Thursday, May 26, 2022

KIỂM SOÁT SÚNG - NƯỚC MỸ CẦN HÀNH ĐỘNG HƠN LÀ TRANH CÃI (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Kiểm soát súng – nước Mỹ cần hành động hơn là tranh cãi

Lê Tây Sơn
26 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/kiem-soat-sung-nuoc-my-can-hanh-dong-hon-la-tranh-cai/

 

Các chuyên gia cho rằng theo thời gian chúng ta có thể giảm một phần ba số người chết vì súng, hoặc 15,000 mạng người mỗi năm, nhờ một loạt hạn chế khả thi đối với súng và những người có thể tiếp cận với chúng. Nếu không, sợ hãi thường trực sẽ tiếp tục đe dọa nền dân chủ và hạnh phúc của người dân...

 

Chỉ cần muốn làm, vẫn còn nhiều không gian để điều chỉnh

 

Trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ có nguy cơ chết trẻ cao hơn 57% so với cùng trang lứa ở các nước tiên tiến khác, mà súng là một trong những nguyên nhân chính. Một nghiên cứu cho thấy thành phần dân số Mỹ từ 15 đến 19 tuổi có nguy cơ bị bắn chết cao hơn 82 lần so với cùng trang lứa tại các quốc gia khác. Hãy xem xét độ tuổi tối thiểu để được mua hoặc sở hữu một khẩu súng. Thủ phạm trong cả vụ xả súng ở Uvalde (Texas) và Buffalo (New York) chỉ mới 18 tuổi.

 

New York Times cho biết, người Mỹ từ 18 đến 20 tuổi chiếm 4% dân số nhưng 17% trong số tội phạm thuộc lứa tuổi này phạm tội giết người. Ở Wyoming, một trong những tiểu bang ủng hộ súng nhất, độ tuổi tối thiểu được mua súng ngắn là 21! Theo Trung tâm Luật Giffords Ngăn chặn Bạo lực súng (Giffords Law Center to Prevent Gun Violence), chỉ có một phần ba số tiểu bang cho mua súng ngắn đối với người từ 21 tuổi trở lên. Một nghiên cứu cho thấy 17% số người phạm tội về súng sẽ không thể sở hữu súng hợp pháp nếu tiểu bang của họ buộc ai muốn mua súng ngắn phải đủ 21 tuổi trở lên. Mở rộng hơn là cấm mua súng nếu có tiền án ma túy hoặc rượu. Chúng ta không cho phép những người từng phạm trọng tội sở hữu vũ khí thì nay cũng có thể áp dụng cho những ai có tiền án nhẹ lạm dụng ma túy, rượu, bạo lực và rình rập người khác.

 

Tiếc thay, chỉ có 10 bang cấm những người có tiền án nhẹ mua súng. Về kiểm tra lý lịch trước khi bán súng, các cuộc thăm dò cho thấy chủ sở hữu súng ủng hộ kiểm tra lý lịch, nhưng thực tế lại thấy có 22% số súng mua được mà không phải kiểm tra! Ở phần lớn nước Mỹ, nuôi chó cứu hộ còn bị kiểm tra nhiều hơn mua súng trường tấn công! Đây là nghịch lý. Ví dụ, người ta vẫn cho những người trong “danh sách cấm bay” được mua súng dù không cho họ lên máy bay! Năm 2019, khi New Zealand xảy ra vụ xả súng hàng loạt, nước này đã hành động nhanh trong 26 ngày để thắt chặt luật súng. Ở Mỹ, đã 56 năm trôi qua kể từ khi một trong những vụ thảm sát bằng súng đầu tiên – vụ xả súng vào tòa tháp của Đại học Texas năm 1966 cướp đi sinh mạng 17 người – luật súng vẫn không thể thông qua.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1186012685.jpg

Một cuộc biểu tình trước Tối Cao Pháp Viện kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn luật sở hữu và sử dụng vũ khí (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

 

Chia rẽ chính trị

 

Trang web châm biếm Onion thường xuyên phản hồi về các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ với tiêu đề: “Không có cách nào để ngăn chặn điều này sao? Trên thế giới chỉ có một quốc gia cứ tái đi tái lại trò này mãi!”. Kết quả của sự tê liệt luật súng của nước Mỹ là kể từ năm 1975, nhiều người Mỹ đã chết vì súng, gồm cả tự tử, giết người và tai nạn mà gộp chung đã vượt qua tất cả các cuộc chiến trong lịch sử Hoa Kỳ, kể từ cuộc Cách mạng Mỹ (American Revolution) cộng lại.

 

Sự thật là nước Mỹ không làm khó với súng như làm với rượu, dao đi săn, thuốc lá hoặc các vật dụng có thể gây chết người khác. Vậy Tu chính án thứ hai có phải là một trở ngại để thông qua luật súng mới? Những cuộc đấu khẩu giữa một bên là “hãy kiểm soát súng tối đa” kèm tiếng thét “quá đủ, quá đủ rồi!” và một bên là “Tu chính án thứ hai đã tạo ra một bế tắc chính trị” khiến nước Mỹ tiếp tục mất 45,000 sinh mạng mỗi năm vì súng, tức 123 sinh mạng mỗi ngày! Thảm trạng này không có ở các nước khác. Nhật Bản thường chết không quá chín người vì súng mỗi năm, trong khi chỉ một vụ xả súng trường tiểu học ở Texas đã cướp đi gấp đôi con số đó! Nhưng bất cứ đề xuất nào về hạn chế súng, đều nhận được phản đối phẫn nộ kiểu: “Xe hơi giết chết nhiều người Mỹ mỗi năm, bằng súng, nhưng tại sao không cấm xe hơi?”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399281605.jpg

Fairfax, Virginia, ngày 25 Tháng Năm 2022 (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

 

Thực tế, các kỹ sư Mỹ đã tìm mọi cách để các phương tiện giao thông an toàn hơn. Tỷ lệ tử vong do xe hơi trên 100 triệu dặm lái đã giảm hơn 90% kể từ năm 1923. Tương tự, chúng ta có một quy trình an toàn cho thang, bể bơi và đồ chơi (quy định của liên bang về thang – “thủ phạm” làm chết khoảng 100 người mỗi năm – dài tám trang, đi kèm với chiến dịch “Tháng an toàn cho thang” vào mỗi Tháng Ba).

 

Tại sao chúng ta không thể áp dụng tương tự đối với súng? – cây bút bình luận nổi tiếng Nicholas Kristof viết trên New York Times. Ví dụ, chúng ta đòi giấy phép lái xe, vậy thì tại sao không thể đòi giấy phép mua súng? Ở tiểu bang Massachusetts, một trong những nơi có tỷ lệ tử vong do súng thấp nhất nước, đã có luật này. Massachusetts mong đợi sẽ có luật súng chặt chẽ hơn nữa. Các yêu cầu về bảo quản an toàn đối với giữ súng khỏi trẻ em và kẻ trộm (khoảng 380,000 khẩu súng bị đánh cắp hàng năm từ các chủ sở hữu tư nhân) cũng đáng xem xét.

 

Chúng ta cần kết thúc việc tự chế những “khẩu súng ma” do người mua lắp ráp từ các bộ phận không có số sê-ri hoặc kiểm tra lý lịch bên cạnh việc hạn chế công nghệ tạo các bộ phận của súng bằng máy in 3-D. Cũng cần nghiên cứu sáng kiến mua lại súng để giảm bớt 400 triệu khẩu súng đang lưu hành ở Mỹ đồng thời gắn nhãn cảnh báo trên súng là “súng để trong nhà làm tăng nguy cơ tử vong”. Rồi đánh thuế súng để có tiền thanh toán những hậu quả do sử dụng sai mục đích giống như đánh thuế thuốc lá. Kiểm tra lý lịch cá nhân người mua đạn cũng là một ý hay. Tăng thêm thời gian chờ đợi hoặc giới hạn mua súng một tháng cho mỗi người. Rồi triệt phá nạn thu gom súng của các băng đảng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399281710.jpg

Người dân kêu gọi kiểm soát việc sử dụng vũ khí trước trụ sở Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) ở Fairfax, Virginia ngày 25 Tháng Năm 2022 (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

 

Bế tắc tại Quốc hội

 

Ước tính, năm ngoái có khoảng 18.8 triệu khẩu súng được bán tại Mỹ. Hiện Mỹ có số súng trên đầu người cao nhất thế giới (Yemen do nội chiến đứng thứ hai). Thường dân Mỹ có nhiều vũ khí tấn công phiên bản dân sự hơn quân đội Mỹ có phiên bản tự động. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác trong hơn một thập niên qua, đề xuất của đảng Dân chủ tại Quốc hội về hạn chế súng luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt của Đảng Cộng hòa. New York Times đã điểm lại những nỗ lực thất bại tại Quốc hội.

 

- Sandy Hook, 2012

Ngày 14 Tháng Mười Hai 2012, một tay súng đã giết chết 26 người (có 20 trẻ em 6 và 7 tuổi). Đây là vụ xả súng chết chóc nhất tại một trường học phổ thông trong lịch sử Mỹ. Nhưng một dự luật do Thượng nghị sĩ Joe Manchin III, đảng Dân chủ tiểu bang West Virginia và Thượng nghị sĩ Patrick J. Toomey, đảng Cộng hòa tiểu bang Pennsylvania đệ trình nhằm tăng cường kiểm tra lý lịch tội phạm đối với những người mua súng đã bị bác.

 

Sau vụ thảm sát, Tổng thống Barack Obama kêu gọi khẩn cấp có các biện pháp an toàn súng và cử Phó Tổng thống Joe Biden thúc đẩy nỗ lực này. Các dân biểu Dân chủ soạn dự luật mở rộng kiểm tra lý lịch, cấm vũ khí tấn công và hạn chế kích thước băng đạn. Trừ kiểm tra lý lịch được hai đảng đồng ý, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng không đạt được kết quả nào trong bối cảnh Hiệp hội Súng trường Quốc gia (National Rifle Association-NRA) vận động hành lang tích cực với tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan đăng ký súng quốc gia dù dự luật cấm tạo ra cơ quan này. Obama nói: “Bỏ phiếu thất bại là một ngày đáng xấu hổ ở Washington”. Chỉ có 54/46 phiếu ủng hộ tại Thượng viện, dưới ngưỡng 60 phiếu cần thiết. Trong số những người phản đối, hầu hết là đảng viên Cộng hòa và năm đảng viên Dân chủ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1391488607.jpg

Philadelphia, Pennsylvania ngày 14 Tháng Tư 2022 (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

 

- Charleston, 2015

Ngày 17 Tháng Sáu 2015, một người da trắng bắn chết chín người da đen đang dự buổi học Kinh thánh tại Nhà thờ Giám lý Châu Phi (African Methodist Episcopal Church) ở Charleston, South Carolina. Đảng Dân chủ đề xuất đóng “lỗ hổng Charleston”, với việc cho phép các đại lý có thể hoàn tất việc bán súng nếu qui trình kiểm tra lý lịch tư pháp người mua kéo dài hơn ba ngày làm việc (business day). Với việc đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, không có phiên điều trần hoặc bỏ phiếu nào được tổ chức.

 

- San Bernardino, 2015

Một cặp vợ chồng ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) đã xả súng tự động vào nhóm sinh hoạt cộng đồng tại Inland Regional Center ở San Bernardino, California làm 14 người thiệt mạng. Một bản sao dự luật Manchin-Toomey (với đề xuất mở rộng kiểm tra lý lịch tội phạm đối với súng mua trực tuyến); và một dự luật khác của Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, đảng Dân chủ California (nhằm cấm các cá nhân trong danh sách theo dõi khủng bố mua súng) được đệ trình, nhưng phe Cộng hòa phản đối và thay thế bằng hai dự luật khác. Cuối cùng, Thượng viện bác bỏ dự luật Manchin với tỷ lệ 50-48, dự luật Feinstein 54/45. Cả hai dự luật của Đảng Cộng hòa cũng thất bại.

 

- Hộp đêm Pulse, 2016

Gần 50 người bị thiệt mạng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, Florida khi một tay súng tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tấn công họ. Cả bốn dự thảo luật của hai đảng đều không đạt được 60 phiếu.

 

- Las Vegas, 2017

Một tay súng đơn độc ngồi trong phòng trên tầng 32 của một khách sạn cao tầng đã nổ súng xuống buổi hòa nhạc ngoài trời tại Las Vegas Strip làm 60 người chết. Đây là vụ xả súng hàng loạt chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại. Nhưng dự luật cấm súng trường bán tự động bắn hàng trăm phát mỗi phút không thể thông qua.

 

- Sutherland Springs, 2017

Một tay súng đã nổ súng vào Nhà thờ Baptist ở Sutherland Springs, Texas khiến 26 người thiệt mạng. Thủ phạm mua được khẩu súng bất chấp tiền án bạo lực gia đình. Đạo luật Fix NICS (National Instant Criminal Background Check System), đạo luật súng lưỡng đảng hiếm hoi được NRA ủng hộ, đã thực hiện những cải tiến khiêm tốn đối với hệ thống kiểm tra lý lịch, yêu cầu các bang và cơ quan liên bang thực hiện tốt hơn việc báo cáo hồ sơ sức khỏe tâm thần và pháp lý cho Hệ thống kiểm tra lý lịch tội phạm gọi là National Instant Criminal Background Check System. Dự luật được Hạ viện thông qua với số phiếu từ 256/167 và Thượng viện 65/32. Tổng thống Donald J. Trump ký ban hành.

 

- Parkland, 2018

Ngày 14 Tháng Hai 2018, một cựu học sinh đã giết 17 người tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, trong đó có 14 học sinh. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng Cộng hòa tiểu bang Florida đã đưa ra dự luật “cờ đỏ” (red flag bill) để cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật quyền hạn chế việc mua súng đối với những người không ổn định tâm thần và dễ gây bạo lực. Học sinh dẫn đầu cuộc vận động nhưng đạt được rất ít tiến bộ trong Quốc hội vì đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện. Dự luật của Rubio thất bại hai lần.

 

- El Paso và Dayton, 2019

Một người đàn ông mặc áo giáp bắn chết chín người, cả chị gái của y, ở Dayton, Ohio, vài giờ sau khi một tay súng bắn súng trường vào cửa hàng Walmart ở El Paso giết chết 23 người vào Tháng Tám 2019. Các đảng viên Đảng Dân chủ và một số đảng viên Đảng Cộng hòa đề xuất dự luật mở rộng kiểm tra lý lịch tội phạm của những người mua súng trực tuyến, đồng thời kéo dài thời gian FBI phải hoàn thành kiểm tra lý lịch. Không có cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện.

 

Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số vào thời điểm đó, khẳng định ông sẽ không áp dụng bất kỳ đạo luật nào trừ khi Trump đồng ý ký thành luật. Trump lại muốn tập trung vào sức khỏe tâm thần. Năm 2020, lần đầu tiên súng ống trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ, vượt qua xe hơi. Tuy nhiên, Quốc hội không làm gì cả. Vấn đề đã không được tranh luận nghiêm túc kể từ năm 2013, sau khi 20 trẻ em và sáu nhân viên bị bắn chết tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut vào Tháng Mười Hai 2012. Hai đề xuất mở rộng và tăng cường kiểm tra lý lịch – những cải cách nhận được sự ủng hộ đông đảo từ công chúng Mỹ – đã thông qua Hạ viện vào Tháng Ba 2021 nhưng đã mòn mỏi ở Thượng viện, nơi cần 10 phiếu của Đảng Cộng hòa.

__________

 

Washington Post (ngày 25-5-2022) cho biết, lãnh đạo đa số Thượng viện Charles E. Schumer (Dân chủ, New York) nói rằng đảng Dân chủ sẵn sàng đàm phán với Cộng hòa với hy vọng đạt được một thỏa thuận về luật kiểm soát súng. Việc củng cố kiểm tra lý lịch nên được ưu tiên. Dự luật được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân chủ, California) sẽ nâng độ tuổi tối thiểu để mua vũ khí tấn công và băng đạn từ 18 lên 21.

 

Tay súng trong vụ Uvalde (Texas) – giống như nghi phạm xả súng ở Buffalo (New York) và nhiều người khác – là một thiếu niên nhưng vẫn có thể mua vũ khí kiểu quân sự là nhờ một điều khoản trong luật súng liên bang yêu cầu người mua phải 21 tuổi mới được mua khẩu súng ngắn (handgun) nhưng lại không cấm mua súng trường (rifle).

 

Sau vụ nổ súng ở Parkland vào năm 2018, cơ quan lập pháp do GOP kiểm soát ở Florida đã thông qua và sau đó là Thống đốc (thời điểm đó) Rick Scott (Cộng hòa) đã ký thành luật, qui định độ tuổi tối thiểu để mua súng trường phải là 21. Rick Scott, hiện ở vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, nên tiếp tục hậu thuẫn luật tương tự áp dụng cho toàn quốc, vốn chính ông từng ký cho Florida. Những điều luật mới sẽ không ngăn chặn tất cả các vụ xả súng hàng loạt nhưng chúng có thể giúp giảm bớt tình trạng xả súng bừa bãi. Nước Mỹ cần phải có sự khởi đầu mới cho vấn đề kiểm soát sở hữu và sử dụng vũ khí.

________

 

Từ vụ xả súng ở Texas: Tiền và máu

 

Vụ thảm sát trong trường học ở Texas: Nỗi đau còn lại!

 

Nước Mỹ sẽ tiếp tục để tang vì vấn nạn xả súng!

 

Những ánh mắt và nụ cười vụt tắt

 

 




No comments: