Mua
Vũ Khí Từ Nga Được Chuyển Giao Công Nghệ, Còn Mua Từ Phương Tây Thì Không?
Trần
Bằng
(Một phiên bản đầy đủ phát triển từ phiên bản trước
đó trong chuyên mục Vén màn huyền thoại của Bản
Tin Biển Đông Số 103.)
Tàu Trần Hưng Đạo
015, thuộc lớp Gepards, cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngày 27/9/2018. Ảnh: Lực
lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.
Trong những cuộc tranh luận về năng lực độc lập
của Việt Nam trong mối quan hệ đối ngoại với các quốc gia, có một lập luận nổi
lên. Đó là khi mua vũ phí của Nga thì được chuyển giao công nghệ, còn mua từ
phương Tây thì không.
Vậy thực hư thế nào?
Nói một cách ngắn gọn, khẳng định “mua vũ khí
của Nga thì được chuyển giao công nghệ còn mua từ phương Tây thì không” là
không đúng. Nga hay phương Tây đều có “chuyển giao công nghệ”, hay nói cách
khác là bán bí quyết công nghiệp, bí quyết kinh doanh nhưng mức độ và cách thức
rất khác nhau. Nhìn tổng quan, Việt Nam có năng lực sản xuất một số vũ khí
trang bị nhỏ hoặc sản xuất một số hệ thống theo nguyên bản thiết kế của nước
ngoài nhưng việc nghiên cứu phát triển các hệ thống vũ khí lớn, các vũ khí công
nghệ cao với nền tảng điện tử, điều khiển tự động, kết nối hệ thống thì hầu như
chưa phát triển. Từ khi không còn viện trợ trang bị quốc phòng, Việt Nam phải
chuyển sang mô hình nhập khẩu trang bị quốc phòng thông qua các hợp đồng thương
mại. Tuy nhiên, công nghiệp quốc phòng nội địa có lẽ không được hưởng lợi từ
các hợp đồng thương mại này.
Có thể thấy Nga hợp tác với Ấn Độ, Trung Quốc,
Malaysia, v..v để phát triển năng lực thiết kế hay sản xuất các hệ thống vũ khí
nhưng không thấy điều tương tự với Việt Nam. Sau nhiều năm mua vũ khí từ Nga,
người ta không thấy có nhiều công nghệ nguồn gốc Liên Xô và sau này là Nga được
nội địa hóa và phát triển thành hệ thống vũ khí ở Việt Nam.
Ngược lại, một trong những thông lệ trong mua
bán trang bị vũ khí với phương Tây là trao đổi bí quyết công nghệ, công nghiệp
và kinh doanh khi có yêu cầu. Nhiều nước đã phát triển được công nghiệp quốc
phòng nội địa với những trang bị quan trọng nhờ hấp thụ các nền tảng công nghiệp
từ bên bán khi tận dụng vị thế của bên mua. Gần đây, Việt Nam có một hợp đồng sản
xuất súng cá nhân theo giấy phép với Israel, kèm theo một số thay đổi nhỏ về
thiết kế[1]. Vì vậy không thể nói “mua từ phương Tây thì không có chuyển giao
công nghệ”.
Lí do lớn nhất của việc hầu như không có nhiều
thành công về chuyển giao công nghệ đáng chú ý trong công nghiệp quốc phòng Việt
Nam, dù là với Nga hay với phương Tây, có lẽ nằm ở chiến lược phát triển công
nghiệp quốc phòng Việt Nam và cách thực hiện chiến lược ấy. Không rõ các văn bản
như Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về đề án “Đẩy
mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ
Chính trị khóa XII về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; Nghị quyết Đại hội đại
biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025); Quy hoạch xây dựng và
phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035[2] có hay
không nội dung quy định cần tận dụng các hợp đồng mua trang bị để yêu cầu bên
bán tham gia vào việc phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa Việt Nam, cụ
thể là việc bên bán cung cấp các bí quyết công nghệ, công nghiệp, tổ chức chuỗi
cung ứng và kinh doanh như một cử chỉ bù đắp cho nỗ lực mua hàng của Việt Nam?
Trong các văn bản công khai như Luật chuyển giao công nghệ năm 2017[3], Luật Quốc
phòng năm 2018[4] hay trước đó là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 của
Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 12[5] đều không có quy định theo hướng yêu cầu
bên bán chia sẻ bí quyết công nghệ bù đắp cho nỗ lực mua hàng này.
Nhìn trên các công bố của Việt Nam thì có lẽ
mô hình có tính chất gần nhất với định nghĩa chuyển giao công nghệ là các hợp đồng
sản xuất theo giấy phép. Nhưng hợp đồng đóng tàu Molniya với Nga[6] hay chế tạo
súng cá nhân với Israel theo giấy phép không phải là phần Việt Nam được hưởng
nhờ các hợp đồng mua khác, mà là một hợp đồng riêng. Với súng cá nhân, Việt Nam
có những sửa đổi so với thiết kế nguyên bản của Israel để trở về với thói quen
sử dụng AK-47. Nhưng với tàu tên lửa, sau hợp đồng đóng theo giấy phép đó thì
Việt Nam cũng không tự thiết kế, đóng mới tàu tên lửa, dù ở tính năng tương tự,
trong khi nhu cầu là có. Đó không phải là “chuyển giao công nghệ” theo nghĩa
bên cung cấp “bù đắp cho nỗ lực mua hàng của Việt Nam” nhằm tạo dựng nền tảng
năng lực thiết kế và phát triển nền tảng vũ khí trang bị nội địa như cách hiểu
thông thường trong mua bán vũ khí với phương Tây.
Trong vấn đề chuyển giao công nghệ, có 2 điểm
mấu chốt mà ta cần làm rõ: (1) Định nghĩa thế nào là chuyển giao công nghệ (thứ
mà bên bán có thể cung cấp); (2) mục đích của bên mua là gì (thứ mà bên mua cần).
Về điểm (1) : chuyển
giao công nghệ – thứ mà bên bán có thể cung cấp
Nga theo một chuẩn mực riêng, không có quốc
gia khác cạnh tranh trong chuẩn mực đó. Một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn trên
thế giới khác là Trung Quốc cũng dùng chuẩn mực Nga như một xuất phát điểm cho
hệ thống vũ khí của họ. Nhưng Trung Quốc định chuẩn riêng của mình, với sự thay
đổi nền tảng Liên Xô và học hỏi từ chuẩn mực phương Tây. Phương Tây cũng có
cùng một chuẩn mực khác mà NATO là tổ chức xác định chuẩn mực và mức độ tương
thích lớn nhất, có tính chất bao trùm. Mức độ cạnh tranh trong thị trường vũ
khí phương Tây là rất cao với nhiều nhà cung cấp đến từ Mỹ, Châu Âu, Israel và
gần đây có thêm Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Brazil, Nam Phi. Trong tương lai sẽ có
thêm Nhật, Úc với tư cách là các quốc gia có năng lực xuất khẩu trang bị quốc
phòng công nghệ cao. Về kinh tế thuần túy, nếu không có cạnh tranh thì bên bán
gần như không cần đưa điều kiện ưu đãi, trừ một số việc đã trở thành quen thuộc
trong xuất nhập khẩu. Ngược lại, nếu cạnh tranh cao thì các bên bán phải có nhiều
động lực hơn để ưu đãi bên mua. Ngoài vấn đề giá cả, chi phí thì bí quyết công
nghiệp là vấn đề “đáng giá” nhất có thể đem ra trao đổi. Tuy nhiên, trong trường
hợp của Nga, với số lượng quốc gia khách hàng ít hơn phương Tây, để duy trì các
đơn đặt hàng lớn thì việc bán, chia sẻ các bí quyết công nghệ hay cùng phát triển
sản phẩm cũng vẫn phải thực hiện, ví dụ như với Ấn Độ[7] và Trung Quốc[8]. Việt
Nam cũng có nhiều giai đoạn là khách hàng lớn của Nga, đồng thời là nhà nhập khẩu
lớn về vũ khí trên thế giới. Theo SIPRI, trong giai đoạn 2007-2017, Việt Nam là
khách hàng lớn thứ 4 của Nga về nhập khẩu vũ khí, chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc
và Algeria[9]. Cũng theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn này, Việt Nam là
nhà nhập khẩu vũ khí thứ 14 toàn cầu. Tuy nhiên, không thấy có thông tin các
bên bán chuyển giao bí quyết công nghiệp liên quan đến các đơn hàng của Việt
Nam, đặc biệt là về máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu mặt nước, tên lửa.
Chuyển giao công nghệ có nhiều cách hiểu. Cách
hiểu của phương Tây, hay nói đúng hơn là cách nhìn phổ biến trên thế giới, là
nguyên tắc “có đi có lại về công nghiệp”. Nghĩa là bên bán chấp nhận chuyển nhượng
một số bí quyết công nghệ, công nghiệp để đổi lấy hợp đồng từ bên mua. Các bí
quyết này nằm ở năng lực thiết kế, tổ chức sản xuất công nghiệp và tổ chức chuỗi
cung ứng. Ở Việt Nam có luật về chuyển giao công nghệ được thông qua năm 2017
nhưng không yêu cầu cụ thể về mức độ mà bên bán nước ngoài có trách nhiệm phải
đáp ứng nhu cầu sở hữu bí quyết và giá trị công nghiệp sản xuất nội địa của Việt
Nam, đặc biệt là đối với các hợp đồng sử dụng ngân sách nhà nước. Ngay như một
nước bị cho là kém phát triển như Indonesia nhưng từ 2012 đã có luật yêu cầu
85% giá trị hợp đồng mua bán quốc phòng phải có nguồn gốc nội địa. Nếu các hợp
đồng mua từ bên ngoài không đạt yếu tố này thì buộc các nhà cung cấp nước ngoài
phải đầu tư tại Indonesia hoặc mua hàng từ các nhà cung cấp địa phương trong
lĩnh vực đó. Nhiều nước như Thổ Nhĩ Kì, Nam Phi, Brazil, Phần Lan hay thậm chí
Saudi Arabia cũng đã áp dụng chính sách buộc quốc gia bán phải “bù đắp nỗ lực
mua bằng bí quyết công nghệ”. Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh khía cạnh trực tiếp
của “có đi có lại về công nghiệp” vì đây là mục đích hỗ trợ phát triển nội địa.
Ví dụ dùng các hợp đồng ngành hàng không để kích thích phát triển công nghiệp
hàng không, hay dùng các hợp đồng năng lượng tái tạo để kích thích phát triển
công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Người ta cũng có thể mua máy
bay, xe tăng, tàu ngầm để đổi lại việc bên cung cấp sẽ mua gạo, cá, hoa quả.
Nhưng đó là một chiến lược khác, không có tác dụng giảm tính phụ thuộc trong
chính lĩnh vực đang nhập khẩu. Chưa kể rằng việc làm gián tiếp này là rất phức
tạp vì thêm nhiều trung gian và nhiều ngành không liên quan buộc phải làm việc
với nhau.
Ở Việt Nam thì có vẻ như là không phải như vậy.
Việt Nam đã từng mua khá nhiều máy bay Airbus và Boeing, nhưng điều khoản “có
đi có lại về công nghiệp” lại không được thể hiện ngay trong hợp đồng mua máy
bay. Hay chuyện “chuyển giao công nghệ” có lúc được hiểu như là làm bảo dưỡng,
vốn là điều luôn gắn với khí tài vì việc đem khí tài đi ra nước ngoài bảo dưỡng
là lỗ hổng rất lớn trong đảm bảo năng lực tác chiến. Thậm chí chuyển giao công
nghệ có lúc được hiểu là các chuyến thăm quan của các đoàn từ Việt Nam dưới
danh nghĩa học hỏi kinh nghiệm. Như vậy bên bán không mất gì cho Việt Nam, từ
bí quyết công nghiệp đến bí quyết kinh doanh, để đổi lấy hợp đồng. Ngược lại,
sau mỗi hợp đồng nhập khẩu thiết bị, Việt Nam cũng không có nền tảng để tiếp tục
phát triển năng lực công nghiệp và năng lực kinh doanh nhằm tự chủ sản xuất và
vận hành những hệ thống tương tự.
Về điểm thứ 2: mục
đích của bên mua (thứ mà bên mua cần)
Thông thường chuyển giao bí quyết công nghệ bắt
nguồn từ nhu cầu cần phát triển công nghiệp, công nghệ nội địa. Trong khi nhu cầu
là có mà vẫn phải nhập khẩu vì năng lực nội địa không đủ thì quốc gia mua tận dụng
điều này để yêu cầu đối tác chia sẻ bí quyết giúp phát triển nội lực. Vì thế,
thay vì nói “chuyển giao công nghệ” một cách chung chung thì có lẽ nên sử dụng
thuật ngữ “bù đắp công nghiệp” hay “có đi có lại về công nghiệp” với hàm ý đánh
đổi hợp đồng thương mại lấy bí quyết công nghệ liên quan. Thuật ngữ tiếng Anh
cho vấn đề này là “offset”.
Đánh giá chung
Việt Nam có nhiều nghị quyết chính trị, luật
và văn bản dưới luật thể hiện mong muốn có được bí quyết công nghệ nói chung.
Nhưng thể chế, khung pháp lý, tập quán đàm phán với đối tác nước ngoài, kỉ luật
trong đàm phán với đối tác nước ngoài (đối với cả các cơ quan nhà nước lẫn
doanh nghiệp), cơ chế tài chính cho vấn đề sử dụng hợp đồng nhập khẩu đổi lấy
bí quyết công nghệ hiện không rõ ràng. Điểm bất lợi lớn nhất là Việt Nam không
phát triển được nền tảng năng lực công nghiệp và kinh doanh nội địa sau mỗi hợp
đồng nhập khẩu trang bị quốc phòng nhằm tự lực, tránh phụ thuộc nước ngoài. Hậu
quả là sau khi các hệ thống cũ đã hết hạn sử dụng, việc buộc phải nhập khẩu tiếp
sẽ khiến Việt Nam mất đi cơ hội phát triển và mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể.
Đây là điều có lẽ Việt Nam cần phải xem xét trong tương lai gần nhằm hạn chế
thiệt hại trong khi đây đã là một tập quán phổ biến trên thế giới.
Có thể có một số ý kiến cho rằng không thể có
“bù đắp về công nghiệp” khi các hợp đồng mua trang bị vũ khí của Việt Nam chưa
đủ lớn. Thậm chí có ý kiến cho rằng không thể tự ý can thiệp vào hệ thống mua của
nước ngoài. Các ý kiến này không xác đáng vì có thể lấy ví dụ Malaysia so sánh
với Việt Nam. Năm 2003, Malaysia kí hợp đồng trị giá khoảng 900 triệu USD mua
18 máy bay Su-30 từ Nga. Khoản “bù đắp” cho nỗ lực mua hàng từ Malaysia của Nga
được công bố là Nga mua lượng dầu cọ từ Malaysia trị giá 300 triệu USD, đồng thời
Nga cung cấp công nghệ trị giá 270 triệu USD, thành lập liên doanh cung cấp dịch
vụ và sản xuất một số thành phần máy bay. Ngoài ra Nga còn đào tạo các nhà du
hành vũ trụ cho Malaysia[10]. Bản thân Malaysia trong quá trình khai thác máy
bay Su-30 đã tự phát triển được tính năng mới cho loạt máy bay này. Đó là sử dụng
hệ thống trinh sát và chỉ thị mục tiêu Thales Damocles của Pháp để tích hợp lên
máy bay Sukhoi của Nga để điểu khiển bom điều khiển laser của Nga và kể cả của
Mĩ, cũng như điều khiển tên lửa không đối biển Kh-29TE của Nga[11]. Trong khi
đó, Việt Nam đã mua 36 máy bay Su-30, nhiều gấp đôi Malaysia, nhưng không thấy
công bố giá trị và nội dung mà Nga chấp nhận “bù đắp” cho phía Việt Nam, ít nhất
là trong ngành công nghiệp hàng không quân sự.
Về vấn đề tương tự, Yukichi Fukuzawa, một nhà
canh tân Nhật Bản, đã viết từ thế kỉ 19 trong các sách “Khái quát một lý thuyết
về nền văn minh” (1875)[12] và “Khuyến học” (1872-1876)[13] như sau:
“Người ta bắt đầu đặt mục tiêu phát triển nền
văn minh Nhật Bản ngang hàng với phương Tây, thậm chí vượt qua họ. Để làm được
điều này, nếu chỉ nhập khẩu các công nghệ đơn lẻ từ phương Tây là không đủ, chẳng
hạn như cách Trung Quốc mua vũ khí của nước ngoài. Điều cốt lõi là Nhật Bản phải
học được tinh thần ẩn chứa đằng sau công nghệ và tạo ra được các nền tảng tổ chức
phù hợp. Ý tưởng nhập khẩu để khai thác có thể hiểu đơn giản như sau: nếu nước
Anh có một nghìn tàu chiến, vậy thì ta cũng có thể mua một nghìn tàu chiến, và
như thế là ta ngang hàng nước Anh. Điều đó là không đủ. Đó là suy nghĩ của những
người không hiểu được cốt lõi của vấn đề. Cần phải hơn thế rất nhiều. Nghĩa là
nếu có một nghìn tàu chiến thì phải có ít nhất mười nghìn tàu buôn. Khi đó sẽ cần
ít nhất một trăm nghìn thủy thủ. Và muốn như thế thì phải có khoa học hàng hải.
Thậm chí còn phải hơn thế nữa. Chỉ khi nào có được ngần đó người có khả năng,
ngần đó người làm việc thực sự, và luật pháp phải được đặt đúng chỗ của nó,
thương mại phát triển và xã hội phát triển với những điều kiện chín muồi thì
lúc đó và chỉ lúc đó mới cần đến một nghìn tàu chiến. Ngược lại, nếu một quốc
gia mua một nghìn tàu chiến thì đó là điều nhanh nhất dẫn đến kiệt quệ tài
chính quốc gia.”
Và
“Nền văn minh của một quốc gia không thể được
đánh giá từ những bề mặt bên ngoài. Trường học, công nghiệp, quân đội và hải
quân, tất cả đều là thể hiện trên bề mặt của nền văn minh. Không khó để tạo ra
những dạng như vậy, tất cả đều có thể mua bằng tiền. Nhưng đằng sau nó
là khía cạnh tinh thần, cái này không thể nghe, không thể thấy, không thể mua,
cũng không thể bán, không thể cho vay và không thể cho mượn. Vậy mà ảnh hưởng của
tinh thần quốc gia đó lên chính đất nước đó lại rất lớn. Không có nó, trường học,
công nghiệp, hay khả năng quân đội mất tất cả ý nghĩa. Điều đó thực sự là giá
trị quan trọng nhất, nghĩa là tinh thần của một nền văn minh, đến lượt nó sẽ biến
thành tinh thần độc lập của một dân tộc”
Trần Bằng là một kỹ sư hàng không, Nghiên cứu sinh
tiến sỹ ngành Khoa học Chính trị tại Pháp, và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký
Biển Đông.
—————
[1] Hùng Dũng, “Soi chi tiết hai mẫu súng trường
tấn công tương lai của Việt Nam,” Tri Thức & Cuộc sống,
06/07/2020,
[2] Nguyễn Đức Lâm, “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng
và phát triển công nghiệp quốc phòng,” Tạp chí Quốc phòng toàn
dân, 23/05/2016,
Dương Văn Hùng, “Xây dựng, phát triển nền công
nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc,” Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 23/08/2021
Bế Xuân Trường, “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại cho
Quân đội nhân dân Việt Nam,” Tạp chí Cộng sản,
15/09/2020,
Nguyễn Mạnh Hùng, “Phát triển công nghiệp quốc
phòng trong điều kiện mới”, Quân đội nhân dân, 11/07/2021,
[3] Luật chuyển giao công nghệ 2017, số
07/2017/QH14,
https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=190284
[4] Luật Quốc phòng 2018, số 22/2018/QH14,
http://congbao.chinhphu.vn/tai-ve-van-ban-so-22-2018-qh14-26886-23060
[5] Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng 2008, số
02/2008/PL-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12
https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=58756
[6] Trung Nghĩa, “Nga dừng dự án tàu tên lửa
Project 12418 Molniya”, Tri thức & Cuộc sống, 16/09/2016,
Anh Sơn, “Tàu tên lửa 12418 Molniya của Hải
quân Nga lùi thời hạn bàn giao”, Thanh Niên, 02/07/2016,
Hải Dương , “Việt Nam có thể trang bị cho 4
tàu Molniya tiếp theo những vũ khí mới của Karakurt?”, Soha, 05/05/2018,
[7] Dr. Sameer Lalwani, Dr. Frank O’Donnell,
Tyler Sagerstrom, & Akriti Vasudeva, “The Influence of Arms: Explaining the
Durability of India–Russia Alignment”, Journal of Indo-Pacific Affairs,
Air University Press, https://www.airuniversity.af.edu/JIPA/Display/Article/2473328/the-influence-of-arms-explaining-the-durability-of-indiarussia-alignment/
[8] Schwartz, P.N, “The Changing Nature and
Implications of Russian Military Transfers to China”, CSIS, 21/06/2021,
https://www.csis.org/analysis/changing-nature-and-implications-russian-military-transfers-china
[9] SIPRI databases, https://www.sipri.org/
[10] Singh, B., «Indian Defence Offset Policy
– Does it Help Boost Indigenisation?”, Manekshaw Paper, n°51,
2014
[11] Yeo, M., “Malaysia adapts Russian-built
jets to drop US-made bombs”, Defense News, 15/06/2017,
https://www.defensenews.com/air/2017/06/15/malaysia-adapts-russian-built-jets-to-drop-us-made-bombs/
[12] Fukuzawa, Y., An Outline of a
Theory of Civilization, NY: Columbia University Press, 2009
[13] Fukuzawa, Y., An Encouragement of
Learning, NY: Columbia University Press, 2013
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức
mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với
thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành
viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển
Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem
hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài
chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
==========================
Ý KIẾN :
Tác giả không đề cập đến vấn đề ‘lại quả’ khi
VN mua vũ khí của Nga.
No comments:
Post a Comment