Sunday, May 8, 2022

TRƯỚC HỘI NGHỊ HOA KỲ - ASEAN, THỬ NHÌN QUAN HỆ MỸ và ĐÔNG NAM Á (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Trước hội nghị Mỹ-ASEAN, thử nhìn quan hệ Mỹ và Đông Nam Á

Hiếu Chân/Người Việt

May 6, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/truoc-hoi-nghi-my-asean-thu-nhin-quan-he-my-va-dong-nam-a/

 

Tổng Thống Joe Biden sắp mở hội nghị thượng đỉnh với nguyên thủ quốc gia 10 nước Đông Nam Á vào tuần sau tại thủ đô Washington nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN, “thể hiện cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với ASEAN, công nhận vai trò trung tâm của nước này trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/A1-Quan-he-My-Dong-Nam-A-1068x688.jpg

Chỉ mấy tháng sau khi lên cầm quyền, dù bận rộn với việc chống dịch COVID-19 và nhiều vấn đề cấp bách khác, hôm 26 Tháng Mười, 2021, chính quyền Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN theo phương thức trực tuyến. (Hình: Nicholas Kamm/AFP via Getty Images)

 

rước khi hội nghị diễn ra, tưởng nên tìm hiểu xem quan hệ Mỹ-ASEAN ra sao, hiện nay người dân và ASEAN nghĩ gì về Hoa Kỳ, về cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này.

 

Một thoáng ASEAN

 

Mười nước ASEAN chia thành hai vùng địa lý: Đông Nam Á lục địa gồm năm quốc gia nằm trên lục địa Châu Á như Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan và Miến Điện và năm quốc gia hải đảo gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei. Theo dòng lịch sử, các quốc gia Đông Nam Á lục địa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, sao chép mô hình chính trị Trung Quốc và từng triều cống nước này dưới thời quân chủ phong kiến; các quốc gia hải đảo chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây do từng là thuộc địa của Hoa Kỳ (Philippines), đế chế Anh (Malaysia, Singapore, Brunei) và Hòa Lan (Indonesia).

 

Hiệp hội ASEAN ra đời vào Tháng Tám, 1967, với năm nước sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ngoài mục tiêu chính là hợp tác về kinh tế chính trị, ASEAN ban đầu còn đặt sứ mệnh ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản vào lúc cuộc chiến Việt Nam đang lên tới cao trào. Các thành viên ban đầu của ASEAN hoặc cử quân đội tham gia lực lượng đồng minh chiến đấu ở miền Nam như Philippines, hoặc cung cấp cơ sở hậu cần cho các lực lượng đồng minh như Thái Lan, Singapore.

 

Hai mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, mối lo Cộng Sản không còn bức bách bằng nhu cầu hợp tác kinh tế khu vực, ASEAN bắt đầu quá trình mở rộng và kết nạp thành viên là các nước Cộng Sản. Việt Nam gia nhập ASEAN Tháng Bảy, 1995; sau đó là Lào và Miến Điện (1997), và Cambodia (1999).

 

Việc mở rộng thành viên làm cho ASEAN vướng vào sự khác biệt lớn về thể chế chính trị và trình độ phát triển. Một số nước theo chính thể dân chủ pháp trị và có nền kinh tế tương đối trội như Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore đối lập với các nước Cộng Sản hoặc chuyên chế và có nền kinh tế yếu kém như Lào, Cambodia, Miến Điện và Việt Nam.

 

Do sự cách biệt này mà ASEAN khó tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề đối nội và đối ngoại, nhất là khi tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, mọi quyết định đều cần được sự đồng ý của tất cả các thành viên. Thực tế, ASEAN vẫn bị coi là một diễn đàn trao đổi ý kiến và tranh luận, nói nhiều hơn làm, hơn là một tổ chức có sức mạnh thực tế trong những vấn đề khu vực và thế giới.

 

ASEAN trong làn sóng bành trướng của Trung Quốc

 

Vài thập niên gần đây, Trung Quốc cải cách kinh tế trở nên hùng mạnh và mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam, va chạm với quyền lợi của nhiều quốc gia ASEAN. Trên lục địa Đông Nam Á, Trung Quốc xây đập ngăn dòng chảy sông Mekong, ảnh hưởng đến nguồn sống của người dân các nước Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.

 

Ngoài Biển Đông, Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự, đụng độ với các nước hải đảo và ven biển như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên, do mối quan hệ cộng sinh với thị trường khổng lồ của Trung Quốc, và cũng vì quyền lợi riêng của từng quốc gia, ASEAN chưa bao giờ có một đối sách mạnh mẽ với Trung Quốc, ngoại trừ việc ký kết một bản tuyên bố quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Bắc Kinh chưa bao giờ tôn trọng.

 

Thực tế, Trung Quốc đã rất khéo léo trong việc phân hóa ASEAN, các nước Đông Nam Á lục địa phản ứng với hành vi của Trung Quốc trong vấn đề sông Mekong nhưng lại hờ hững với vấn đề Biển Đông vì không liên quan trực tiếp tới họ và ngược lại các nước hải đảo cũng vậy. Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN đối kháng với Trung Quốc cả ở vấn đề sông Mekong và Biển Đông. Một vài nước công khai đi theo Bắc Kinh như Cambodia gây không ít trở ngại cho sự đồng thuận của ASEAN.

 

Và sự lạnh nhạt của Hoa Kỳ

 

Cuộc bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á diễn ra cùng thời gian với sự suy giảm vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

 

Năm 1955, tức là sau khi Cộng Sản làm chủ được một nửa nước Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước trong và ngoài Đông Nam Á lập tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) để ngăn chặn hiểm họa Cộng Sản và duy trì an ninh khu vực. Từ đó đến khi SEATO giải tán Tháng Sáu, 1977, các quốc gia Đông Nam Á hải đảo đã có môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và trở nên phồn thịnh.

 

Dưới cái dù an ninh của Hoa Kỳ, Biển Đông khá hòa bình và phẳng lặng, giúp cho dòng chảy thương mại giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan) xuống Đông Nam Á và ra thế giới được vận hành suôn sẻ. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh từ năm 1976 tới nay cũng nhờ môi trường hòa bình ổn định này.

 

Nhưng từ khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam vào Tháng Hai, 1973, sau đó rút khỏi các căn cứ ở Philippines năm 1992, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ phai nhạt dần; các nước Đông Nam Á cảm thấy như họ bị lãng quên trong chính sách của Washington. Nhiều đời tổng thống qua đi mà chưa hề có một hội nghị nào giữa chính quyền Mỹ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.

 

Đến khi Tổng Thống Barack Obama tuyên bố chiến lược “xoay trục” sang Châu Á năm 2010 và thiết kế Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để kết nối kinh tế Châu Á với thị trường Hoa Kỳ thì Đông Nam Á lại nhen nhóm hy vọng.

 

Nhưng các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq hút hết tiềm lực và sự chú ý của người Mỹ, ông Obama lực bất tòng tâm đã không thể thúc đẩy chiến lược tái cân bằng của ông. Suốt tám năm làm tổng thống, ông Obama chỉ họp với các nguyên thủ ASEAN một lần vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, nhưng không phải ở Tòa Bạch Ốc mà chỉ là một cuộc tiếp tân thân mật trong trang trại Sunnyland ở California, nơi ông đang nghỉ mát!

 

Thời ông Donald Trump không có một cuộc họp nào với các nhà lãnh đạo ASEAN; quan hệ Mỹ-ASEAN lạnh nhạt chưa từng thấy dù ông Trump có sang Singapore, Việt Nam để dự hội nghị APEC và gặp gỡ ông Kim Jong Un, nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

 

Nỗ lực xoay chuyển của chính quyền Joe Biden

 

Tổng Thống Joe Biden đang nỗ lực khôi phục vị trí lãnh đạo và vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực ASEAN. Đó là một phần trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương mà Washington đã công bố, trong đó xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ.

 

Chỉ mấy tháng sau khi lên cầm quyền, dù bận rộn với việc chống dịch COVID-19 và nhiều vấn đề cấp bách khác, Tháng Mười, 2021, chính quyền Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN theo phương thức trực tuyến và nay tổ chức hội nghị trực tiếp, mặt đối mặt, giữa các nguyên thủ quốc gia tại Washington.

 

Từ năm ngoái đến nay, ông Biden cũng đã cử những quan chức cao cấp nhất của chính phủ như Phó Tổng Thống Kamala Harris, các bộ trưởng và thứ trưởng Lloyd Austin, Wendy Sherman đến khu vực này để làm nóng lại mối quan hệ. “Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris là đóng vai trò một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN vững mạnh và thống nhất để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong thông cáo báo chí về hội nghị sắp tới.

 

Bên cạnh các chuyến thăm ngoại giao, chính quyền Biden đã có nhiều hành động thiết thực hỗ trợ các nước Đông Nam Á kiểm soát đại dịch COVID-19, giúp tăng cường năng lực bảo vệ hải phận, thường xuyên tuần tra hải hành để chống sự xâm lấn và quấy nhiễu của Trung Quốc. Ví dụ với Việt Nam, Washington đã tặng hai tàu Tuần Duyên cho cảnh sát biển và sắp tới sẽ trao tiếp tàu Tuần Duyên thứ ba; đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine, đủ phòng bệnh cho 20% dân Việt, cung cấp một loạt thiết bị y tế khác, trong đó có hơn 110 tủ đông âm sâu, 100 máy thở, hai máy giải trình tự gen, một hệ thống tạo oxy lỏng di động, hàng trăm ngàn khẩu trang phẩm chất cao… với tổng giá trị lên đến gần $23.5 triệu.

 

Thái độ của Đông Nam Á 2022

 

Sự thay đổi đó của Washington sẽ được các nước Đông Nam Á tiếp nhận thế nào? Tin tốt là qua nhiều thăng trầm, người dân các nước ASEAN vẫn còn nhiều thiện cảm với Mỹ.

 

Nghiên cứu thường niên về “The State of the South East Asia 2022” (Tình Hình Đông Nam Á 2022) do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak của Singapore công bố ngày 16 Tháng Hai vừa qua cho thấy 52.8% số công dân ASEAN được hỏi ý kiến đặt niềm tin vào Hoa Kỳ và tin Hoa Kỳ sẽ làm điều đúng đắn cho cộng đồng toàn cầu; chỉ 26.8% tin vào Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, có 58.1% không tin Trung Quốc, 29.6% không tin Hoa Kỳ.

 

Trong năm lý do được nhà khảo sát đưa ra để tìm hiểu tại sao người dân ASEAN không tin Hoa Kỳ, đáng chú ý có đến 36.7% cho rằng Hoa Kỳ bị xao lãng vào những vấn đề quốc nội do đó không thể tập trung vào những mối quan tâm toàn cầu, 23.5% nói sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ có thể đe dọa chủ quyền và lợi ích của quốc gia họ và 26% không coi Hoa Kỳ là một cường quốc có trách nhiệm, tin cậy được.

 

Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung ở Đông Nam Á, hầu hết các nước ASEAN đều chọn lập trường trung lập, không nghiêng về bên nào; 46.1% người được hỏi quan niệm ASEAN phải tăng cường sự thống nhất nội bộ và tính kiên cường để chống lại áp lực từ hai cường quốc và 26.6% đề nghị tiếp tục không đứng về phe nào, chỉ có 11% cho rằng ASEAN phải chọn đứng về một phía vì trung lập là không thực tế. Khi được hỏi, “Nếu ASEAN bị buộc phải chọn đứng về phía một trong hai đối thủ chiến lược thì nên chọn ai?” có 57% chọn Hoa Kỳ và 43% chọn Trung Quốc. Nếu phải chọn một quốc gia lãnh đạo thế giới có thể duy trì trật tự dựa trên luật lệ và bảo đảm luật pháp quốc tế thì 36.6% chọn Hoa Kỳ, 16.6% chọn EU và chỉ 13.6% chọn Trung Quốc.

 

Trong lĩnh vực an ninh, các sáng kiến của Hoa Kỳ như củng cố khối Bộ Tứ (Quad), liên minh AUKUS (Anh-Úc-Mỹ) được đa số người dân ASEAN ủng hộ, 58.5% hoan nghênh Quad, 34% cho rằng AUKUS sẽ giúp cân bằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nhưng trong lĩnh vực kinh tế, 76.7% cho rằng Trung Quốc vẫn là nước có ảnh hưởng mạnh nhất đối với ASEAN trong khi chỉ có 9.8% đánh giá như vậy về ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

 

Washington cần sáng kiến về kinh tế-thương mại

 

Nhìn chung, Hoa Kỳ vẫn được người dân ASEAN đánh giá cao nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn mạnh nhờ những mối ràng buộc về kinh tế với ASEAN. Tuy vậy có tới 64.4% lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế khu vực, chỉ 35.6% chào đón; các con số tương ứng của Hoa Kỳ là 31.9% lo ngại, 68.1% chào đón; nghĩa là ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc không làm người ASEAN hài lòng.  Chính quyền Biden cần phải tìm ra những sáng kiến kết nối kinh tế thương mại với khu vực này để mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và ngăn chặn đồng tiền đầu tư và buôn bán của Bắc Kinh xói mòn dần vị trí của mình. Quay lại hiệp định TPP như lời kêu gọi mà ông Kishida Fumio, thủ tướng Nhật, đưa ra tại London, Anh, hôm 5 Tháng Năm vừa qua là một lựa chọn mà Washington nên xem xét được.

 

Trong quan hệ Mỹ-ASEAN, Việt Nam là một trường hợp rất đáng chú ý. Theo khảo sát của ISEAS, người Việt là nhóm có thiện cảm nhất với Hoa Kỳ, tin cậy ở vai trò lãnh đạo và chào đón Hoa Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Người Việt cũng biểu lộ sự không tin cậy, lo ngại và hoài nghi Trung Quốc nhiều nhất. Ví dụ, 56.9% người Việt tin tưởng Hoa Kỳ là nhà lãnh đạo duy trì trật tự dựa trên luật lệ và bảo vệ pháp luật quốc tế; con số này đối với Trung Quốc chỉ là 11.8%, bằng tỷ lệ tin tưởng vào ASEAN.

 

Nhưng điều đó không nhất thiết làm cho chính sách của chính quyền Hà Nội thân thiện hơn với Washington, vì người dân Việt Nam hầu như không có tiếng nói trong việc điều hành đất nước. Thực tế đó nói lên rằng Washington không nên chỉ dùng sức mạnh mềm để thu phục trái tim của người dân Đông Nam Á mà còn phải biết sử dụng áp lực khi cần thiết lên chính phủ các quốc gia ASEAN để từ đó xây dựng một mối quan hệ có thực chất, có trách nhiệm thì mới mong giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc hiện nay và mai sau. [qd]

 

 




No comments: