Biden:
Chiến tranh Ukraine là vấn đề toàn cầu
Bình Phương -
Saigon Nhỏ
23 tháng
5, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/biden-chien-tranh-ukraine-la-van-de-toan-cau/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1398931270.jpg
Tại
hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD khai mạc sáng 24 tháng Năm 2022 tại Tokyo, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm
quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc
gia. Từ trái sang tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe
Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự hội
nghị QUAD. Ảnh Yuichi Yamazaki/Getty Images.
Tổng thống
Mỹ Joe Biden hôm Thứ Ba cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một vấn đề toàn
cầu, cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ
và chủ quyền quốc gia.
“Đây
không chỉ là vấn đề của châu Âu mà là vấn đề toàn cầu”, ông Biden nói về cuộc xâm lược của
Nga tại Ukraine – một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Bảo vệ luật pháp quốc tế ở mọi nơi
Tổng thống
Biden đang ở Nhật Bản trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi nhậm
chức. Bình luận nói trên của ông Biden được đưa ra tại buổi khai mạc hội nghị
“Bộ Tứ” (QUAD) các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn
Độ) ở Tokyo vào sáng nay Thứ Ba 24 Tháng Năm, giờ địa phương, theo tin của
hãng Reuters.
Trong bài
phát biểu khai mạc, ông Biden nhấn mạnh Washington sẽ sát cánh cùng các đồng
minh để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. “Luật
pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ bất kể chúng bị vi phạm ở đâu
trên thế giới”, Tổng thống Biden nói.
Trước đó
hôm Thứ Hai tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine
Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu qua video rằng
thế giới phải gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga để ngăn chặn các
quốc gia khác sử dụng vũ lực cho mục đích của họ.
Từ Nhật Bản,
trong một phát biểu khá bất ngờ, ông Biden nói Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ
Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này bằng vũ lực. Ông cho rằng, Tổng thống
Nga Vladimir Putin hiện “phải trả giá rất đắt cho hành động tàn bạo của
ông ta tại Ukraine” là để Trung Quốc và các nước khác hiểu rằng, một
hành động xâm lược như vậy là không thể chấp nhận được.
EU sắp cấm nhập dầu Nga – Moscow tăng quan hệ
kinh tế với Bắc Kinh
Liên minh
châu Âu (EU) có thể sẽ đồng ý thực thi lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu của
Nga “trong vòng vài ngày tới”, thành viên lớn nhất của EU là Đức
cho biết trong khi Moscow nói quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc sẽ phát triển
trong bối cảnh Nga bị phương Tây cô lập sau cuộc xâm lược Ukraine.
Trong số
27 quốc gia thành viên của EU có nhiều nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng
của Nga, và không muốn cắt đứt ngay lập tức nguồn cung cấp này. Đó là lý do
Kyiv thường chỉ trích khối EU đã hành động không đủ nhanh để cắt nguồn ngân
sách tài trợ chiến tranh của Nga. Được biết mỗi ngày EU phải trả cho Nga gần $1
tỷ để nhập cảng dầu và khí đốt.
Hungary –
một thành viên EU gần gũi với Nga – đang đòi EU phải đầu tư vào năng lượng trước
khi nước này đồng ý cấm vận dầu khí của Nga. Lập trường của Hungary gây trở ngại
cho các quốc gia EU khác muốn đẩy nhanh chóng việc phê chuẩn lệnh cấm vận. EU
đã đề nghị chi ra 2 tỷ euro ($2.14 tỷ) cho các quốc gia miền Trung và miền Đông
hiện thiếu nguồn cung cấp dầu khí bên ngoài nước Nga.
“Chúng tôi
sẽ đạt được một bước đột phá trong vòng vài ngày tới”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck,
nói với đài truyền hình ZDF, nhưng không cho biết chi tiết EU sẽ giải quyết sự
phản đối của Hungary như thế nào.
Trong khi
đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Kremlin sẽ tập trung phát triển quan hệ với
Trung Quốc khi các liên kết kinh tế với Hoa Kỳ và châu Âu bị cắt đứt. “Nếu
họ (phương Tây) muốn đưa ra một điều gì đó nhằm nối lại quan hệ, thì chúng tôi
sẽ nghiêm túc xem xét liệu chúng tôi có cần quan hệ với họ hay không”, ông
Lavrov nói trong một bài phát biểu, theo bản ghi trên trang web của Bộ Ngoại
giao.
“Giờ
đây, khi phương Tây đã trở thành ‘nhà độc tài’, quan hệ kinh tế của chúng tôi với
Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn”,
ông Lavrov nói thêm.
Zelenskiy thúc giục trao đổi tù binh
Cuộc xâm
lược kéo dài ba tháng của Nga, cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu
kể từ năm 1945, đã làm hơn
6.5 triệu người Ukraine bỏ nhà cửa chạy ra nước ngoài, biến nhiều thành phố
thành đống đổ nát, và khiến phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có
đối với Nga.
Ông
Zelenskiy hôm Thứ Hai kêu gọi các đồng minh của Ukraine gây áp lực buộc Moscow
phải trao đổi tù nhân.
“Trao đổi
con người – đây là một vấn đề nhân đạo ngày nay và là một quyết định rất chính
trị phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhiều nước. Chúng tôi không cần lính Nga, chúng
tôi chỉ cần chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc trao đổi ngay cả
trong ngày mai”, ông
Zelenskiy nói trong một video hỏi đáp với khán giả tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới
ở Davos.
Được biết
Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và Tổng thống Zelenskiy đã có một thỏa
thuận ngầm với Moscow để các chiến binh Ukraine cố thủ trong nhà máy thép
Azovstal ở Mariupol buông vũ khí, ra đầu hàng để được trao trả tù binh cho Ukraine,
nhưng sau đó phía Nga không chịu trao đổi mà cố ghép các chiến binh này vào tội
khủng bố.
Đan Mạch cung cấp hỏa tiễn Harpoon cho
Ukraine
Sau khi
tàn phá và chiếm được thành phố cảng Mariupol vào tuần trước sau một cuộc bao
vây kéo dài nhiều tháng, các lực lượng Nga hiện đã kiểm soát một vùng rộng lớn
không bị gián đoạn ở phía Đông và Nam Ukraine.
Hiện quân
Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine và đánh chiếm hoàn toàn các tỉnh
Lugansk và Donetsk, tạo nên khu vực phía Đông Donbass, nơi Moscow hậu thuẫn cho
lực lượng ly khai trong cuộc nội chiến kể từ năm 2014. Thống đốc khu vực
Donbass Serhiy Gaidai cho biết có tới 12,500 lính Nga đang cố gắng chiếm
Lugansk, phá hủy thị trấn Severodonetsk, nhưng Ukraine đã buộc quân Nga rút khỏi
Toshkivka về phía Nam.
Tổng thống
Zelenskiy tiết lộ Ukraine bị thiệt hại quân sự tồi tệ nhất vào hôm qua Thứ Hai,
nói rằng 87 người đã thiệt mạng vào tuần trước khi quân Nga tấn công một doanh
trại tại một căn cứ huấn luyện ở phía Bắc.
Đan Mạch
đã cam kết gửi tên lửa diệt hạm Harpoon và một bệ phóng tới Ukraine – thông
tin được Mỹ công bố hôm thứ Hai, là dấu hiệu đầu tiên cho thấy kể từ khi
Nga xâm lược rằng Ukraine sẽ nhận được vũ khí do Mỹ sản xuất, giúp mở rộng đáng
kể phạm vi tấn công của quân Ukraine.
Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông “đặc biệt biết ơn người Đan Mạch hôm
nay đã công bố sẽ cung cấp một bệ phóng và hỏa tiễn Harpoon để giúp Ukraine bảo
vệ bờ biển”.
Hỏa tiễn
Harpoons, do Boeing chế tạo, có thể được sử dụng để đẩy hải quân Nga ra khỏi
các cảng của Ukraine ở Hắc Hải, cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các sản
phẩm nông nghiệp khác.
Bản án đầu tiên về tội ác chiến tranh
Trong
phiên tòa đầu tiên, có thể mở đầu cho nhiều phiên tòa khác xét xử tội ác chiến
tranh phát sinh từ cuộc xâm lược, một tòa án ở Kyiv đã kết án tù chung thân
không ân xá một chỉ huy xe tăng trẻ tuổi của Nga vì đã giết một thường dân
không vũ trang. Vadim Shishimarin, 21 tuổi, đã nhận tội bắn chết ông Oleksandr
Shelipov, 62 tuổi, trong làng Chupakhivka ở miền Bắc Ukraine hôm 28 Tháng Hai,
chỉ bốn ngày sau khi chiến tranh bùng nổ.
Ukraine
đang điều tra hơn 13,000 người bị cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga, theo
trang web của Tổng công tố viên Ukraine. Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào
dân thường hoặc liên quan đến tội ác chiến tranh.
----------------
Đọc
thêm:
·
Biden:
Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan
·
Mỹ
viện trợ hỏa tiễn diệt hạm giúp Ukraine chống phong tỏa
No comments:
Post a Comment