Thảo
luận về Hoà giải Dân tộc với ông Nguyễn Đình Bin
Đỗ
Kim Thêm
09/05/2022
https://baotiengdan.com/2022/05/09/thao-luan-ve-hoa-giai-dan-toc-voi-ong-nguyen-dinh-bin/
Nhân ngày 30/4/2022, tác giả Nguyễn Đình Bin
có phổ biến bài viết “Hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn vẫn còn rỉ máu!”
trên trang Tiếng Dân và các trang báo mạng khác.
Là một nhân vật quan trọng trong Đảng CSVN và
cũng một là nhà ngoại giao có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực hoà giải
dân tộc, tác giả đã có nhiều tâm huyết và can đảm khi đưa ra các giải pháp mới
để giải quyết vấn đề. Qua bài viết này, tác giả đã gây được sự quan tâm đặc biệt
của các độc giả khắp nơi.
Nhân dịp này, tôi xin mạn phép được đóng góp
vài suy nghĩ khiêm tốn để thảo luận. Tôi cũng hy vọng sẽ đón nhận thêm các suy
nghĩ hoà ái của các độc giả quan tâm đến chủ đề này.
Về hình thức, để tiện việc theo dõi, tôi trích
đăng lại nguyên tác của tác giả, các đoạn in nghiêng và tô đậm, theo sau là ý
kiến của tôi. Về nội dung, các ý kiến trình bày không phải là những khám phá mới,
mà tư liệu đã có từ lâu trên các trang báo mạng. Tôi chỉ tổng hợp lại thành các
chuyên đề, mà không chú thích các chi tiết hay liệt kê các tài liệu tham khảo.
1.-
“Chính sử và công luận đều đã nhất trí
là CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI!”
Chính sử mà tác giả đề cập là những gì do Nghị
quyết của Đảng, Ban Lịch Sử Đảng, Viện Sử học Hà Nội và báo chí miền Bắc viết
ra, tất cả nhất loạt phản ảnh quan điểm của phe thắng cụộc, không thể khác hơn.
Ngày nay, sách vở viết về chiến thắng
30/4/1975 của phe thua cuộc và ngoại cuộc tràn ngập không tài nào đọc hết, nên
các vấn đề không thể thảo luận chi tiết ở đây.
Công luận mà tác giả nói đến là đồng bào miền
Bắc trước 1975; họ được Đảng tuyên truyền phải thương yêu miền Nam ruột thịt bị
Mỹ Ngụy “kềm kẹp”. Sau này, khi có dịp sống trong Nam hay tiếp
xúc với phe thua cuộc, nên họ cũng đã thay đổi triệt để quan điểm.
Còn công luận miền Nam thì có phần đa dạng
hơn. Nhờ lịch sử truyền khẩu và không cần đến sách vở của Đảng, họ còn nhớ rất
rõ tội ác của Cộng sản, mà vụ thảm sát Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật giáo Hoà Hảo
tại Đốc Vàng năm 1947 là thí dụ điển hình. Trong khi đó, Ban Tôn giáo chính phủ vẫn né tránh khi cho rằng: “Bối
cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng
đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH”.
Cũng tương tự như vậy, ngày 29/12/2017, trong
cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt
quyết định và bài học lịch sử”, các nhà nghiên cứu của Đảng CSVN cũng
chỉ tuyên dương chiến thắng mà không đề cập tới các tổn thất nhân mạng và vụ thảm
sát 5000 đồng bào vô tội.
Theo công luận, đây là hai vết nhơ trước lương
tâm và lịch sử, vì hành vi của đảng CSVN hiếu chiến và vô nhân đạo.
Nhưng
tựu chung, ngày nay, cả phe thua cuộc và công luận không bao giờ có chuyện “đều
đã nhất trí” như tác giả kết luận, mà ngược lại, theo họ, cuộc chiến
này không phải là cuộc chiến vệ quốc, mà cũng chẳng vĩ đại.
Do đó, kết luận của tác
giả là chủ quan, một chiều của phe thắng cuộc. Tác giả nên có can đảm nhìn vào
sự thật của lịch sử trong một nhãn quan mới, vì hiện nay có vô số nguồn tài liệu
được liên tục giải mật, sẽ giúp hiểu rõ sự tình hơn.
2.-
“Nguyên
nhân thứ nhất là do đại họa ngoại xâm. Cũng giống như đối với nhiều
dân tộc khác, ngoại bang đến thống trị, rồi xâm lược liên tiếp nước ta, suốt
hơn một thế kỷ liền, đã làm cho dân tộc ta bị đẩy vào thảm cảnh đó, theo cả
nghĩa đen đối với rất nhiều gia đình. Bởi vì, chiến lược cổ điển của các thế lực
thực dân, đế quốc, bành trướng đi xâm lược và thống trị nước khác luôn là “chia
để trị”, “dùng người bản địa đánh người bản địa”.
Tác giả nêu lên hai đại hoạ ngoại xâm và nhập
hai làm một mà không phân biệt được hai kẻ xâm lược Pháp và Mỹ có những chính
sách khác nhau.
Trong bối cảnh xung đột của chiến tranh Đông
Dương, có một thuận lợi cho Việt Nam lúc bấy giờ là thu hồi được chủ quyền độc
lập vào ngày 8 tháng 3 năm 1949 theo Hiệp Định Elysée. Điểm đặc biệt là Việt
Nam có thống nhất và độc lập, nhưng bất lợi là nằm trong Liên Hiệp Pháp. Sau
đó, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Quốc hội Nam Kỳ đã giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị
và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã được thống nhất
trong năm 1949 về ngoại giao và chính trị.
Đối với việc chống Pháp, vấn đề cần được đặt lại
là, tại sao Việt Nam không tận dụng lợi thế pháp lý này, đấu tranh quân sự có
phải là một giải pháp tối ưu duy nhất hay nghị trường và ngoại giao cũng
là điều kiện khả thi không.
Nhưng thực trạng tại Việt Nam là không thể phức
tạp hơn Ấn Độ khi phải đương đầu với thực dân Anh. Thay vì đấu tranh bất bạo động
như Ấn Độ, Việt Minh đã chọn giải pháp “bạo lực cách mạng” và giành độc quyền
kháng chiến. Đó là điểm bi thương nhất cho lịch sử Việt Nam cận đại.
Còn trong quan điểm chiến lược chung, vai trò
của “Đế quốc Mỹ” là vấn đề khác hẳn. Ngay từ đầu, Mỹ để cho Pháp toàn quyền quyết
định về vấn đề Đông Dương. Tổng thống Roosevelt không muốn can dự vào Việt Nam
vì không cho là mối bận tâm của Mỹ. Nỗ lực chính của Mỹ trong lúc này là giúp
tái thiết châu Âu và củng cố vị thế cho Pháp.
Về sau, trong thời Tổng thống Truman và khuôn
khổ Chiến tranh Lạnh, tình thế thay đổi triệt để, chính sách Mỹ khác đi.
Trong lúc chiến tranh chống Mỹ lên cao độ, nhất
là sau năm 1966, kể từ thời Tổng thống Johnson, tình hình lại càng khác nếu so
với trước đó (1954 -1963).
Khi 500.000 quân Mỹ bắt đầu đóng quân ở miền
Nam và không quân Mỹ ném bom miền Bắc, thì Bắc Việt có lý do để lập luận là Hoa
Kỳ xâm lăng. Kết quả là, các tuyên truyền hô hào “chống Mỹ cứu nước” thu phục
được nhân tâm tại nông thôn miền Nam, cũng như các trí thức thân Cộng tại các
thành phố và phe cánh tả ở phương Tây.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào chứng minh
là Mỹ có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ và có chính sách chia để trị ở miền Nam
giống như Pháp.
Tác giả có đề cập đến hai đại hoạ ngoại xâm mà
không thảo luận đến nội xâm, đó là động cơ duy nhất của Bắc Việt, một đại hoạ
cho miền Nam.
Khi so với các nước cùng cảnh ngộ như Đông Đức
và Bắc Hàn, một vấn đề nền tảng mà tác giả nên đặt ra là:
Tại sao Đông Đức không tiến hành đấu tranh giải
phóng Tây Đức và Bắc Hàn giải phóng Nam Hàn, cũng đang bị “Đế quốc Mỹ kềm
kẹp“? Tại sao phong trào Cộng sản Quốc tế không ủng hộ cho hai nước Đông Đức
và Bắc Hàn đấu tranh giải phóng? Tại sao chiến lược đấu tranh của ba nước Đông
Đức, Bắc Hàn và Việt Nam lại khác nhau khi cùng theo đuổi một ý thức hệ cộng sản?
Về chi tiết này, có quá nhiều lý do để trình
bày, nhưng điểm cuối cùng quan trọng nhất trong thực tế là Hà Nội đã vi phạm Hiệp
Định Paris, xâm lăng VNCH và áp đặt chế độ độc tài lên nhân dân miền Nam từ năm
1975.
Nếu không có nội xâm, thì ai là người vượt Trường
Sơn đi cứu nước và đánh Mỹ thay cho Trung Quốc và Liên Xô bằng xương máu của
người Việt cuối cùng?
Đó là một “lý tưởng cao cả” mà Bắc
Việt nhân danh Cộng sản Quốc tế theo đuổi, nhưng làm tốn hao xương máu của người
dân Việt, nhưng không bao giờ phản tỉnh mà còn tiếp tục hãnh diện cho đến ngày
nay.
3.-
“Đó là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi
trong lịch sử, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới hiện đại; là
niềm tự hào của cả dân tộc ta. Lần đầu tiên, và cho đến nay vẫn là lần duy nhất
trên thế giới, siêu cường quốc hùng mạnh, giàu có nhất hành tinh đã thất bại thảm
hại trong một cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy khi can thiệp, xâm lược một
nước nghèo, nhỏ bé hơn! Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa!”
Chiến thắng có vĩ đại hay không, còn tùy vào
cách nhận định, mà yếu tố là thiệt hại nhân mạng cần được thảo luận.
Mỹ và Quân lực VNCH, vì nhiều lý do chiến lược
khác nhau, tự động bỏ chạy trong khi tổng kết lại thì phe thắng cuộc tổn thất
nhiều hơn. Theo các con số tổng kết, phe thắng cuộc mất đi khoảng 1,1 triệu
binh sĩ, 300.000 mất tích và 600.000 bị thương trong khi phe thua cuộc có
330.000 người nằm xuống.
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có một
trường hợp “di tản chiến thuật” nào tương tự đã xảy ra và cũng
chưa có một sử gia nào xem tình trạng bất thường này là chiến thắng vĩ đại.
Chuyện Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam cũng
không phải là duy nhất, mà Iraq và Afghanistan là các thí dụ thời sự về sau.
4.-
“Đánh giá bản chất 30 năm chiến tranh chống thực
dân Pháp rồi đế quốc Mỹ (1946-1975) và ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975”
Nhận định trong sách vở của phe thắng cuộc về
hai chủ đề này là sai lạc nghiêm trọng, mà hai lý giải sau đây là chủ yếu:
Một là, do độc tôn Đảng quyền
trong học thuật, Đảng đã không đào tạo được những nhà sử học chân chính, có tầm
vóc quốc gia và quốc tế. Đảng tiếp tục giành độc quyền tuyên truyền thành tích
và ban phát chân lý lịch sử. Do đó, Việt Nam không có chính sử và ngụy sử tiếp
tục không thay đổi nội dung.
Hai là, sau này dù có tiến bộ
hơn là không còn miệt thị “ngụy quân và ngụy quyền”, nhưng sách sử của Đảng vẫn
không theo một khảo hướng khách quan để đánh giá về bản chất chiến tranh và
thành tích của hai phe.
Bằng chứng hiển nhiên là sách sử của Đảng
khinh thường QLVNCH là lính đánh thuê và chính quyền miền Nam là tay sai cho Mỹ,
trong khi lại ca ngợi QĐNDVN và MTGPMN là đấu tranh cách mạng và hy sinh xương
máu thay cho Liên Xô và Trung Quốc.
Cụ thể nhất là 500.000 lính Mỹ hiện diện ở miền
Nam thì sách sử của Đảng cho là xâm lược, trong khi 300.000 lính Trung Quốc đồn
trú tại miền Bắc thì tìm mọi cách để giấu kín tung tích.
Hơn 1,1 triệu binh sĩ miền Bắc hy sinh thì
sách sử của Đảng vô cùng hãnh diện cho chiến thắng, trong khi 330 ngàn binh sĩ
miền Nam nằm xuống thì thoá mạ là đánh thuê.
Điểm chủ yếu mà sách sử của Đảng không nhận ra
là, xương máu của người dân và binh sĩ hai miền đều quý giá như nhau và là nạn
nhân trong bối cảnh xung đột của Chiến tranh Lạnh.
Gần đây nhất là sự hy sinh của 74 chiến sĩ Hải
Quân QLVNCH năm 1974 để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, nhất định họ không là “lính
Ngụy” đánh thuê cho Mỹ, mà là hy sinh anh dũng cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Đó là
một sự thật lịch sử.
Do đó, người dân Việt, nói chung, không có lý
do để vui mừng và tự hào về các ngày lịch sử ấy là vẻ vang vĩ đại.
5.-
“Bên
thua cuộc duy nhất là các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược nói
trên; là phi nghĩa; là chiến tranh! Còn giữa con cháu các Vua Hùng với nhau,
không có bên thắng, bên thua, mà với tư cách người Việt tất cả đều thắng!”
Sự thật là, chiến thắng của CSVN làm cho toàn
dân Việt Nam phải trả một cái giá là khoảng hai triệu người chết và 300.000 người
mất tích.
Lập luận “người Việt tất cả đều thắng” đã
thu phục được lòng người hai miền ngay sau ngày 30/4/1975. “Mọi người thành
tâm đều có chỗ đứng trong lòng dân tộc” là lời kêu gọi của Uỷ ban
Quân quản TPHCM làm cho mọi người nức lòng tin theo.
Sau đó, ngày vui qua mau và sự thật đau thương
lại đến. Các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đi kinh tế mới, học tập cải tạo và
thuyền nhân… không phải là việc đối xử tốt đẹp “giữa con cháu các Vua
Hùng với nhau”, mà phe thua cuộc thành nạn nhân của chế độ mới và niềm tin
nơi phe thắng cuộc không còn nữa.
Ngày nay, sự thật đã phơi bày: Đảng CSVN thắng
cuộc và dân tộc Việt Nam thua cuộc. Trớ trêu nhất là Mỹ thua cuộc trong chiến
tranh và thắng cuộc trong thời bình.
6.-
“Những
sự thật lịch sử lớn nhất trong sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, dưới sự
lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, như thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, với chiến thắng ‘Điện
Biên Phủ chấn động địa cầu’…”
Nhìn lại thắng lợi Cách mạng tháng Tám kỹ hơn,
tác giả sẽ thấy có một sự thật khác, vì diễn biến xảy ra không theo đúng như
sách sử của Đảng ca ngợi.
Biên niên sử còn ghi chép rõ là ngày
11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành độc lập, đó là ngày chính thức chế độ
thực dân Pháp cáo chung và đến trước ngày 19/8/1945 và ngày 2/9/1945.
Do đó, Hồ Chí Minh không có căn bản pháp lý
hay lịch sử nào để khai sinh độc lập cho Việt Nam, vì cướp quyền của chính phủ
Trần Trọng Kim trong sự thoả hiệp công khai với Nhật. Nếu tác giả có theo dõi,
thì đây chỉ là một cuộc xáo trộn nội chính.
“Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” là một lối
diễn đạt cường điệu và thiếu cở sở thực tế. Nếu không có Trung Quốc trực tiếp
chiến đấu và viện trợ súng đạn, chiến thắng Điện Biện Phủ không thể xảy ra, có
nghĩa là, Điện Biên Phủ là một phần chiến thắng của Trung Cộng.
Sử liệu của Trung Quốc về sau đã hé lộ: Quân đội
Trung Quốc có mặt tại Bắc Việt ngay từ đầu cuộc chiến chống Pháp. Sau tháng 4
năm 1950, Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh chỉ huy Nhóm Cố vấn quân sự với 281 sĩ
quan tham gia. Hỗ trợ quân sự cho Bắc Việt thay đổi từ 3 sư đoàn năm 1950 lên đến
7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc làm việc tại Bắc Việt là khoảng 15.000
người.
Tóm lại, các thành tích của Cách mạng tháng
Tám và Điện Biên Phủ đã bị bóp méo và tác giả cần nghiêm túc đặt lại ý nghĩa,
thay vì tự hào.
7.-
“Những
người lâu nay coi là thuộc ‘bên thắng cuộc’ phải chủ động đi bước trước,
phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở
hải ngoại”.
Là người dùng tiền để chiêu dụ cựu Phó Tổng thống
Nguyễn Cao Kỳ về nước, tác giả nên tự hỏi là phe thắng cuộc có tự đặt mình
trong hoàn cảnh của phe thua cuộc không, hay phe thua cuộc có nên tin tưởng vào
thành tâm hoà giải của phe thắng cuộc được không. Hai thí dụ sau đây chứng minh
ngược lại.
Một là, việc lập đài tưởng niệm,
trùng tu mộ phần cho những thuyền nhân yên nghỉ nơi các đảo ở Mã Lai và Nam
Dương; sơn tặng cho họ một lá cờ VNCH cũng bị các nhà ngoại giao CSVN tìm cách
gây áp lực với chính quyền các nước, không cho phép thực hiện. Không biết tác
giả có tham gia vụ việc này không, nhưng thân nhân của người quá cố cũng đành
âm thầm khép lại quá khứ theo sự cấm đoán này.
Hai là, chuyện cầu siêu do Thiền
sư Nhất Hạnh đứng ra tổ chức. Thiền sư muốn cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân
trong chiến tranh, trong đó có các binh sĩ Mỹ, binh sĩ VNCH và tù nhân bị cải tạo
và thuyền nhân vượt biên.
Ngược lại, Hoà thượng Thích Trí Quảng, dựa
theo sự phản đối của Đảng, đã yêu cầu là nên dành riêng cho những “liệt sĩ
hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.
Người chết trong chiến tranh hay trên biển
khơi còn bị phân biệt đối xử như vậy, thì chuyện “phải mở lòng, dang rộng
hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại” là
hoang tưởng.
Do đó, lời của ông Kỳ vẫn còn đúng: “…
tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe
phái… muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm”.
8.-
“Trong
đó, then chốt nhất, quyết định nhất là phải xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam
thành một Đảng thực sự của dân, do dân, vì dân; thực sự trong sạch, vững mạnh;
thực sự xứng đáng là Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới”.
Vấn đề mà tác giả cần đặt ra là Đảng CSVN xây
dựng lại đất nước trên cơ sở lý thuyết nào và ai sẽ thực thi.
Cho đến nay, chủ trương của Đảng không thay đổi:
Xây dựng một nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức,
quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế
XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và
tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ.
Thực tế thì bộ máy của Đảng chỉ lo nâng cao
vai trò của tư bản thân tộc và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt
động kinh tế.
Điều hiển nhiên là các lý thuyết của đảng CSVN
hiện nay vẫn còn bế tắc và cần phải được bổ sung.
Nếu muốn cải cách XHCN trong bối cảnh mới, có
nghĩa là không nên hô hào độc tôn đảng quyền, bạo lực sắt máu và bảo vệ thân tộc.
Ngược lại, Đảng phải nêu cao tinh thần tôn trọng dân chủ, bình đẳng, luật pháp
và đem phúc lợi cho toàn dân, đó chính là một mô hình mà các nước Bắc Âu đã áp
dụng thành công.
Còn việc thực thi chính sách mới, nếu còn tiếp
tục chủ trương “Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới”, thì
nhìn vào hiện tại, tác giả có thể suy đoán tương lai đất nước. Có hai trở lực
chính:
Một là, do giáo dục tụt hậu mà
hơn năm triệu Đảng viên, đa số là thiếu hiểu biết, lại còn mang thêm căn tính dối
trá, bạo lực và kiêu ngạo. Đa số này không giúp cho Đảng có thể đáp ứng với các
thách thức mới.
Hai là, phần thiểu số “Đảng viên nhưng mà tốt”
không thể tạo ra các chuyển biến tích cực, nên trong tương lai, toàn dân cũng sẽ
phải tiếp tục chịu đại bại.
Về lâu dài, bảo vệ đất nước và con người là
các cải cách vô cùng cần thiết và dân chủ hoá là xu thế không thể tránh khỏi.
Việt Nam phải du nhập hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, tôn trọng pháp luật,
không phải là để lo cho sự tồn vong của chế độ mà là cho đất nước và toàn dân.
Do đó, đây là công việc chung của 100 triệu
dân, không phải của riêng năm triệu Đảng viên. Chỉ khi nào tất cả đồng thanh viết
lại một trang sử mới cho nước Việt, thì khi đó mới có sự hoà giải.
__________
Bài liên
quan:
Vietnam War: Understanding, Not Celebrating
Người Việt đừng quên ý nghĩa của ngày 30/4/1975 và chiến tranh
Việt Nam
Lý Thuyết Đạo Đức Cho Hoà Giải Chính Trị – Colleen Murphy
No comments:
Post a Comment