Friday, May 5, 2023

48 NĂM NGÀY 30/4 (Trọng Đạt)

 



Bốn mươi tám năm ngày 30/4

Trọng Đạt 

02/05/2023

https://www.danchimviet.info/bon-muoi-tam-nam-ngay-30-4/05/2023/28707/

 

Những người bạn đi du học ngoại quốc thường than thở: khi biết tin Sài Gòn Thất Thủ, mình mất nước tôi cảm thấy buồn vô tả. Còn tôi, tôi đã chứng kiến cảnh bộ đội Việt Cộng tiến vào Sài Gòn, thì thử hỏi trong lòng nó đau buồn như thế nào?

 

Nhà tôi ở gần Ngã Tư phú nhuận, sáng ngày 30/4 khi Ông Dương Văn Minh tuyên bố bàn giao quyền hành tránh đổ máu vô ích thì tiếng súng dần dần im bặt.

 

Lệnh ngưng bắn của Ông Dương văn Minh lặp đi lặp lại nhiều lần trên đài phát thanh, nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì đã hết cảnh binh đao khói lửa, đạn bay súng nổ. Từ lúc ấy tự nhiên tiếng súng khắp nơi bỗng ngớt dần rồi im bặt, y như cơn phong ba bão táp đã qua, bây giờ là cảnh trời yên bể lặng.

 

Tự nhiên không ai bảo ai, người ta kéo đầy ra hai bên lề đường để được chứng kiến biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà từ xưa đến nay, chưa bao giờ lớn lao thê thảm như thế, nó cũng là biến cố lớn nhất thế giới năm 1975. Ảnh hưởng của trận mưa bão đầu mùa vẫn còn đâu đây, mây đen u ám dăng khắp trên không, hôm nay là cảnh trời sầu đất thảm, mưa tuôn rả rích. Những hạt mưa phùn lấm tấn như muôn nghìn giọt lệ tự trên trời đổ xuống để khóc than cho số phận của một đất nước hiền lành vô tội trước sự sai lầm của lịch sử, lịch sử đã chọn Ma Vương, Tà Giáo.

 

Đám đông hàng nghìn người đội mưa đứng nhìn đoàn xe quân sự từ hướng Tổng tham mưu, Gò vấp tiến về Cầu Kiệu Sài Gòn. Dân chúng hai bên lề nhìn đoàn xe liên tu bất tận chạy về phía nội thành, nhìn những người lính chiến đầu đội mũ sắt, ngồi ủ rũ trên các xe díp, xe cam nhông, xe kéo pháo… từ từ lướt qua đám người bàng quang hai bên lề đang nhìn họ, dẫu cho tới khi nhắm mắt lìa họ cũng không bao giờ quên được ngày hôm ấy.

 

“Ông Trời cũng còn phải khóc.”

 

Ông Trời vẫn tuôn lệ đầm đìa trên đám người bàng quan hai bên hè phố và trên dòng xe quân sự, lính cũng như dân nhiều người đã không cầm được nước mắt, họ khóc thương cho số phận cay đắng của một dân tộc bất hạnh, một đất nước tan hoang, tiêu điều, bị dầy vị sâu xé vì chiến tranh cách mạng mấy chục năm qua. Có người vui vẻ tươi cười nghĩ rằng binh đao khói lửa không còn, nhưng chỉ là vui gượng kẻo mà, niềm uất hận ngẹn ngào của nỗi buồn vong quốc.

 

Vài người ngước mắt nhìn trời với những hạt mưa lấm tấm rớt trên mặt.  Họ theo dõi hai chiếc phản lực cơ bay cao vút trên nền trời u ám đang sũng nước mưa, chúng bay thật cao vòng quanh một lúc. Đó là những chiếc máy bay từ Thái Lan qua để theo dõi và bảo vệ cuộc tháo lui của người Mỹ, những chiếc phản lực cuối cùng đang vĩnh biệt Sài Gòn. Nhiều người cũng ngước mắt lên trời theo dõi chiếc máy bay cao tít trên nền trời u ám, quang cảnh thật u buồn không bút mực nào tả cho siết được. Bầu trời hôm nay xám xịt, cơn giông bão đầu mùa đã nhuốm lên cảnh vật một mầu tang tóc.

 

Người Việt Quốc Gia đã đổ bao nhiêu xương máu, chiến đấu cho phần đất tự do của họ từ mấy chục năm qua để rồi một sớm một chiều chế độ tự nhiên tan tành thành tro bụi. Một Đất nước tự do có Quân đội, Chính phủ, Quốc hội, có Tổ chức qui mô nay tan ra như cám không còn gì cả.

 

.

Trước 1954

 

Ngược dòng thời gian Chính phủ Bảo Đại chấp chính từ tháng 7/1949 đến đầu năm 1950, kế đó là các chính phủ Nguyễn Phan Long 1950, Trần Văn Hữu 1950-1951. Chế độ không có Hiến pháp mà chỉ có hai Đạo dụ ngày 1/7/1949 về tổ chức công quyền. Các nước Mỹ, Anh, Úc và nhiều nước trên thế giới tự do thừa nhận chính phủ Quốc gia, tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự đều sáng sủa. Thủ đô chính trị là Sài Gòn, các phái đoàn ngoại giao đều thiết lập ở đó.

 

Người Pháp không thể một mình đánh Việt Minh được, nhất là VM được sự giúp đỡ tận tình của Trung Cộng. Ngày 21/6/1949 bản văn thoả ước Élysée được công bố, thừa nhận Việt Nam độc lập, thống nhất, có chủ quyền ngoại giao, nội trị.

 

Bảo Đại về nước trị vì đã gây được niềm tin tưởng nơi người dân y như nhà có nóc mà núp. Từ đấy dân chúng hồi cư tấp nập về thành thị, riêng tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội, Sơn Tây. . trong tháng 7/1949 mỗi ngày có mấy nghìn người.

 

Tháng 9/1948 Cộng quân Trung Hoa chiếm tỉnh Sơn Đông, tháng 4/1949 Cộng quân vượt sông Dương Tử chiếm Nam Kinh Thủ đô Quốc Dân Đảng Trung Hoa, họ tiến về Hoa Nam.

Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô là Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan. Cuối năm 1948, đầu năm 1949 bà Tống Mỹ Linh, phu nhân Tưởng Giới Thạch sang Mỹ xin viện trợ nhưng bị bác bỏ.

 

Khi Trung Cộng giúp cho Việt Minh thành lập 6 sư đoàn chính qui những năm 1950, 51.. thì Mỹ thấy nguy hiểm cho Đông Nam Á và họ vào can thiệp, nhưng chỉ can thiệp gián tiếp.  Vì để mất Trung Hoa vào tay Trung Cộng nên tỷ lệ ủng hộ TT Truman từ 70% tụt xuống còn 35%. Mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản là một sự tai hại, nó ảnh hưởng nguy hại cho tận tới ngày hôm nay.

 

Quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, phần vì họ còn yếu kém so với Mỹ và VNCH sau này, tổng cộng toàn Đông Dương Pháp chỉ có 200 máy bay cổ điển, mười một năm sau Mỹ và VNCH có bôn, năm ngàn máy bay phản lực và trực thăng. Dù sao Việt Minh cũng chịu tổn thất lên tới hơn tám ngàn người (8,000), Pháp và các lính thuộc địa chỉ bằng một phần tư con số đó. Việt Minh hy sinh nhân mạng tối đa để lấy tiếng vang trên thế giới, mạng người của Cộng Sản rẻ như bèo.

 

Hiệp định Geneve chia đôi đất nước ký vào ngày 20/7/1954 do Pháp và Việt Minh ký kết, Quân đội Quốc Gia và Quân Đội Pháp rút xuống miền Nam, Việt Minh từ các chiến khu về tiếp thu Hà Đông Hà Nội.

 

Tại miền Nam Việt Nam, người Pháp tuy bại trận nhưng họ muốn dựng lên một chính phủ thân Pháp trong khi người Mỹ muốn Pháp rút khỏi VN. Sự thực ảnh hưởng của người Mỹ mạnh hơn Pháp nhiều, súng đạn, chi phí tại Đông Dương của Pháp đều do Mỹ chu cấp. Năm 1954, Mỹ đã gánh 78% chiến phí (1)

 

.

Sau năm 1954

 

Cộng Sản Hà Nội đã chiếm được miền Bắc lại muốn nuốt thêm miền Nam, theo Hiệp Định Genève do chính Wikipedia trong nước in ra. Ta cần chú ý, trước hết vấn đề Tổng tuyển cử dự trù năm 1956 chỉ là nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó không có nhiều giá trị về mặt pháp lý. Trên thực tế cuộc Tổng tuyển cử tại VN năm 1956 không được các cường quốc quan tâm kể cả Nga, Trung Cộng, người ta chỉ muốn một hiệp định chấm dứt chiến tranh. (xin coi Hiệp định Geneve, Wikipedia)

 

Năm 1959, 60 CS Hà Nội phát động chiến dịch Giải phóng miền Nam, Mặt trận Giải phóng miền Nam do CS Hà Nội dựng lên tại miền Nam ngày 20/12/1960. Tại miền Bắc từ sau 1960, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất (Tổng bí thư) của đảng, Hồ Chí Minh ra rìa, chỉ là bù nhìn, quyền hành dần dần vào tay tập đoàn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh. Lê Duẩn giao cho Lê Đức Thọ cài đặt những tay chân thân tín trong chính quyền của họ. Từ 1960 cho tới năm 1975, mấy chục năm đằng đẵng Lê Duẩn đã đẩy hằng hà sa số thanh niên vào tử địa. Hai mươi năm sau, khi kỷ niệm chiến thắng 30/4, chính CSVN phải công nhận hàng triệu thanh niên đã hy sinh để giải phóng miền Nam. Những người từ miền Bắc vào Nam sau 30/4 đã nói, mười người bộ đội lên đường vào Nam chỉ có một người sống sót trở về.

 

Tại miền Nam cuộc đảo chính hụt chỉ kéo dài mấy ngày của Nguyễn Chánh Thi cho thấy có nhiều khó khăn về chính trị.  Ngày 1/11/1963 cuộc đảo chính do Quân đội đứng lên lật đổ ông Ngô Đình Diệm. Năm 1964 bên Nga Khrushchev bị hạ bệ, chấm dứt thời kỳ sống chung hòa bình với Mỹ, Lê Duẩn thu tóm nhiều quyền lực, đưa nhiều Trung đoàn chính qui xâm nhập vào Nam. Miền Bắc sau năm 1954 mạnh hơn miền Nam.

 

TT Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963 tại Dallas Texas, Phó TT Johnson lên thay.

 

Nhân vụ tầu Maddox bị hải quân CS tấn công tại Vịnh Bắc Việt đầu tháng 8/1964, ngày 7/8 Johnson đưa ra Quốc Hội để được ủng hộ can thiệp vào VN. Johnson đã được ủng hộ tối đa tại Lưỡng viện Quốc Hội và được thông qua lấy tên là Tonkin Gulf Resolution, Đạo luật Vịnh Bắc Việt.  Chính sách của ông đã được Quốc Hội ủng hộ vững chắc (3)

 

Nếu TT Johnson không đổ quân vào VN sẽ mất trong vòng 6 tháng, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tướng Westmoreland cũng nói thế, McNamara (trong In retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam), phim The Viet Nam war (quay năm 2017) cũng nói thế…Tóm lại người Mỹ đã cứu VN.  Năm 1965 TT Johnson đưa quân ồ ạt vào miền Nam khoảng 200,000 người, từ đó trung bình mỗi năm tăng 100,000 ngàn, tới năm 1968 đã hơn nửa triệu.

 

TT Johnson sai lầm ở chỗ ông thực hiện Chiến tranh giới hạn (Limited war), chỉ đánh cho nó sợ, cho bắt lính quân dịch nên phong trào phản chiến lên cao bắt đầu từ 1966, tới năm 1967, 68 thì không thể cứu chữa được. Theo nhận định một số nhà nghiên cứu sử đúng ra ông phải Việt Nam hóa chiến tranh ngay từ 1965.

 

Năm 1968, Johnson không ra ứng cử, ông nhường cho phó TT Hubert Humphrey. Nhưng dù ứng cử Johnson cũng sẽ không được cử tri bầu vì ông giải quyến chiến tranh VN quá bết bát.

 

Phía Cộng Hòa, Ứng cử viên Richard Nixon trước làm phó cho TT Eisenhower từ 1953-1961. Theo Phim The Viet Nam War (2017) và các ông Nguyễn Tiến Hưng, Trần đông Phong (4) thì TT  Nixon có xúi ông Thiệu không tham dự Hòa đàm Ba Lê đầu tháng 10 năm 1968.

 

Ông Thiệu có gây ảnh hưởng tới cuộc Bầu Cử Tổng Thống Mỹ ngày 5/11/1968 hay không?

 

Các tác giả Nguyễn Tiến Hưng,  Trần Đông Phong và Tập số 7 của phim The Vietnam War đều đồng ý là ông Thiệu đã nghe theo lời khuyên của Nixon nên đã tuyên bố không tham gia Hòa đàm Ba Lê vào ngày 2/11/1968 nghĩa là 3 ngày trước bầu cử Tổng Thống Mỹ 5/11/1968. Bà Chennault, đại diện của Nixon đã tới Sài Gòn và đã tiếp xúc với ông Thiệu. TT Johnson cho FBI, CIA nghe lén điện thoại của Chennault với VNCH nhưng không dám cho công bố để tố giác Nixon vì sợ bị kết tội nghe lén. Johnson nói Nixon chơi bẩn.

 

Johnson không ra tranh cử tiếp nhiệm kỳ hai mà ông nhường lại cho phó Tổng Thống Humphrey. Các tác giả VN, phim The Vietnam War nói vì ông Thiệu can thiệp vào cuộc bầu cử kể trên đã khiến Nixon đắc cử và Humphrey thất cử, Nixon vì nhờ ông Thiệu mà thắng Humprey hơn nửa triệu phiếu Phổ Thông.

 

Lập luận của Nguyễn Tiến Hưng, Trần Đông Phong và phim The Vietnam War hoàn toàn sai vì tại Mỹ người ta bầu Tổng Thống theo phiếu Cử Tri Đoàn, ai đủ 270 phiếu là đắc cử, phiếu Phổ Thông vứt vào thùng rác không được tính tới. Trong cuộc bầu cử này Nixon được 301 phiếu Cử Tri Đoàn trên 32 tiểu bang, Humphrey chỉ được 191 phiếu trên 13 tiểu bang và DC, Wallace (Ưcv độc lập) được 46 phiếu, trên 5 tiểu bang. Nixon thắng cử với tỷ lệ cao (56%), ông hơn đối thủ Humphrey 110 phiếu Cử Tri Đoàn như vậy không phải do gian lận dưới mọi hình thức.

 

Xin nói thêm những lý do mà người Mỹ không bầu cho Dân Chủ. Cử tri chỉ bầu cho một Đảng làm hai nhiệm kỳ, họ sợ độc tài, một đảng muốn làm ba nhiệm kỳ khó lắm, nó khó hơn trúng số, Dân Chủ đã làm 2 nhiệm kỳ từ 1960-1968 không thể làm thêm vì người dân đã quá chán cuộc chiến sa lầy của TT Johnson. Từ thời TT Eisenhower (Cộng Hòa) 1953 tới nay đã 70 năm chỉ có một trường hợp duy nhất một đảng làm ba nhiệm kỳ: TT Ronald Reagan (Cộng Hòa từ 1981-1989) và TT Bush cha (CH, 1989-1993) vì TT Carter (Dân Chủ) quá tồi tệ, người dân bầu cho Reagan để cứu vãn tình thế, ông là một Tổng Thống vào hàng ngoại hạng.

 

Làm thì như mèo mửa, lại đòi làm ba nhiệm kỳ thì thật không ngửi được. Sở dĩ Nixon đắc cử vì ông chủ trương Hòa bình trong danh dự, còn phía Dân Chủ, họ chủ trương vứt bỏ miền Nam VN sau khi thắng cử, họ công khai nói như vậy khi tranh cử (coi Wikipedia).

 

Kissinger than phiền về Đảng Dân Chủ khi ông ta và TT Nixon mới vào Tòa Bạch Ốc:“Sau khi Nixon nhận nhiệm sở của những người đã can thiệp vào VN (ý nói TT Johnson) mới đầu họ ra vẻ trung lập, rồi chống đối, gán cho ông ta trách nhiệm về cuộc chiến mà ông chỉ thừa hưởng, sau đó lại chỉ trích ông ta không chọn giải phái này nọ, mà chính họ khi cầm quyền đã không giải quyết”

 

(White House Years, chương VIII, The Agony of Vietnam, trang 227)

         (“And after Nixon toke office those who has created our involvement in Vietnam moved first to neutrality and then to opposition, saddling Nixon with responsibility for a war he had inherited and attacking him in the name of solutions they themselves had neither advocated nor executed when they had the opportunity)

 

Họ gây hấn với TT Nixon ngay khi ông mới vào Tòa Bạch Ốc, Nixon biết là không thể thắng nổi cuộc chiến trong khi có kẻ phá. Ông thực hiện VN hóa chiến tranh, tạo sức mạnh cho miền Nam  để khi Mỹ rút đi họ tự chống lại cuộc xâm lăng của miền Bắc.

 

Ngày 18/3/1970 Quốc hội Miên bỏ phiếu truất phế Quốc trưởng Sihanouk khi ông đang ở Bắc Kinh, Thủ Tướng Lon Nol nay đứng đầu chính phủ lâm thời. Đầu tháng 4/1970, Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng rời căn cứ tại biên giới tiến về bao vây Nam Vang để lật đổ chính phủ mới Lon Nol. Từ tháng 4/1970 CSBV mở rộng vùng chiếm đóng bao vây Nam Vang, nếu Mỹ không can thiệp thì họ sẽ mở rộng căn cứ địa nguy hại cho VNCH. Một khi chính phủ Lon Nol sụp đổ, Sihanouk sẽ về lãnh đạo chính phủ Cộng sản, miền nam VN sẽ bị lâm nguy, an ninh sẽ trở nên tồi tệ.

 

Ngày 27/3 VNCH vượt biên giới, ngày 23/4 tấn công nhiều tỉnh Miên, Mỹ không can thiệp, VNCH và Miên khó sống còn. Tối 30/4 Nixon đọc diễn văn cho biết CSBV đe dọa quân Mỹ khi ta rút về nước 150,000 quân. Ngày 22/5 Mỹ ước lượng VNCH ngăn chận được 12,000 quân CSBV xâm nhập, trong báo cáo cuối tháng ông cho biết, VNCH đã tịch thu được hơn 23,000 vũ khí cá nhân, 2,509 vũ khí cộng đồng, 15 triệu viên đản, 143,000 viên đạn súng cối, rocket, 200,000 viên đạn phòng không, phá hủy 435 xe cộ. Thiệt hại phía VNCH là 976 người Mỹ 338, VN 4,534 bị thương, Mỹ bị thương 1,523. Ta giết được 11,000 VC, bắt 2,500 tù binh.

 

Cuộc hành quân sang Miên nói chung thắng lợi, chống đối chiến tranh Đông Dương ngày càng lan rộng, Đảng Dân Chủ lợi dụng nhiều nhất, họ cho truyền thông hùa theo để biến nó thành phong trào toàn quốc. Họ đứng về phía Phản chiến để chống Nixon.

 

Năm 1971 Mỹ và VNCH hành quân chiếm Schepone nhưng vì thiếu quân nên cuối cùng phải rút bỏ, đối với Mỹ tấn công làm suy yếu địch để rút quân vì chống đối dữ quá. Vừa đánh vừa rút rất khó thực hiện, mục đích của Mỹ là Việt Nam hóa chiến tranh, cho VNCH sức mạnh để khi Mỹ rút VNCH đủ sức chống lại CSBV. Tại đây toàn bộ quân VNCH chỉ có 2 sư đoàn Tổng trừ bị (17,000 người) TQLC và Nhẩy Dù, trong khi CSBV kéo thêm đến 6 sư đoàn, khi giữa tháng 2 thiệt hại lên tới 3,000 người, CSBV cố giết cho nhiều lính VNCH dù chúng phải hy sinh

 

Về tổn thất hai bên ông Nguyễn Đức Phương (Chiến tranh VN toàn tập trang 519)

Mỹ 176 chết, 1,942 bị thương, 42 mất tích, thiệt hại quân dụng: 108 trực thăng và 7 phi cơ bị phá hủy.

 

VNCH: 1,483 người chết, 5,420 bị thương, 691 mất tích. Thiệt hại quân dụng: 75 chiến xa và thiết vận xa, 405 xe vận tải bị phá hủy; mất 198 vũ khí cộng đồng và 3,000 vũ khí cá nhân.

 

CS: 13,535 bị giết, 69 tù binh.  Thiệt hại quân dụng: 76 đại bác, 106 chiến xa, 405 xe vận tải bị tịch thu hoặc phá hủy; 1,934 vũ khí cộng đồng và 5,066 vũ khí cá nhân bị tịch thu”.

Theo tác giả Nguyễn Kỳ Phong, mấy tuần sau Lam Sơn 719 kết thúc Bộ Tư lệnh  MACV  và Bộ TTM VNCH tuyên bố:

 

Phía VNCH 1,529 người chết, 5,423 bị thương (21% so với quân tham chiến), mất 111 xe M-41, M-113, 90 dại bác, 70 quân xa.

 

Mỹ 174 chết, 1,027 bị thương, 42 mất tích.

 

CSVN 16,224 chết, 81 bị bắt, 4 đầu hàng, mất 308 đại bác phòng không, 48 đại bác, 223 súng cối, 207 súng hỏa tiễn 122 ly, 106 chiến xa, 291 xe vận tải (Hành quân Lam Sơn trang 185)

 

Trận đánh này cho thấy khiến cuộc tấn công năm 1972 của địch bị giảm đi nhẹ hơn, Hành quân Lam Sơn chỉ kéo dài mấy tháng cho thấy phía Mỹ và VNCH quí trọng sinh mạng con người. Mặc dù CSBV rêu rao thắng lợi nhưng chúng bị thiệt hại gần gấp mười, sự kiện cho thấy mạng người dưới tay Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp rẻ như bèo.

 

Năm 1965 Mỹ đổ quân ồ ạt, Duẩn được Tổng bí Thư mới của Nga Brezhnev viện trợ nhiều vũ khí tối tân, tới thập niên 70 Nga cấp cho BV  đại bác, xe tăng, phòng không, tên lửa các loại.

 

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam từ năm 1960 tới 1974 phe Dân Chủ luôn nắm ưu thế Quốc Hội dù bên nào nắm giữ Hành Pháp (Theo Wikipedia)

 

Từ 1960-1964 thời Kennedy, Dân Chủ vừa giữ Hành Pháp và 60% Hạ Viện (262 ghế), 64% Thượng Viện (64 ghế).

 

Từ 1964 tới 1968 thời Johnson họ giữ 67% Hạ Viện (295 ghế) và 68% Thượng Viện

 

Thời Nixon (1969) mặc dù Cộng Hòa giữ Hành Pháp nhưng Dân Chủ vẫn giữ ưu thế tại Lưỡng Viện Quốc Hội:

 

1969-70, Dân Chủ giữ 55% Hạ Viện (243 ghế) và 57% Thượng Viện

 

1970-72, Dân Chủ 55 % Hạ Viện (242 ghế), 56% Thượng Viện

 

1974-76, Dân Chủ giữ 66% Hạ Viện (291 ghế) và 61% Thượng Viện

 

Họ chiếm ưu thế tại Quốc Hội có nghĩa là họ giữ túi tiền, họ có thể cắt viện trợ cho nước ngoài hoặc ra Luật Chấm dứt chiến tranh, đem quân về nước. Tháng 2/1972 TT Nixon sang Tầu và tháng 5/1972 ông sang Nga tìm hòa bình, để nhờ họ giúp ép BV ký Hiệp Định, chúng không chịu ký thì Hành Pháp không thể rút quân được. CSBV làm khó dễ để đòi thêm nhượng bộ của Mỹ. TT Nixon sang Tầu (2/1972) khi Mao Trạch Đông muốn canh tân đất nước vì nhận thấy con đường Xã Hội Chủ Nghĩa không khá nổi. Tháng 5 /1972 ông sang Nga, theo lời kể Kissinger (White House Years, Chương XXV, Hanoi Throws the Dice) Giữa cuộc Tổng tấn công của CSBV năm 1972, Brezhnev rất thèm muốn họp Thượng đỉnh với Nixon để thương thuyết tài giảm binh bị và mua lúa mì của Mỹ vì nước Nga bị mất mùa, đói kém. Ngay cả Nga và Tầu thúc ép BV theo yêu cầu của Mỹ mà Lê Duẩn vẫn ngoan cố không chịu nghiêm chỉnh đàm phán. Chúng vẫn không chịu ký Hiệp Định.

 

Richard Nixon trong nhiệm kỳ từ 1969 tới 1972 đã đem quân về nước gần hết, trong khi đối thủ của ông McGovern nói nếu thắng cử ông sẽ bỏ miền Nam trong vài tuần, ông công khai nói như vậy (coi wikipedia). Nhưng người dân dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ đều dồn phiếu cho Nixon, sắp ký Hiệp định, bỏ miền Nam mà không làm sụp đổ Đông Dương.

 

Cuộc bầu cử ngày 7/11/1972 đã đưa Nixon lên tột đỉnh danh vọng, ông thắng cử lớn nhất từ xưa đến nay (The biggest landslide in our history), 96% phiếu Cử tri đoàn, hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu phổ thông, ngang với Ronald Regan sau này (7/11/1984, 97% Phiếu Cử tri đoàn, hơn đối thủ Mondale 17 triệu phiếu Phổ thông). Đảng Dân Chủ tức hộc máu mồm, quyết tâm hạ Nixon và Thiệu cho bõ ghét.

 

Theo lời kể của Kissinger Trong White House Years (Trang     1406, 1407), hôm sau khi thắng cử, tức ngày 8/11/1972, Nixon tập họp tất cả Nội các và nói đôi lời, sau đó bỏ đi và giao cho Chánh Văn Phòng Haldeman nói tiếp. Ông Chánh văn phòng bèn nói mọi người phải làm đơn từ chức ngay hôm nay khiến mọi người chưng hửng và bảo nhau: nếu Dân Chủ thắng họ còn để cho mình một tháng rồi mới từ chức.

 

Kissinger hết hồn, nhưng ông Chánh văn phòng nói nhỏ vào tai Kissinger riêng ông vẫn còn làm việc, cứ làm đơn từ chức và làm cho xong Hiệp định Paris. Kissinger nghĩ làm xong Hiệp định rồi sẽ xin nghỉ, tại cuộc Hòa đàm Ba Lê, mọi chuyện ông đều tường trình cho TT Nixon biết, cứ 3 ngày ông báo cáo một lần để tùy nghi Tổng Thống, ông không có nhiều quyền như người ta tưởng. Hiệp định Paris là tác phẩm của Nixon chứ không phải của Kissinger, mọi việc liên quan đến Hiệp Định đều do Nixon quyết định.

 

Cuộc đàm phán tháng 11/1972 tại Paris không có kết quả, các trưởng khối tại Quốc hội Mỹ như John Stennis, Barry Goldwater, Gerald Ford… cho TT Nixon biết nếu VNCH không thuận ký kết Hiệp định thì Quốc Hội có thể sẽ ra luật Chấm dứt chiến tranh (buộc Hành pháp Nixon) rút quân đổi tù binh, cắt hết viện trợ, sẽ đưa ra Hạ Viện với tỷ lệ 2/1, VNCH sẽ không thể tồn tại (Larry Berman:  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam, trang 200)

 

Mark Clodfelter nói cuối tháng 11, Kissinger và Nixon tin là Hà Nội cố tình phá hòa đàm để hy vọng Quốc hội sẽ ra luật Chấm dứt chiến tranh (Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 200) Mặc dù Nixon tái đắc cử với tỷ lệ thật cao ngày 7/11/1972 mà chỉ có Reagan sau này mới bằng, nhưng ông vẫn bị Quốc Hội Dân Chủ gây khó khăn, họ kết hợp Truyền Thông, Phản Chiến chống đối dữ dội, nhờ vậy CS Hà Nội càng phá hòa đàm.

 

Từ đó đảng Dân Chủ ngày càng hận thù VNCH, cho rằng vì ông Thiệu mà họ thất bại. Tác giả Trần Đông Phong cho biết tháng 4 năm 1975 Quốc Hội Mỹ do Dân Chủ kiểm soát đã cắt bỏ hoàn toàn quân viện miền nam VN để trả thù việc ông Thiệu 7 năm trước (1968) đã ủng hộ Cộng Hòa và giúp Nixon thắng cử. Ông Phong nói một số dư luận tại Washington hồi đó nhận định như thế, ông trích dịch cuốn A Better War của Lewis Sorley trang 366:

 

“….Quốc hội Mỹ đã sắp xếp chuyện đó với một sự trả thù”

 

Kissinger biết là BV phá hòa đàm gây chia rẽ Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn. Họ chờ phiên họp của Quốc Hội đầu tháng 1/1973. Quốc hội Dân Chủ, sẽ ra Luật chấm dứt chiến tranh, cắt ngân khoản chiến tranh buộc Hành Pháp phải rút quân khỏi VN, miền Nam sẽ bị BV tấn công sụp đổ. Lúc ấy khỏe re, khỏi phải họp hành ký kết gì ráo trọi. TT Nixon gọi Kissinger về Mỹ ngày 13/12 và đánh một lá bài lớn, giải quyết bế tắc Hòa đàm Paris bằng vũ lực. Nixon lo ngại Quốc Hội có thể cắt ngân khoản quân sự, chấm dứt mọi xung đột và dành chiến thắng cho CS (Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 180)

 

Ngày 17/12  bắt đầu tiến hành gài mìn, và trong 24 tiếng đồng hồ Hoa  kỳ đã xử dụng 129 B-52 để oanh tạc BV. Trong 12 ngày từ 18/12 cho tới 29/12 Không quân Mỹ đã thực hiện 729 phi vụ B-52 và khoảng 1,000 phi vụ máy bay oanh tạc chiến đấu (máy bay chiến thuật), tổng cộng đã ném hơn 20 ngàn tấn bom.

 

Số B-52 dành cho chiến trường Đông Nam Á là 207 chiếc, một nửa Tổng số B-52 của Mỹ. Mục tiêu oanh tạc gồm các trục giao thông, kho nhiên liệu, đường rầy, nhà máy phát điện, phi trường … những mục tiêu này đều có ý nghĩa về quân sự. Đây là trận oanh tạc lớn nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, một trong những phương châm của Nixon là nếu đã xử dụng vũ lực thì phải mạnh hết cỡ không giới hạn.

 

Trận oanh tạc ngưng ngày 29, Hà Nội chịu trở lại hòa đàm..

 

Mục đích trận oanh tạc này để kéo BV trở lại bàn hội nghị

 

(This time, he had only one goal: to bring Hanoi back to the negotiating table, No Peace No Honor trang 215)

 

Phái đoàn BV trở lại bàn Hòa đàm lấm la lấm lét y như chó sợ pháo, tưởng bở lắm nên mới ăn trận đòn nhừ tử. Mặc dù bị ăn đòn nhưng họ vẫn đòi bằng được đóng quân ở lại miền Nam. Ông Thiệu phản đối không chịu ký, Nixon làm găng và cho biết vấn đề quan trọng là Quốc Hội (Dân Chủ) có cho viện trợ hay không. Ông ấy nói đúng, ông Thiệu chỉ la làng bị Nixon, Kissinger chơi ép cho có hình thức, ông biết rõ là hai người này không có quyền, Dân Chủ đã nắm Quốc Hội có thể cắt viện trợ, bắt Hành Pháp đem quân về nước. Ông Thiệu không dám chỉ trích Quốc Hội Dân Chủ để hy vọng họ nương tay nhưng không, họ thẳng tay trừng trị.

 

Sáu tháng sau Hiệp định Paris, Quốc Hội Dân Chủ cắt viện trợ VNCH mỗi năm 50%: Năm 1973 viện trợ Mỹ cho miền Nam là 2 tỷ 1, năm sau còn 1 tỷ 4, năm sau 1975 còn 700 triệu, tiền mất giá thực ra chỉ còn 500 triệu (5). Trong khi ấy, năm 1975 CSBV với viện trợ dồi dào của Nga, Trung Cộng mở cuộc Tổng tấn công, VNCH cầm cự với quân viện bị cắt giảm xương tủy và sụp đổ ngày 30/4/1975.

 

Cắt viện trợ chưa đủ, họ tìm cách lật đổ Nixon cho chắc ăn, còn Nixon là còn chiến tranh vì một vụ lãng nhách gọi là Watergate, tội nghe lén. Chính Johnson cũng nghe lén nhưng Cộng Hòa bỏ qua vì ai đi thưa kiện cái anh vô tích sự, Dân Chủ chơi bẩn vì “con gà nó tức nhau tiếng gáy”.

 

Miền Nam ngày càng suy yếu rõ rệt, 35% xe tăng, 50% thiết giáp, máy bay thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ. Hỏa lực giảm từ 60% tới 70% , tháng 3/1975 đạn chỉ còn đủ xử dụng trong một tháng, tháng 4 chỉ còn đủ cho xài khoảng hai tuần ( Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối VNCH trang 82, 83, 91, 92 ) Quốc Hội Dân Chủ đã khiến cho bao nhiêu đồng minh của họ ngã gục trước họng súng, hỏa lực vũ bão của quân thù.

 

Họ ghét cay ghét đắng miền nam VN vì theo Nixon, chính ông Thiệu cũng nói với Nguyễn Tiến Hưng khi ông Hưng sang Anh sau 75 vì theo Nixon còn hy vọng tồn tại, theo Dân Chủ ngay từ 1969 họ sẽ bắt miền Nam liên Hiệp sau 6 tháng, cả Humphrey năm 1968 và McGovern sau này 1972 cũng công khai nói vậy (coi Wikipedia)

 

Từ 1944, 45 đến 2021 Đảng Dân Chủ đã bốn lần bỏ đồng minh:

 

Họ nhường Đông Ậu cho Nga năm 1944, 1945

 

Trong bộ Lịch Sử Thế Chiến Thứ Hai (Histoire de La Seconde Guerre Mondiale) họ nói sở dĩ TT Roosevelt  nhường Đông Âu cho Nga để nhờ Nga phụ giúp đánh quân Nhật khi chiến tranh kết thúc tại Châu Âu. Nhường Đông Âu cho Nga để sau đó Nga giúp Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch, nguy hại cho tới ngày nay,

 

Năm 1957 C.V Gheorghiu viết cuốn truyện ngắn Les Sacrifies du Danube, những kẻ hy sinh tại vùng sông Danube. Truyện thể hiện nỗi uất hận của những nước Đông Âu trong vùng Danube đã bị Mỹ bán cho Sô Viết để cứu nền văn minh Tây Âu.

 

Trước Thế Chiến các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni… là những nước dân chủ tự do, theo kinh tế tư bản, đành cam chịu sống dưới gông cùm CS. Họ oán Mỹ, hiện nay vì còn quá sợ hãi Nga nên phải theo Mỹ.

 

Tổng Thống Roosevelt (Dân Chủ) làm thêm nhiệm kỳ ba được một tháng thì mất ngày 12/4/1945, Phó TT Truman lên thay

 

Điều bất ngờ là Mỹ đã hoàn tất bom Nguyên tử, ngày 6 và 9 tháng 8/1945 TT Truman ra lệnh ném bom Nguyên tử xuống Hiroshima và Nagakasi tại Nhật, ngay sau đó một triệu rưỡi quân Nga tấn công Lộ quân Quân Đông Nhật tại Mãn Châu. Khoảng một triệu quân Nhật đầu hàng. Người Nga lấy kho vũ khí to lớn của địch kể cả xe tăng thiết giáp giao cho Mao Trạch Đông.

 

Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa,. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan. Đầu năm 1949 bà Tống Mỹ Linh, phu nhân Tưởng Giới Thạch sang Mỹ xin viện trợ nhưng bị bác bỏ.

 

Để mất Trung Hoa vào tay Trung Cộng, tỷ lệ ủng hộ Truman từ 70% xuống còn 35%. Mất Trung Hoa là một sự thảm họa, nó nguy hại cho tận tới ngày hôm nay.

 

Bỏ Đông Dương 1975

 

Cuối cùng bỏ A Phú Hãn 2021

 

Bây giờ ta nói về chuyện Quốc Hội Dân Chủ hay nói trắng ra Dân Chủ bỏ Đông Dương

 

Tác giả, Giáo sư Mark Clodfelter nói

 

“Ta không biết Quốc hội có cắt viện trợ VNCH hay không nếu không có trận oanh kích Giáng sinh (cuối tháng 12/72) nhưng sau trận oanh tạc, Lập Pháp phẫn nộ và việc cắt viện trợ miền Nam chắc chắn sẽ xẩy ra nếu TT Thiệu từ chối ký kết Hiệp định. Nhà lãnh đạo miền Nam (tức ông Thiệu) không dám liều lĩnh như vậy, không có viện trợ, không thể sống còn. Ông ta đồng ý ký nhưng sau hạn chót của TT Nixon” (Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 200).

 

.

Lời Kết

 

Mặt trận cuối cùng bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng 3 năm 1975 khi Bắc Việt tấn công quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức cho đến  ngày 30 tháng 4 năm 1975 tính ra mới có năm mươi mấy ngày y như một cơn ác mộng.

 

Võ Nguyên Giáp tấn công quân Pháp tại Hà Nội khuya 19 tháng 12 năm 1946, đó là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày kết thúc. Đã có sinh phải có diệt, có mở đầu phải có kết thúc, thấm thoắt đã Bốn mươi tám năm qua, 48 năm binh đao khói lửa, 48 năm dầy vò giang sơn gấm vóc, ai gây nên cảnh tương tàn?

 

Cuộc chiến tranh dài đằng đẵng ấy đã giết hại hằng mấy triệu người dân vô tội, tàn phá quê hương ta, thiêu đốt hằng trăm, hằng nghìn làng mạc đô thị của đất nước ta, kìm hãm dân tộc ta trong vòng nghèo đói lạc hậu.

 

Những kẻ đã gây lên Cuộc chiến tranh “Cốt nhục tương tàn, núi xương sông máu” sẽ phải đời đời đắc tội trước Non sông và Lịch sử.

 

Trọng Đạt

————————

Cước chú

(1) The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2

(2) xin xem  Lỗi Lầm Lớn Nhất Của Họ Hồ của cùng tác giả

(3) Richard Nixon- No More Vietnams trang 73, 74, 75

(4) Chuyện này đã được GS Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong Chương Một của cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy năm 2005, Ông Trần Đông Phong cũng bàn kỹ về đề tài này trong cuốn Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng (từ trang 41 tới trang 69)

(5) Kissinger, Years of Renewal trang 471





No comments: