Monday, May 22, 2023

ẢO ẢNH TRUNG LƯU Ở VIỆT NAM (Nguyễn Quốc Tấn Trung)

 



Ảo ảnh trung lưu ở Việt Nam    

Nguyễn Quốc Tấn Trung  

May 22, 2023 . 3:49 PM 

https://www.luatkhoa.com/2023/05/ao-anh-trung-luu-o-viet-nam/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Khi thượng lưu tự nhận là trung lưu.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/05/Wire-2023-05-22-at-3-46-PM.png

Ảnh minh họa. Đồ họa: Luật Khoa.

 

Chuyện các nhóm thượng lưu, thượng trung lưu (upper class, upper middle class) nhận vơ về danh xưng “trung lưu” cho đến nay đã trở thành một trào lưu quốc tế.

 

Và ngay cả ở Việt Nam cũng vậy.

 

Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này thông qua những nghiên cứu gây được tiếng vang lớn như “Media Magic: Making Class Invisible” (Truyền thông nhiệm màu: Biến giai cấp thành vô hình) của Mantsios Gregory; hay nghiên cứu của Erika Paulson và Thomas O’Guinn với tựa đề “Marketing Social Class and Ideology in Post-World-War-Two” (Tiếp thị giai cấp và ý thức hệ hậu Đệ nhị thế chiến). [1] [2]

 

Chuyện dài nói ngắn, các nghiên cứu này cho thấy một bộ phận người dân Mỹ đang lầm tưởng rằng mình thuộc giai cấp “trung lưu” bởi vì truyền thông và các sản phẩm tiếp thị thường làm mờ đi ranh giới giữa tầng lớp lao động sống tháng nào biết tháng nấy với giới thượng lưu, điều này góp phần tạo ra một “giai tầng trung lưu phổ quát” (universal middle class).

 

Hiển nhiên, đời sống và khả năng chi trả của hai nhóm này khác nhau như ngày và đêm, nhưng ảo ảnh của một giai tầng trung lưu phổ quát biến những sản phẩm mắc mỏ, những phong cách sống cao cấp trở thành “chuyện thường ở huyện”.

 

Đời sống quốc dân nhờ tự huyễn hoặc mà được nâng cao, đa phần dựa trên hình ảnh của tầng lớp dư giả, giàu có.

 

Việt Nam có vẻ cũng đang trải qua một giai đoạn tương tự.

 

Phổ quát hóa giai cấp trung lưu: Cách truyền thông Việt Nam xóa nhòa lằn ranh giai cấp

 

So chiếu với các lý thuyết nghiên cứu xã hội trên thế giới, người viết gọi thứ mà truyền thông Việt Nam lẫn các nhóm thống trị không gian mạng xã hội Việt Nam đang làm là quá trình “phổ quát hóa giai cấp trung lưu” (the universalisation of middle-class).

 

Giới chuyên gia không thống nhất với nhau về cách xác định giai cấp trung lưu. Trong hàng loạt cách tiếp cận khác nhau, có lẽ cách phổ biến nhất là xác định dựa trên mức thu nhập của hộ gia đình. Ngay cả cách này cũng có đến vài phương pháp xác định khác nhau. [3]

 

Ở Việt Nam, chúng ta thiếu các thống kê thực địa chính thức nên khó có một tiêu chuẩn và con số chính xác. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hakuhodo Institute of Life and Living ASEAN (HILL ASEAN) vào năm 2016, họ đánh giá rằng chuẩn trung lưu của Việt Nam sẽ bao gồm một phổ thu nhập rất rộng từ 5.000 Mỹ kim (khoảng hơn 100 triệu đồng) đến hơn 35.000 Mỹ kim (khoảng hơn 8 tỷ đồng) mỗi năm. [4] Thông tin của nghiên cứu chỉ ra có khoảng 50% dân số Việt Nam đủ điều kiện để được xếp vào nhóm này.

 

Trong một thống kê và nghiên cứu khác của Cimigo (2023), họ cho rằng có khoảng hơn 15 triệu hộ có thu nhập cao hơn 15 triệu đồng một tháng (tức chỉ khoảng 644 Mỹ kim một tháng, tương ứng với 7.728 Mỹ kim mỗi năm). Nhóm này, theo cấu trúc thu nhập của Việt Nam, cũng được Cimigo xem là nhóm trung lưu. [5]

 

Nếu xét cả lạm phát và thu nhập tăng theo năm, có thể thấy cả HILL ASEAN và Cimigo đều cho chúng ta một cái nhìn tương đối gần nhau. Theo cấu trúc thu nhập của người Việt Nam, hộ gia đình có tổng thu nhập trung vị ở mức 7.000 - 8.000 Mỹ kim một năm (tức khoảng 15 triệu đồng một tháng) thì đã được xem là trung lưu.

 

Sự trung lưu này là tương đối eo hẹp, nếu xét tổng thể đời sống kinh tế của cả một hộ gia đình dựa trên nguồn thu nhập này.

 

Đáng chú ý hơn, theo ghi nhận của Cimigo, hộ gia đình có thu nhập từ 1.288 Mỹ kim trở lên mỗi tháng (tức khoảng 30 triệu đồng mỗi gia đình), chỉ đại diện cho 6% các hộ gia đình tại Việt Nam.

 

Trong khi đó, thành phần cốt cán lãnh đạo của những tòa báo, giới làm truyền thông, quảng cáo, dân vận - những người nắm đằng chuôi của quá trình tái hiện hiện thực xã hội - thường là những nhóm thị dân, giới con nhà khá giả “một căn ở, một căn cho thuê”, thậm chí có quyền thế tài chính, có vị trí xã hội, có gốc gác chính trị. Họ thường thuộc nhóm chóp bu của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam, tức nhóm 6% mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên.

 

Vấn đề ở chỗ, họ thường tự định vị rằng mình chỉ thuộc nhóm “thị dân”, “trung lưu”, và “sống được”.

 

Từ đó, họ phản chiếu đời sống của mình vào không gian chung của quốc dân, biến nó thành tiêu chuẩn “cơ bản”, “trung bình”, “ai cũng có được”.

 

Nguy hiểm hơn, nhóm này không nhận ra những đặc quyền, đặc lợi mà vị thế giai cấp của họ đang trao cho họ.

 

Khi người giàu bàn chính sách

 

Những suy nghĩ này dẫn người viết trở về một tranh cãi trong lúc trà dư tửu hậu với một người anh là chuyên gia trong lĩnh vực chính sách, pháp luật.

 

Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sử dụng xe bus, anh cho rằng để thúc đẩy chính sách này thành công cần phải có sự răn đe, thúc ép từ nhà nước, phải có động thái cấm xe máy. Anh cũng đưa ra nhận định người Việt Nam lười, ham thuận tiện trước mắt nên không muốn dùng xe bus.

 

Anh cũng dẫn chứng thêm về sự “tiện lợi” mà xe bus dành cho anh - một người làm công ăn lương hay thị dân trung lưu. Mỗi ngày, anh chỉ cần đón xe bus từ lúc 7 giờ sáng là đã có thể đến nơi làm một cách an toàn và nhẹ nhàng, rồi đón xe bus lúc 5 giờ rưỡi chiều để về nhà tận hưởng không gian bên gia đình một cách thoải mái.

 

Thứ anh quên nhắc, là anh có một công việc ổn định, lương tốt, danh tiếng lớn với giờ giấc bảo đảm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, một thứ đặc quyền trong nền kinh tế “xe máy” của nhiều người Việt Nam.

 

Thứ anh quên nhắc là gia đình anh có một căn hộ hạng sang ở một khu vực đầy đủ tiện nghi, cách trạm xe bus vài trăm mét đi bộ.

 

Thứ anh quên nhắc là gia đình anh có người giữ trẻ, có giúp việc săn sóc người lớn tuổi ở gia đình khi anh vắng nhà.

 

Thứ anh quên nhắc là anh chưa bao giờ phải nghĩ đến việc kiếm thêm với công việc thứ hai, thứ ba, hay chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để có thêm tiền chi tiêu trong những trường hợp khẩn cấp của gia đình.

 

Thứ anh quên nhắc là đến cuối tuần hay những ngày lễ, gia đình anh thường lên xe ô tô du lịch mà nắng không tới vai, mưa không ướt đầu, v.v.

 

Cả đời anh không cần chiếc xe hai bánh rẻ tiền thì nói thế là phải.

 

Nhưng anh cũng quên rằng, đối với các gia đình nhập cư, sinh viên tỉnh lẻ, người có thu nhập thấp, người lao động - những người chiếm đại đa số dân cư Việt Nam - thì họ không có bất kỳ đặc quyền nào kể trên cả.

 

Xe bus và mạng lưới xe bus nghèo nàn, chất lượng giờ giấc kém trở thành một con quái vật quan liêu với những trò bày vẽ “tiểu tư sản” về môi trường, cảnh quan đô thị.

 

Họ không ghét xe bus vì ý thức hệ/ tư tưởng chính trị, mà họ ghét nó vì kiểu tư duy áp đặt “cấm xe máy” và “xe bus phải là tương lai” không hề tính đến hiện thực đời sống của họ, có nguy cơ khiến cho chén cơm của họ vơi đi từng ngày.

 

Ấy thế mà, với tất cả những đặc quyền mình có, anh vẫn tự nhận mình là trung lưu.

 

                                                                  ***

Với sự thống trị của các nhóm giàu có trên các phương tiện truyền thông chính thống, mạng xã hội, các sản phẩm tiếp thị, cùng với xu hướng biến mọi thứ trở thành “thứ thiết yếu”, “thứ trung lưu” của các mô-tuýp quảng cáo, không có gì bất ngờ khi trong tương lai, đời sống thực tế của người lao động lại càng trở nên vô danh, vô diện, như cách mà Mantsios mô tả (“The poor are faceless”).

 

Người nghèo và số đông người lao động bình thường cũng như hiện thực đời sống của họ trở thành “thiểu số”, trở thành ví dụ của sự “không biết cố gắng”, và thậm chí không tồn tại.

Ảo ảnh về thịnh vượng tại Việt Nam có lẽ từ đó mà ra.

 

                                                         ****

Tính đa chiều của “giấc mơ Mỹ”

Tiếp tục thay đổi tích cực cuộc sống của hàng trăm ngàn người Việt mỗi năm.

Luật Khoa tạp chí            Nguyễn Quốc Tấn Trung

.

Tầng lớp trung lưu lụy chính quyền của Trung Quốc

Giàu sang, có địa vị và học thức không đồng nghĩa với việc sẽ ủng hộ dân chủ.

Luật Khoa tạp chí            Y Chan

-----------

Chú thích

 

1. Mantsios Gregory (2007), “Media Magic: Making Class Invisible” in Race, Class and Gender in the United States, 7th ed., Rothenberg Paula S., ed. New York, NY: Worth Publishers, 636–44.

 

2. Paulson, E. L., & O’Guinn, T. C. (2018). Marketing Social Class and Ideology in Post-World-War-Two American Print Advertising. Journal of Macromarketing, 38(1), 7–28. https://doi.org/10.1177/0276146717733788

 

3. Reeves, R. V., Guyot, K., & Krause, E. (2018, May 7). Defining the middle class: Cash, credentials, or culture? Brookings; Brookings. https://www.brookings.edu/research/defining-the-middle-class-cash-credentials-or-culture

 

4. Most Vietnamese think they belong to ‘middle class.’ (n.d.). VietNamNet News. https://vietnamnet.vn/en/most-vietnamese-think-they-belong-to-middle-class-E152887.html

 

5. Burrage, R. (2023, April 12). Vietnam economic class and rising affluence. Market Research Vietnam Indonesia. https://www.cimigo.com/en/vietnam-economic-class/

 

 



No comments: