Chiến
thuật tuyên truyền chiến tranh Ukraine của ĐCS Trung Quốc
Sarah Cook -
The Diplomat
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
02/05/2022
Đảng và
Nhà nước Trung Quốc đang sử dụng hộp công cụ kiểm soát thông tin phong phú của
mình để lan truyền phiên bản quan điểm của họ về cuộc xâm lược của Nga.
Bộ máy kiểm
soát thông tin khổng lồ của Trung Quốc thường tập trung vào việc bóp méo thông
tin mà các công dân Trung Quốc có thể tiếp cận về đất nước mình, trong khi các
thông tin liên quan đến nước ngoài chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Tuy nhiên,
trong bảy tuần qua, quyết định rõ ràng của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc
(ĐCSTQ) đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc xâm lược vô cớ
vào Ukraine đã thúc đẩy một chiến dịch toàn diện nhằm định hình dư luận và các
cuộc thảo luận về các sự kiện đang diễn ra cách xa hàng nghìn dặm.
Sâu trong
hộp công cụ kiểm soát thông tin của ĐCSTQ, có ba chiến thuật dường như đang
đóng vai trò lớn trong chiến dịch này: các phương tiện truyền thông nhà nước lặp
lại các tin tức thất thiệt từ phía Nga, thao túng các hashtag và chủ đề thịnh
hành trên mạng xã hội, và kiểm duyệt các quan điểm và nguồn thông tin thay thế.
Nỗ lực này
đã xây dựng thành công một bức tường cô lập Trung Quốc, khiến cho độc giả tin tức
của nước này chỉ có thể tiếp cận một phiên bản duy nhất của một trong những sự
kiện địa chính trị quan trọng nhất thế kỷ này, khác hẳn với phiên bản được giới
thiệu đến các nhóm dân cư khác trên thế giới.
Một chiến lược ba mũi nhọn nhằm bóp méo thực
tế
Trong những
tuần kể từ khi Putin xâm lược Ukraine, ba trong số các hãng truyền thông nhà nước
của Trung Quốc – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, tờ Nhân dân Nhật báo; Đài
truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV); và tòa soạn dân tộc chủ nghĩa, tờ Hoàn
cầu Thời báo – đã đặc biệt tích cực phát sóng các thông tin tuyên truyền của
nhà nước Nga cho cư dân Trung Quốc. Thay vì chỉ đơn giản quảng bá các quan điểm
hoặc tuyên bố chính thức của Moscow, các kênh này lại phổ biến nhiều nội dung
hoàn toàn sai sự thật. Chẳng hạn, họ tuyên bố rằng binh lính Ukraine đã đầu
hàng, rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chạy trốn khỏi Kyiv, và lực
lượng Nga chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự.
Không kém
phần quan trọng so với những lời nói dối đang lan truyền là những sự thật cơ bản
đã không được lên sóng. Không có sự thừa nhận nào về việc Moscow đã khơi mào
chiến tranh bằng cách xâm lược một nước láng giềng có chủ quyền, vi phạm trắng
trợn luật pháp quốc tế. Không có thời lượng phát sóng nào được cấp cho các
video thường nhật lôi cuốn của Zelenskyy, vốn là nội dung đã lan truyền mạnh
trong khán giả toàn cầu. Cũng không có các bản tường thuật chi tiết về những cuộc
thảm sát tàn bạo ở Kyiv, xuất hiện sau khi quân Nga rút lui. Ví dụ, nhiều
chương trình phát sóng tin tức của CCTV – bao gồm cả các chương trình giờ vàng
vẫn được hàng chục triệu người Trung Quốc theo dõi mỗi tối – hầu như không đề cập
đến cái chết của thường dân được báo cáo ở thị trấn Bucha vào đầu tháng 4. Thay
vào đó, họ tập trung vào các chủ đề như những cuộc tấn công quân sự thành công
của Nga và những chuyến hàng vũ khí của Mỹ tới Ukraine.
ĐCSTQ đã hỗ
trợ phổ biến các thông tin tuyên truyền ủng hộ Điện Kremlin bằng cách thao túng
các hashtag và các chủ đề thịnh hành trên các nền tảng truyền thông xã hội
trong nước. Có rất nhiều ví dụ về việc các phương tiện truyền thông của nhà nước
Trung Quốc tạo ra các hashtag liên quan đến các câu chuyện sai lệch thông tin
mà sau đó đã được phổ biến một cách mạnh mẽ. Trong những ngày đầu của cuộc chiến,
CCTV đã tạo ra một hashtag khẳng định rằng Zelenskyy đã chạy trốn khỏi Kyiv,
hashtag này được cho là đã được xem 510 triệu lần. Gần đây hơn, sau khi chính
phủ Nga thông báo rằng họ sẽ tổ chức một hội nghị chống chủ nghĩa phát xít vào
tháng 8 – một phần trong câu chuyện sai lệch rằng cuộc xâm lược là cần thiết để
loại bỏ chủ nghĩa quốc xã khỏi Ukraine – CCTV đã cho đăng một câu chuyện liên
quan và tạo một hashtag trên nền tảng Weibo. Trong vòng 24 giờ, nó đã thu hút
được 650 triệu lượt xem và 90 trích dẫn trên các phương tiện truyền thông.
Ngay cả
khi họ giữ cho các thuật toán và chủ đề thịnh hành phù hợp với ưu tiên của
chính phủ, nhân viên tại các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc vẫn phải
bận rộn xóa các nội dung xa rời với thông tin dòng chính. Chẳng hạn, họ đã xóa
các bài đăng và thư ngỏ của các nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc, những người trực
tiếp đặt câu hỏi về sự ủng hộ của chính phủ đối với Moscow, phê phán Putin, lên
tiếng ủng hộ Ukraine, hoặc chỉ trích việc các cư dân mạng theo chủ nghĩa dân tộc
đã coi thường nỗi đau lịch sử dưới tay giặc ngoại xâm của chính Trung Quốc.
Trong ít nhất hai trường hợp, tài khoản Weibo của những người nổi tiếng dám gọi
Putin là “kẻ điên rồ,” kêu gọi những người theo dõi cầu nguyện cho hòa bình, hoặc
đăng ảnh về các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Nga đã bị khóa hoặc hạn chế.
Có hai cá nhân, cựu dẫn chương trình Jin Xing và nữ diễn viên Ke Lan, đã mất khả
năng tiếp cận lần lượt là 13,6 triệu và 2,9 triệu người theo dõi. Dù một số bài
đăng ủng hộ Moscow về mặt quân sự đã bị gỡ xuống, nhưng các bài đăng nổi bật
trên mạng internet bị kiểm duyệt và xuyên tạc của Trung Quốc vẫn là ủng hộ Điện
Kremlin, chống Mỹ và chống NATO.
Các nhà kiểm
duyệt cũng đã sử dụng cách thức tương tự để ngăn chặn thông tin trực tiếp đến từ
các cư dân Trung Quốc đang sinh sống ở Ukraine, bao gồm cả các khiếu nại liên
quan đến việc chính phủ chậm trễ trong việc sơ tán họ khỏi vùng chiến sự. Wang
Jixian, một nhân viên công nghệ, người đăng video từ thành phố Odesa, đã phải
chứng kiến các tài khoản của mình trên nhiều nền tảng mạng xã hội, bao gồm cả
WeChat, bị khóa. Trong một đoạn video đầy xúc động được đăng tải lên YouTube,
Wang giận dữ than thở về việc anh không còn cách nào để liên lạc trực tiếp với
cha mẹ, và nhờ bạn bè thông báo với họ rằng anh vẫn còn sống. Các bài đăng và
video của cư dân mạng trên Jinri Toutiao, một công cụ tổng hợp nội dung được sử
dụng rộng rãi thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance, đã bị xóa vì ghi lại hình ảnh
cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Nga.
Các chiến
thuật kiểm soát thông tin này tuân thủ chặt chẽ một chỉ thị truyền thông chính
thức, vốn đã bị rò rỉ hồi ngày 03/03. Chỉ thị đặc biệt này nói rằng không được
phép đăng lại các bản tin nước ngoài và các nền tảng truyền thông xã hội phải
“kiểm soát chặt chẽ” các bình luận thách thức những tuyên bố chính thức, liên
quan đến “xúi giục đối kháng Trung-Nga,” đề cập đến các cuộc xâm lược trước đây
vào Trung Quốc, hoặc liên quan đến “các tuyên bố phản chiến công khai.” Chỉ thị
này và một chỉ thị khác đều yêu cầu thực thi tính độc quyền của phương tiện
truyền thông nhà nước đối với các hashtag và các chủ đề thịnh hành liên quan đến
chiến tranh, chẳng hạn như lưu ý rằng “không có ngoại lệ, các hashtag hiện có
được tạo bởi các cá nhân, phương tiện truyền thông tự xuất bản, và nền tảng
thương mại sẽ không được đưa vào các chủ đề thịnh hành, còn các hashtag mới sẽ
bị nghiêm cấm.”
Những tiếng nói bất đồng và phản kháng
Trong lúc
không gian cho các quan điểm thay thế về cuộc chiến ở Ukraine rõ ràng đang chịu
áp lực nặng nề, một số ví dụ về sự phản kháng – cả công khai lẫn âm thầm – đã
xuất hiện.
Trong số
các kênh truyền thông truyền thống, một số ít đã đề cập khá rõ ràng về trách
nhiệm của Moscow đối với cuộc xâm lược. Ngày 07/03, Tuần báo Con người Mới,
một ấn phẩm thương mại ở Thượng Hải, đã xuất bản câu chuyện về cuộc di tản của
một sinh viên Trung Quốc khỏi Ukraine, mô tả cách các lực lượng Nga bất ngờ
“phát động cuộc chiến” chống lại Ukraine. Caixin, một tờ báo tài chính
được công nhận rộng rãi nhờ các bài báo điều tra, đã cho đăng một bài phân tích
trong đó gọi cuộc chiến ở Ukraine là cuộc xâm lược toàn diện của Nga, đồng thời
công bố nhiều hình ảnh cho thấy các tòa nhà bị phá hủy.
Ngày
26/02, năm nhà sử học Trung Quốc đã công bố một bức thư ngỏ lên án chiến tranh
và trực tiếp thách thức quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Họ tuyên bố rằng “là
một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá… chúng tôi đồng cảm với nỗi đau khổ của
người dân Ukraine.” Các tác giả cũng thẳng thừng bác bỏ những nỗ lực biện minh
cho cuộc xâm lược: “Bất chấp vô vàn lý lẽ mà người Nga đưa ra, việc sử dụng vũ
lực để xâm lược một quốc gia có chủ quyền là chà đạp lên các chuẩn mực quan hệ
quốc tế dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”
Đầu tháng
3, trang Giám sát Nhận thức Mỹ-Trung của Trung tâm Carter đã xuất bản một
bài bình luận bằng tiếng Anh và tiếng Trung của Hồ
Vỹ, một học giả có liên quan đến một số cơ sở trực thuộc nhà nước ở Trung
Quốc. Bài báo đã phân tích những tác động lâu dài của cuộc chiến đối với Trung
Quốc và thế giới, cảnh báo rằng “Trung Quốc không thể bị ràng buộc với Putin”
và nên “chọn đi theo xu hướng chủ đạo của thế giới”. Cả hai bình luận này đều bị
kiểm duyệt ở Trung Quốc và trang web của Giám sát Nhận thức Mỹ-Trung sau
đó đã bị chặn, nhưng khi đó bài đăng gốc bằng tiếng Trung đã có hơn 185.000 lượt
xem.
Những biểu
hiện âm thầm hơn thể hiện sự hoài nghi đường lối chính thức và ủng hộ Ukraine
cũng đã xuất hiện. Nhà báo Xifan Yang phát hiện ra rằng bốn trong số năm mẫu
trâm cài áo bán chạy nhất trên trang thương mại điện tử Taobao có chủ đề cờ
Ukraine. Nhận xét của người dùng về các sản phẩm này đi kèm những câu như “Nhân
dân Ukraine muôn năm!” Nhà nghiên cứu Ling Li đã thu thập nhiều ví dụ về bình
luận của cư dân mạng Trung Quốc khác với các thông tin chính thức, bao gồm những
bình luận như “người ta có thể thờ ơ với chiến tranh, nhưng chí ít đừng nên ủng
hộ chiến tranh, hoặc tệ hơn, ca ngợi những kẻ xâm lược,” đã nhận được hơn 6.900
lượt thích. Thậm chí, một đoạn video của ngôi sao Hollywood, cũng là cựu Thống
đốc bang California Arnold Schwarzenegger, nhằm phản bác chương trình tuyên
truyền của Điện Kremlin dành cho khán giả Nga, đã được phát hiện đang lan truyền
trên WeChat với phụ đề tiếng Trung.
Một cửa sổ cho thấy quan điểm của giới lãnh đạo,
một hàng rào ngăn cách với thế giới
Do sự mơ hồ
của giới lãnh đạo Trung Quốc, rất khó để xác định chính xác động cơ nào đã thúc
đẩy chế độ ủng hộ cuộc chiến của Putin. Đó có thể là một phần trong nỗ lực thay
đổi cân bằng quyền lực quốc tế, làm suy yếu Mỹ, tạo tiền đề để ĐCSTQ tiếp quản
Đài Loan trong tương lai, hoặc đơn giản là để cứu Tập Cận Bình khỏi bị bẽ mặt bởi
quan hệ đối tác công khai với Putin mà ông từng tung hô vào đầu tháng 2, trước
khi xảy ra xâm lược. Điều rõ ràng là câu chuyện phát sóng trên các phương tiện
truyền thông trong nước phản ánh quan điểm của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, hơn là
những bình luận có tính trung lập và ôn hòa của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Một khi Tập và cộng sự của ông quyết định rằng việc ủng hộ Putin là có lợi về mặt
chiến lược cho ĐCSTQ, nếu không nói là cho Trung Quốc, thì bộ máy kiểm soát
thông tin của đảng sẽ nhanh chóng hành động.
Trong khi
chiến tranh tiếp tục ở Ukraine, tự do, hòa bình và trật tự quốc tế sẽ bị đe dọa.
Nhưng bất kể kết quả trên chiến trường có thế nào, thì cuộc xung đột cũng đã dẫn
đến việc củng cố bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ và tạo ra khoảng cách thông tin
sâu rộng hơn giữa nhiều người ở Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
-----------------
Sarah Cook là Giám đốc Nghiên cứu về Trung Quốc,
Hồng Kông và Đài Loan tại Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House).
Nguồn:
Sarah Cook, “The
CCP’s Ukraine War Propaganda,” The Diplomat, 16/04/2022
No comments:
Post a Comment