Saturday, March 5, 2022

UKRAINA : QUÂN ĐỘI NGA THỂ HIỆN UY LỰC "THỰC SỰ" SAU 15 NĂM CẢI CÁCH (Minh Anh - RFI)

 



Ukraina : Quân đội Nga thể hiện uy lực « thực sự » sau 15 năm cải cách

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 05/03/2022 - 12:23

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20220305-ukrai....BA%A3i-c%C3%A1ch

 

Ngày 24/02/2022, 100 ngàn binh sĩ cùng 1.000 chiến xa và 4.000 xe tăng được lệnh tấn công ồ ạt Ukraina. Với một đội quân hùng hậu và được trang bị hiện đại, tổng thống Nga cho Mỹ và phương Tây thấy rằng quân đội Nga đã "lột xác", không còn là một đạo quân từ thời Xô Viết trang bị yếu kém. Việc chọn đánh Ukraina vào thời điểm này không phải là một sự ngẫu nhiên : Nga vừa hoàn tất các mục tiêu trong kế hoạch 15 năm hiện đại hóa quân đội vào cuối năm 2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/bea63890-9c65-11ec-967e-005056a90321/w:1024/p:16x9/AP22062718437733.webp

Xe pháo tự hành của quân đội Nga khai hỏa trong cuộc tập trận gần Orenburg ở Urals, Nga, ngày 16/12/2021. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. AP

 

Ngày 25/07/2021, trong bài diễn văn trước quân đội, tổng thống Nga Vladmir Putin khẳng định : « Chúng ta giờ có thể xác định được bất kỳ mục tiêu nào của kẻ thù : Ở dưới nước, trên bộ hay trên không và có thể giáng cho chúng một đòn chí tử nếu cần thiết ».

 

Nhìn những hình ảnh ấn tượng về những đoàn xe tăng cực kỳ tối tân được trang bị hỏa lực hiện đại nối dài hàng chục km, những chiếc hỏa tiễn có độ chính xác cao nhắm trúng các mục tiêu quân sự của Ukraina, nhà nghiên cứu về Quốc phòng và An ninh Nga, Isabelle Facon, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), trước hết nhận định với Le Parisien1 :

 

« Đây là một quân đội vừa vượt qua một chặng đường dài, bởi vì có đến 15 năm thiếu đầu tư quan trọng cho các lực lượng vũ trang của Nga (…) Dẫu sao thì đây cũng là một quân đội được huấn luyện nhiều hơn, cho thấy quân đội Nga có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự đã được xác định trước như ở Syria. Một quân đội có khả năng thực dụng và nhất là có thể triển khai dần dần một lực lượng lớn ở biên giới với Ukraina từ tháng 11/2021. Đây cũng là một quân đội thường xuyên có các bài tập trận chung với nhiều đối tác nước ngoài. Vì vậy, đây là một quân đội có khả năng thật sự làm được điều gì đó. »

 

« Muôn trùng hiểm họa »

 

Sự « lột xác » này bắt nguồn từ cách cảm nhận các mối đe dọa an ninh từ giới lãnh đạo quân sự - chính trị ở Nga. Họ luôn cho rằng nước Nga bị bao vây bởi một chuỗi các mối đe dọa « muôn hình vạn trạng » : Từ việc mở rộng khối NATO sang phía lãnh thổ Nga, những bất ổn triền miên ở vùng « đại phương Nam » (trải dài từ Kavkaz đến Trung Á) hay những cạnh tranh khốc liệt giành nguồn tài nguyên khoáng sản tràn ngập trên lãnh thổ Nga…

 

Nhà phân tích Igor Delanoë2, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp - Nga, lưu ý, hiểm họa đa phương không chỉ mới có ở nước Nga của thế kỷ XXI : Các đời Nga Hoàng rồi thời Liên Xô đều xem lãnh thổ của họ như là một vùng đất lọt thỏm, dễ bị tấn công. Cảm nhận này dẫn đến việc duy trì một kiểu mặc cảm bị vây hãm.

 

Thế nên, đối với Nga, sự bùng phát những xung đột cục bộ như cuộc chiến Thượng Karabagh, những bất ổn ở các vùng sân sau như Belarus,…  đối với Nga, đó chẳng khác gì như là một minh chứng cho điều gọi là « săn mồi địa chính trị », mà một số nước láng giềng có thể đang tiến hành, gây hại cho các lợi ích của Nga.

 

Lịch sử và địa lý là những yếu tố có vị trí trung tâm trong việc xác định các mối đe dọa và định hướng phát triển quân đội. Khi cảm nhận những lợi ích được cho là mang tính sống còn, tập trung chủ yếu ở vùng không gian hậu Xô Viết, Nga đã nỗ lực định dạng quân đội nhằm đáp trả các thách thức an ninh có thể nảy sinh tại một vùng lãnh thổ lục địa bao la.

 

Quân đội Nga đương đại từ cuối những năm 2000 đã được « mài giũa » để có thể đối phó với nhiều kiểu xung đột, có thể bùng nổ tại một chiến trường rộng lớn, đa dạng địa hình (từ núi non, sa mạc, đầm lầy, cho đến nơi băng giá…), với nhiều loại hình kẻ thù tiềm tàng rất khác nhau như các nhóm khủng bố (vùng Kavkaz, Trung Á), các lực lượng bán quân sự (Ukraina) hay các liên minh quân sự chính quy hiện đại (NATO ở châu Âu).

 

Do vậy, ngoài việc bảo vệ lãnh thổ liên bang, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của quân đội Nga hiện đại là ngăn chặn mọi mầm mống hình thành các lực lượng vũ trang ở những vùng biên giáp giới với Nga do đối thủ kiểm soát.

 

Nga : Cường quốc quân sự « đơn độc »

 

Nói đến sức mạnh quân đội, người ta không thể không nói đến yếu tố nhân lực. Chuyên gia về chính sách quốc phòng và an ninh, Jean-Sylvestre Mongrenier3, cộng tác viên Viện Thomas Moore lưu ý rằng « ở Nga, quân đội rất được tôn vinh, và do đó, quân đội tất nhiên là trung tâm của sự sùng bái quyền lực này ». Với gần một triệu binh sĩ, quân đội Nga xếp hàng thứ 5 trên thế giới về quân số.

 

Và điều làm nên nét đặc trưng cho quân đội Nga chính là lòng tận tụy với tổ quốc, được hun đúc từ khi còn nhỏ. Chính trong tinh thần này, năm 2016, Vladimir Putin cho ra đời trường quân bị thiếu niên « Yunarmyia », đến nay đã tiếp nhận 835 ngàn trẻ 11-18 tuổi, theo như số liệu từ chính phủ Nga được Le Figaro trích dẫn.

 

Nhưng Nga cũng ý thức được rằng họ đơn độc về mặt chiến lược, không thuộc một liên minh quân sự nào. Các đồng minh Belarus hay Armenia chỉ có một sức mạnh quân sự tương đối. Do vậy, với giới lãnh đạo quân sự - chính trị Nga, chiến thuật « ít tiêu hao lực lượng nhất » là một ưu tiên. Trong tầm nhìn này, vũ khí răn đe hạt nhân và không hạt nhân chiếm một vị trí quan trọng.

 

Về điểm này, nhà nghiên cứu Isabelle Facon nhắc lại cuộc chiến Gruzia là một bước ngoặt quan trọng. Trong cuộc chiến 5 ngày này, tuy Nga đã huy động được 20 ngàn quân trong vòng 48 giờ, nhưng đã làm lộ rõ đó là một quân đội được trang bị yếu kém.

 

« Ngòi nổ là năm 2008, tức là cuộc chiến tại Gruzia. Vào thời đó, ngay cả khi xét trên quan điểm chiến lược, Nga đã thắng một cuộc chiến kéo dài năm ngày. Nhưng nhìn từ quan điểm tác chiến, năng lực của quân đội Nga lại cho thấy không mấy gì đáng tự hào cho lắm, nghĩa là người ta nhìn thấy đó là một đội quân vô tổ chức có nhiều vấn đề nghiêm trọng về trang thiết bị. Có thể nói, cuộc chiến này là một bước ngoặt ngay cả khi ông Putin muốn thực hiện điều này từ lâu.

Cuộc chiến xảy ra cũng trùng hợp vào thời điểm quân đội Nga bắt đầu có nhiều nguồn ngân sách lớn, bởi vì trong những năm 2003, 2008, giá dầu khí trên thị trường thế giới tăng lên, làm tăng nguồn thu cho ngân quỹ nhà nước và cho phép tăng các khoản chi cho quốc phòng. »

 

Syria : Phòng thí nghiệm vũ khí, địa bàn huấn luyện chiến thuật Nga

 

Về mặt chi tiêu cho quân sự, Nga đứng hàng thứ tư trên thế giới. Trong giai đoạn 2000-2019, ngân sách quốc phòng của Nga tăng 175%, để rồi giờ đạt mức gần 70 tỷ đô la trong năm 2020, theo như số liệu của SIPRI. Đương nhiên, con số này chưa thể sánh bằng Mỹ (766 tỷ đô la), nhưng quân đội Nga đã có những đầu tư quan trọng đủ để gây khiếp hãi đối thủ.

 

Ngày 19/07/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo : « Rạng sáng hôm nay, loạt bắn thử tên lửa siêu thanh Zircon đã được tiến hành. Đây là chiếc tên lửa hiện đại nhất của chúng ta, có chức năng chống lại các mục tiêu trên biển và trên bộ. Cuộc bắn thử đã hoàn toàn thành công, thật hoàn hảo. Đây là một sự kiện lớn cho đất nước và là một bước quan trọng để tăng cường an ninh cho nước Nga và năng lực phòng thủ của đất nước. »

 

Tính đến cuối năm 2021, Nga đã hiện đại hóa được 81% lực lượng quân sự, 71,9% trang thiết bị mới đã được đưa vào sử dụng tại các lực lượng chính quy, theo như các mục tiêu đề ra. Ông Igor Delanoë nhấn mạnh thêm rằng, có hai thời điểm quan trọng tác động mạnh đến tiến trình hiện đại hóa quân đội Nga : Sự đoạn tuyệt về hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Nga với các doanh nghiệp phương Tây và Ukraina sau cuộc khủng hoảng năm 2014, và chiến dịch quân sự Nga ở Syria năm 2015.

 

Sự kiện thứ nhất buộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng phải nội địa hóa sản xuất một số linh kiện mà đến tận năm 2014 vẫn phải mua từ châu Âu và Ukraina. Còn việc thứ hai, cuộc can thiệp quân sự vào Syria vào tháng 9/2015 cho phép Nga thử nghiệm trong điều kiện tác chiến các loại vũ khí mới như bom áp nhiệt, drone, tên lửa chống tăng, tên lửa địa đối không, chiến đấu cơ Sukhoi Su-57, hay các loại thiết bị nhìn đêm… Tổng cộng có khoảng 320 loại vũ khí, thiết bị quân dụng đã được Nga thử nghiệm thành công tại chiến trường Syria.

 

Không những thế, Syria còn là chiến trường lý tưởng để Nga dàn binh tập trận chiến thuật bắn đạn thật. Ngoài số lính đánh thuê Wagner được triển khai tại Syria, quân đội Nga điều luân phiên 63 ngàn binh sĩ trong vòng 6 năm rưỡi qua mà lực lượng hàng không vũ trụ được cho làm chiếm ưu thế. Số binh sĩ này đã có được một « lợi thế đào tạo và kinh nghiệm quý giá, cho phép hoàn thiện năng lực quân đội Nga trên bình diện quốc tế », theo như đánh giá của bà Anna Borshchevskaya, thuộc Institute for Near East Policy, tại Washington, trong một bài viết được La Croix trích dẫn4.

 

Nhưng Syria còn là một chiếc tủ kính thương mại cho ngành công nghiệp vũ khí Nga mà khối lượng đơn đặt hàng đã tăng vọt từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập cho đến Ả Rập Xê Út, theo như quan sát của nhà nghiên cứu Isabelle Facon :

 

« Chiến dịch tại Syria mà họ bắt đầu vào năm 2015 đối với Nga là một cơ hội để phô bày các loại vũ khí mới mà Nga đang có hiện nay, nghĩa là các loại tên lửa nhiều kích cỡ, chẳng hạn một loại tên lửa hành trình chiến lược mới. Tất cả những thứ đã được đem ra không hẳn là có ích trên bình diện tác chiến, nhưng đó còn là một dạng quảng cáo các sản phẩm mới cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga. »

 

Giờ đây, nhìn những gì được Nga đem ra áp dụng tại Ukraina, những người lính mũ trắng bảo vệ thường dân tại Syria của Liên Hiệp Quốc chua xót chia sẻ trên mạng xã hội, được La Croix dẫn lại : « Thật là đau lòng cho chúng tôi khi hay rằng những loại vũ khí được thử nghiệm tại Syria kể từ giờ sẽ được sử dụng chống lại thường dân Ukraina ».

 

                                                      ****

Ghi chú :

 

1. Crise en Ukraine : « Le budget de l’armée russe est très loin de celui des Etats-Unis », Le Parisien ngày 30/1/2022.

 

2. Igor Delanoë, « L’armée russe : la gardienne de la "forteresse Russie" », Conflit ngày 17/01/2022.

 

3. « Que vaut l'ARMÉE russe ? », Le Figaro ngày 03/08/2021.

 

4. « Guerre en Ukraine: la Syrie, laboratoire stratégique de larmée russe », La Croix, ngày 26/02/2022.

 

----------------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NGA - QUÂN SỰ

« Poseidon » : Một « siêu vũ khí » hạt nhân đáng gờm của Nga !

 

NGA - VŨ KHÍ

Chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo Nga có thể sử dụng « bom áp nhiệt » ở Ukraina

 

NGA - UKRAINA - DONBASS

Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào các vùng lãnh thổ thân Nga của Ukraina





No comments: