Sunday, March 20, 2022

TƯƠNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIẾN SỰ NGA-UKRAINE NGÀY 20/3/2022 : NGOẠI TRƯỞNG VƯƠNG NGHỊ NÓI TRUNG QUỐC ĐỨNG BÊN LẼ PHẢI TRONG CUỘC CHIẾN UKRAINE (BBC News Tiếng Việt)

 



TRỰC TIẾP  -  Ngoại trưởng Vương Nghị nói 'TQ đứng bên lẽ phải trong cuộc chiến Ukraine'

BBC News Tiếng Việt

20 tháng 3 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/live/world-60812830

 

TÓM TẮT

 

1.    Một trường nghệ thuật tại Mariupol, nơi có khoảng 400 người đang trú ẩn, đã bị tấn công, hội đồng thành phố nói

 

2.    Các quan chức nói tòa nhà đã bị phá hủy và nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát

 

3.    Tổng thống Ukraine nói các vụ tấn công của Nga vào thành phố cảng Mariupol ở miền nam sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế kỷ

 

4.    Ông Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh tại thành phố, nơi tình trạng giao tranh ác liệt đã lan tới khu vực trung tâm

 

5.    Vụ việc diễn ra vào lúc các quan chức nơi này cáo buộc rằng hàng ngàn cư dân đã bị buộc phải tới các thành phố của Nga. BBC vẫn chưa kiểm chứng được nội dung này

 

6.    Hơn 3,3 triệu người đã bỏ chạy khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra từ hơn ba tuần trước tới nay

 

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP

 

11:25

Thổ Nhĩ Kỳ nói Ukraine và Nga có tiến triển trong việc đàm phán

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người đang trung gian cho các đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, nói hai bên đang tiến gần tới việc đạt thỏa thuận.

Ông Cavusoglu nói với hãng tin AFP rằng "không dễ gì để đạt được các điều khoản khi mà cuộc chiến vẫn đang diễn ra, khi mà dân thường vẫn đang bị giết chết", nhưng ông nói thêm rằng "chúng tôi thấy các bên đang tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận".

Ông Cavusoglu đã tới thăm Nga và Ukraine trong tuần này. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ gắn bó với cả hai bên.

Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ liên hệ với các nhóm thương thuyết, nhưng không công bố chi tiết về các cuộc thảo luận, do Thổ Nhĩ Kỳ "giữ vai trò là một nhà trung gian và dàn xếp đàm phán".

Hai bên đang đàm phán trên sáu điểm then chốt

·         tính trung lập của Ukraine

·         các đảm bảo về việc giải giáp và an ninh

·         cái gọi là 'phi Phát xít hóa' Ukraine

·         xóa bỏ các hạn chế trong việc sử dụng tiếng Nga tại Ukraine

·         vị thế của vùng Donbass ly khai

·         vị thế của vùng Crimea bị Nga sáp nhập hồi 2014

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Bảy nói trong video rằng: "Đây là thời điểm để gặp gỡ, thảo luận, thời gian để nối lại tính toàn vẹn lãnh thổ và sự công bằng cho Ukraine".

Đọc thêm

 

--------------------

11:19

Cuộc xâm lược của Nga là 'khá suy kiệt về tinh thần, khá bế tắc'

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine là "khá suy kiệt tinh thần, khá bế tắc", cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh Philip Osborn cho biết.

“Chúng tôi đang thấy họ thu gom tài nguyên và nhân lực từ khắp nước Nga, thậm chí từ Syria, và đó không phải là một dấu hiệu tốt cho nước được cho là một siêu cường”.

Đọc thêm

 

-------------------------------

11:11

Hơn 900 dân thường thiệt mạng ở Ukraine, theo LHQ

Văn phòng Nhân quyền của Liên hợp quốc cho biết ít nhất 902 thường dân đã thiệt mạng ở Ukraine tính đến thứ Bảy ngày 19 tháng 3, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Liên Hợp Quốc cho biết thêm rằng số người chết thực sự có thể cao hơn nhiều.

Văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết 112 trẻ em đã bị giết hại.

Đọc thêm

 

-------------------------

8:56

Ngoại trưởng Vương Nghị nói 'TQ đứng bên lẽ phải của lịch sử trong cuộc chiến Ukraine'

Trung Quốc đứng bên lẽ phải của lịch sử trong cuộc khủng hoảng Ukraine - thời gian sẽ chứng minh điều đó, và quan điểm của Bắc Kinh là phù hợp với nguyện vọng của hầu hết các quốc gia, Ngoại trưởng Vương Nghị được hãng tin Reuters trích lời, nói.

"Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự ép buộc hay áp lực nào từ bên ngoài, và phản đối bất kỳ cáo buộc, nghi ngờ vô căn cứ nào đối với Trung Quốc," ông Vương nói với các phóng viên tối hôm thứ Bảy.

Tuyên bố của ông Vương được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu cảnh báo Chủ tịch TQ Tập Cận Bình về "những hậu quả" nếu Bắc Kinh hỗ trợ về vật chất cho cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Trong cuộc điện thoại truyền hình, ông Tập nói với ông Biden rằng cuộc chiến ở Ukraine cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt, và kêu gọi các nước khối Nato tiến hành đối thoại với Nga. Tuy nhiên, ông không quy trách nhiệm cho Nga.

Ông Vương nói rằng thông điệp quan trọng nhất mà ông Tập đưa ra, đó là Trung Quốc luôn là một lực lượng duy trì hòa bình thế giới.

Tuy thừa nhận chủ quyền quốc gia của Ukraine, nhưng Bắc Kinh lặp đi lặp lại rằng Nga có những quan ngại chính đáng về an ninh cần được xử lý, và thúc giục tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/6537ac53-6474-4b2a-8000-c31adc12cb4c.jpg

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

 

---------------------------------

8:42

Ukraine tuyên bố tiêu diệt 15.000 lính Nga

Ukraine tuyên bố tiêu diệt 15.000 lính Nga

Giới chức quân đội Ukraine tuyên bố có gần 15.000 quân Nga đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược cách đây hơn ba tuần.

Trong một thông tin cập nhật được đăng tải trên trang Facebook của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, giới chức Ukraine cho biết 14.700 lính Nga đã thiệt mạng trong 25 ngày giao tranh.

Bản cập nhật cũng tuyên bố rằng một lượng lớn khí tài quân sự của Nga đã bị phá hủy trong cuộc xung đột, bao gồm khoảng 476 xe tăng, hơn 200 máy bay chiến đấu, trực thăng và drone và khoảng 1.487 xe bọc thép.

BBC không thể xác minh độc lập tuyên bố này, mặc dù các nguồn tin phương Tây cho rằng Nga đã bị thương vong đáng kể và các quan chức quốc phòng Mỹ ước tính rằng ít nhất 7.000 lính Nga thiệt mạng, trong đó có tới 21.000 lính bị thương.

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/74541781-3ab7-4eed-91de-d2e3ba8e5eb0.jpg

Ukraine nói họ phá hủy khoảng 476 xe tăng của Nga.

 

-------------------------

7:40

Nhà thờ Cửa Bắc tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho hoà bình ở Ukraine

Sáng nay, Chủ nhật 20/03, nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội) tổ chức một buổi Thánh lễ đặc biệt để cầu nguyện hoà bình cho nhân dân Ukraine.

Nơi đây vào sáng chủ nhật hàng tuần thường diễn ra các buổi Thánh lễ bằng tiếng Anh phục vụ giáo dân nước ngoài sinh sống tại Hà Nội. Sự kiện được Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội thông báo trên Facebook nhằm kêu gọi cộng đồng người nước ngoài tại Hà Nội tới ủng hộ hoà bình cho nhân dân Ukraine.

Thông báo trích dẫn lời của Giáo hoàng Francis khi nói chuyện với người dân trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 13 tháng 3: "… Tuần này, thành phố này được đặt theo tên của Mariupol, thành phố đã bị biến thành thành phố chết trong cuộc chiến tranh khủng khiếp đang tàn phá Ukraine. Không có lý do chiến lược nào biện minh cho việc giết hại man rợ trẻ em, người vô tội và những thường dân không có khả năng tự vệ. Tất cả điều cần thiết bây giờ là phải chấm dứt cuộc xâm lược vũ trang không thể chấp nhận được trước khi nó biến các thành phố thành nghĩa trang."

Trong buổi lễ, linh mục Alphongsô Phạm Hùng nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Francis lên án những kẻ gây ra chiến tranh, "Họ không bắt đầu từ người dân, không nhìn vào cuộc sống cụ thể của người dân, nhưng đặt quyền lực và lợi ích trên tất cả. Họ tin tưởng vào thứ logic ác độc và gian trá của vũ khí, là điều rất xa với ý muốn của Thiên Chúa. Họ xa cách với dân chúng, những người muốn hoà bình, và trong mọi cuộc xung đột – những người dân thường – là nạn nhân thực sự, những người phải trả giá cho sự điên cuồng của chiến tranh trên chính làn da của họ."

Bên cạnh sự tham gia của nhiều giáo dân Việt Nam và quốc tế, buổi Thánh lễ có một số nhà ngoại giao quốc tế như Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cùng phu nhân, nhân viên đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội đến dự.

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/dd42a6f9-0317-488a-98c1-8812c219cd3d.jpg

Nhà thờ Cửa Bắc từng là nơi cựu Tổng Thống Mỹ George W. Bush cùng phu nhân tới cầu nguyện trong thời gian thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 năm 2006.

 

-----------------------

7:28

'Không thể so sánh Chiến tranh Biên giới Việt-Trung 1979 và Nga xâm lược Ukraine'

Trả lời BBC News Tiếng Việt, Phó Giáo sư Martin Grossheim chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Seoul cho rằng "Nếu nhìn sâu vào hai cuộc xung đột này thì chúng ta sẽ thấy có những khác biệt mang tính nền tảng".

"Vào năm 1979, thì ngay từ lúc bắt đầu, các lãnh đạo Trung Quốc khi đó dưới thời Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh "chỉ" muốn dạy cho Việt Nam một bài học, và ý thức hệ của Trung Quốc sau 1975 rất gần với Liên Xô, kết quả là Trung Quốc đã mang quân tấn công vào các tỉnh biên giới ở miền bắc Việt Nam. Nói cách khác thì ngay từ khi bắt đầu thì Hà Nội và đồng minh thân cận là Moscow biết rõ rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa sẽ không tiến xa vào Hà Nội nhằm lật đổ chế độ."

"Tuy nhiên đây lại chính là mục tiêu của Tổng thống Nga Putin tại Ukraine. Mục đích rõ ràng của cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine chính là muốn lật đổ chế độ tại Kyiv và thay thế bằng một chính phủ thân Nga. Vì vậy Nga đã tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine và tấn công từ nhiều mũi khác nhau, đây chính là điều rất tương phản với việc Trung Quốc đã thực hiện vào năm 1979"

Đọc thêm

 

-------------------------

6:58

'Còn khoảng hơn 300 người Việt Nam tại Ukraine'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được truyền thông Việt Nam dẫn lời cho biết:

“Tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã tổ chức được 5 chuyến bay đưa 1.385 người Việt Nam và gia đình từ Ukraine sơ tán sang Romania và Ba Lan về nước an toàn.

“Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, đến ngày 17/3, còn khoảng hơn 300 người Việt Nam tại Ukraine tập trung tại các thành phố Donestk, Lugan, Chernigov, Kherson, Kharkov va Odessa.

“Hầu hết đây là những người đã định cư lâu dài, có công việc làm ăn, nhà cửa, tài sản ở Ukraine, chưa có nguyện vọng sơ tán sang các nước lân cận hoặc về Việt Nam.

“Riêng tại thành phố Mariupol, nơi diễn ra xung đột căng thẳng có khoảng 80 người Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai công tác bảo hộ công dân.

“Hiện nay Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga và Ukraine tiếp tục thúc đẩy các cơ quan chức năng của Nga và Ukraine trong việc phối hợp tạo hành lang an toàn cho những người Việt Nam còn lại ở Mariupol cũng như các thành phố khác ở Ukraine sơ tán đến nơi an toàn”.

Đọc thêm

 

------------------------------

6:52

Phó thủ tướng Ukraine nói Nga phạm tội diệt chủng đối với Ukraine

Phó thủ tướng Ukraine cáo buộc Nga phạm tội "diệt chủng" trong quá trình xâm chiếm đất nước của bà.

Phát biểu trong chương trình Sophy Ridge của hãng Sky, bà Olha Stefanishyna nói bà "chắc chắn tin rằng" thể chế Nga đã có các hành động diệt chủng, và nói Tổng thống Vladimir Putin cùng các lãnh đạo tại Điện Kremlin "là những kẻ tội phạm chiến tranh".

Bà Stefanishyna nói số lượng "các nạn nhân là dân thường" đã bị giết chết và bị thương trong cuộc xâm lược của Nga tính đến nay "lớn hơn nhiều so với các lực lượng có vũ trang của Ukraine," và cáo buộc rằng "phụ nữ bị hãm hiếp trong hàng tiếng đồng hồ rồi bị giết chết" bởi binh lính Nga.

Nhưng bà cam kết rằng "Ukraine sẽ kháng cự cho tới khi nào còn cần kháng cự" và nói cơ quan công tố nước này sẽ tìm cách ra cáo trạng đối với các nghi phạm là quân lính Nga với tội danh tội phạm chiến tranh, và nói khoảng 2.000 vụ đã được mở hồ sơ.

Bà cũng ca ngợi các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Israel về vai trò của họ trong việc tìm kiếm biện pháp trung gian hòa giải cho một thỏa thuận hòa bình, nhưng cảnh báo rằng Ukraine sẽ không đồng ý với bất kỳ dàn xếp nào theo đó cho phép Nga chiếm lãnh thổ của Ukraine, điều mà bà nói là 'làn ranh giới đỏ' của nước bà trrong các cuộc thảo luận.

Tuy nhiên, bà nói có thể có chỗ cho việc thảo luận về việc "tái nhập" các vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông, nơi vốn đã bị "chiếm đóng" trong tám năm qua.

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/981b8741-eb3d-4f35-9de2-489eb0805d36.jpg

Phó thủ tướng Ukraine, bà Olha Stefanishyna

 

--------------------------------

6:49

‘Tình hình ở Mariupol là khủng khiếp’

Oleg Savchuk, người đã trốn thoát khỏi thành phố Mariupol của Ukraine bị bao vây cùng bạn gái và hiện đang ở Dnipro, đã nói chuyện với BBC.

Ông cho biết "tình hình khủng khiếp tại Mariupol " và họ đã quyết định rời Mariupol với cha mẹ và ông bà của họ sau khi nhà của họ bị phá hủy.

Oleg nói rằng không có khí đốt và điện và họ không thể gọi cho bất kỳ ai hoặc nhận bất kỳ thông tin nào, và nói thêm rằng họ sống sót bằng cách cùng hàng xóm ra ngoài đốt lửa để đun nước và nấu ăn.

Ông nói rằng thành phố đã bị ném bom gần như suốt ngày đêm và chỉ có một hoặc hai giờ mỗi ngày không có tiếng bom.

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/b08c7d3d-8c70-44cf-a7f4-10b208b56a49.jpg

Oleg Savchuk: Thành phố Mariupol đã bị ném bom gần như suốt ngày đêm và chỉ có một hoặc hai giờ mỗi ngày không có tiếng bom.

 

----------------------

6:25

'Người dân Mariupol bị đưa sang Nga'

Các quan chức thành phố Mariupol hôm thứ Bảy cáo buộc Nga đưa hàng ngàn người dân địa phương sang bên kia biên giới hồi tuần trước, bất chấp nguyên vọng của họ.

BBC vẫn chưa kiểm chứng được tin này, nhưng hiện đang ngày càng có nhiều lời kể về cùng nội dung.

Một quan chức thành phố, ông Pyotr Andryuschenko, nói với tờ New York Times rằng có từ 4000 đến 4500 cư dân thành phố đã bị buộc phải tới Tangarog, một thành phố thuộc vùng Rostov giáp biên với Ukraine ở phía góc đông nam. Ông nói thêm rằng họ đã bị đưa đi mà không kèm theo hộ chiếu cá nhân.

Một người đàn ông Ukraine cũng nói với báo này rằng ông đã liên hệ với ba gia đình bị buộc phải đi như thế.

"Nay thì người Nga đang đi qua từng căn hầm, và nếu có người còn trong đó thì họ sẽ buộc những người đó phải tới Taganrog," Eduard Zarubin, một bác sĩ, người đã rời khỏi thành phố hồi đầu tuần, nói.

Nga chưa trực tiếp lên tiếng về cáo buộc này, nhưng bộ quốc phòng hôm thứ Sáu nói rằng hàng ngàn người Ukraine muốn "chạy trốn sang Nga" và chính phủ Nga đang giúp đỡ họ.

Đọc thêm

 

--------------------------

6:14

Vì sao Mariupol quan trọng?

Nếu Mariupol thất thủ, nơi này sẽ đem tới cho Nga quyền kiểm soát một trong những cảng biển lớn nhất của Ukraine và tạo ra một hành lang trên bộ giữa Crimea nối với các vùng được Nga hậu thuẫn là Luhansk và Donetsk.

Việc kết nối Crimea với phần lãnh thổ trên bộ của Nga thông quan các vùng do phiến quân nắm giữ sẽ khiến cho Nga dễ dàng vận chuyển người và hàng qua lại với Crimea. Nga đã muốn đạt được điều này từ 2014, khi cuộc xung đột ở vùng miền đông Ukraine bắt đầu nổ ra.

Hiện bán đảo Crimea được nối với Nga bằng một cây cầu được xây dựng với giá đắt sau khi nơi này sáp nhập vào Nga.

 

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/bdca8b29-c8a3-45b6-8420-34352e71f4c5.png

Bản đồ khu vực Đông Ukraine

 

------------------------------

Đăng ở 6:046:04

Quan chức Ukraine: Nga tấn công trường học, nơi có 400 người trú ẩn

Hội đồng thành phố Mariupol nói các lực lượng Nga hôm thứ Bảy đã ném bom vào một trường học nơi có khoảng 400 người.

Trong một tin cập nhật trên Telegram, giới chức nói tòa nhà của trường đã bị phá hủy và mọi người đang bị vùi dưới đống đổ nát. Đây là nơi phụ nữ, trẻ em và người già đã tới để trú ẩn, giới chức nói.

Hiện chưa có tin chi tiết về mức độ thương vong.

Việc giữ liên lạc với Mariupol là vô cùng khó khăn, và BBC đã không thể ngay lập tức xác thực thông tin đưa ra.

 

https://ichef.bbci.co.uk/live-experience/cps/624/cpsprodpb/vivo/live/images/2022/3/20/d7ecc7a8-c250-4546-9871-4228c420edca.jpg

Phóng viên BBC Hugo Bachega từ Lviv cho biết những người mà BBC đã phỏng vấn cũng như những gì BBC nghe được cho thấy tình thế tại Mariupol, nơi đã bị quân Nga bao vây toàn bộ, là rất tồi tệ. Ước tính có 300 ngàn người bị kẹt trong thành phố, không có điện, nước sạch, không có sưởi.

Đọc thêm

 

 

Quay lên trên





No comments: