Sunday, May 21, 2023

CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC (Châu Quang / Đàn Chim Việt)

 



Chân dung một người yêu nước    

Châu Quang

20/05/2023

https://www.danchimviet.info/chan-dung-mot-nguoi-yeu-nuoc/05/2023/28825/

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/05/348570671_1275844713371010_8898889394190923455_n-768x432.jpg

Ông John Leung, 78 tuổi, đã bị tòa án Trung Quốc kết án tù chung thân về tội gián điệp. (Ảnh của Alliance for China's Peaceful Unification, USA)

 

Một người gốc Hoa

 

Năm 1961, khi cậu Lương Thanh Vân được 16 tuổi, cậu đã rời bỏ quê nhà ở Hồng Kông để sang mẫu quốc Anh du học.

 

Không biết Lương học ngành gì, có bằng cấp gì, chỉ biết sau đó, chàng sang Hoa Kỳ định cư, đổi tên thành John Leung, làm việc cho Liên Hiệp Quốc ngay tại trụ sở chính ở New York. Được một thời gian, chàng bỏ Liên Hiệp Quốc để trở thành một doanh nhân.

 

Không có thông tin gì về công việc của Lương tại Liên Hiệp Quốc, công việc ở đó kéo dài bao lâu. Cũng không biết sau khi rời Liên Hiệp Quốc, ông làm ngành gì với tư cách doanh nhân. Chỉ biết từ khi làm doanh nhân, ông thường xuyên đi đi về về giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

Tại Mỹ, Lương được biết tiếng trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, một cộng đồng đa dạng, phức tạp gồm những người thân Bắc Kinh, thân Đài Loan, thân Hồng Kông, du học, trung lập… Ông có chân trong ban lãnh đạo một số tổ chức thân Bắc Kinh, trong đó có tổ chức ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Ông đã từng nói trong một “sự kiện”: “Là một đứa con của Trung Quốc, tôi vô cùng vinh dự và tự hào về những gì Trung Quốc mới đã đạt được trong 55 năm qua”.

 

Năm 1985, Lương thành lập một hội hữu nghị giữa thành phố Oklahoma City của tiểu bang Oklahoma và thành phố Quảng Châu miền nam Trung Quốc, giống như kiểu thành phố kết nghĩa. Năm 1997, ông lập ra Quỹ Trao Đổi Văn Hóa Leung.

 

Địa bàn hoạt động chính của ông là thành phố Houston, tiểu bang Texas, nơi ông lập ra tổ chức lấy tên Hội đồng Texas về Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình tại Trung Quốc, mà ông là một trong ba giám đốc.

 

Các buổi họp mặt do lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston tổ chức thường có mặt Lương. (Cơ sở ngoại giao này đã bị chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu đóng cửa vào năm 2020 vì Washington cho rằng đây là một ổ gián điệp.)

 

Hội đồng Texas của Lương có liên kết với Hiệp hội Thống nhất Hòa bình Quốc gia Trung Quốc (NACPU), một nhóm vận động hành lang thân Trung Quốc, tập trung vào Đài Loan, có trụ sở tại Washington, mà Lương là thành viên Ban chấp hành.

 

Vào năm 2020, NACPU đưa ra một tuyên bố ủng hộ việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh tại Hồng Kông, một bộ luật nhằm bịt miệng những người ủng hộ dân chủ tại đó.

 

Cũng vào năm 2020, chính quyền của Tổng thống Trump chỉ định NACPU là “phái bộ nước ngoài”, cáo buộc hiệp hội này được kiểm soát bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc – một cánh tay sâu rộng của đảng có nhiệm vụ gây ảnh hưởng và tuyên truyền ra nước ngoài.

 

Một khi bị chính phủ Mỹ chỉ định là “phái bộ nước ngoài”, tổ chức đó phải chịu sự “quản lý” của Đạo luật về Phái bộ Nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi việc chỉ định này là một hành vi phân biệt đối xử đối với NACPU và “hoàn toàn không chính đáng”.

 

NACPU và các chi nhánh ở Mỹ là một phần của mạng lưới toàn cầu có những hoạt động gây ảnh hưởng cho Bắc Kinh, trong những năm gần đây đã bị giám sát chặt chẽ ở Mỹ.

 

Về phần mình, các phương tiện truyền thông tiếng Hoa ở Texas và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy trong một thời gian dài Lương đã giao thiệp với nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc.

 

Ông có ảnh chụp chung với nhiều đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ hai thập niên trước đây, trong đó có Dương Khiết Trì, đại sứ từ năm 2001 đến năm 2005 và Bộ trưởng Ngoai giao từ năm 2007 đến năm 2013. Năm 2013, họ Dương là Trưởng ban Đối ngoại của đảng CSTQ đặc trách Đài Loan.

 

Trong các chuyến đi Trung Quốc, ông Lương cũng đã gặp nhiều quan chức địa phương, trong đó có quan chức Giang Tô, một tỉnh giàu có đứng thứ nhì của Trung Quốc, chủ yếu là nhờ công nghiệp bán dẫn.

 

Giao thiệp giữa Lương và tỉnh Giang Tô rộng đến độ tỉnh này đã bổ nhiệm ông làm phó giám đốc Hiệp hội Giao dịch Hải ngoại Giang Tô. Năm 2014, trong chuyến thăm Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, ông Vương Hòa, giám đốc Sở Công Tác Về Người Hoa Ở Nước Ngoài trong đã ca ngợi ông Lương đã có “những đóng góp tích cực” cho Trung Quốc và Giang Tô, hy vọng rằng ông Lương có thể đến thăm Giang Tô thường xuyên hơn và mang lại nhiều tài năng kinh tế và công nghệ cao của Mỹ đầu tư vào tỉnh.

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng ca ngợi ông Lương là một “đại biểu xuất sắc” của người Hoa ở nước ngoài, một người “yêu nước” vì những nỗ lực trong mấy chục năm thúc đẩy trao đổi xã hội, văn hóa và kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Ông đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp đón trong các chuyến thăm của họ tới Mỹ; và ở chiều ngược lại, ông đã dẫn các đoàn quan chức và kinh doanh Mỹ đến Trung Quốc để thúc đẩy ký kết các thỏa thuận kinh doanh và giao lưu xã hội.

 

Một người gốc Việt 

 

Chi tiết về ông Lương Thanh Vân, hay John Leung, từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc khiến tôi chợt nhớ đến ông Vũ Quang Việt, một tiến sĩ kinh tế gốc Việt, từng làm cho Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc.

 

Trong khi ông Lương rời Hồng Kông ra đi năm 1961 lúc 16 tuổi, chưa xong trung học; ông Việt rời miền Nam Việt Nam ra đi vài năm sau đó, sau khi xong tú tài.

 

Tại miền Nam lúc bấy giờ, đậu tú tài đi du học thường là người học rất giỏi, xin được học bổng; hoặc thuộc gia đình có tiền có bạc. Nhưng quan trọng nhất của một thanh niên du học là – trong thúc thanh niên hai miền Nam Bắc bị đẩy vào chảo lửa để nướng – thanh nhiên du học né được chế độ quân dịch, sau 75 gọi là nghĩa vụ quân sự.

 

Một số người du học như ông Việt, trong lúc không phải lo cầm súng, đã “giác ngộ cách mạng” xem “chống Mỹ cứu nước” là cuộc chiến có chính nghĩa, cho dù cha mẹ ông ở miền Nam nai lưng kiếm tiền chuyển thành USD để gửi sang cho ông tiếp tục ăn học.

 

Và dĩ nhiên, không phải đi lính nên ông Việt cũng không phải đi cải tạo.

 

Tháng Tư năm 75, trong lúc người di tản buồn miền Nam bơ vơ hoang mang trong các trại tạm trú ở Pennsylvania, Arkansas, California… không thấy ông Việt ra tay thăm nom, giúp đỡ; nhưng hai năm sau, 1977, khi Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch “thăm và làm việc” với Richard Holbrooke ở New York, ông Việt đã nhanh chân đến gặp ông Thạch; để rồi từ đó, mối liên hệ giữa ông Việt với đảng CSVN ngày càng “sâu sắc”.

 

Theo Wikipedia, từ những năm 1990 khi nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa, ông Việt có nhiều bài viết phân tích về nền kinh tế Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa, các góp ý của ông dưới dạng văn bản gửi tới các cơ quan thẩm quyền của chính phủ. Cùng lúc, ông cũng viết nhiều bài viết về kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế khác qua các báo Việt Nam như: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Tài chính. Ông được cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp.

 

Trong lúc Hoa kiều họ Lương được cộng đồng người Hoa ở Mỹ biết đến thì cộng đồng người Việt ở Mỹ ít ai quan tâm đến ông Việt. Trong lúc ông Lương làm cầu nối cho các công ty Mỹ làm ăn bên Tàu thì ông Việt chỉ đóng góp chất xám, người cộng sản hay gọi là “hiến kế”.

 

Hồi xưa, khi quan hiến kế cho Vua, nếu kế đó good, thấy nó work thì Vua sẽ thăng chức, cấp vàng bạc, đất đai… cho quan để thưởng. Chẳng hiểu các kế của ông Việt có được đảng nghe hay không, có được đảng dùng hay không, nếu có thì hiệu quả hay không; chỉ thấy ông Việt không được “cơ cấu” một chức vụ chính thức nào, thậm chí xã trưởng không, công an khu vực cũng không. Vàng bạc thì chỉ có ông mới biết; còn bất động sản thì ông cũng hiểu ông chỉ có quyền sử dụng thôi, sở hữu là nhà nước và nhà nước muốn đòi lại lúc nào thì đòi.

 

Có thể vào dịp Tết, ông cũng được Chủ tịch nước mời đến vỗ về, xoa đầu, chúc Tết chung với đám kiều bào từ khắp thế giới về làm ăn, đóng góp cho Việt Nam. Xong “sự kiện”, quý ông được tặng cà-vạt bằng lụa, quý bà được tặng khăn quàng cũng bằng lụa loại premium của tập đoàn Khải Silk.

 

Nói gì thì nói, ông Việt vẫn miệt mài, miệt mài hiến kế cho đảng, hết kế này đến kế khác. Thời gian gần đây, ngoài các bài viết về kinh tế, ông còn viết các bài về chính sách xã hội của Việt Nam trước thực trạng chuyển biến thay đổi nhanh chóng của môi trường chính trị khu vực và quốc tế.

 

Tóm lại, ông Việt có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho đảng CSVN. Nhưng ông cũng hiểu là dù đã từng cà phê với ông Kiệt, nhưng không phải muốn viết gì thì viết. Khi đụng đến những đề tài “nhạy cảm” ông Việt cũng phải đi đường vòng, ví dụ như câu: “Những người chỉ trích Thủ tướng cũng không nghĩ ra cách quản lý tốt hơn các tập đoàn quốc doanh khi mà việc xây dựng doanh nghiệp nhà nước đã được coi là quốc sách”.

 

Quay lại với ông Hoa kiều họ Lương

 

Cách đây một tuần, ông Lương, 78 tuổi, đã bị mang ra xử về tội gián điệp và đã bị kết án tù chung thân.

 

Các vụ án liên quan đến gián điệp – một cáo buộc rộng rãi và được xác định mơ hồ – thường được xử kín. Tòa án không cung cấp chi tiết về các cáo buộc hoặc lý lịch cá nhân của ông Lương, ngoài hộ chiếu Mỹ và số căn cước Hồng Kông.

 

Ông Lương đã bị bắt giam cách nay hơn hai năm, ngày 15 tháng 4 năm 2021, tại Tô Châu, nơi ông đã được chính quyền ca ngợi là một Hoa kiều điển hình tiên tiến, có “những đóng góp tích cực”. Theo trang mạng của Tô Châu, khi bị bắt giam, tòa án cũng tịch thu tài sản cá nhân của ông, trị giá 500.000 nhân dân tệ, khoảng 71K USD.




No comments: