên, các chị có thể…mang giày cao gót thay cho dép rọ, nên “điệu” hẳn). Bước lên đảo là thấy đường nhựa rộng thênh thang, nhà cửa chen chúc với nhiều công trình, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa, nhà truyền thống, sân bóng (cỏ nhân tạo), nhà khách, hải đăng, trường tiểu học, văn phòng Ủy ban Thị trấn… Đảo có nhiều hộ dân và có bảng tên đường, bằng số, N3, N4, không rõ nghĩa chữ N (đọc thành Anh) và không thấy những tên đường là M (em)?

 

Trên đảo cũng vẫn chỉ có vài loại cây quen thuộc: bàng vuông, phi lao, phong ba, nhưng tôi được biết thêm, cây bão tố hay mọc nép mình dưới cây phong ba cao to lực lưỡng (cách phân biệt: cành, nhánh của cây bão tố thì nhỏ, mảnh như cành mai). Vẫn nắng muốn bỏng cả ánh nhìn, mọi người chen nhau ngồi dưới những tàng cây xanh, những nhà nghỉ chân nhỏ xíu, ai nấy ngồi thở ra, lau mồ hôi. Tôi lân la đến khu nhà các anh bộ đội, hỏi thăm, hỏi “định tính” thì họ trả lời, đến “định lượng” thì họ im lặng và… cười (bí mật quân sự?).

Vui nhất là vào buổi tối, nắng và nóng vừa “tan ca”, nhường cho khí trời thật dịu mát. Cả đảo sáng đèn, tiếng đàn điện tử vang lên giữa thinh không biển trời mênh mông, thật hấp dẫn, thúc giục.

 

Ôi yêu sao là yêu điệu nhảy của những anh lính đảo. Mới hồi chiều chứ đâu, tôi hỏi số liệu thì cứ ngậm tăm loay hoay ậm ừ thì lúc này, họ nhào lên sân khấu, nhảy múa (rất điệu nghệ chứ không phải loạn xạ nhé) và hát thật to như muốn nổ tung lồng ngực. Tôi chen không lọt với mấy ông vác ống kính to của VTV mà cũng thu được trọn bài nhảy thật là đẹp “Chào em cô gái Lam Hồng” và khi bật lên nghe lại, còn nghe tiếng la của chính mình “Quá hay. Quá hay” . Khán giả này thật là thiếu kềm chế? Tôi xem lại đoạn video, biết 30 chú bộ đội trẻ khoẻ này đã luyện tập bài nhảy rất công phu cả tháng trời. Họ múa đều và đầy sức sống. Ngay khi họ không múa gì, giữa đoạn nhạc chờ, chỉ đứng chân trụ và nhịp thôi, vậy mà cũng thấy sự dũng mảnh, nhịp nhàng. Suốt bài múa, khán giả bộ đội nhộn nhạo múa theo… Họ khoẻ và vui thế, điêu luyện mà vẫn hồn nhiên trong vẻ mặt búng ra sữa đầy say mê hòa với nhịp dìu dặt của nhạc…

 

Đám trẻ con của đảo lên hát đồng ca một bài thật ngắn. Tiếng con nít phát âm thật rõ, thật trong trẻo: “Con thích chủ Hải quân dạy con hát, dạy con học, dạy con chơi. Con thương quê con. Quê con ở Trường Sa…”.

 

Quê con ở Trường Sa. Nghe không mềm lòng sao được, những đứa bé sinh ra, lớn lên ở đây, sẽ là thế hệ giữ đảo này, mà ta gặp, có khi chỉ một lần trong đời?

 

Giữa trời biển bao la, tôi nhớ lại, lâu lắm rồi, mình chưa từng dự một đêm văn nghệ mà mình nhịp chân, đứng dậy lắc lư và hát, nhiều chỗ mình hét theo hồi nào không hay, ngập tràn cảm xúc như thế.

 

Tôi trở về tàu lớn, đi dưới những vòm cây. Trong tối, tôi bỗng như nhìn thấy rõ màu xanh bất khuất của những vòm cây khỏe khoắn làm nên sự sống cho đảo, từ hòn đảo rất bé kiên cường như An Bang hay xanh tươi trù phú như Trường Sa lớn.

 

Tôi thầm cám ơn màu xanh.

 

Thực ra là phải cám ơn những người giữ đảo đã trồng lên, khơi lên, sống chết giữ gìn cho được màu – xanh - sự - sống.

 

Khi toàn dân đảo đứng ra chào tàu KN-290 rời đi, có cả mấy cô bé, cậu bé vừa hát “Quê con ở Trường Sa”, tôi nhìn những tàng cây xanh giữa biển đen trời đen đang làm nền sau lưng cho hai hàng người, mà nghe mình thầm nói: Xanh ơi, biết ơn Xanh, chú mày đáng yêu thế?

 

                                                              *

 

Bài 5

Ba giờ nơi "đầu sóng ngọn gió"

 

Muốn trải qua 3 giờ ở nơi cao, cheo leo nguy hiểm đó thì phải leo lên. Trèo cao mà tuyệt nhiên không được té nặng. Qua mấy chặng mới tới. Nhìn từ xa, NHÀ GIÀN, đó là một khối nhà vuông treo chênh vênh giữa trời, dễ thấy nhất nhờ cao, và còn nhờ màu sơn, màu cam chói rực dưới nắng.

 

Nhìn hai khối nhà trên giàn thép rất cao được xây trên bãi ngầm sâu hơn 25 mét dưới mực nước biển, vươn lên trên mặt biển lung linh, tôi nghe chúng trò chuyện vui vẻ. Này, tuy tôi "cao vậy đó nhưng ai cũng phải ngước nhìn" nhé. Sao đã cao trội mà còn… chói loá vậy, không "khiêm tốn" chút nào? Khiêm tốn là không được đâu. Vì chức năng của tôi là…cao, là phải dễ thấy nữa, bởi tôi là điểm nổi bật có nhiệm vụ hướng dẫn hoạt động hàng hải, giúp tàu thuyền định hướng và xác định vị trí của chính họ. Tôi là…NHÀ GIÀN DK1-14 với tấm bảng tên có chữ rất to: “Trạm dịch vụ kinh tế và khoa học kỹ thuật”, thuộc biển Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Trên nhà giàn có hệ thống quang năng điện mặt trời, các thiết bị trữ và phát điện, thiết bị theo dõi quan sát tàu thuyền qua lại; còn có trạm quan trắc khí tượng thủy văn, thu thập dữ liệu thời tiết để đưa ra dự báo thời tiết cho vùng DK1 và Nam biển Đông. Lính nhà giàn, ngoài bộ đội thiện chiến còn có những kỹ sư điện, cơ khí, năng lượng, bảo trì thiết bị, cứu hộ, cứu nạn…

 

Tàu thuyền Việt Nam nhìn thấy nhà giàn là an lòng, có nơi cứu hộ, cứu nạn và cung cấp các dịch vụ cần thiết khác.

 

Còn khách thăm? Chỉ đến thăm, là phải leo lên, là hơi khó rồi. Trong sổ tay về nhà giàn, có cả một đoạn hướng dẫn cách “tiếp cận”: phải căn cứ dòng nước, luồng chảy, hướng gió, chọn thời điểm, vị trí.

 

Tàu kiểm ngư lớn KN-290 vẫn phải đậu ngoài xa và ca nô (xuồng) đưa vào từng chuyến 8 người lên nhà giàn, cho đến hết cả đoàn gần 300 người.

 

Và tôi có một trải nghiệm mới lạ về độ khó có phần thách thức khi sóng lên cao 2 mét quật vào xuồng. Lúc leo lên (đã khó) và leo xuống (lại còn khó hơn) trong sóng biển nước văng tứ tung ướt nhèm chen với những khẩu lệnh như hét, bước lên, chân phải, nhanh, tay nắm chặt, buông, và cái xốc nách thật gọn của anh bộ đội (tôi không kịp nhìn mặt luôn) trả tôi ngay xuống nền nhà giàn; và khi leo xuống, nào, không nhìn đâu khác, chân bước, xoay người, nắm chặt thang, buông, sau khi hai cánh tay anh bộ đội nào không biết ôm chặt lưng và “ném” tôi cái ầm xuống lòng ca nô đang chồm lên, lắc mạnh, kèm theo câu hét, cô có sao không, thì tôi cũng kịp tự soát nhanh, thấy ổn, hét lại, cô ổn, cám ơn.

 

Sau một phút bất ngờ của “phim hành động” leo lên nhà giàn, tôi đặt chân lên những nấc đầu tiên của cái cầu thang thép cao chót vót là liền thấy vui, hào hứng như bắt đầu một cuộc “thám hiểm”.

 

Chầm chậm đi, một mình, chụp ảnh, ghi chép, tôi tự do đi xem, không sót chỗ nào trên cả 2 nhà giàn. Nhà giàn cũ, xây dựng năm 1995, nay là nơi đặt các thiết bị viễn thông và cũng là vườn rau nhiều tầng. Qua một cây cầu rất dài là nhà giàn mới, to hơn, xây dựng tháng 6/2011, có cả một hệ thống BTS Viettel, sân bay cho máy bay trực thăng. Tôi leo đến đỉnh nhà giàn cũ. Hình như từng xăng ti mét vuông đều được tận dụng cấy lên và phủ kín màu xanh. Một “thảm thực vật” tươi ngon không thiếu gì hết, rau lang, lá lốt, tần ô, rau răm, cải xanh, húng quế, dền rí... Theo hướng dẫn của anh lính trẻ, tôi lần mò vào được cái chuồng nhỏ đang nuôi hai chú heo béo ú.

 

Tôi cũng đi xem nhà vệ sinh (tinh tươm) và cuối cùng dứng chân ở nhà bếp (rất ngăn nắp, có mấy trái bí đỏ rõ to) và cũng liếc xem thực đơn công khai trong ngày. Chủ yếu là các loại thịt hộp, trái cây hộp. Chắc có nhiều rau tươi, nhưng là "của nhà trồng" nên không ghi (để tính chi phí tiền chợ?). Bất ngờ là ở đằng sau nhà bếp. Một vườn cây gia vị xanh tươi um tùm. Mấy cây chanh lá mướt, ớt nhiều trái đủ màu, có cả ớt chỉ thiên, và sả, và đinh lăng. Các chàng “anh nuôi” nào đã “cưng”, đã chăm thật siêng cụm cây gia vị này đến thế? Chu đáo đấy chứ vì lính ít được ăn tươi thì càng phải được tẩm ướp thật đúng và đậm vị.

 

Một lát, tôi quay về tầng 1. Một anh bộ đội trung niên rót chén trà bốc khói mời khách phương xa. Có thể đây là lính kỹ thuật, một anh kỹ sư điện hay cơ khí? Ngụm trà nóng thoảng nhẹ vị đắng và chát của trà mạn, thơm ngon lạ lùng. Nước trà thật nóng sao lại làm dịu cả cơn khát cháy cổ giữa cái nóng cháy da, bỏng mắt, khô môi. Đã đội nón tai bèo che nắng, gió nhà giàn vù vù vẫn xé nát tóc tôi tơi tả.

 

Biển Bà Rịa- Vũng Tàu, địa danh sau 7 ngày lênh đênh, với tôi, thật gần gũi. Một ngày đầu tháng 9, ba năm trước, tôi và các con đã chọn vùng biển này để rải tro của người thân yêu nhất của tôi, đưa anh về với biển với trời lần cuối.

 

Khi anh bộ đội châm thêm trà vào chén trà của tôi, tôi thấy anh khẽ lật mặt chiếc điện thoại xem gì đó. Và tôi thoáng thấy hình như là ảnh một người phụ nữ ôm một cậu bé. Cả tuần qua, trò chuyện với lính đảo, tôi toàn nghe họ nói chiến sự, chưa từng nghe về nỗi nhớ nhà. Hình như đó là điều họ cố tránh nói tới? Vì cũng là nỗi nhớ thường xuyên nhất? Biển cả bao la vô tận. Bốn bề vắng lặng. Hiểm nguy chực chờ từng phút giây. Đất liền xa xôi, vời vợi, mịt mùng. Đó mới chính là sự hi sinh và thiệt thòi lớn lao nhất, khó nhận thấy nhất trong không khí tiếp đón khách rất nồng hậu hôm nay? Bao lâu rồi, họ bỏ lại sau lưng tất cả cuộc sống bình thường, thế giới nhân quần, gia đình, làng xóm. Ôi, đất liền. Tôi nói với anh lính trung niên. Chị ước gì được ở lại đây một đêm trăng, trải chiếu ở sân bay của nhà giàn, chị sẽ ca cho các bạn nghe bài vọng cổ ”Tình anh bán chiếu”. Anh bộ đội bật cười, tiếng cười khô khốc, khó lắm chị, ban đêm thì càng khó, đó là những giờ phút quan sát, chiến đấu căng thẳng nhất. Nhưng chỉ một giây, anh lính nói tiếp, nói vậy thôi, chứ thực sự là, không có món quà nào quí hơn là được đón khách đất liền ra thăm nhà giàn. Bất giác tôi nghĩ ngay đến câu nói của anh lính trẻ ở đảo chìm Cô Lin, cô ơi, gần một năm rồi, tụi con không thấy mặt người từ đất liền ra…

 

Tôi uống đến giọt cuối của chén trà, và hỏi, à, hình như chẳng có đảo nào có các cô bộ đội nữ nhỉ? Anh bộ đội lắc dầu, không, cơ cực lắm, giữ đảo không phải là chuyện của những người kém sức khỏe và các bạn nữ đâu ạ…

 

                                                                *

 

Bài 6 (bài cuối)

Trường Sa, thương hiệu và tình yêu ?

 

Tôi để dành câu chuyện về Đảo Đá Tây A cho bài cuối của loạt bài. Đó là nơi gợi cho tôi điều nghĩ mới mẻ về việc “làm thị trường” và làm thương hiệu cho sản phẩm của Trường Sa..

Trên đường vào đảo Đá Tây A, tôi biết, đảo có âu tàu lớn (là 1 trong 4 âu tàu của 4 đảo trong quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa). Âu tàu nói đây khác với nghĩa gốc (dùng dâng và hạ nước trong và ngoài âu) mà có nghĩa là điểm tựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ có thể vào né bão, sửa tàu, tiếp nhiên liệu, lương thực hay nước ngọt). Ngồi trên tàu lớn KN-290 nhìn ra mặt biển, tôi thấy bức tường thành rất dài làm ranh giới bao bọc của âu tàu như 2 cánh tay người mẹ, ôm đàn con là các tàu thuyền đang ra khơi xa.

 

Đảo Đá Tây A rất trù phú, nhiều công trình, cây xanh, rộng thoáng. 10 con thú nhún được TPHCM tặng, vừa đặt xuống giữa sân rộng là đám trẻ con ùa ra, ríu rít vui đùa. Một chú bé mũm mĩm dắt tay tôi đi xích ra dãy nhà dân, tự giới thiệu, con tên Nguyễn Thanh Phong, học lớp 4, và chỉ tay, nhà con đằng kia, nhà số 4 ạ.

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h5.jpg

Các cháu bé trên đảo Đá Tây A vui chơi với những con thú nhún mới được tặng

 

Tôi bị hút mắt vào các công trình, trường học hai tầng khang trang, dãy nhà dân mới, đẹp. Nhưng bạn Tuấn Hùng, chủ nhiệm trẻ của HTX NN Tuấn Ngọc lại giật tay tôi, chỗ này còn vui hơn nè chị. WOW, một vườn dưa ngay cạnh lối vào chính. Tôi sà xuống ôm lấy mấy trái dưa to như những chú heo con lạ lẫm vừa đi lạc đến nơi này. Khó tưởng tượng là trồng được dưa hấu trên đất san hô này. Một công nhân làm việc bảo dưỡng thiết bị cho máy móc trên đảo đã mua hạt giống từ đất liền ra trồng thử từ 6 năm trước, thành công. Anh kể, tôi từng trồng dưa ở quê nhà nên muốn thử. Ở đây ngày tưới 2 lần, bằng nước mưa và mỗi năm chỉ trồng được 1 mùa (từ tháng 3 đến tháng 6, biển yên). Thỉnh thoảng có trồng được mùa phụ là Tết. Mỗi trái thường nặng 8kg đến 10 kg, có khi nặng 15 kg.

 

Sau trái đến hoa. Bụi bông giấy sum suê đỏ một góc trời hút tôi đến một khu nhà. Tấm bảng lại viết tắt. Cửa hàng DVHC nghề cá đảo Tây A, chưa mở cửa. Tự hỏi, không lẽ là dịch vụ hành chánh, không có nghĩa, tôi chạy kiếm một chú bộ đội và hỏi. Chú cười. Dịch vụ hậu cần chị ơi. Tôi hình dung ngay lắm thứ để xem đằng sau cửa hàng.

 

Và cầu được ước thấy, tôi bước một khu hơi tách biệt, một nhà máy nước đá đang xuất hàng cho ngư dân đậu dưới bến.

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h7.jpg

Nhà máy nước đá phục vụ các tàu đánh bắt xa bờ trên đảo Đá Tây A

 

Các bạn công nhân mặc áo ghi rõ tên Công ty, trả lời cho tôi rất cởi mở. Mỗi cây nước đá (dĩ nhiên làm bằng nước ngọt) có giá bán 17 ngàn, bằng hay rẻ hơn trong đất liền. Mỗi ngày họ làm ra 832 cây, xuất bán dạng nguyên cây hay đá bào để ướp cá. Một anh bộ đội nhất định cãi với tôi là nhà máy thuộc Bộ Thủy Sản và tôi phải đính chính, nay Bộ này đã là Tổng Cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT, nơi có người quen thân của tôi và tôi đã định sẽ nhắn tin khen Bộ Nông nghiệp giúp ngư dân rất hiệu quả. Chẳng những bán nước đá rẻ, nhà bếp của cửa hàng dịch vụ còn đang nấu nước (ngọt) châm cho các tàu để uống, miễn phí.

 

Không còn thắc mắc về cái âu tàu, tôi đi tìm nhà của Long, cậu bé “quảng giao” tôi gặp đầu tiên. Má của Phong là chị Đặng Thị Báu. Chị đã bày sẵn trên bàn dĩa rau câu mời khách. Rồi chị mang ra nhiều vỏ ốc to, đẹp, chào mời. Tôi nghĩ thầm, “thương nhân” đầu tiên trên đảo đây. Chị tiếp tục giới thiệu những cây hoa giả, hoa là các vỏ ốc màu trắng cũng lạ. Tôi hỏi chị có món nào gọn gàng, nhẹ hơn, để tôi bỏ vào ba lô thật gọn và không bị gãy?...Tôi thử hỏi, nếu tôi “mua” cái vỏ ốc to thì giá bao nhiêu. Chị nói, dạ 700 ngàn.

 

Tôi nhìn dãy sản phẩm của chị Báu và quyết định nói nhanh một bài nhập môn về cách tiếp thị, bán hàng cho khách thăm đảo. Tôi phân tích về giá, về nhu cầu của khách, về kỳ vọng và cả cách đóng gói mang về. Cuối cùng tôi xin mấy cái vỏ “bào ngư 9 lỗ” có viết nguệch ngoạc mấy chữ “kỷ niệm Trường Sa” và nói rõ, tôi biếu ít tiền cho cháu mua bánh chứ không phải bỏ từng ấy để “mua” mấy vỏ sò.

 

Tôi tiếc là mình không thể nói kỹ hơn để chị Báu có thể “thành công” hơn ở những thương vụ hiếm hoi khác

 

Tôi nhớ bạn Tạ Bích Loan mấy lần nói tôi tìm cách xây thương hiệu cho các sản phẩm Trường Sa. Điều đầu tiên là sản lượng ít quá. Bán đặc sản quí hiếm, ví dụ, làm một bữa tiệc toàn là rau và gia vị từ Trường Sa cho khách quốc tế, thật đắt tiền, hảo hạng, cũng đáng.

 

Một bạn trong nhóm biên tập tiktok "5 phút - Chuyện thị trường" còn công phu sưu tầm một clip gửi tôi. Rằng có thể vận dụng cách người ta ép lá bàng khô ở Phú Yên thành những đĩa, tô đựng thực phẩm phục vụ khách du lịch. Tôi xem clip và mừng, thấy ý tưởng rất khả thi, vì lá cây bàng vuông và cây phong ba thì bạt ngàn ngoài đảo.

 

Thợ cơ khí của mình làm những máy nhỏ ép lá khô thành đồ đựng đẹp, đảm bảo sạch, dư sức. Mang máy ra đảo hay mang lá cây từ đảo về ép khuôn thành chén, dĩa Trường Sa, cầm lên là cảm động biết bao nhiêu vì cái tình, cái nắng, cái gió của biển đảo Trường Sa?

 

Vậy là có nhiều món có thể nghĩ tới làm thương hiệu cho TS. Đã có bia TS. Nên quảng cáo Âu tàu TS. Nước đá TS. Dưa hấu TS. Vỏ ốc, hoa ốc TS. Rau xanh TS. Gia vị TS. Và nay, chén dĩa TS nữa…

 

Lại có một đề xuất tôi thấy đáng quan tâm nhất. Hầu hết các bạn tôi, khi nghe tin tôi chuẩn bị đi Trường Sa đều chép miệng, làm sao để được đi Trường Sa “một lần trong đời” đây? Thương mại hóa như kiểu làm tour du lịch thì khó nhưng biến “một chuyến đi Trường Sa” thành một món quà cực kỳ trân quí, một phần thưởng vô giá cho những người xuất sắc các lãnh vực (cho doanh nhân, thầy cô giáo, sinh viên, nhà nghiên cứu, thợ tay nghề xuất sắc…) mà các cơ quan bỏ tiền ra mua để thưởng, là quá nên đi chứ? Đi để hiểu, để cảm nhận cuộc sống anh hùng, hiểm nguy, gian khổ của người lính, là dịp hiếm có vì hiện nay đâu có cơ hội tiếp cận dễ dàng. Và hiểu, thấu cảm thật sống động cuộc sống ở những vùng đất linh thiêng của Tổ Quốc mình, bao người phải đổ máu xương để gìn giữ. Không hiểu làm sao yêu?

 

Những ý nghĩ về thương hiệu theo tôi ra đến cổng. Bỗng tôi phải khựng lại trước một tấm bảng. Cũng có hai chữ viết tắt (CĐ) nhưng tôi đọc hiểu được đến dòng cuối cùng. Khô. Lạnh. Đanh. Còn người còn đảo.

 

 

https://www.diendan.org/viet-nam/den-voi-dao-truong-sa/TS_h6.jpg

Còn người còn đảo

 

Vâng, còn người là còn đảo. Còn người đổ máu bảo vệ đảo. Còn người làm dịch vụ hậu cần cho ngư dân bám biển. Có sản phẩm và dịch vụ, người sẽ làm thương hiệu. Mà thương hiệu gì thì cũng phải giữ được đảo và biển của mình.

 

Biển và đảo linh thiêng. Máu thịt của mình.

 

PS. Trung Quốc đã cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 1/5 đến 16/8. Năm nào nó cũng cấm. Việt Nam cần dồn sức mở thêm nhiều âu tàu trên biển Đông? Hiện giờ, quần đảo Trường Sa có 4 đảo có âu tàu thôi: Đảo Sinh Tồn, đảo Đá Tây A , đảo Trường Sa lớn và đảo Song Tử Tây.



Vũ Kim Hạnh

 




No comments: