UKRAINE, CUỘC CHIẾN CỦA
LƯƠNG TÂM
https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/7471300822887926
Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã thay đổi thế
giới. Mặc dù Putin coi đây là chiến dich quân sự để gìn giữ hòa bình, nhưng sự
tàn bạo trong 9 ngày qua cho thấy đây là một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm xóa
bỏ một nhà nước, vẽ lại đường biên giới, chia lại lãnh thổ.
Khác với mọi cuộc chiến tranh vũ khí thông thường
(conventional weapons), đây là cuộc chiến tranh công nghệ IT đầu tiên trong
lich sử. Hai bên đang tìm cách đánh vào các trung tâm dữ liệu và mạng của nhau.
Trong lĩnh vực này Ukraine không thua kém Nga như tương quan về quân đội và vũ
khí nặng.
Đáng sợ nhất là cuộc chiến tranh mang dấu ấn hạt
nhân. Không nói đến những lời đe dọa dùng bom hạt nhân của Putin, việc quân Nga
chiếm giữ khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và đang tiến đến các nhà máy
khác của Ukraine khiến cả nhân loại lo sợ. Năng lượng hạt nhân chiếm 52% tổng
sản lượng điện lực của Ukraine với 16 lò phản ứng lắp đặt trong 4 nhà máy.
Hôm nay nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia đã bị tấn công.
Người ta không chỉ lo sợ vì Putin đang hành động như một kẻ mất trí, mà vì kẻ mất
trí đó đang kiểm soát một thể chế độc tài, và không ai quanh ông ta dám hé môi
khuyên can.
Mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh của Putin càng
xa vời thì viễn cảnh thảm họa hạt nhân càng trở nên nhãn tiền. Để diệt kẻ thù ở
Chechnya hay Syria, Putin đã hủy diệt các thành phố Grozny, Aleppo, Holms cùng
hàng trăm ngàn dân thường.
Trong cuộc điện đàm với tổng thống Pháp Macron
hôm qua 03.03, Putin đe dọa: Điều tồi tệ nhất còn ở trước mắt!
Trong mọi cuộc chiến, hai bên đều phát động
chiến tranh tâm lý, nhưng chiến tranh Ukraine là cuộc chiến truyền thông ở mức
độ khác thường.
Tháng 8.1965 Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, bắt đầu
trực tiếp tham chiến nhưng phải hai năm sau, phong trào phản chiến ở Mỹ mới
phát triển và năm 1968, những hình ảnh của cuộc chiến thảm khốc mới tạo ra làn
sóng phản đối của thanh niên toàn châu Âu. Ngày đó nhân loại chưa có khái niệm
về live stream về photoshoping. Mỗi đoạn phim từ mặt trận mất vài ngày mới lên
được sóng TV ở Mỹ. Người miền Bắc chờ cả mấy tháng sau mới xem được những thước
phim vượt Trường Sơn.
Bom đạn của Putin vừa dội xuống các thành phố
Ukraine rạng sáng 24.02, chỉ mấy phút sau cả thế giới thấy những video live từ
các mặt trận. Những người lính Nga trước khi chết còn kịp nhắn tin cho mẹ ở xa
hàng ngàn cây số. Trên mạng xã hội tràn ngập tin tức, thật giả lẫn lộn. Cả hai
bên đều sử dụng lợi thế của Internet để tuyên truyền cho mình. (Đáng nói là
Internet của Ukraine vẫn hoạt động tốt, ngay khi bom nổ gần nơi người được phỏng
vấn).
Mạng xã hội Việt tràn ngập các ý kiến và tin tức
về cuộc chiến này. Trong khi chính phủ Việt Nam chỉ tuyên bố ba phải, không lên
án ai, không ủng hộ ai thì dân chúng và giới tinh hoa Việt chia thành hai phe
đánh nhau trên mạng. Tôi không thể biết tỷ lệ trên toàn mạng, nhưng phần đông
những người bạn FB của tôi đứng về phía dư luận toàn cầu, phản đối Putin xâm lược
và ủng hộ nhân dân Ukraine đang bảo vệ quyền tự quyết của mình.
Ngược lại cũng có những ý kiến, chủ yếu của
các bậc được học hành, thuộc tầng lớp tinh hoa đứng về phía Putin, coi việc ông
ta đem quân sang Ukraine là để bảo vệ nước Nga trước đe dọa của NATO.
Tin giả và sự cường điệu tràn ngập cả hai phe.
Bên này ca ngợi tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine bằng hình ảnh của các
nữ binh xinh đẹp, của các câu chuyện tình lãng mạn. Họ chế nhạo những cái chết
thảm khốc của lính Nga, trong khi những thanh niên mặt còn bụ sữa này bị đẩy
vào chỗ chết là nỗi đau bất tận của các bà mẹ Nga. Ho lạc quan tiên đoán thất bại
nay mai của Putin bởi hình ảnh các đoàn xe tăng Nga cháy trụị. Thực tế là sau
những tổn thất của 8 ngày đầu, quân Nga đang thận trọng tiến chậm lại để đảm
báo khâu tiếp tế. Putin sẽ dần tung hết lực lượng dự trữ cho chiến dịch này
đang còn nằm ở bên kia biên giới, quyết bao vây các thành phố lớn. Nếu cần
Putin sẽ đưa thêm hàng trăm ngàn quân nữa sang.
Mục tiêu hủy diệt còn ở phía trước, tiềm lực
chiến tranh của Putin còn nhiều.
Phe ủng hộ Putin thì luôn tung ra lập luận:
"Ukraine vì theo phương Tây mà buộc Nga phải đánh để bảo vệ an ninh của
mình". Người hung hăng thì chế nhạo Zelenskyi là thằng hề bù nhìn của Mỹ,
so sánh chế độ của Ukraine với Khmer Đỏ đáng bị xóa sổ. Người mềm dẻo hơn thì
phán là chiến tranh” luôn do cả hai bên”, là Zelenskyi “cũng có lỗi vì không
khéo léo với Putin”.
Họ bênh vực việc Putin coi Ukraine là “đe dọa
nước Nga” và quyết “phi quân sự hóa” nước này trong khi quân đội Ukraine không
có nổi một cuộc phản kích nào bằng pháo binh, tên lửa hoặc không quân vào các
căn cứ của Nga bên kia biên giới. Hải quân Ukraine hầu như không hoạt động. Thực
tế quân đội Ukraine so với Nga chỉ là một quân đội du kích. Cho đến nay họ chống
cự được với đại quân Nga chính nhờ chiến thuật du kích, bởi lòng yêu nước và
tinh thần dũng cảm.
Ai đó ủng hộ Putin xóa bỏ chế độ Phát-Xít
Ukraine mà không biết rằng, chỉ riêng việc “anh hề” Zelenskyi được bầu làm tổng
thống trong một cuộc bầu cử đa đảng, và việc chuyển giao quyền lực một cách êm
đẹp từ cựu tổng thống Poroschenko, một nhà tài phiệt, đã chứng tỏ nền dân chủ
bám rễ chắc ở đó.
Trong khi đó Putin cầm quyền từ 2000 đến nay,
đã có lúc phải giả vờ làm thủ tướng để lách hiến pháp rồi thay đổi hiến pháp để
có thể cầm quyền suốt đời.
Nhà sử học Mỹ Tymothy Snyder từng nói: “Bước
chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ
nghĩa Cộng sản - dù mới nghe có vẻ rất quái gở” [1]. Chủ nghĩa chuyên quyền cực
hữu chính là chủ nghĩa Phát xít. Tập Cận Bình đã xây dựng chế độ này ở Trung Quốc
nhưng chưa ra tay. Putin đã ra đòn trước.
Hành động này khiến NATO và EU đang chia rẽ bỗng
đoàn kết lại. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Orban của Hungary, vốn bị coi là hai
tay trong của Putin ở NATO và EU cũng phải lên án cuộc xâm lăng. Hai phe Dân Chủ
và Cộng Hòa ở Mỹ bỗng đồng thanh vỗ tay diễn văn của ông Biden về thái độ của Mỹ.
Các ngân hàng Thụy Sỹ bỏ nguyên tắc trung lập từ hàng trăm năm nay để tham gia
vào cuộc cấm vận các ngân hàng Nga...
Chỉ năm ngày sau khi Putin tấn công Ukraine,
giới chính trị Đức, cả tả lẫn hữu cùng nhất trí rũ bỏ chiếc áo „Vì quá khứ quân
phiệt nên phải hòa bình“ mà họ nấp trong đó lâu nay. Đức tuyên bố cung cấp ngay
vũ khí made in Germany cho Ukraine và nâng ngân sách quốc phòng lên 100 tỷ EURO
(tức là 2,6% của 3800 tỷ EUR GDP). Nghị sỹ Gysi (được coi như lãnh tụ của cánh
tả) xưa nay vẫn bênh vực Putin, nay đã quay sang lên án Putin. Cựu thủ tướng
Schröder, bạn thân của Putin, có chân trong công ty dầu khí quốc gia ROSNEFT,
đang bị dư luận Đức lên án vì không rời bỏ các chức vụ ở Nga. Câu lạc bộ bóng
đá BVB Dortmund đã tước thẻ hội viên danh dự của Schröder. Liên đoàn bóng đá Đức
và ngay cả đảng SPD đã ra tối hậu thư cho kẻ ngậm miệng ăn tiền này [2].
Ví dụ của Đức và muôn vàn ví dụ nữa, từ thể
thao, nghệ thuật, kinh doanh… cho thấy cuộc chiến tranh Ukraine còn là cuộc chiến
tranh của lương tâm, của cái thiện chống cái ác.
Các lý lẽ về dân chủ, về NATO, về lịch sử nước
Nga/Ukraine về xung đột lãnh thổ thời Liên Xô khó có thể thống nhất được, vì đó
là nhận thức, là lý trí.
Con người ngoài lý trí còn có lương tâm. Người
lương thiện không thể bênh vực việc dùng bom đạn tàn phá một nước không hề và
cũng không bao giờ đủ sức đe dọa mình. Lương tâm trong lành không thể bênh vực
các cuộc ném bom vào dân thường.
Việc một quốc gia lựa chọn thể chế cũng giống
như con người ta lựa chọn lối sống. Nếu ông bố chỉ vì sợ con mình cũng bị lây
thị hiếu nhạc Rock và ăn mặc diêm dúa của con nhà hàng xóm thì nên đóng cửa lại
và dạy con mình trò khác, „bản sắc dân tộc“ hơn. Nhưng nếu lấy cớ „Chơi với tây
là đe dọa tao“ để tràn sang đốt nhà và tàn sát gia đình hàng xóm thì đó là tội
ác.
Người có lương tâm phải biết phân biệt thiện-ác.
[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/6772520612765954
[2] https://www.welt.de/.../Altkanzler-Schroeder-Mit-Putin...
.
No comments:
Post a Comment