Saturday, December 10, 2022

HAI VỤ ĐẢO CHÍNH HỤT Ở MỸ và ĐỨC VỚI HAI CÁCH GIẢI QUYẾT KHÁC NHAU, NGƯỜI MỸ NGHĨ GÌ? (Việt Linh / Cali Today News)

 



Hai vụ đảo chính hụt ở Mỹ và Đức với hai cách giải quyết khác nhau? Người Mỹ nghĩ gì?

Việt Linh  -  Cali Today News

December 8, 2022

https://www.baocalitoday.com/binh-luan/hai-vu-dao-chinh-hut-o-my-va-duc-voi-hai-cach-giai-quyet-khac-nhau-nguoi-my-nghi-gi.html

 

Hàng ngàn cảnh sát, hay nói chính xác hơn là con số 3.000 cảnh sát đã tiến hành nhiều cuộc truy quét trên khắp nước Đức hôm Thứ Tư nhắm vào những phần tử cánh hữu cực đoan bị tình nghi là những kẻ đang tìm cách lật đổ chính phủ hợp pháp của nước Đức bằng một cuộc đảo chính vũ trang.

 

Những cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích tại 130 địa điểm ở 11 trong số 16 tỉnh bang của Đức để chống lại những người ủng hộ cái gọi là phong trào Công dân Đế chế.

 

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

 

Các công tố viên liên bang cho biết những thành viên của nhóm cực đoan này bác bỏ hiến pháp thời hậu chiến của Đức và kêu gọi lật đổ chính phủ.

 

Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann mô tả các cuộc đột kích là một “hoạt động chống khủng bố nội địa”, đồng thời nói thêm rằng các nghi phạm có thể đã lên kế hoạch tấn công vũ trang vào các cơ quan của các tỉnh bang.

 

Các công tố viên cho biết 25 công dân Đức đã bị giam giữ vì bị nghi ngờ “là thành viên của một tổ chức khủng bố nội địa”. Ba người khác, trong đó có một công dân Nga, bị tình nghi ủng hộ tổ chức này.

 

Tuần báo Der Spiegel đưa tin các địa điểm bị lục soát bao gồm doanh trại của đơn vị lực lượng đặc biệt KSK của Đức ở thị trấn Calw phía tây nam nước Đức. Đơn vị này trong quá khứ đã bị xem xét kỹ lưỡng về cáo buộc có liên quan đến tư tưởng cực hữu của một số binh sĩ.

 

Cùng với các vụ giam giữ ở Đức, các công tố viên cho biết một người đã bị giam giữ ở thị trấn Kitzbuehel của Áo và một người khác ở thành phố Perugia của Ý. Có thể nói dây là một chiến dịch phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia để tận diệt các mầm mống của chủ nghĩa cánh hữu cực đoan ở Châu Âu.

 

Các công tố viên cho biết những người bị bắt giữ bị cáo buộc vào năm ngoái đã thành lập một “tổ chức khủng bố với mục tiêu đảo ngược trật tự nhà nước hiện có ở Đức và thay thế nó bằng hình thức nhà nước của chính họ, vốn đang trong quá trình thành lập”.

 

Các nghi phạm biết rất rõ rằng mục tiêu của họ chỉ có thể đạt được bằng biện pháp quân sự và bằng vũ lực.

 

Những người họ bị cáo buộc đã tin vào một “thuyết âm mưu sai trái được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng QAnon”. Các thành viên của nhóm này cũng tin rằng nước Đức đang được cai trị bởi cái gọi là ‘nhà nước ngầm’; là một tuyên bố vô căn cứ tương tự như ở Hoa Kỳ đã được nói một cách công khai trên nền tảng Truth Social của Donald Trump và trong các cuộc biểu tình chính trị, đó là một điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa hai quốc gia dân chủ, tự do giống nhau nhưng có hệ thống pháp luật khác nhau, vì ở Đức hay bất cứ quốc gia Châu Âu nào, việc tập họp đông người để cổ súy những tư tưởng chống đối chính phủ bằng những thuyết âm mưu sai trái hay hoạch định những âm mưu chống chính phủ, dù chỉ là những lời nói cũng bị xem là bất hợp pháp nhưng lại được xem là hợp pháp ở Mỹ, đơn giản vì ở Mỹ luôn có sẳn một tu chính án thứ nhất bảo vệ bất kỳ công dân nào.

 

Vẫn là những thuyết âm mưu như ở Mỹ, những thuyết âm mưu về một nhà nước ngầm, về một đầm lầy chính trị, nhưng điều đáng để cho người Mỹ học hỏi người Đức qua câu chuyện hôm nay tôi muốn gởi đến quý vị thính giả, đó là ở Đức, những người này chỉ là nghi ngờ có tư tưởng nổi loạn chống chính phủ hợp pháp do dân bầu nên, chỉ mới là nghi ngờ, chỉ mới là tình nghi thôi, họ chưa gây ra một hành động nào đáng tiếc hay chưa gây tổn thương ai, chỉ là nghi ngờ về những hành động mà những người này nếu thực hiện trên thực tế, có thể sẽ gây ra tổn thương đến sinh mạng của những người khác, sẽ gây tổn thương đến hệ thống chính trị nghiêm minh và đúng đắn của một chính phủ hợp hiến, nên các lực lượng thực thi pháp luật đã ra tay trước khi những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Vậy cảnh sát và tình báo Đức có giỏi hơn hơn NSA tức bộ an ninh nội địa cùng với lực lượng FBI của Mỹ hay không?

 

Ở đây tôi không mổ xẻ đến chuyện giỏi hay dỡ mà tôi chỉ muốn nói đến chuyện dám hay không dám.

 

Vụ bạo loạn trên đồi Capitol của Mỹ xảy ra từ ngày 6 tháng 1 năm 2021, với một số người chết, nhiều người bị thương, các nhà lập pháp Mỹ phải chạy trốn xuống tầng hầm, sau đó bắt một số người tham gia, họ chỉ là những con chốt thí với những bản án vài tháng đến vài năm, nặng nhất là Stewart Rhodes với 20 năm, tay cầm đầu nhóm Oath Keepers vẫn chưa phải là những kẻ hoạch định, thiết kế, dàn dựng âm mưu, những kẻ quan trọng hơn như Stephen Miller, Dan Scavino, Michael Flynn, Mark Meadows, Rudy Giuliani và tên trùm là Donald Trump, những người quan trọng này vẫn chưa bị gì, chỉ riêng điều này là rất khác với nước Đức, vì những người bị bắt ở Đức chỉ mới bị nghi ngờ và chưa thực hiện những hành động xấu, còn ở Mỹ, hành động đã được thực hiện, hậu quả đã xảy ra, nhưng những người cầm đầu vẫn đang trong tư cách là những công dân Mỹ lương thiện, được quyền đi đây đó du lịch, cổ súy bạo lực, phô trương thanh thế, tuyển người và tổ chức những cuộc biểu tình chính trị với hàng ngàn người tham dự và cho tung ra những luận điệu chống chính phủ một cách công khai, điểm khác nhau là ở đây, một hệ thống pháp luật và pháp lý chằng chịt cùng với những thứ Tu chính án lỗi thời, bất cập đã bảo vệ cả những người Mỹ lương thiện và cả những tên phạm tội đến tận chân răng kẻ tóc.

 

Quay trở lại với nước Đức, các công tố viên đã xác định kẻ cầm đầu bị nghi ngờ, tôi xin nhắc lại, chỉ là bị nghi ngờ là người cầm đầu nhóm nỗi loạn, đó là Heinrich XIII PR bị bắt từ Frankfurt, là thủ lĩnh của nhóm khủng bố âm mưu lật đổ chính phủ, thành viên 71 tuổi là người nổi tiếng của một gia đình quý tộc loại trung người Đức. Nếu kế hoạch của ông ta và nhóm khủng bố nội địa thành công, ông ta muốn trở thành người lãnh đạo một chính phủ cách mạng.

 

Nhân vật thứ hai cầm đầu nhóm này là Ruediger von Pescatore, người này là một cựu quân nhân, một người lính nhảy dù 69 tuổi được các công tố viên mô tả là một thủ lĩnh đầy tham vọng, là “cánh tay quân sự” của nhóm khủng bố nội địa. Từ năm 1993 đến năm 1996, Ruediger là chỉ huy trưởng tại tiểu đoàn nhảy dù 251, sau này được chuyển thành Bộ Tư lệnh Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (KSK). Ông ta được cho là đã bị trục xuất khỏi quân đội vì buôn bán trái phép vũ khí từ kho của quân đội Đông Đức cũ.

 

Các công tố viên liên bang cho biết ông Heinrich XIII PR, người mà nhóm phản loạn dự định bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của nước Đức khi chiếm được Quốc Hội và lật đổ thành công chính phủ đương nhiệm, ông này đã liên lạc với các quan chức Nga với mục đích đàm phán một trật tự mới ở nước này sau khi chính phủ Đức bị lật đổ. Ông ta được cho là đã được hỗ trợ bởi một phụ nữ Nga, tên gọi tắt là Vitalia B.

 

Một thành viên khác của nhóm là Birgit Malsack-Winlermann, người phụ nữ này là một thẩm phán và cựu nhà lập pháp của đảng cực hữu cực đoan Alternative for Germany, gọi tắt là đảng AfD. Đảng này đã từng bị các cơ quan an ninh Đức giám sát chặt chẽ do có quan hệ với các phần tử cực đoan.

 

Cả hai nhân vật cầm đầu này sùng bái chủ thuyết Qanon, sùng bái những nhân vật cực hữu, các nhà độc tài như Adolf Hitler, Benito Mussolini, và gần đây nhất là Viktor Orban của Hungary và Donald Trump của Hoa Kỳ.

 

Những người họ là những người luôn ủng hộ hầu hết các thuyết âm mưu của QAnon và chủ trương thành lập một nhà nước chuyên quyền và phân biệt chủng tộc, họ cũng từng tuyên bố không muốn thấy bất cứ người nước ngoài nào tại nước Đức.

 

Và kế hoạch khủng khiếp mà họ dự định tiến hành chính là một sự bắt chước rập khuôn như cuộc bạo loạn vào điện Capitol ở Hoa Kỳ, lấy cảm hứng từ những người ủng hộ Donald Trump đã thực hiện.

 

Nhóm này được thúc đẩy bởi ý thức hệ tôn thờ các thuyết âm mưu của QAnon và Reichsbürger (tạm dịch là Đế chế Công dân), phủ nhận quyền tồn tại của chính phủ Đức hiện đại.

 

Bà Nancy Faeser, Bộ trưởng Nội vụ Đức, đã gọi nhóm này là “những kẻ thù của nền dân chủ“, nói rằng vẫn chưa rõ kế hoạch của họ đã tiến triển đến mức nào hoặc khả năng thành công của họ như thế nào. Nhưng bà mạnh mẽ khẳng định rằng, chính phủ sẽ đáp trả những âm mưu như vậy bằng “toàn bộ sức mạnh của các lực lượng thực thi pháp luật của đất nước” để ổn định xã hội.

 

Trong khi ở Hoa Kỳ, những kẻ gây rối, chiêu mộ thành viên mới cho tà giáo ReAwaken America của Michael Flynn, các buổi lên đồng ủng hộ tinh thần cho nhóm âm binh MAGA trong các cuộc biểu tình chính trị, Donald Trump đưa ra những lời kích động công khai kêu gọi bạo lực, đe dọa chính quyền và Bộ tư pháp, Stephen Miller thành lập một nhóm chủ trương phân biệt chủng tộc cũng công khai, những người họ đang khuấy động và chia rẽ xã hội một cách công khai nhưng hầu như không thấy chính quyền và lực lượng thực thi pháp luật có phản ứng gì.

 

Một thí dụ đơn giản, nếu một nhà lập pháp trong Quốc Hội Đức mà nói ra những câu miệt thị, đe dọa người chủ tịch Quốc Hội như Marjorie Taylor Greene thì chắc chắn sẽ bị sa thải ngay lập tức, nước Đức là một quốc gia có tôn ti trật tự, nhiều đảng phái nhưng không hề có những vụ miệt thị, tấn công, bêu xấu nhau giữa các nhà lập pháp.

 

Thuật ngữ “từ chức” là một từ ngữ thông dụng trong quốc hội Đức, ai làm sai hay thất bại trong công việc đều dễ dàng lên tiếng từ chức và rời đi, chẳng có ai đam mê với quyền lực cả.

Đại sứ quán Nga tại Berlin đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào của chính phủ Nga với nhóm phản loạn này. Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết: “Các cơ quan ngoại giao và lãnh sự quán Nga ở Đức không có liên hệ với đại diện của các nhóm khủng bố hoặc các đơn vị bất hợp pháp khác”.

 

Lời kết:

 

Tôi thực sự không biết khi thấy chính quyền Đức, cảnh sát Đức ra tay hành động với những kẻ khủng bố nội địa với cáo buộc NGHI NGỜ mà đã ra quân với hơn 3.000 cảnh sát để bắt trọn ổ và ngăn ngừa hậu hoạn gây tổn thương đất nước và con người ở Đức thì những người Mỹ có trách nhiệm nghĩ gì, câu chuyện hôm nay làm tôi chợt nhớ đến một câu nói rất quen: “Thấy người lại nghĩ đến ta”.

 

Việt Linh 08.12.2022






No comments: