Tân
Cương: Tài liệu nội bộ vạch trần ‘‘cỗ máy đàn áp Trung Quốc’’
Trọng Thành
- RFI
Đăng
ngày: 25/05/2022 - 17:48
Về thời
sự quốc tế, chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với
các thông điệp nhắm vào Trung Quốc là một chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp.
Thông tin mới về chính sách đàn áp quy mô lớn của Trung Quốc tại Tân Cương ‘‘được
đưa ra từ nội bộ’’ Trung Quốc, đúng vào lúc cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
công du Tân Cương là hồ sơ chính của Le Monde.
Người
bị giam tại trại Tekes ở Tân Cương, Trung Quốc, xem phát biểu trên truyền hình
của một chính trị gia địa phương, dưới sự giám sát của công an. Ảnh chụp năm
2017. © Xinjiang Police Files
‘‘Duy Ngô
Nhĩ: Ở tâm điểm của cỗ máy đàn áp Trung Quốc’’ là nhan đề chính trang nhất Le
Monde. Hàng tít đăng trên nền hình ảnh hàng trăm người, ảnh khổ nhỏ thường dùng
cho thẻ căn cước. Đây là ảnh những người Tân Cương bị chính quyền giam cầm, câu
lưu. Ngày 24/05, nhiều tài liệu mật của ngành an ninh Trung Quốc đã được
trao cho nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zens. Các tài liệu mang tên ‘‘Xinjiang Police Files’’ đã được một nhóm gồm 14 cơ quan
truyền thông quốc tế - gồm Le Monde - thẩm định.
Theo Le
Monde, cùng với một loạt thông tin được công bố từ năm 2019, bởi chính nhà
nghiên cứu này và một số tổ chức phi chính phủ, các thông tin mật vừa được chuyển
ra ngoài mang lại ‘‘một ánh sáng mới có ý nghĩa quyết định’’ cho thấy thực chất các
đàn áp do Bắc Kinh tổ chức tại khu vực này.
Tỉ lệ giam người cao gấp 64 lần trung
bình toàn quốc
Bắt bớ,
giam cầm quy mô lớn, đàn áp tàn bạo những người bị giam giữ trong các trại giam
mà chính quyền Trung Quốc gọi là ‘‘các trung tâm dạy nghề’’. Theo các thông tin
nội bộ của công an huyện Konasheher (tỉnh Tân Cương), có từ 12,1% đến 12,5% người
ở độ tuổi trưởng thành thuộc các sắc tộc thiểu số, từng bị giam giữ, cải tạo
năm 2018, theo nhà nhân chủng học Đức, công bố trên tạp chí Journal of the
European Association for Chinese Studies. Tỉ lệ giam giữ ‘‘cao gấp 64 lần’’ tỉ
lệ trung bình trên toàn quốc. Và thậm chí cao hơn tỉ lệ giam cầm thời chế độ
toàn trị Xô Viết thời Stalin.
Đây là lần
đầu tiên, công luận biết đến ảnh của khoảng 5.000 người Duy Ngô Nhĩ, tuổi từ 3
đến 94, được chụp tại đồn công an, hoặc trung tâm cải huấn thuộc huyện nói
trên, từ tháng Giêng đến tháng 7 2018. Trong số họ, chắc chắn đã có 2884 người
bị giam giữ.
Lý do bị giam: ‘‘Tư tưởng bất ổn’’
Bắc Kinh
coi nguy cơ đe dọa Tân Cương là lực lượng ly khai Hồi giáo. Chủ trương của
chính quyền Trung Quốc là bắt bớ tất cả những ai tỏ ra là ‘‘một đe dọa tiềm
tàng với xã hội’’. Chỉ cần là thân nhân của một người bị giam giữ, một người bị
tình nghi là tội phạm hay một người bị kết án là đã có thể bị đưa vào các trại
cải tạo. Trên hồ sơ về một thanh niên 17 tuổi, bị giam giữ, có ghi lý do bị
bắt, đơn giản là : ‘‘có tư tưởng bất ổn’’.
Ám ảnh bảo
đảm ‘‘an ninh toàn diện’’ tại vùng Tân Cương sẽ tiếp tục chi phối hành động của
chính quyền Trung Quốc trong thời gian 5 năm tới, như tuyên bố của lãnh đạo khu
tự trị. Kẻ thù không chỉ là những người kháng cự bằng bạo lực, mà còn là những
ai có tiềm năng trở thành người ‘‘bất mãn’’.
Làm gì khi trại cải tạo ‘‘toàn người bất
mãn’’ ?
Giải pháp
với những người ‘‘bất mãn’’ phải là trại cải tạo. Nhưng, ‘‘nếu trại cải tạo có
quá nhiều người bất mãn, thì nơi đây cũng trở thành địa điểm nguy hiểm’’, như
tuyên bố của lãnh đạo đảng khu tự trị Tân Cương Chen Guang-guo (Trần Toàn Quốc). Chính
quyền Trung Quốc đã ban hành những chỉ thị nội bộ trong việc quản lý các trại
giam (được tiết lộ trong loạt tài liệu này), cho thấy, việc sử dụng súng để đàn
áp, bắn giết những người có thái độ phản kháng, là điều được khuyến khích.
Trích đoạn
sau đây cho thấy thái độ của chính quyền đối với các ‘‘học viên’’ của các
‘‘trung tâm dạy nghề’’ : ‘‘Nếu các học viên không tuân theo các chỉ thị, cảnh
sát vũ trang có thể bắn cảnh cáo. Nếu các học viên không nghe lời, nếu họ tiếp
tục gây áp lực, âm mưu bỏ trốn hay chiếm đoạt vũ khí, cảnh sát vũ trang sẽ bắn
bỏ’’ (quy định nội bộ của một trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương).
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bị nghi ngờ
Chuyến
công du của phái đoàn nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc bị kiểm soát cao
độ là chủ đề một bài viết của Libération nhan đề ‘‘Nguy cơ Liên Hiệp Quốc 'bị bịt
mắt' trong chuyến công du tại Tân Cương’’. Libération dẫn lại mô tả của một
cảnh sát địa phương với đài Mỹ RFA, theo đó, để chắc chắn dân cư tại chỗ không
ai dám trả lời người nước ngoài, chính quyền đe dọa khép tội ‘‘làm lộ bí mật
Nhà nước’’. Đây là tội danh để khép cho bất cứ ai có những lời lẽ khác với quan
điểm chính thống. Người bị khép tội này có nguy cơ bị án tù chung thân.
Bản thân
cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet (cựu tổng thống Chili) – một
nạn nhân của tra tấn, đàn áp và đối xử bất công – cũng bị nghi ngờ. Theo Rushan
Abbas, nhà sáng lập hiệp hội vì người Duy Ngô Nhĩ Campaign for Uyghurs, cao ủy
Michelle Bachelet – đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2018, và sắp mãn nhiệm vào
tháng 9/2022 – ‘‘đã chưa từng công bố một báo cáo nào về nhân quyền tại Tân
Cương, trong lúc bà đã 9 lần phê phán Mỹ’’.
Tội ác Trung Quốc đã rõ: Vì sao phương Tây
không trừng phạt nghiêm khắc ?
Le Monde
cũng dành bài xã luận nhan đề ‘‘Nhân chứng chống lại cỗ máy đàn áp Trung Quốc’’,
ca ngợi khối tài liệu nội bộ lớn của Trung Quốc vừa được đưa ra bên ngoài (các
tài liệu do chính người của bộ máy an ninh Trung Quốc tiết lộ), cho thấy ‘‘tầm
mức khác của tấn thảm kịch’’ tại Tân Cương. Các tài liệu được công bố đúng vào
lúc cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet có một chuyến công du tại
Tân Cương.
Tuy nhiên,
cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác, Le Monde không hề tin tưởng chuyến
công du của giới chức cao cấp Liên Hiệp Quốc nói trên sẽ giúp làm sáng tỏ thực
tại, mà ngược lại, chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng chuyến đi này để đánh
bóng hình ảnh với công luận trong nước vào quốc tế.
Thông điệp
chính mà xã luận Le Monde hướng đến là giới chính trị, giới kinh tế phương Tây.
Le Monde chất vấn: trong lúc rõ ràng là khó có thể phủ nhận được việc có ít nhất
một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đày ải, nhưng có ai thực sự có các chủ trương trừng
phạt nghiêm tức, trừng phạt đúng tầm mức của những xâm phạm nhân quyền nghiêm
trọng này ? Đã có tập đoàn lớn nào của phương Tây sẵn sàng rút khỏi thị
trường Trung Quốc khổng lồ ?
Theo Le
Monde, khối tài liệu nội bộ của ngành an ninh Trung Quốc vừa được công bố cho
thấy phải chăng đây chính là ‘‘lời báo động cuối cùng’’ đối với lương tri, với
lẽ phải : ‘‘Hãy mở to mắt để nhận ra sự thật đang diễn ra tại Trung Quốc
hiện nay !’’ – nhật báo Pháp kết luận.
Bộ Tứ cảnh cáo Trung Quốc
Chuyến
công du châu Á đầu tiên của tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý của nhiều báo. Le
Figaro có bài ‘‘Bộ Tứ cảnh báo việc sử dụng sức mạnh tại khu vực Ấn Độ - Thái
Bình Dương’’. Trong cuộc hội kiến bốn lãnh đạo Bộ Tứ (Mỹ - Ấn - Nhật – Úc) tại
Tokyo, lãnh đạo cả bốn quốc gia cùng đưa ra cảnh báo nhắm vào Trung Quốc, đặt mối
nguy cơ manh động quân sự của Trung Quốc ngang với đe dọa từ Nga với cuộc xâm
lăng Ukraina hiện nay, cho dù không trực tiếp nhắc tên Bắc Kinh.
Tuy nhiên,
Le Figaro cũng ghi nhận thái độ rất khác biệt giữa Ấn Độ với ba quốc gia còn lại
của Bộ Tứ về cuộc xâm lăng Nga. New Delhi không lên án Matxcơva xâm lược, bởi Ấn
Độ vẫn là khách hàng vũ khí chủ yếu của Nga, New Delhi cần Nga trong cuộc đối đầu
với Trung Quốc. Theo Le Figaro, ‘‘sự ngờ vực và tâm thế đối địch với Trung Quốc
là chất keo dính mạnh nhất’’. ''Liên minh của các nền dân chủ chống các chế độ
độc tài'' là điều được tổng thống Mỹ khẳng định, cũng là điều được nhiều nước
hưởng ứng.
Tuy nhiên,
nhật báo Pháp cũng chỉ ra tính không nhất quán trong chính sách của Nhật Bản chẳng
hạn. Trong lúc các nỗ lực ngoại giao của các nhóm như Bộ Tứ hay liên minh
AUKUS, hay nỗ lực về kinh tế như thỏa thuận IPEF (Indo-Pacific Economic
Framework / Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ - Thái Bình Dương), vừa ký kết hôm thứ Hai,
cho thấy mục tiêu là tách khỏi quan hệ với Trung Quốc, nhưng đối với giới đầu
tư Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là quốc gia số một về ‘‘triển vọng đầu tư ngắn
hạn’’.
Mạng lưới kinh tế IPEF ngăn chặn Trung Quốc
Cũng Le
Figaro có bài cho biết thái độ phản đối của Bắc Kinh đối với chính sách phản
công kinh tế của Hoa Kỳ tại châu Âu, với Thỏa thuận về ‘‘Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái
Bình Dương’’, với sự tham gia của 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại
trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định : Hoa Kỳ đã ‘‘tìm cách xây dựng một
vài bè nhóm nhân danh tự do và cởi mở’’ với hy vọng ‘‘ngăn chặn Trung Quốc’’.
Ngoại trưởng Trung Quốc dự đoán là dự án của Mỹ sẽ ‘‘thất bại’’.
Trong dự
án ‘‘Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương’’, ngoài Mỹ, là các nước Úc,
Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand,
Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo Le Figaro, dự án ‘‘Khuôn Khổ
Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương’’ bao gồm nhiều quốc gia đầu tầu trong khu vực, với
tổng trọng lượng kinh tế chiếm đến 40% GDP toàn cầu. 12 quốc gia châu Á – Thái
Bình Dương tạo thành một mạng lưới bao xung quanh ‘‘công xưởng kinh tế thế giới’’
(tức Trung Quốc), có mục tiêu hàng đầu là bảo đàm ‘‘an ninh kinh tế’’, thiết lập
các chuỗi sản xuất, tuân thủ các chuẩn mực về công nghệ và môi trường. Mạng lưới
các nền kinh tế dự án ‘‘Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương’’ cũng có khả
năng tạo ra một sự đứt đoạn về công nghệ với Trung Quốc.
Theo Le
Figaro, dự án ‘‘Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương’’ cho phép thu hút Hàn
Quốc về phía Hoa Kỳ trong thế đối đầu với Trung Quốc, cũng như ‘‘mở ra một chân
trời mới cho nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, thất vọng sau khi tổng thống Mỹ tiền
nhiệm Donald Trump rút khỏi Hiệp định TPP’’.
Bệnh viện Pháp ‘‘kiệt sức’’
Báo Le
Figaro tập trung báo động về tình trạng thiếu nhân viên trong ngành y tế Pháp,
khiến khu vực bệnh viện lâm vào tình trạng kiệt sức. Nhiều khoa cấp cứu, nhà hộ
sinh có nguy cơ bị đóng cửa. Tình trạng thiếu hộ lý là trầm trọng và đe dọa một
số lượng lớn bệnh viện tại Pháp. ‘‘Báo động đỏ’’ là nhan đề xã luận Le Figaro
thiên hữu, với nhận định ‘‘bệnh viện công của nước Pháp đang sống dở, chết dở.
Tại khoảng ba phần tư cơ sở y tế đã có việc giường bệnh bị giảm, hoạt động phẫu
thuật chậm lại…’’. Theo Le Figaro, giải pháp không chỉ ở chỗ tăng phương tiện,
tăng lương và tiền thưởng không đủ để nâng cao tinh thần. Cần phải có một
cuộc cải cách để giảm bớt mức độ nặng nề của nền hành chính, chiếm đến một phần
ba nhân viên trong ngành, cũng như tổ chức phối hợp tốt hơn giữa khu vực nhà nước
và tư nhân… là một số các khuyến nghị của Le Figaro.
Pháp: Hàng nghìn cây số đường sắt ‘‘bị bỏ
rơi’’
Nếu như Le
Figaro có quan tâm đến ngành y, thì Libération chú ý đến ngành đường sắt cũng
trong tình trạng khủng khoảng. Hồ sơ chính của nhật báo thiên tả phỏng vấn một
cựu phụ trách cơ sở hạ tầng đường sắt của vùng Ill-de-France, Pierre Serne.
Nhân chứng cho thấy tình trạng hệ thống đường sắt địa phương thiếu bảo dưỡng đe
dọa an toàn đường sắt, sinh mệnh hành khách.
Hồ sơ về
tình trạng hàng nghìn cây số đường sắt – trong số 30.000 cây số đường sắt toàn
quốc - không được bảo dưỡng, được công bố nhân dịp tư pháp đưa ra xét xử vụ án
liên quan đến tai nạn đường sắt Paris – Limoges năm 2013, khiến bảy người chết,
hàng trăm người bị thương. Phiên tòa diễn ra từ một tháng nay, nhưng gần
như không được truyền thông nói đến. Bị cáo là Tổng công ty đường sắt quốc gia
SNCF. Libération chỉ trích việc chính quyền hiện tại chủ trương trợ giá
cho nhiều đường TGV mới, trong lúc, bỏ rơi hàng nghìn cây số đường sắt địa
phương.
Air France – KLM: Kế hoạch giải cứu khổng lồ
Hồ sơ
chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay là kế hoạch giải cứu tập đoàn hàng
không Pháp – Hà Lan, Air France – KLM. Tính tổng thể, khoảng 15 tỉ euro sẽ
được huy động để vực dậy tập đoàn Air France – KLM.
Ba tháng chiến tranh tại Ukraina
Chiến
tranh tại Ukraina tiếp tục là chủ đề chính của Le Monde, với ba hồ sơ :
‘‘Thế tiến lên không gì cưỡng nổi của Nga tại Donbass’’, ‘‘Cuộc chiến đường sắt
Ukraina giữa Kiev và Matxcơva’’ và ‘‘Cuộc chiến tin học chống Nga gia
tăng’’.
Libération
có hồ sơ về ‘‘Ba tháng chiến tranh tại Ukraina : Những bước tiến nhỏ của
quái vật Nga’’, điểm lại một số thắng lợi của Nga, tại Mariupol, tại vùng
Donbass, và cuộc kháng chiến của người Ukraina đánh bật quân thù khỏi Kiev,
Kharkiv.
Dnipro: Ốc đảo bình an tạm cho 50 nghìn
dân Mariupol
Nhật báo
Công giáo La Croix có bài phóng sự về tình cảnh những người tị nạn chạy khỏi
Mariupol, đang ‘‘lấy lại hơi’’ tại thành phố miền trung Dnipro. Hàng chục nghìn
người đang trú tại một trong những thành phố bình yên hiếm hoi gần
Mariupol.
Nhà báo
Anna Romanenko, dân Mariuol, chạy khỏi thành phố cảng miền nam cùng con gái 8
tuổi và người mẹ bệnh tật, trước khi quân Nga đến. Cô cho biết Dnipro là nơi
người tị nạn được hỗ trợ nhiều về vật chất, và cả tâm lý. Theo chính quyền
thành phố, có đến 50.000 người Mariupol đến đây, trong lúc chỉ có 15.000 tới
Lviv, thành phố miền tây, sát biên giới với Liên Âu.
Một thư viện
lớn ở trung tâm Dnipro đã mở trung tâm ‘‘Tôi là người Mariupol’’ để đón tiếp
dân sơ tán. Thư viện - nằm tại một khu phố dễ chịu với nhiều cây – đã trở thành
điểm kết nối chính đối với cộng đồng dân Mariupol tị ở địa phương.
Anger – ‘‘Rừng trong thành phố’’
Cây xanh
trong thành phố cũng là chủ đề chính của nhật báo Công giáo. ‘‘Rừng trong thành
phố’’ là hàng tựa trang nhất trên nền hình ảnh hàng cổ thụ cao lớn, trùm lên một
con đường đi dạo rộng rãi bên dòng sông Maine yên ả. Anges là thành phố duy nhất
của nước Pháp nhận được giải thường ‘‘Các thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới’’.
Thông điệp
chính của La Croix khi nói đến ‘‘Angers thành phố cây xanh’’ là để nhắc nhớ đến
vấn đề ‘‘Cây, một chủ đề gai góc với các thành phố lớn’’. Có nhiều cây để đối
phó với khí hậu ngày một nóng lên ngày càng trở nên điều không tránh khỏi. Khác
biệt giữa nơi có đủ cây che phủ với nhiệt độ bên ngoài, những ngày nóng bức, có
thể lên đến hơn 6°C. Cây xanh cũng có thể giúp giảm được lượng điện sử dụng cho
máy điều hòa nhiệt độ, giúp giảm ô nhiễm không khí, tăng độ ẩm…
Tuy nhiên,
La Croix cũng nhấn mạnh đến những thách thức của chính sách quy sách quy hoạch
cây xanh: cần chú ý đến chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Tại Paris, chính
quyền thủ đô là đã phải hủy hai trong số bốn dự án “rừng trong thành phố’’. Một
dự án tại quảng trường Opéra, do các công trình hạ tầng trong lòng đất không
cho phép, và dự án thứ hai ven sông Seine, do đất không đủ sâu.
Trước khi
các cây trồng mới phát huy tác dụng trong mươi, hay hàng chục năm nữa, La Croix
cũng nhấn mạnh : điều ưu tiên là bảo vệ số cây đã có, bởi chính chúng đang “phục
vụ” chúng ta.
No comments:
Post a Comment