Saturday, March 5, 2022

TỊCH THU TÀI SẢN Ở NƯỚC NGOÀI CỦA CÔNG DÂN NGA CÓ HỢP PHÁP? (Trịnh Hữu Long - Luật Khoa)

 



Tịch thu tài sản ở nước ngoài của công dân Nga có hợp pháp?

TRỊNH HỮU LONG  -  LUẬT KHOA

05/03/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/03/tich-thu-tai-san-o-nuoc-ngoai-cua-cong-dan-nga-co-hop-phap/   

 

Hợp pháp, nhưng không dễ làm.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/8283254_1646305521-1024x537.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và tỷ phú Alisher Usmanov, một trong những người giàu nhất nước Nga. Usmanov được cho là nhân vật thân cận với Putin. Nguồn: ICIJ.

 

Gần đây, ta thường nghe trên báo đài nói nước nọ nước kia đóng băng hay tịch thu tài sản ở nước ngoài của các tỷ phú Nga. Nào là du thuyền, nào là bất động sản.

 

Câu hỏi về tính hợp pháp của việc này là một câu hỏi hay. Vì chẳng nhẽ chính phủ Nga mang quân đi xâm lược Ukraine mà lại trừng phạt công dân Nga? Họ kiếm được tiền, mua được du thuyền thì phải được đảm bảo quyền tài sản chứ sao lại lấy mất của họ? Như vậy chẳng phải là bất công và vi phạm nhân quyền hay sao?

 

Để trả lời câu hỏi này, trước hết, ta hãy điểm qua vài vụ việc tiêu biểu:

 

·         Đức tạm giữ siêu du thuyền trị giá 600 triệu đô của tỷ phú Nga Alisher Usmanov. [1] Nhân vật này nằm trong danh sách các cá nhân bị trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) với lý do “tích cực hỗ trợ vật chất hoặc tài chính cho các lãnh đạo Nga chịu trách nhiệm cho việc sáp nhập Crimea và việc gây bất ổn ở Ukraine”. [2]

 

·         Anh đóng băng tài sản của Gennady Timchenko, người giàu thứ sáu ở Nga; và hai anh em Boris và Igor Rotenberg, hai tỷ phú Nga. Họ được chính phủ Anh mô tả là “có vai trò quan trọng đặc biệt với Điện Kremlin”. [3]

 

·         Mỹ tuyên bố đóng băng tài sản của một loạt tỷ phú Nga và gia đình, tiến hành điều tra để tiến tới tịch thu các tài sản này. Những người nằm trong danh sách được chính phủ Mỹ cho là “tiếp tục yểm trợ cho Tổng thống Putin bất chấp hành vi xâm lược tàn bạo của ông ta vào Ukraine”. [4]

 

Đến đây, bạn đã có thể hình dung ra lý do của những vụ tịch thu và đóng băng tài sản này: chủ sở hữu của chúng giúp Putin xâm lược Ukraine.

 

Xâm lược Ukraine đến nay đều bị các nước này cho là bất hợp pháp, vi phạm luật quốc tế, và do đó, có cơ sở để trừng phạt những ai đang tiếp sức cho nó. Công dân Nga làm ăn và sở hữu tài sản hợp pháp ở nước ngoài, không liên quan tới chính quyền Nga thì không thuộc diện bị trừng phạt.

 

Và thêm một cơ chế nữa để đóng băng hoặc tịch thu tài sản, đó là thông qua các đạo luật Magnitsky. Đây là một loại luật trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền, được đặt tên theo một người Nga bị giết vì chống tham nhũng. Các đạo luật như vậy đã được nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc thông qua. Luật Khoa từng có một số bài giải thích cụ thể về loại luật mới mẻ này. [5]

 

Ngoại trừ lý do liên đới tới chiến tranh và vi phạm nhân quyền như đã kể trên, các nước cũng có thể tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga thông qua các thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Họ chỉ cần một thứ: bằng chứng chứng minh các tài sản này liên quan tới hoạt động tội phạm. [6]

 

Các tài sản này có thể (1) hình thành do phạm tội mà có hoặc (2) được sử dụng cho các hoạt động tội phạm.

 

Tội phạm ở đây thường là rửa tiền. Các tỷ phú Nga nổi tiếng với việc kiếm tiền bằng các thủ đoạn phi pháp để bòn rút của công thông qua quá trình tư nhân hóa ở Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Sau đó, họ tìm cách hợp pháp hóa số tiền khổng lồ này thông qua các hoạt động đầu tư và mua bán bất động sản ở nước ngoài.

 

Không hẳn chính phủ các nước không biết chuyện này, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc thiếu nguồn lực, mà họ không tiến hành điều tra tới nơi và truy tố các tỷ phú này. Nay với việc Nga xâm lược Ukraine, các chính phủ có động cơ chính trị rất mạnh để đầu tư cho các hoạt động điều tra.

 

Một lý do khác là các tỷ phú Nga cũng che đậy tài sản rất kỹ thông qua người thân và các công ty offshore ở những thiên đường thuế an toàn như Panama, Dubai, Monaco, hay Cayman Islands. [7] Ở những nơi này, người ta có thể dễ dàng tạo ra tầng tầng lớp lớp các công ty ma để đứng tên tài sản ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các nước này cũng có chính sách bảo mật thông tin nhà đầu tư rất chặt và không có các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước lớn để chia sẻ thông tin hay dẫn độ tội phạm. Điều đó khiến cho việc truy ra chủ sở hữu thật sự của các tài sản này là rất khó khăn, khó hơn nhiều so với việc truy vết từ những người thân được các tỷ phú nhờ đứng tên tài sản.

 

Trong vài năm trở lại đây, các chính phủ còn gặp phải một trở ngại lớn nữa là các tỷ phú Nga có thể cất giấu tài sản của mình trong tiền mã hóa (cryptocurrency). Đây là loại tài sản dựa trên công nghệ blockchain với tính năng bảo mật và ẩn danh cực kỳ mạnh mẽ, không dễ để lần ra được danh tính của chủ sở hữu như với các loại tài sản truyền thống.

 

Cần lưu ý rằng dù với lý do gì đi chăng nữa, việc đóng băng hay tịch thu tài sản của bất kỳ ai cũng đều phải tuân theo các trình tự thủ tục luật định, thông thường đều phải có trát tòa. Chủ sở hữu các tài sản có thể kiện quyết định đóng băng/ tịch thu tài sản và yêu cầu phục hồi lại quyền sở hữu của họ đối với khối tài sản này.

 

Bên cạnh đó, cũng chỉ những tài sản nằm trong phạm vi tài phán của một chính phủ thì chính phủ đó mới có thể đóng băng hay tịch thu được. Nói cách khác, chỉ những tài sản nằm ở Mỹ hoặc những nước có hiệp định tương trợ tư pháp với Mỹ thì Mỹ mới ra tay được. Đó là lý do nhiều du thuyền của các tỷ phú Nga hiện đang phải long đong trên vùng biển quốc tế hoặc trú tại quốc đảo Maldives ở Ấn Độ Dương – một nước không có hiệp định dẫn độ với Mỹ. [8]

 


 

Chú thích

 

1.  Tognini, G. (2022, March 4). UPDATE: Fate Of Russian Billionaire Alisher Usmanov’s Mega-Yacht In Germany Uncertain. Forbes.

https://www.forbes.com/sites/giacomotognini/2022/03/02/update-fate-of-russian-billionaire-alisher-usmanovs-mega-yacht-in-germany-uncertain 

 

2.  Official Journal L 59/2022. (n.d.). Eur-Lex.Europa.Eu. 

https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/HTML/?uri=OJ:L:2022:059:FULL&from=EN 

 

3.  Foreign, Commonwealth & Development Office. (2022, February 22). UK hits Russian oligarchs and banks with targeted sanctions: Foreign Secretary’s statement. GOV.UK. 

https://www.gov.uk/government/news/uk-hits-russian-oligarchs-and-banks-with-targeted-sanctions-foreign-secretary-statement 

 

4.  House, T. W. (2022, March 3). FACT SHEET: The United States Continues to Target Russian Oligarchs Enabling Putin’s War of Choice. The White House. 

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/03/03/fact-sheet-the-united-states-continues-to-target-russian-oligarchs-enabling-putins-war-of-choice 

 

5.  Luật Khoa tạp chí. (2022). All posts tagged “luật Magnitsky.” 

https://www.luatkhoa.org/tag/luat-magnitsky/

 

6.  Ortiz, E. (2022, March 2). U.S. wants to seize Russian oligarchs’ yachts, homes and jets. How is that legal? NBC News. 

https://www.nbcnews.com/politics/politics-news/us-wants-seize-russian-oligarchs-yachts-homes-jets-legal-rcna18278 

 

7.  Auto, H. (2022, March 4). Private jets, superyachts, luxury homes: Seizing assets of Russian oligarchs trickier than sanctions. The Straits Times. 

https://www.straitstimes.com/business/economy/private-jets-superyachts-luxury-homes-seizing-assets-of-russian-oligarchs-trickier-than-sanctions 

 

8.  Reuters. (2022, March 3). Ukraine crisis: Russia billionaires move superyachts to Maldives to escape sanctions. South China Morning Post. 

https://www.scmp.com/news/asia/south-asia/article/3169034/ukraine-crisis-russia-billionaires-move-superyachts-maldives





No comments: