‘Chúng
ta chỉ có thể là kẻ thù’
Peter
Pomerantsev / The Atlantic
Trần Giao Thủy dịch thuật
Posted on May 3, 2022
https://dcvonline.net/2022/05/03/chung-ta-chi-co-the-la-ke-thu/
Kinh nghiệm của một
gia đình về cuộc xâm lăng của Vladimir Putin dẫn đến một con đường để kết thúc
chiến tranh.
Paul Spella / The Atlantic; Getty; Alamy
Khi quân đội
Nga bắt đầu pháo kích vào Lukashivka, một ngôi làng ở miền bắc Ukraine, hàng chục
dân làng đã chạy vào hầm trú ẩn của gia đình Horbonos. Trẻ em, phụ nữ có thai,
những người già liệt giường và chính những người trong gia đình Horbonos đi xuống
dưới vườn đào và những vạt rau của gia đình, và họ đợi. Trong 10 ngày, họ lắng
nghe tiếng đạn pháo kích xuống mặt đất phía trên đầu họ nhiều lần trong một giờ.
Các cuộc tấn công để lại những hố lớn trên đất liền, thiêu rụi chiếc xe của gia
đình Horbonos và phá hủy mái nhà của họ. Cuối cùng, vào ngày 9 tháng 3, họ nghe
thấy âm thanh của vũ khí hạng nặng và xe tăng tiến vào làng: Quân đội Nga đã
chiếm được Lukashivka.
Những người
lính Nga ra lệnh cho dân làng đang khiếp sợ phải ra khỏi hầm, sau đó họ ném lựu
đạn vào hầm, nhắm vào bất kỳ binh sĩ Ukraine nào đang ẩn náu. Gia đình Horbonos
— Irina, 55 tuổi; Sergey, 59 tuổi; và con trai 25 tuổi của họ, Nikita — đêm sau
theo đã ở trong căn hầm của hàng xóm, nhưng trời ẩm ướt và lạnh đến mức họ trở
về hầm của họ. Khi đến nơi, họ thấy 5 lính Nga đang sống trong hầm. Irina hỏi :
“Chúng
tôi sẽ sống ở đâu bây giờ? Đây là nhà của chúng tôi.” (Irina
Horbonos)
Những người
lính nói với gia đình Horbonos rằng họ có thể trở về nhà — tất cả họ có thể sống
với nhau ở đó. Và vì vậy Horbonos đã trở lại.
Họ sống
khoảng ba tuần với năm người lính Nga đó, cùng ăn với nhau, cùng đi dạo, và nói
chuyện với nhau. Những người lính Nga có những tuyên bố vô nghĩa về nhiệm vụ của
họ và hỏi những câu hỏi rất căn bản về Ukraine, nhưng cũng đưa ra những nhận thức
về động cơ và tinh thần của họ; Gia đình Horbonos phản đối những tuyên bố của họ,
giận dữ hét vào mặt họ và cũng uống rượu với họ, họ dùng độ tin cậy đó đó để
khích động sự tin tưởng của những người lính về cuộc chiến
của Vladimir Putin.
Trong vài
tuần đó, giai đoạn mà người trong gia đình Horbonos đã kể lại cho tôi và đồng
nghiệp Andrii Bashtovyi, căn hầm ở Lukashivka đã trở thành một mô hình thu nhỏ
của mặt trận tuyên truyền trong chiến tranh. Một bên là những người Nga, những
người đã lặp đi lặp lại hàng loạt những giả dối mà họ đã được kể về cuộc tấn
công của họ; mặt khác, những người Ukraine, tự hỏi tại sao ngôi nhà của họ có
thể bị những kẻ xâm lăng tàn phá bởi do một chuyện hư cấu.
Tuy nhiên,
sau cuộc gặp với gia đình Horbonos và trong cùng một tuần, với người lãnh đạo
quốc gia của họ, Tổng thống Volodymyr Zelensky, kinh nghiệm của gia đình
Horbonos rõ ràng cũng đưa ra một câu hỏi ám ảnh nhiều chính khách, giới chức
chính phủ, nhà báo và giới hoạt động ở Ukraine và nước ngoài cố gắng kết thúc
cuộc chiến này một cách tuyệt vọng: Làm thế nào để thuyết phục những người Nga,
vốn bị bị tuyên truyền bằng hàng loạt những lời nói dối không hồi kết, từ bỏ sự
ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine của Putin?
Ban đầu,
gia đình Horbonos quá sợ để có thể nói chuyện với những người người lính Nga
đang ở cùng hầm với họ. Trong lúc đó, những người lính luôn bám chặt lấy súng.
Họ hiếm khi rời khỏi căn hầm trừ khi được gọi đi làm nhiệm vụ; giống như chủ
nhà, họ cũng sợ những đợt pháo kích trên đầu khi quân đội Ukraine và Nga chiến
đấu ở khu vực xung quanh thành phố Chernihiv gần đó.
VIDEO :
War in
Ukraine: No Easter service at the church of Lukashivka • FRANCE 24 ENGLISH
Video: Peter
O’Brien
https://www.youtube.com/watch?v=YV77Y3gcmbs
Tuy nhiên,
sau vài ngày, hai nhóm bắt đầu hiểu nhau, ban đầu họ thảo luận về những chủ đề
có vẻ như những chủ đề trung lập, chẳng hạn như thực phẩm và những công thức nấu
ăn phổ biến của Ukraine. Gia đình Horbonos biết được rằng năm người lính là thợ
máy. Trong số đó có một thuyền trưởng, người trẻ nhất trong nhóm, 31 tuổi. Ba
người khác ở độ tuổi 40 — hai người đã từng phục vụ ở Syria; mặt của một người
đã bị bỏng khi chiếc xe mà anh ta điều khiển kích nổ mìn trên đường đến
Lukashivka, và anh ta chửi rủa khi bôi thuốc lên mặt. Bốn người trong năm là
dân ở Siberia. Người thứ năm cũng ở độ tuổi 40, là người Tatar, một nhóm sắc tộc
có nước cộng hòa lớn ở trung tâm nước Nga. Những người khác thấy rất phiền anh
ta liên tục hát những giai điệu Tatar, và trêu anh ta vì sự hèn nhát, anh ta dường
như luôn là người đầu tiên chui vào hầm khi những loạt pháo kích bắt đầu.
Lúc đầu,
viên thuyền trưởng nhiệt thành lặp lại tuyên truyền của Điện Kremlin: Ông và những
người đồng hương đang đến Ukraine để giải cứu Horbonos, ông nói; những người
lính chiến đấu không phải là người Ukraine mà là người Mỹ; đây không phải là một
cuộc chiến, mà là một “cuộc hành quân đặc biệt.” Ông nói, sau khi kết
thúc, tất cả họ có thể sống hạnh phúc dưới sự cai trị của Putin.
Irina phản
biện. Bà nói không cần giải cứu. Không có binh lính Mỹ hay căn cứ Mỹ nào ở
Lukashivka, hay bất cứ nơi nào ở Ukraine. Bà ấy không muốn sống dưới sự cai trị
của Putin. Khi viên thuyền trưởng nói rằng ông ta đã được thông báo rằng người
Ukraine bị cấm nói tiếng Nga, bà ấy nói với anh ta rằng họ có thể nói bằng bất
kỳ ngôn ngữ nào họ chọn. (Tôi đã nói chuyện với gia đình Horbonos bằng tiếng
Nga.)
Dần dần,
ông ta đuối lý, đuối không chỉ với nhưng phản biện của Irina mà còn với sự thật
nghiệt ngã của cuộc chiến. Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, ông ta rất
phấn chấn, tin rằng cuộc chinh phục sắp thành công. Ông ta lao vào hầm, tuyên bố,
“Kyiv bị bao vây! Chernihiv sắp thất thủ!” Nhưng rồi nhiều tuần trôi qua, cả
Kyiv và Chernihiv đều không thất thủ, tinh thần của ông ta trở nên sa sút. Có
lúc, Sergey nói với tôi, ông đã phải chỉ cho thuyền trưởng người Nga xem Kyiv ở
đâu trên bản đồ, khiến ông ta ngạc nhiên khi biết rằng nó không phải ở bất kỳ
đâu gần đó, như anh ta đã nghĩ, mà là cách xa gần 100 dặm.
Những người
lính khác kém nhiệt thành hơn người chỉ huy của họ. Hai người rút về với chủ
nghĩa hoài nghi, không muốn tin tưởng những báo cáo hoặc thông tin từ người Nga
hoặc người Ukraine. Người có khuôn mặt bị bỏng cũng nhiệt thành chống Putin chẳng
kém gì vị thuyền trưởng đã ủng hộ. Anh ta công khai chửi bới tổng thống, gọi
ông ta là một con dê. Ông ấy chưa bao giờ bỏ phiếu cho đảng của Putin.
Dần dần, một
loại niềm tin đã thành hình. Một đêm, một trung sĩ Nga say rượu đi lang thang ở
Lukashivka, mặc áo khoác da và đeo phù hiệu U.S.S.R., đe dọa giết những người
dân địa phương để trả thù cho những người bạn mà anh ta đã mất. Anh ta đã quá
say để thực hiện được lời đe dọa của mình, nhưng đó không phải là một trường hợp
cá biệt: Những người lính trẻ tuổi uống rượu và say, hét vào mặt những người
Ukraine rằng tất cả họ cần phải bị “trừng phạt”. Gia đình Horbonos hiếm khi mạo
hiểm vượt ra khỏi vườn cây ăn quả của họ. Họ cảm thấy an toàn hơn trong căn hầm
của mình, với năm người lính Nga.
Khi người
Nga rời khỏi hầm để uống rượu hoặc hút thuốc, họ mời Sergey tham gia. Cả nhóm
pha loãng rượu mạnh với một ít nước, và Sergey sẽ cuộn thuốc lá bằng giấy báo.
Cuộc trò chuyện của họ trở nên có suy nghĩ hơn. Sergey sẽ hỏi, “Các ông đang
làm gì ở đây? Mục đích của cuộc chiến này là gì?”
Một cách
tuyệt vọng, người Nga sẽ trả lời rằng họ đến không phải để chiến đấu mà để tham
dự một lễ ăn mừng. Một người nói, họ đã đến, “cho một cuộc tuần hành chiến thắng
ở Kyiv.”
Về mặt nào
đó, tinh thần thấp kém, sự hoài nghi và ngờ vực của những người lính của họ là
điều không có gì đáng ngạc nhiên. Hệ thống tuyên truyền nổi tiếng của Putin
luôn không hướng tới việc khơi dậy sự nhiệt tình mà để gieo rắc sự nghi ngờ và
bất an nhiều hơn, tạo ra rất nhiều phiên bản của “sự thật” khiến mọi người cảm
thấy mất hứng thú và quay sang một người lãnh đạo độc tài để dẫn họ vượt qua sự
giết chóc. Trong bối cảnh chính trị trong nước, những chiến thuật này có ý
nghĩa: Chúng khiến mọi người bị động, không biết chắc về những gì đang thực sự
xảy ra. Nhưng chúng cũng cho thấy giới hạn của tuyên truyền khi người ta muốn
đưa dân cả nước đến với sự nhiệt tình cuồng nhiệt cần thiết cho chiến tranh.
Tôi đã sống
và làm việc như một nhà sản xuất truyền hình và đạo diễn phim tài liệu ở Nga
trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Putin, từ năm 2000 đến năm 2008. Như
một trong những cán bộ truyên truyền của Putin đã nói với tôi khi đó, Điện
Kremlin luôn có vấn đề trong việc thúc đẩy mọi người. Bất cứ khi nào cần tổ chức
một cuộc biểu tình ủng hộ nhà nước, giới chức chính phủ buộc phải lấy bus đưa
công chức đi biểu tình và trả thêm tiền. Đáng chú ý là, bất chấp sự kiểm duyệt
tràn lan, hàng ngàn người đã bị nhốt vì phản đối chiến tranh. Đối với tất cả những
hỗ trợ cho cuộc xâm lăng được cho là của người trong nước mà Điện Kremlin tuyên
bố, không có cuộc biểu tình nào trên đường phố ở các thành phố của Nga để ủng hộ
các hành động của chính phủ.
Ngay cả đối
với những người Nga tin vào thuyết âm mưu — rằng đất nước của họ đang bị Mỹ đe
dọa, rằng Nga xứng đáng là một đế chế — thì vấn đề là liệu Điện Kremlin có đủ sức
để theo đuổi những tham vọng đó hay không. Cuộc chiến càng kéo dài, càng có nhiều
câu hỏi đặt ra về việc liệu Điện Kremlin có biết những gì họ đang làm hay
không. Những người như viên sĩ quan sống với gia đình Horbonos bắt đầu nghi ngờ
khả năng của đất nước khi đối mặt với thực tế.
Những dấu
hiệu khác cho thấy người Nga không hoàn toàn bị tuyên truyền của Điện Kremlin
thuyết phục. Một số câu hỏi tìm câu trả lời hàng đầu trên Internet Nga gần đây
là Bộ trưởng Quốc phòng, Sergey Shoigu — người đã bí mật biến mất một thời
gian, sau khi bị coi là người chịu trách nhiệm cho các quyết định sai lầm ở mặt
trận — đang ở đâu. Các tìm kiếm hàng đầu khác là về những hành động tàn bạo được
cho là của lính Nga khi họ rút khỏi Bucha, ngoại ô Kyiv. Giới nghiên cứu tại
Phòng thí nghiệm Xã hội học Công, một viện độc lập, đã thực hiện 134 cuộc phỏng
vấn chi tiết với người Nga và phát giác ra rằng ngay cả những người tin rằng đất
nước của họ đang bị kẻ thù bao vây và rằng cuộc chiến ở Ukraine là lỗi của
NATO, tuy nhiên dường như người ta vẫn nghi ngờ bằng chứng do Moscow cung cấp.
Một trong những chuyên gia nghiên cứu thực hiện những cuộc phỏng vấn, Natalia Savalyeva, kết luận :
“Có nhiều
người có thái độ cân bằng giữa ủng hộ và phản đối… Họ không hiểu lý do của cuộc
xâm lăng, và chỉ lặp lại ý kiến họ đã nghe từ những người khác. Họ báo cáo sự
nhầm lẫn khi đứng trước một ‘cuộc chiến thông tin’ do tất cả các bên liên quan
gây ra và ‘tuyên truyền’ của cả hai bên.”
(Natalia
Savalyeva)
Thăm dò ý
kiến trong một chế độ độc tài là một công việc đáng nghi ngờ ngay cả ở hoàn cảnh
tốt nhất. Bạn đọc mong đợi mọi người sẽ trung thực đến mức nào khi ngay cả việc
sử dụng hai chữ ‘chiến tranh’ cũng có thể bị kết án 15 năm tù? Nhưng bằng
chứng cho thấy rằng tinh thần không chỉ thấp ở những người lính, chẳng hạn như
những người ở lại với gia đình Horbonos, mà cả những người Nga bình thường.
Ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm lăng, nghiên cứu giữa một nhóm nhỏ các học giả mà
tôi thu thập được cho thấy rằng mặc dù gần một nửa số người được hỏi trong một
cuộc thăm dò có thể coi là đại diện cho cả nước ủng hộ “cuộc hành quân đặc biệt”
của Putin, nhưng cảm xúc mà họ cảm thấy rất nông cạn — hy vọng và tự hào. Ngược
lại, khoảng 20% là những người phản đối chiến tranh có cảm xúc sâu sắc hơn nhiều,
với lý do xấu hổ, tội lỗi, tức giận và phẫn nộ. Khoảng một 25% cho biết họ
không có ý kiến chắc chắn, hoặc ủng hộ cuộc chiến với sự dè dặt, nhưng tuy
nhiên cho biết họ cảm thấy buồn.
Có vẻ như
chiến lược tuyên truyền của Putin dễ bị ảnh hưởng ngược hơn so với lúc đầu.
Nhiều tuần
trôi qua, gia đình Horbonos bắt đầu thấy rằng những người lính Nga bắt đầu hiểu
được mức độ thiệt hại không cần thiết mà họ đã gây ra.
Ngôi nhà của
gia đình Horbonos mà họ đã xây dựng trong 30 năm, đã bị phá hủy hoàn toàn; thư
viện của họ đã cháy cả hai ngày trước khi sụp đổ thành đống tro tàn. Khi Irina
không thể chịu đựng được nữa, bà ấy bắt đầu khóc và hét vào mặt những người
lính trong bóng tối của căn hầm:
“Chúng
tôi đã có tất cả mọi thứ! Mấy người đang làm gì ở đây?” (Irina
Horbonos)
Những người
Nga chỉ im lặng, ngồi trong bóng tối.
Một buổi
sáng, Irina dẫn họ đi hái các loại hoa cỏ dại để pha trà. Khi họ bước qua những
gì còn sót lại trong cuộc sống của gia đình Horbonos, những người lính Nga đã
xin lỗi vì tất cả sự tàn phá mà họ đã mang lại. Một người nói, sẽ tốt hơn rất
nhiều nếu một ngày nào đó họ có thể đến thăm với tư cách là khách. Sergey phờ phạc. Ông ta nói :
“Mấy
người đến đây để giết tôi và phá hủy nhà của tôi, và chúng ta có ý định làm bạn
với nhau à? Chúng ta chỉ có thể là kẻ thù của nhau mà thôi.” (Sergey
Horbonos)
Những người
Nga một lần nữa xin lỗi, và ngay sau đó tất cả họ bắt đầu nói rằng cuộc chiến
là vô nghĩa. Họ thậm chí đã bắt đầu gọi đó là một cuộc chiến.
Gia đình
Horbonos cũng có nhận thức sâu sắc bất thường về động cơ của người Nga. Khi tôi
hỏi Sergey rằng ông ấy nghĩ điều gì đã thúc đẩy họ, ông ấy tỏ ra rõ ràng.
Ông nói, những người lính được thúc đẩy không phải vì lòng tự hào dân tộc hay
nhiệt tâm muốn bành trướng mà vì tiền bạc.
Tất cả những
người lính đều nói rằng họ có nợ — thế chấp, cho vay, hóa đơn y tế — và họ cần
có đồng lương của lính. Ngay cả mức lương đó cũng không đủ. Công việc cơ khí của
họ là sửa chữa xe tăng, nhưng khả năng kỹ thuật của họ có nghĩa là họ cũng
thành thạo trong việc tháo dỡ chúng. Trong thời gian không bị pháo kích, họ đi
tìm thấy các quân xa của Nga bị hư hại hoặc bị phá hủy và nấu chảy các tấm có hệ
thống dây điện bằng vàng. Một tấm có dây điện mạ vàng sẽ đem về cho gia đình họ
15.000 rúp, tương đương khoảng 200 đô la.
Những người
lính Nga khác kém sáng tạo hơn. Vào ngày quân đội Nga rời làng, nhiều người đã
lấy đi mọi thứ họ có thể lấy được. Xe tăng của họ chất đầy nệm và va li; những
chiếc xe bọc thép của họ được nhồi đầy ga trải giường, đồ chơi, máy giặt. (Khi
người lính Tatar đến từ biệt, anh ấy nói với Sergey rằng anh sẽ nghỉ hưu
sớm, và hứa sẽ gửi cho gia đinh Horbonos một phần lương hưu của anh ta.)
Bề ngoài,
giới chức chính phủ Nga có thể đề cao mô hình cô lập tuyệt vời mới của Putin,
tuyên bố rằng người dân của họ không quan tâm đến các lệnh trừng phạt, rằng họ
không cần bất kỳ quốc gia nào khác, rằng nước Nga là nền văn minh của riêng
mình. Nhưng hành động của Nga cho thấy ngược lại: Hãy nhìn cảnh người Nga kéo
đàn đến mua hàng ở IKEA trước khi công ty bàn ghế giường tủ Thụy Điển đóng những
cửa hàng tại đây, hoặc việc họ vẫn dùng những mạng riêng ảo và các trang web gương
để dùng Instagram và xem Netflix.
Giới kinh
tế phân biệt giữa các sở thích đã nêu — những gì mọi người nói rằng họ muốn —
và những sở thích được tiết lộ, những gì hành động của họ cho thấy họ thực sự
muốn. Người Nga có thể tuyên bố rằng họ không cần phương Tây, nhưng vào cuối
cùng, hàng hóa mà những người lính Nga rất muốn lục soát ở Ukraine phần lớn là
do phương Tây sản xuất.
Ít người
nghĩ về cách thu hút khán giả Nga hơn Volodymr Zelensky. Ông ấy thu hút ngươi
khác nhờ sự đồng cảm, tìm ra điểm chung với khán giả của mình. Đó là những gì
ông ấy đã làm với tư cách là một diễn viên, một diễn viên hài kịch độc lập và một diễn
viên kịch châm biếm. Tôi đã gặp ông ấy cùng với Jeffrey Goldberg và Anne
Applebaum để phỏng vấn cho The Atlantic, và khi tôi nói với ông ấy rằng tôi
sinh ra ở Kyiv, ông đã nói chuyện với tôi mà không hề rời mắt — ông ấy đã tìm
thấy điểm chung với tôi. Đây là chìa khóa cho chiến lược truyền thông của ông
ta ở mọi bậc, với từng người và với mọi quốc gia. Mỗi khi phát biểu trước cơ
quan lập pháp của một quốc gia khác, ôngh ấy và nhóm của ông nghiên cứu lịch sử
của nó để tìm ra điểm tương đồng với những gì Ukraine đang trải qua hiện nay: Đối
với Anh, đó là Blitz [cuộc oanh kích của Phát Xít Đức xuống Anh Quốc trong Thế
chiến II từ 7 tháng 9 năm 1940 tới 10 tháng 5 năm 1941]; đối với Hoa Kỳ, đó là
ngày 11/9.
Ngay từ
khi bắt đầu cuộc xâm lăng, ông ta đã cố gắng nói chuyện trực tiếp với người
Nga, nói rằng ông ấy biết rằng có những người Nga tốt. Chắc chắn, ông ấy nói với
chúng tôi trong cuộc phỏng vấn, luôn có những người Nga không nghĩ Ukraine là một
quốc gia thực sự, nhưng cũng có nhiều người khác nghĩ Ukraine thực sự là một quốc
gia, họ rất thích đến thăm Ukraine. Trở ngại, ông ấy tiếp tục, là nhóm sau này
không nhận cuộc gọi của ông ấy nữa. Ngoài một nhóm nhỏ những người Nga lưu vong
vận động dân chủ, lời kêu gọi của ông và của những người Ukraine khác dường như
đang rơi vào hư không. Mặc dù vẫn có vấn đề, cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng
hộ mạnh mẽ ở Nga đối với cuộc xâm lăng và những câu chuyện về những người
Ukraine gọi điện cho người thân của họ ở Nga để kể về cuộc chiến đang gây phản
cảm — hầu hết dường như người ở Nga bác bỏ bằng chứng do chính người thân của họ
cung cấp. Zelensky nói với chúng tôi rằng Nga đang ở trong một “hầm thông tin”,
một căn hầm tâm lý cũng như kỹ thuật. Zelensky giải thích với chúng tôi :
“Người
Nga, sợ phải nhận lỗi. Làm sao để giải quyết điều đó? Họ phải học cách chấp nhận
sự thật.” (Volodymr Zelensky)
Ông mô tả
ba bước cần thiết cho việc này: thay đổi môi trường thông tin; một giới tinh
hoa chính trị thừa nhận lỗi đã gây hấn; và cuối cùng là những người bình thường
tự mình gánh vác trách nhiệm.
Trút bỏ
trách nhiệm là nỗi ám ảnh lớn của Điện Kremlin. Ông Putin gần đây cho biết
“không có lựa chọn nào khác” ngoài việc mở cuộc “hành quân đặc biệt” ở Ukraine.
Vai trò của văn hóa, truyền thông, giáo dục và tòa án sẽ thay đổi điều đó. Nhưng
những tiến trình như vậy cần có thời gian. Vào cuối Thế chiến thứ hai, hầu hết
người Đức coi mình không phải là thủ phạm mà là nạn nhân — của sự lãnh đạo của
Đức Quốc xã và của các cuộc ném bom của quân Đồng minh. Chỉ có các phiên tòa
xét xử tội ác chiến tranh tại Nuremberg, nơi tiết lộ toàn bộ sự kinh hoàng của
Holocaust, và sau đó là nhiều chục năm của sự can thiệp văn hóa và giáo dục, mới
thay đổi được tình trạng đó.
Tình trạng
trong hầm của gia đình Horbonos là duy nhất. Người Nga hiếm khi phải đối đầu trực
tiếp với thực tế hoặc nạn nhân của họ như vậy. Nhưng kinh nghiệm của gia đình
Horbonos chỉ ra một chiến lược khả thi để lôi kéo được người dân Nga — và đẩy
nhanh việc kết thúc cuộc chiến của Putin.
Nói cách
khác, chiến tranh không nhất thiết phải là chủ đề để tập trung vào. Thay vào
đó, các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người Nga và xác định hành động của
họ mới là điều thực sự quan trọng — thế chấp, thuốc men, trường học, tương lai
của con cái họ và mong muốn được trở thành một phần của thế giới rộng lớn hơn.
Để hệ thống
của mình có kết quả, Putin phụ thuộc vào hàng triệu người, kể cả bác sĩ, binh
lính, học giả và sĩ quan cảnh sát, tất cả đều có động lực và cá mè một lứa. Động
lực đó đang bị hút ra khỏi hệ thống. Liệu Putin có các cơ chế đàn áp cần thiết
để cai trị chỉ bằng nỗi sợ hãi hay không vẫn chưa rõ ràng: nhà tù đã chật cứng.Chiến
lược tàn cuộc ở Nga không liên quan đến bất cứ điều gì kịch tính như thay đổi
chế độ, khoan nói đến cuộc cách mạng. Tất cả những gì họ cần là để mọi người ngừng
đóng góp, bởi vì họ có thể thấy rằng chính phủ không còn đủ thẩm quyền hoặc
hành động vì lợi ích của họ. (Một điều gì đó tương tự đã xảy ra ở Liên Xô vào
giữa những năm 1980: Hệ thống bất lực khi mọi người từ bỏ nó, khiến giới tinh
hoa thay đổi hướng đi. Hồi đó, một cuộc chiến tranh vô nghĩa ở Afghanistan đã
xúc tác cho sự thất vọng. Ngày nay, Ukraine có thể đóng một vai trò tương tự.)
Phương tiện
và truyền thông cổ xúy Dân chủ — từ các nguồn độc lập của Nga, phương Tây hoặc
Ukraine — có thể thúc đẩy tiến trình này. Bất chấp lệnh cấm trên các trang web
và một số mạng truyền thông xã hội, những phương tiện kỹ thuật để tương tác với
người dân Nga đã có sẵn: đài phát thanh, các kênh
Telegram, truyền hình vệ tinh, các nhóm nhắn tin an toàn, các trang web
gương và VPN.
Các phương
tiện truyền thông nhà nước của Nga hiện đã đưa ra tràn đầy những tuyên
truyền chính trị, vốn luôn là một quyết định tai hại về nội dung. Người Nga
sẽ bỏ đi tìm nguồn giải trí thay thế. Nhưng loại nhu cầu đó mang lại cơ hội hỗ
trợ các nguồn khác thường.
Việc hậu thuẫn
cho các phương tiện truyền thông độc lập của Nga (hiện đang của người lưu vong)
là rất quan trọng. Trong quá khứ, các báo đài và tổ chức này thường thu hút được
lượng khán giả vốn đã ủng hộ dân chủ. Họ và những người khác phải được khuyến
khích tham gia vào các nhóm bên ngoài bong bóng của phe tự do, những người có
những ưu tiên riêng của họ.
Đó không
chỉ cần xem xét đến chương trình nghị sự và đối tượng mà còn cần để ý đến thể
loại. Tất cả chúng ta đều biết cách Điện Kremlin tiến hành cuộc chiến thông tin
đối ngoại. họ sử dụng các trại troll, các phương tiện truyền thông nhà nước rao
bán âm mưu và giới chức chính phủ lạm dụng coi thường và lăng mạ bất cứ ai dám
chỉ trích họ. Những nỗ lực của những chính phủ dân chủ nhằm đến với thường dân
Nga phải hoàn toàn khác biệt. Hãy nghĩ đến các diễn đàn trực tuyến liên quan đến
những người Nga bình thường, nơi những người nổi tiếng phương Tây có số người
hâm mộ lớn ở Nga, chẳng hạn như Arnold Schwarzenegger (người có video gần đây
thu hút người hâm mộ Nga của ông ấy đã nhận được hàng triệu lượt xem) hình dung
ra một nước Nga khác. Hãy nghĩ đến các phương tiện truyền thông đáp ứng, nơi
người Nga có thể hỏi chi tiết về những gì đang xảy ra ở phía trước và nhận được
câu trả lời dựa trên bằng chứng. Hãy nghĩ đến các diễn đàn trực tuyến, nơi các
bác sĩ thảo luận về cách người dân thường có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng sức khỏe đang
rình rập ở Nga, hoặc các kênh YouTube nơi giới tâm lý học nghiên cứu
những căng thẳng tâm lý mà người Nga đang trải qua.
Trở lại
Lukashivka, Irina Horbonos kể cho tôi nghe về việc đôi khi bà ấy cảm thấy may mắn
một cách kỳ lạ. Ngôi làng của bà đã được tránh khỏi những tàn bạo tồi tệ nhất
đã xảy ra khi quân của Putin rút lui khỏi Kyiv và Chernihiv. Đúng, bà ấy
nói, ngôi nhà của bà đã trở thành đống gạch đổ nát, và mọi thứ mà bà ấy và
Sergey đã làm cả đời để gầy dựng đều biến mất, nhưng nó có thể còn tồi tệ hơn.
Khi lái xe
trở lại Kyiv, tôi ngẫm nghĩ về câu chuyện của bà ấy và những gì Zelensky đã nói
với chúng tôi vài ngày trước đó. Irina dường như tin rằng tất cả những gì bà
làm là sống sót, nhưng trên thực tế, bà và gia đình đã làm được nhiều hơn thế.
Zelensky, qua việc tìm kiếm sự đồng cảm vô tận của mình, và gia đình Horbonos,
qua cuộc đối thoại đáng chú ý của họ với kẻ thù Nga, đã cho chúng ta thấy cuộc
chiến này thực sự có thể kết thúc như thế nào.
------------
Tác giả: Peter Pomerantsev Peter
Pomerantsev tên khai sinh là Pyotr Igorevich Pomerantsev, sinh năm 1977 tại
Kiyv là một nhà báo, tác giả và nhà sản xuất truyền hình người Anh gốc Liên Xô.
Ông là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Toàn cầu tại Trường Kinh tế
London. Ông cũng là Cộng tác viên biên tập tại Coda Story từ năm 2015 và cũng
là thành viên của Viện SNF Agora tại Đại học Johns Hopkins. Tác phẩm gần đây nhất
của ông về thông tin sai lệch và tuyên truyền của Nga là This Is Not Propaganda:
Adventures in the War Against Reality.
©
2022 DCVOnline
Nếu đăng lại,
xin ghi nguồn và đọc “Thể
lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
‘We Can Only Be Enemies’ | Peter
Pomerantsev | The Atlantic | May 1, 2022
No comments:
Post a Comment