Có phải Biden lại ‘lỡ lời’ về
Đài Loan?
Hiếu Chân/Người
Việt
May 24,
2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/co-phai-biden-lai-lo-loi-ve-dai-loan/
Trong chuyến
công du tại Nhật, Tổng Thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ can thiệp
quân sự nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công. Bình luận của ông nhanh chóng được
cả thế giới chú ý, bình phẩm, được Đài Loan ca ngợi và Trung Quốc tức giận phản
đối. Một số nhà phân tích chính trị Mỹ nói, ông tổng thống đã “lỡ lời” – và ông
đã có vài lần lỡ lời khi phát biểu trước công chúng ngoài văn bản đã chuẩn bị sẵn.
Có thật vậy không?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/A1-Biden-noi-ve-Dai-Loan-1068x712.jpg
Trong chuyến công du tại Nhật, Tổng Thống Joe
Biden (trái) phát đi tín hiệu rằng ông sẽ can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị
Trung Quốc tấn công. (Hình: Zhang Xiaoyou – Pool/Getty Images)
Tại cuộc họp
báo chung với ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, hôm Thứ Hai, 23 Tháng Năm, một
phóng viên đã hỏi ông Biden: “Ông không muốn tham gia vào cuộc xung đột quân sự
ở Ukraine vì những lý do rõ ràng. Nhưng ông có sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo
vệ Đài Loan nếu điều đó xảy ra không?” Ông Biden trả lời thẳng: “Có.” Phóng
viên hỏi tiếp: “Ông đồng ý?” Ông Biden nói thêm: “Đó là cam kết mà chúng tôi đã
đưa ra.”
Mỹ sẽ gửi quân đội đến Đài Loan?
Cuộc đối
thoại ngắn ngủi kể trên được nhiều người hiểu là, ông Biden sẵn sàng gửi quân đội
Hoa Kỳ tới Đài Loan chống lại cuộc xâm lược [nếu có] của Trung Quốc – và đây là
điểm khác với những gì ông đang làm để giúp đỡ Ukraine chống lại cuộc xâm lược
đang diễn ra của Nga. Với Ukraine, chính quyền Biden đã cung cấp hàng chục tỷ
đô la viện trợ, vũ khí tối tân và thông tin tình báo giúp người Ukraine tự vệ
nhưng từ chối gửi quân đội Mỹ tham gia chiến trường.
Nếu cam kết
gửi quân đội tham chiến thì ông Biden đã xa rời chính sách “sự mơ hồ chiến lược”
theo truyền thống mà các tổng thống Mỹ ưa chuộng, và điều đó có thể làm căng thẳng
gia tăng trong khu vực. Nhưng hàm ý của ông Biden dường như không đơn giản như
vậy.
Tuyên bố của
tổng thống được đưa ra mà không báo trước hoặc làm rõ, đã khiến một số thành
viên trong chính phủ của ông ngạc nhiên đến sửng sốt. Trước đây, Hoa Kỳ vẫn thường
cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực để xâm chiếm Đài Loan nhưng chưa
bao giờ nói rõ liệu Mỹ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp
bị Trung Quốc tấn công hay không. Một số quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ,
nhiều nhà lập pháp lưỡng đảng và cả ông Shinzo Abe, cựu thủ tướng Nhật, đã nhiều
lần thúc hối Tổng Thống Biden hãy từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” và nói rõ
cho Bắc Kinh hiểu rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan thì Hoa Kỳ sẽ ra tay.
Tòa Bạch Ốc
nhanh chóng “nói lại cho rõ” rằng Hoa Kỳ không thay đổi chính sách đối với Đài
Loan. Tuy không nói ông Biden “lỡ lời” nhưng trong một thông cáo báo chí vội vã
gửi tới các phóng viên, Tòa Bạch Ốc khẳng định lại lập trường của các chính phủ
Mỹ: “Như tổng thống đã nói, chính sách của chúng tôi không thay đổi. Ông ấy nhắc
lại chính sách Một Trung Quốc và cam kết của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định
trên eo biển Đài Loan. Ông ấy cũng nhắc lại cam kết của chúng tôi theo Đạo Luật
Quan Hệ Đài Loan là cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ.”
Trước khi
rời Nhật chiều 24 Tháng Năm, kết thúc chuyến công du đầu tiên tới Châu Á trong
cương vị tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden cũng khẳng định chính sách “mơ hồ
chiến lược” của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là không thay đổi.“Chính sách không
thay đổi chút nào. Tôi đã tuyên bố điều đó khi tôi đưa ra tuyên bố của mình
ngày hôm qua,” ông Biden nói sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp QUAD trước
khi ông lên phi cơ trở về thủ đô Washington.
Ông Biden đã nhiều lần cam kết như vậy
Từ bối cảnh
của cuộc đối thoại là cuộc chiến tranh ở Ukraine, có thể hiểu ý của ông Biden
là Hoa Kỳ sẽ không chỉ cung cấp cho Đài Loan vũ khí để tự vệ. Vậy thì phải hiểu
“sự can thiệp quân sự” (to get involved militarily) như thế nào? Cả ông Biden
và các thành viên trong chính phủ của ông đều không nói rõ ý ông là gì khi xác
nhận Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia về quân sự với Đài Loan. Dường như ông Biden để
cho người nghe cái ấn tượng rõ ràng rằng ông muốn nói các lực lượng Hoa Kỳ sẽ
được phái tới Đài Loan theo một kiểu nào đó.
Nếu theo
dõi những phát biểu của ông Biden về Đài Loan và Trung Quốc, chúng ta có thể hiểu
được phần nào những điều mà ông suy nghĩ.
Ý tưởng phản
ứng của Hoa Kỳ dường như đã có từ lâu trong tâm trí của ông Biden, trong chiến
lược đấu tranh với Trung Quốc mà ông ấp ủ. Hồi Tháng Tám, 2021, ông nói với nhà
báo George Stephanopoulos của đài ABC rằng nếu có ai đó xâm lược hoặc sử dụng
vũ lực chống một đồng minh NATO thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng, “Với Nhật cũng vậy, với
Nam Hàn cũng vậy, với Đài Loan cũng vậy;” cho dù khi phát biểu ông Biden thừa
hiểu rằng Đài Loan không phải là một đối tác có hiệp ước tương hỗ về an ninh với
Hoa Kỳ như Nhật Bản, Nam Hàn hoặc các nước NATO. Đến Tháng Mười, 2021, khi nhà
báo Anderson Cooper đài CNN đặt câu hỏi: “Hoa Kỳ có đến bảo vệ Đài Loan nếu
Trung Quốc tấn công hay không?” ông Biden lại khẳng định: “Có chứ, chúng ta có
cam kết làm như vậy.”
Câu trả lời
mà ông Biden đưa ra hôm 23 Tháng Năm ở Tokyo là lần thứ ba ông xác nhận Hoa Kỳ
sẽ bảo vệ Đài Loan, tức là ông công khai nói ra suy nghĩ của ông chứ không thể
nói là ông tổng thống đã “lỡ lời” để rồi sau đó các nhân viên của ông phải vội
vã đính chính.
Bài học Ukraine cho tình hình Đông Á
Cuộc xung
đột Ukraine đang được cả Châu Á theo dõi để biết đường đi nước bước của Trung
Quốc. Nếu ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, thành công trong việc chiếm
Ukraine – vùng đất từng là lãnh thổ của đế chế Nga – người ta sợ rằng điều đó sẽ
tạo ra một tiền lệ xấu: các nước lớn và mạnh sẽ dùng vũ lực để xâm lăng các nước
độc lập, có chủ quyền với lý do khôi phục đế chế xưa cũ của họ. Trong trường hợp
đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn dùng vũ lực thâu tóm đảo Đài Loan, một số đảo
của Nhật và Đông Nam Á. Còn nếu ông Putin thất bại thì phản ứng đoàn kết của
Tây phương trong việc hỗ trợ Ukraine kháng chiến sẽ giội gáo nước lạnh vào ý đồ
bành trướng của những nhà độc tài hoang tưởng như ông Tập Cận Bình, chủ tịch
Trung Quốc.
Triển vọng
“hợp nhất” Đài Loan với Trung Quốc ngày càng xa vời sau khi ông Tập thực thi một
chính sách chuyên chế hà khắc ở Hoa Lục và đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng
Kông. Ông Tập nhiều lần nói ông không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thâu tóm
Đài Loan, “thống nhất đất nước.” Trong tuần qua, khi Tổng Thống Biden có mặt ở
Đông Á, Trung Quốc đã điều động 14 chiến đấu cơ bay vào vùng nhận diện phòng
không của hòn đảo – một phần trong chiến dịch gây sức ép chính trị, quân sự lên
hòn đảo tự trị theo chế độ dân chủ kéo dài nhiều năm nay. Cuộc xung đột ở
Ukraine càng làm cho người Đài Loan thêm lo lắng về ý đồ của Bắc Kinh và buộc
Washington phải khẩn cấp xem xét lại khả năng tự vệ của Đài Bắc để bảo đảm hòn
đảo này có thể ngăn chặn được một cuộc xâm lược.
Phát biểu
của ông Biden về Đài Loan cần được đặt trong bối cảnh như vậy. Ngay sau đoạn đối
thoại với phóng viên kể trên, ông Biden nói thêm: “Ý tưởng rằng [Đài Loan] có
thể bị xâm chiến bằng vũ lực, chỉ sử dụng vũ lực, là điều hoàn toàn không thích
hợp. Nó sẽ gây xáo trộn toàn khu vực và sẽ là một hành động nữa tương tự với những
gì đang xảy ra ở Ukraine.” Chiến tranh ở Đài Loan có vẻ như không sắp xảy ra
trong thời gian trước mắt, và ông Biden nói “kỳ vọng của tôi là nó sẽ không xảy
ra.” Nhìn chung, ông Biden không chấp nhận Trung Quốc lặp lại hành động xâm lược
của Nga ở Châu Á, ở Đài Loan. Còn nếu Trung Quốc vẫn cứ hung hăng theo đuổi mục
tiêu của họ, gây bất ổn toàn khu vực thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng bằng quân sự.
Răn đe Trung Quốc
Không chỉ
ông Biden mà các nhà lãnh đạo khác ở Châu Á cũng có quan điểm tương tự, dù họ
không nói ra thành lời rõ ràng như ông Biden. Đứng cạnh ông Biden tại buổi họp
báo hôm 23 Tháng Năm, Thủ Tướng Fumio Kishida cho biết: “Bất kỳ nỗ lực đơn
phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực như hành động gây hấn của Nga đối
với Ukraine lần này sẽ không bao giờ được dung thứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương.” Ông Kishida cho biết đó không phải là ý kiến riêng của ông mà là quan
điểm chung của bốn nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ (QUAD) tại hội nghị thượng đỉnh ở
Tokyo.
Tuy ông
Kishida không nói thẳng thừng như ông Biden, chính quyền của ông đã lặng lẽ
tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời thảo luận về kế hoạch mua vũ khí có khả
năng tấn công các bệ phóng hỏa tiễn trong lãnh thổ của đối phương và tiến hành
nhiều cuộc tập trận hơn với lực lượng Mỹ. Đài Loan chỉ cách hòn đảo Yonaguni cực
Tây của Nhật 65 dặm nên một cuộc chiến Đài Loan sẽ nhanh chóng lôi kéo nước Nhật
vào vùng ảnh hưởng.
Ông
Narushige Michishita, phó chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Gia ở Tokyo,
nhận định với báo New York Times:“Các nhà hoạch định Trung Quốc phải tính đến
khả năng Nhật tham gia khi họ lên kế hoạch và khi họ quyết định có tấn công Đài
Loan.” Buộc Trung Quốc phải xem xét viễn cảnh đối mặt với các lực lượng Mỹ và
Nhật, là một giải pháp cuối cùng sẽ “tăng cường khả năng hòa bình và ổn định
trên eo biển Đài Loan.”
Theo chiều
hướng như vậy, việc Tổng Thống Biden công khai tuyên bố Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng
quân sự để bảo vệ Đài Loan là một biện pháp “răn đe,” ngăn chặn những đầu óc
nóng máu phiêu lưu ở Bắc Kinh chứ không phải là một phát biểu lỡ lời của tổng
thống Mỹ.
Chính sách sự mơ hồ chiến lược đã hết thời
Trong các
nước nhỏ giáp biên giới với Nga, ông Putin đã chọn Ukraine để ra tay bởi vì
Ukraine không phải là thành viên NATO; tấn công xâm lược Ukraine, Nga không phải
lo đối đầu với lực lượng quân sự của khối NATO như trường hợp tấn công các nước
vùng Baltic như Estonia, Latvia hoặc Lithuania. Tư cách thành viên NATO và
nguyên tắc tấn công một nước là tấn công toàn khối của NATO là điều bảo đảm an
ninh tối hậu cho các nước nhỏ, láng giềng của Nga; và đó cũng là lý do thúc đẩy
Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ lập trường trung lập từ mấy chục năm nay để nhanh
chóng gia nhập NATO.
Ở Châu Á,
nếu Trung Quốc nhận ra Mỹ, Nhật và các nước khác sẽ tham chiến để bảo vệ hòn đảo
dân chủ Đài Loan và trật tự thế giới hiện tồn thì chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ
phải suy tính lại, thay vì cố xâm lược Đài Loan, Nhật hoặc Đông Nam Á bằng vũ lực
Bắc Kinh phải tìm một chính sách hòa hoãn hơn để thống nhất trong hòa bình.
Cục diện
thế giới đã thay đổi rất nhiều, và như nhận định trên tạp chí Foreign Affairs của
nhà nghiên cứu Richard Haass, chủ tịch Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (CFR): “Chính
sách gọi là ‘sự mơ hồ chiến lược’… đã hết tác dụng. Sự mơ hồ đã không thể ngăn
cản Trung Quốc ngày càng hung hăng với một lực lượng quân sự ngày càng phát triển.
Đã đến lúc Hoa Kỳ phải đưa ra chính sách ‘sự rõ ràng chiến lược’ (strategic
clarity), nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng một khi Trung Quốc dùng vũ lực với Đài
Loan.”
Phát biểu
có vẻ bất ngờ của Tổng Thống Biden tại Tokyo chắc chắn không phải do “lỡ lời”
mà là dấu hiệu để Bắc Kinh biết rằng họ sẽ phải đối mặt với những đối thủ mạnh
hơn rất nhiều như Mỹ và Nhật, phải trả giá rất đắt nếu manh động dùng vũ lực để
thay đổi hiện trạng ở Châu Á. [qd]
No comments:
Post a Comment