Tuesday, May 9, 2023

AI CẦN MÁI CHE TRÊN PHỐ NGUYỄN HUỆ và BẾN BẠCH ĐẰNG? (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



Ai cần mái che trên phố Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng?

An Vui  -  Saigon Nhỏ

9 tháng 5, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/ai-can-mai-che-tren-pho-nguyen-hue-va-ben-bach-dang/

 

Hãy tưởng tượng xem, một ngày ra trung tâm quận 1 (Sài Gòn) tầm nhìn của du khách hướng vào đâu cũng chỉ thấy… mái che trên đầu!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/9.5.23_Anh-5.jpg

Một nửa phố đi bộ Nguyễn Huệ hướng về bùng binh Cây Liễu vào một ngày nắng đẹp cuối năm 2021, khi Sài Gòn vừa dỡ bỏ lockdown – Ảnh: An Vui

 

Mặc cho Metro ỳ ạch nhiều năm vẫn chưa hoàn thành vì… thiếu tiền, nhà cầm quyền Sài Gòn vẫn nghĩ cách xài ngân sách, bất chấp mong muốn của người dân.

 

Câu chuyện mái che trên vỉa hè phố buôn bán ở đường Lê Lợi hồi cuối Tháng Ba 2023 vấp phải sự phản đối của các chuyên viên đô thị, kiến trúc sư và người dân…vẫn chưa ngã ngũ thì ngày 8 Tháng Năm 2023, trong văn bản mới nhất, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch Ủy ban TP.HCM lại yêu cầu làm mái che cho phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng để… thu hút du khách và người dân đến vui chơi ban ngày?!

 

Truyền thông trong nước cho biết phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670 m (2,198 feet), rộng 64m (209 feet) khánh thành năm 2015, mỗi ngày thu hút hàng ngàn người dân, du khách đến vui chơi, giải trí vào buổi tối.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/9.5.23_Anh-6-780x520.jpg

Một nửa phố đi bộ Nguyễn Huệ hướng về bến Bạch Đằng vào ban ngày thường là nơi các đàn bồ câu sà xuống “tản bộ” tìm thức ăn – Ảnh: An Vui

 

Còn công viên bến Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng, kéo dài từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2), sau khi hoàn thành sửa chữa cuối năm 2021 cũng là điểm vui chơi của nhiều người vào mỗi tối, nhất là dịp cuối tuần. Tuy nhiên, hai khu vực này thiếu cây xanh nên ban ngày không có ai đến.

 

Vì thế, để tạo cho người dân “vui chơi ban ngày”, ông chủ tịch thành phố giao Sở quy hoạch – kiến trúc và quận 1 nghiên cứu phương án tạo bóng mát vào ban ngày ở hai địa điểm trên. Ông chủ tịch cũng chỉ ra “nên tính giải pháp thiết kế mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật ban đêm” và các phương án phải được trình Ủy ban thành phố trong Tháng Sáu!

 

Bên cạnh đó, ông chủ tịch thành phố cũng giao quận 1 rà soát các vị trí làm bãi giữ xe và nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân, du khách, bởi… rất thiếu! Ngoài ra, ông ra lệnh các đơn vị liên quan cần nghiên cứu vị trí làm cầu bộ hành nối đường Nguyễn Huệ và Tôn Đức Thắng để khách thuận tiện di chuyển từ Nguyễn Huệ sang công viên bến Bạch Đằng, và ngược lại.

 

Vế sau ông chủ tịch chỉ thị làm cầu bộ hành, thêm bãi giữ xe và nhà vệ sinh công cộng thì trúng. Còn vế trên chỉ thị làm mái che cho phố đi bộ và bến Bạch Đằng để người dân và du khách có điều kiện “che nắng, che mưa, vui chơi vào ban ngày” thì… trật lất!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/9.5.23_Anh-7-780x520.jpg

Bến Bạch Đằng từ đầu năm 2022 đến nay với không gian thoáng rộng là nơi tản bộ và dạo chơi của nhiều bạn trẻ và các gia đình có con nhỏ – Ảnh: An Vui

 

VietnamNet ngày 9 Tháng Năm 2023 đặt vấn đề: “Lắp mái che trên phố đi bộ Nguyễn Huệ có gây bức bí, mất mỹ quan đô thị?”. Tờ báo này phỏng vấn thạc sĩ Lê Văn Thành, cựu trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội (Viện nghiên cứu phát triển thành phố) cho rằng, lắp mái che cố định vài đoạn trên vỉa hè cho người đi bộ thì được, còn khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bến Bạch Đằng thì không phù hợp.

 

Ông Thành phân tích, phố đi bộ Nguyễn Huệ với phần quảng trường rất rộng, là nơi thường xuyên được trưng dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, nếu che chắn bằng mái che thì không có không gian để lắp đặt phụ kiện phục vụ cho các sự kiện cộng đồng.

 

Trong khi đó, khu vực công viên bến Bạch Đằng là không gian công cộng để nhiều người đến vui chơi và cần không gian mở. Công viên này hiện nay thu hút dân đi tập thể dục lúc sáng sớm và là không gian giải trí cho người dân vào buổi tối. Ban ngày người dân không có nhu cầu tụ tập ở công viên, còn khi chiều xuống trời mát thì mái che hoàn toàn không có tác dụng, thêm bí bách và hạn chế tầm nhìn.

 

Theo ông Thành, người dân và du khách khi đến vui chơi ở hai khu vực này là muốn tận hưởng không gian tự nhiên, hít thở khí trời, vì thế thay vì lắp mái che, thành phố nên chú trọng đến việc tăng mảng xanh cho các khu vực này.

 

Hơn 360 bình luận dưới bài của bạn đọc VnExpress đều thiên về ý kiến nên tạo thêm mảng xanh cho phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng bằng các giàn cây hoa leo đủ loại, vừa đẹp, lại làm nhanh, vừa không sợ đụng vào không gian ngầm bên dưới.

 

Hầu hết bạn đọc phản đối “tối kiến” làm mái che “căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật” của ông chủ tịch bằng những liên tưởng hài hước nhưng rất chính xác.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/9.5.23_Anh-8-780x520.jpg

Đứng ở bến Bạch Đằng vào ban đêm hiện nay có thể tận hưởng gió mát từ sông Sài Gòn, có thể ngắm trăng và trò chuyện cùng nhau – Ảnh: An Vui

 

Chẳng hạn, “phố đi bộ đẹp thế mà lắp mái che vào trông giống bãi gửi xe nhỉ” (giang nguyenChuẩn); “Nếu làm mái che thì nó không còn là phố đi bộ nữa, nó sẽ thành cái hầm đi bộ hoặc cái nhà đi bộ. Chỉ có cây xanh mới làm mát đô thị được, cây xanh mới làm con người ta cảm thấy mát mẻ và thoải mái. Còn thích mái che và mát thì người ta vào trung tâm thương mại đi bộ cũng được” (Doãn Chí Bình);

 

“Làm như đang đi giữa đồng không mông quạnh không có nhà cửa gì hết thì lo làm mái hiên để có chỗ cho người dân trú mưa. Còn ở đây hai bên nhà phố ban công đầy ra đó mà phải làm mái hiên để trú mưa bất chợt thì cũng là điều lạ. Nếu sợ mưa nắng đừng ra đường là xong (kimlientd2506@binzuhri);

 

“Cái quan trọng nhất là cảnh quan của một khu vực được cho là đẹp nhất thành phố mà được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ bị phá vỡ bởi những cái mái nhà. Cái nóng và cảm giác ngột ngạt sẽ tăng lên. Chẳng ai muốn đi du lịch hay dạo phố dưới cái mái nhà như thể là cái nhà lồng chợ” (blknemesis98);

 

“PHỐ đi bộ”. Đã là PHỐ thì không cần có mái che. Và không ai đi ra PHỐ để trú mưa tránh nắng, mà người ta chỉ trú mưa dưới HIÊN thôi. Người ta chỉ đi dạo phố khi trời mát, không ai đi dạo phố buổi trưa nắng nóng hay mưa gió, nên lợp mái là vô nghĩa. Giờ mà lợp mái là thành HIÊN ĐI BỘ NGUYỄN HUỆ  (trankiet77@binzuhri);

 

“Lắp mái che thì ra phố đi bộ khác gì chui vào nhà kho. Lại còn mất thêm điện chiếu sáng” (Kính Lúp); “Lắp mái che để tạo bóng mát, thật sự nghe hơi lạ. Bức xạ nhiệt ở khu trung tâm rất lớn do cao ốc và sử dụng kính nhiều. Do đó, giải pháp làm mát không gian hiệu quả nhất là cây xanh, lại thẩm mỹ hơn mái che” (Gió Lang Thang).

 

Hình dung hai không gian thoáng nhất trung tâm Sài Gòn hiện nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng được dựng những mái che “căng bạt nghệ thuật” giống như ông chủ tịch thành phố chỉ thị… chợt nhớ đến mái che của những rạp xiếc!

 

Mái che ở trung tâm Sài Gòn có lẽ chỉ cần cho các quan tìm cách chia chác… chứ dân nào cần để tránh nắng đụt mưa?





No comments: