Thursday, May 26, 2022

CẢ MỘT THỜI ĐẠI CHIẾN TRANH CHÌM THEO TUẦN DƯƠNG HẠM MOSKVA (Elliot Ackerman / The Atlantic)

 



Cả một thời đại chiến tranh chìm theo tuần dương hạm Moskva

Elliot Ackerman

DCVOnline dịch thuật

POSTED ON MAY 26, 2022   

https://dcvonline.net/2022/05/26/ca-mot-thoi-dai-chien-tranh-chim-theo-tuan-duong-ham-moskva/

 

Một cuộc tranh luận gay gắt đang diễn ra trong binh chủng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

 

https://cdn.theatlantic.com/thumbor/r-EmE8Yg2SsbrRmuTMlEo_54T2Q=/0x0:2661x1497/1952x1098/media/img/mt/2022/05/2J5CF8M_Warship_01-1/original.jpg

Tuần dương hạm Moskva chìm ở Biển Đen. Twiter/Alamy

 

Vào ngày 9 tháng 3 năm 1862, tàu chiến Monitor của Bắc quân gặp Virginia, tàu chiến của Nam quân. Sau bốn giờ giao tranh máu lửa, cả hai đã hòa. Đó là trận chiến đầu tiên của những chiến thuyền bọc sắt. Trong một ngày, mọi con tàu gỗ của mọi cường quốc hải quân đều trở nên lỗi thời.

 

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân Nhật ném bom vào Trân Châu Cảng. Nếu cuộc chiến của những chiếc tàu sắt giải quyết rốt ráo tất cả cuộc tranh luận giữa gỗ và sắt, thì máy bay của hàng không mẫu hạm của Nhật Bản đã giải quyết cuộc tranh luận giữa chiến hạm và hàng không mẫu hạm bằng cách đánh chìm hạm đội tinh nhuệ của Mỹ chỉ trong một buổi sáng.

 

Vào ngày 14 tháng 4 năm 2022, quân Ukraine đã đánh chìm tuần dương hạm Moskva của Nga bằng một cặp hỏa tiễn chống hạm Neptune. Và thành công đó đã đặt ra một câu hỏi cấp thiết cho những quân đội hùng mạnh trên thế giới: Có phải một thời đại chiến tranh khác mới bắt đầu? Sau 20 năm chống chọi với các cuộc chiến tranh hậu 9/11, sự chú ý của quân đội Hoa Kỳ lại tập trung vào một đối thủ ngang hàng. Ngũ Giác Đài đã không nghĩ theo hướng này kể từ Chiến tranh Lạnh, và họ đang cố gắng chuyển đổi hoàn toàn. Ngày nay, đang có những cuộc tranh luận gay gắt về sự chuyển đổi này, và không nơi nào nhạy bén hơn ở binh chủng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

 

https://www.marines.mil/portals/1/Infantry%20Equip.png

https://www.marines.mil/Force-Design-2030/

 

Vào tháng 3 năm 2020, Tư lệnh Thủy quân lục chiến, Tướng David Berger, xuất bản “Force Design 2030.” Luận văn gây tranh cãi này đã công bố một cuộc tái cơ cấu đáng kể dựa trên niềm tin rằng “Thủy quân lục chiến không được tổ chức, huấn luyện, trang bị hoặc ở tư thế để đáp ứng nhu cầu của môi trường hoạt động phát triển nhanh chóng trong tương lai.” “Môi trường hành quân trong tương lai” đó là một cuộc chiến tưởng tượng với Trung Hoa ở Nam Thái Bình Dương — nhưng theo nhiều cách, cuộc xung đột giả định đó giống cuộc chiến thực sự ở Ukraine.

 

Quân đội mà chúng ta hiện có — quân đội xây dựng bằng xe tăng, hải quân xây dựng bằng tàu và không quân xây dựng bằng máy bay, tất cả đều là những kỹ thuật tiên tiến và đắt tiền — đều đặt trọng tâm vào nền tảng. Cho đến nay, ở Ukraine, vũ khí dùng trên đất liền không phải là xe tăng mà là hỏa tiễn chống tăng: Javelin. Vũ khí hàng không đặc trưng không phải là máy bay mà là hỏa tiễn phòng không: Stinger. Và như vụ đánh đắm tàu Moskva cho thấy, vũ khí hàng hải đặc trưng không phải là một con tàu mà là một hỏa tiễn chống hạm: Neptune.

 

Berger tin rằng một thời đại chiến tranh mới đang đến với chúng ta. Trong “Force Design 2030,” ông in đậm câu sau đây:

 

“Chúng ta phải xác nhận ảnh hưởng của các vũ khí tầm xa chính xác, mìn và các vũ khí thông minh khác ngày càng phổ biến, đồng thời tìm kiếm những phương cách sáng tạo để khắc phục những vũ khí đe dọa này.” (David Berger)

 

Các loại vũ khí mà Tướng Berger đề cập đến là cùng một loại vũ khí chống địch mà Ukraine đang sử dụng để thiêu hủy xe tăng Nga, bắn hạ trực thăng Nga và đánh chìm tàu chiến Nga. Những thành công trước một hệ thống đặt trọng tâm vào nền tảng của Goliath người Nga bằng một hệ thống  có trọng tâm chống lại nền tảng của David người Ukraine đã khơi gợi sự cổ vũ ở phương Tây, nhưng những gì chúng ta đang thấy ở Ukraine có thể là khúc dạo đầu cho việc đánh bại anh khổng lồ Goliath của Mỹ, của chính chúng ta.

 

Giống như quân đội Nga, quân đội Mỹ từ lâu đã được xây dựng trên những nền tảng. Để thoát khỏi quan điểm chiến tranh tập trung vào nền tảng là cả một thách thức văn hóa — trở thành phi công chiến đấu không có máy bay phản lực, lính thiết giáp không có xe tăng hay thủy thủ không có tàu chiến còn có nghĩa lý gì nữa? —Và thách thức về mặt tài nguyên. Nó yêu cầu quân đội Hoa Kỳ, cũng như ngành kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ, tự thoái vốn ra khỏi những kỹ thuật cổ điển, chẳng hạn như một hàng không mẫu hạm lớp Ford trị giá 13 tỷ đô la, để đầu tư vào những kỹ thuật mới, có thể ít sinh lời hơn, chẳng hạn như một  máy bay không người lái Switchblade giá 6.000 đô la nhưng có thể tiêu diệt xe tăng.

Thoái vốn là trọng tâm trong tầm nhìn chiến lược của Berger. Vài tháng trước, ông đã tuyên bố rằng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ giảm quân số. Vài tiểu đoàn bộ binh, phi đội máy bay, khẩu đội pháo và tất cả những chiếc xe tăng cuối cùng của nó sẽ không sử dụng nữa. Theo Berger, Thủy quân lục chiến đang “hoạt động với giả định rằng chúng tôi sẽ không nhận thêm tài nguyên” và “phải rút bỏ một số vũ khí hiện có để giành tài nguyên cho những vũ khí mới và cần thiết.”

 

Vì thoái vốn để đầu tư đã trở thành câu khẩu hiệu mới của Thủy quân lục chiến, một loạt những tướng lĩnh về hưu đã lên tiếng công khai chống lại Berger trong một màn thể hiện sự mất đoàn kết chưa từng có giữa những bậc chỉ huy cao cấp. Một trong những người phản đối là một cựu tư lệnh, Tướng Charles Krulak đã nghỉ hưu. Krulak nói với tôi :

 

“Người ta đang rút vốn khỏi một khối vũ khí to lớn để mua vũ khí vẫn còn trên bảng vẽ. Chúng tôi được xem như một đám già nua muốn giữ nguyên Thủy quân lục chiến như cũ và không hiểu ảnh hưởng của kỹ thuất đối với chiến tranh. Hoàn toàn sai sự thật.”  (Charles Krulak)

 

Coi thường quan điểm của Krulak sẽ là một sai lầm. Nhiệm kỳ tư lệnh của ông đã mở ra những đổi mới đáng kể cho Quân đoàn TQLC. Ông ấy đã đặt nền tảng lý thuyết cho phép Quân đoàn chiến đấu ở thế giới hậu 9/11. Ông cũng mua V-22 cho Thủy quân lục chiến, một loại máy bay cánh quạt nghiêng đầu tiên, vừa là máy bay vừa là trực thăng. Tầm nhìn chiến lược của Berger cũng là tầm nhìn đầu tiên của loại này; Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Hoa, hãy hình dung ra một cuộc hành quân nhảy đảo của thế kỷ 21, trong đó các nhóm từ 60 đến 70 lính TQLC đã được huấn luyện thuần thục, được vũ trang cùng mình sẽ đổ bộ xuống những hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương để nhắm mục tiêu vào hải quân Trung Hoa bằng các hệ thống hỏa tiễn tiên tiến và vũ khí tầm xa khác. Cuộc chiến trên biển, trong tầm nhìn của Berger, sẽ được quyết định bằng một loạt các cuộc giao tranh giống như cuộc đụng độ với Moskva.

Giới phê bình Berger không bị thuyết phục. Krulak nói :

 

“Giả định rằng lính Thủy quân lục chiến có thể đổ bộ xuống những hòn đảo đang tranh chấp mà không bị phát giác và tiến hành các công tác tái tiếp vận là không thực tế. Thêm vào đó, bạn đang đánh giá thấp khả năng của người Trung Hoa. Người ta tin rằng Giải phóng quân sẽ bắn và bắn nhanh vào lính Thủy quân lục đang chiến di chuyển — nhanh hơn hỏa tiến của Trung Hoa bay. Bạn sẽ mất lính Thủy quân lục chiến và không thể di tản những thương binh và tử sĩ của chúng ta. Hải quân sẽ không đến để cứu những thương binh của chúng ta.”   (Charles Krulak)

 

Đô đốc James Stavridis, người đã dành phần lớn sự nghiệp Hải quân hơn 40 năm của ông  ở Biển Đông, là người tin tưởng vào tầm nhìn của Berger. Stavridis nói với tôi :

 

“Bộ binh của ngày mai sẽ giống như Thủy quân lục chiến của ngày hôm nay. Những gì Tướng Berger đang làm là rất quan trọng.”  (James Stavridis)

 

Một sự thật quá rõ ràng giữa các Thủy quân lục chiến là Quân đoàn phải sẵn sàng nhất khi nước Mỹ chưa chuẩn bị kịp. Trong những năm 1930, Thủy quân lục chiến đã đi tiên phong trong học thuyết thủy bộ, mở đường không chỉ cho các chiến dịch nhảy đảo ở Thái Bình Dương mà còn cả các cuộc đổ bộ cho phép Bộ binh giải phóng châu Âu. Theo Stavridis, đổi mới vẫn là nhiệm vụ cốt lõi của Thủy quân lục chiến.

 

Cuộc tranh luận trong Thủy quân lục chiến sâu sắc hơn cuộc tranh luận chính trị cốt nhục tương tàn của một binh chủng; đó là một cuộc tranh luận về hình thức chiến tranh nào sẽ thống trị trong những thập niên tiếp theo của thế kỷ 21, hình thức chiến tranh tập trung vào nền tảng hay chống lại nền tảng làm trung tâm. Có rất nhiều tiền lệ lịch sử về những cuộc tranh luận kiểu này. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhiều quân đội đã tôn sùng chiến thuật tấn công (tiên hạ thủ vi cường), một khái niệm cũ cho rằng những đội quân được huấn luyện tốt, kiên định sẽ luôn vượt qua được một lực lượng phòng thủ. Trong các cuộc Chiến tranh Napoléon 100 năm trước, điều này thường được chứng minh là đúng. Nhưng so với súng trường và súng máy của thế kỷ 20, cuộc tấn công đã trở thành hình thức chiến tranh yếu hơn. Thảm hại thay, Marne, Somme, và vô số lưỡi lê khác phải gục ngã trước những khẩu súng máy liên thanh để các tướng lĩnh của thời đại đó chấp nhận rằng sự hiểu biết của họ về chiến tranh đã lỗi thời.

 

Dân biểu Seth Moulton, một cựu chiến binh Thủy quân lục chiến ở Chiến tranh Iraq, thành viên Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, tin rằng các tướng lĩnh bất đồng ý kiến ngày nay không hiểu được mức độ kỹ thuật đang thay đổi chiến trường và các binh chủng phải thích ứng nhanh như thế nào. Moulton nói với tôi:

 

“Khi bạn xem những loại vũ khí nằm trong danh sách người Ukraine ao ước có, thì trong đó không phải là những loại pháo kéo. Đứng đầu danh sách đó là máy bay không người lái có vũ trang, thỏa tiễn chống tăng và hỏa tiễn chống hạm.” (Seth Moulton)

 

Nhưng nếu Berger sai thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến lược “thoái vốn để đầu tư” của ông kết thúc việc đầu tư quá mức cho Thủy quân lục chiến trong một tầm nhìn chiến tranh rất đặc trưng mà không bao giờ thành hiện thực? Theo Moulton, phần lớn điều này trở về vai trò mà Thủy quân lục chiến từ trước đến nay đã giữ, là nơi ươm mầm cho những ý tưởng mới với tư cách là lực lượng nhỏ nhất, nhanh nhất trong số những binh chủng. Moulton giải thích:

 

“Đất nước chúng ta có thể đủ khả năng để Thủy quân lục chiến đầu tư quá mức vào một loại hình chiến tranh mới không bao giờ thành hiện thực. Điều mà đất nước chúng ta không thể để xảy ra được là để Thủy quân lục chiến không đầu tư vào một loại hình chiến tranh mới sẽ xảy ra.”  (Seth Moulton)

 

Các sự kiện ở Ukraine dường như xác thực quan điểm chống chiến tranh tập trung vào nền tảng của Berger, giống như cách mà Chiến tranh thế giới thứ nhất đã chứng thực cho những người cho rằng phòng thủ đã trở nên mạnh hơn tấn công. Tất nhiên, không có hình thức chiến tranh nào duy trì ưu thế mãi mãi. Krulak đưa ra quan điểm này khi chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện :

 

“Chúng ta cần phải cẩn thận để không học những bài học sai lầm từ Ukraine. Bạn có một biện pháp tuyệt vời. Điều tiếp theo bạn biết là họ nghĩ ra một biện pháp đối phó. Vì vậy, bạn nghĩ ra một biện pháp đối phó với địch.”  (Charles Krulak)

 

Một trong những biện pháp đối phó nổi tiếng nhất được phát triển sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc là Đường Maginot của Pháp, một ngôi đền cho vị trí quan trọng nhất của chiến thuật phòng thủ. Điều mà người Pháp không giải thích được là trong hai mươi năm ngắn ngủi, một số phát triển nhất định — xe tăng, máy bay và học thuyết vũ khí kết hợp tiên tiến hơn — đã một lần nữa xoay chuyển cán cân, cho phép tấn công tái khẳng định vai trò của nó là hình thức chiến tranh thống trị. Kết quả là cuộc tấn công blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng) của Đức vào tháng 6 năm 1940 chỉ cần di chuyển quanh Đường Maginot.

 

Chuyển đổi mà Berger và Thủy quân lục chiến đang đề nghị là các hệ thống chống nền sẽ không phải là Đường Maginot của Mỹ, mà là cách tốt nhất để cứu một thế hệ người Mỹ thoát khỏi chính Somme hoặc Moskva của Mỹ.

 

 

Tác giả: Elliot Ackerman là nhà báo viết cho tờ The Atlantic và là tác giả của cuốn tiểu thuyết Red Dress in Black and White. Ông là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến đã từng 5 lần phục vụ ở Iraq và Afghanistan.

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: A Whole Age of Warfare Sank With the Moskva | Elliot Ackerman | The Atlantic | 22 May, 2022.

 




No comments: