The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch
22/03/2022
Ukraine từ chối đầu hàng ở Mariupol,
thành phố cảng miền nam đang bị quân Nga vây hãm suốt ba tuần qua. Hôm Chủ nhật,
một tướng Nga đã tuyên bố người dân sẽ được phép rời thành phố theo hành lang
an toàn nếu quân Ukraine hạ vũ khí từ 5 giờ sáng theo giờ Moscow (2 giờ sáng
GMT). Mariupol đang bị thiếu lương thực, nước uống và điện, trong khi trở thành
một chiến trường ác liệt. Hiện có khoảng 300.000 người vẫn bị mắc kẹt trong
thành phố.
Nga triệu tập đại sứ Mỹ
tại Moscow để cảnh báo rằng quan hệ song phương đang “trên bờ vực rạn nứt,” sau
khi Tổng thống Joe Biden gọi người đồng cấp Nga là “tội phạm
chiến tranh.” Được biết ông Biden sẽ thăm châu Âu trong tuần này, bắt đầu với hội
nghị thượng đỉnh NATO và cuộc họp G7 tại Brussels vào thứ Năm trước khi đến Ba
Lan. EU có thể sẽ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt lên Nga; hôm thứ Hai các bộ
trưởng ngoại giao Ireland và Litva kêu gọi cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Thủ tướng Israel Naftali
Bennett cho biết nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine của ông đã
đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn còn các vấn đề “cơ bản.” Trước đó vào Chủ nhật,
tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trước quốc hội Israel rằng
“các nước láng giềng muốn thấy chúng tôi chết” và so sánh Nga với Đức Quốc xã.
Ông Zelensky đề nghị Israel gửi đạn dược và trừng phạt Nga. Trong một bài phát
biểu khác, ông còn đề nghị Jerusalem là địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình.
Chính phủ Trung Quốc cam kết
hỗ trợ nhân đạo 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) cho Ukraine. Không rõ liệu
Trung Quốc có hỗ trợ Nga hay không. Trung Quốc từng dự đoán Nga sẽ nhanh chóng
giành chiến thắng trong cuộc chiến và đẩy Mỹ cũng như các đồng minh vào thế bị
động. Song giờ đây, mọi động thái hỗ trợ Nga sẽ khiến Trung Quốc gánh chịu hậu
quả kinh tế vì vi phạm các lệnh trừng phạt Nga.
Ít nhất 4 người thiệt mạng trong đêm qua sau
khi Nga nã pháo vào quận Podil của thủ đô Kyiv, theo giới chức
thành phố. Các vụ nổ lớn trong thành phố cũng được ghi nhận vào sáng thứ Hai.
Trước đó người ta cũng ghi nhận một vụ rò rỉ amoniac tại nhà máy hóa chất ở
phía đông thành phố Sumy sau khi bị Nga không kích. Người dân
địa phương được yêu cầu tìm nơi trú ẩn, nhưng tới nay vụ rò rỉ đã được kiểm
soát.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ ra một đề nghị yêu cầu các công ty đại chúng phải tiết lộ lượng
khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các rủi ro khí hậu. Nếu lượng khí thải do các
nhà cung cấp và đối tác của công ty tạo ra là đáng kể đối với chiến lược của
nhà đầu tư, thì chúng cần phải được công khai • Một máy bay chở hơn 130 người
rơi gần Ngô Châu, miền nam Trung Quốc. Truyền thông nhà nước cho biết chiếc
Boeing 737 đã bốc cháy khi rơi xuống đất. Hiện vẫn chưa rõ có ai sống sót
không.
Berkshire Hathaway, công ty đầu tư của Warren Buffett, đã mua lại tập đoàn Alleghany với
giá 11,6 tỷ USD. Giống như Berkshire, Alleghany sở hữu một số công ty bảo hiểm,
bên cạnh một hãng sản xuất đồ chơi • Thu nhập ròng năm 2021 của Saudi
Aramco tăng gấp đôi lên 110 tỷ USD. Trong bối cảnh giá cao, hãng cho
biết sẽ đẩy mạnh tăng sản lượng.
Con số trong ngày:
1,1 triệu, là số nhân công của Amazon ở Mỹ. Công ty này là nhà tuyển dụng lớn
thứ hai của nước này.
TIÊU
ĐIỂM
Nỗ lực làm trung
gian hòa giải của thủ tướng Israel
Trong hai tuần kể từ khi thủ tướng Israel
Naftali Bennett bay đến Moscow để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, những nỗ lực
hòa giải của ông mang lại cả sự hy vọng lẫn hoài nghi.
Nhiều công dân Israel đã rời khỏi Nga hoặc
Ukraine. Và cho đến nay, Israel vẫn giữ quan điểm trung lập khi từ chối cung cấp
vũ khí cho Ukraine hay tham gia trừng phạt Nga. Điều này đặt họ vào một vị trí
độc nhất thích hợp làm trung gian. Nhưng kiến tạo hòa bình là một công việc
không hề dễ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Bennett đã thường
xuyên liên lạc và có tin đồn hai ông sẽ sớm gặp nhau. Nhưng trong một bài phát
biểu trước Quốc hội Israel vào ngày 20 tháng 3, ông Zelensky lại nói “bạn có thể
làm trung gian giữa các quốc gia, song không phải giữa cái thiện và cái ác.” Về
phần mình, ông Bennett tuyên bố đàm phán đạt được tiến bộ dù còn tồn tại các vấn
đề căn bản. Cho dù các bên có đồng ý đàm phán tại Jerusalem thì vẫn còn một bước
dài trước khi ông Bennett được công nhận như một nhà kiến tạo hòa bình.
Tại
sao Israel muốn làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine?
Alexei Navalny lại
chuẩn bị hầu tòa
Cho đến nay ông là đối thủ đối lập lớn nhất của
tổng thống Nga Vladimir Putin, người luôn tìm cách bịt miệng ông. Năm 2020,
Alexei Navalny sống sót sau một vụ đầu độc và nhanh chóng bị bỏ tù ba năm vì những
cáo buộc khống. Vào thứ Ba, ông sẽ biết mình còn bao nhiêu năm tù nữa — lần này
với cáo buộc tham ô và khinh thường tòa án. Trước đó, trong một phiên toà khác,
các công tố viên đã kết án 13 năm tù và hai năm quản chế đối với ông. Các thẩm
phán dường như chắc chắn sẽ không khoan hồng.
“Tội ác” thực sự của ông Navalny là thách thức
chế độ Putin và công khai nạn tham nhũng tràn lan của nó. Bản thân ông Navalny
vẫn bất chấp. “Các người không thể tống tất cả mọi người vào tù,” ông nói tại
phiên tòa gần đây nhất. “Ngay cả khi các người có phán 113 năm, tôi cũng không
sợ.” Hiện sức khỏe của ông đang xấu đi sau một thời gian bị giam tại một trại
lao động. Mỗi ngày trôi qua ảnh hưởng đạo đức và chính trị của ông càng lớn dần
lên.
Tesla chuẩn bị
khai trương nhà máy Berlin
Tại buổi lễ vào thứ Ba này, người ta sẽ được
chứng kiến những chiếc ô tô điện đầu tiên lăn bánh khỏi nhà máy “Giga Berlin” của
Tesla. Sự kiện khai trương nhà máy châu Âu đầu tiên của hãng đánh dấu một cột mốc
quan trọng trong nỗ lực của họ nhằm soán ngôi các công ty xe lâu đời của Đức.
Các hãng ô tô của Đức, dẫn đầu là Volkswagen,
thống trị doanh số bán hàng trong nước cũng như trên toàn châu Âu. Nhưng Tesla
đang bắt kịp. Doanh số bán hàng ở châu Âu của họ tăng tới 30% so với cùng kỳ
năm trước trong tháng 12, trong khi Volkswagen giảm 30%. Nhà máy mới, với mục
tiêu sản xuất 500.000 xe mỗi năm, sẽ đẩy nhanh xu thế này, buộc các đối thủ phải
thay đổi chiến lược. Volkswagen đang xây một nhà máy mới với mục đích sản xuất
ô tô điện nhanh như Tesla.
Nhà máy của Tesla sẽ nhấn mạnh các cam kết
xanh của Đức và củng cố vị thế của nước này như là vua ô tô của châu Âu. Chắc
chắn các quan chức chính phủ muốn các vị khách Mỹ cảm thấy được chào đón — hôm
nay thủ tướng Olaf Scholz sẽ gặp ông chủ của Tesla, Elon Musk.
Các siêu dự án hạ
tầng của Mexico vướng nhiều rắc rối
Quyết định hồi năm 2018 của Tổng thống Mexico
Andrés Manuel López Obrador trong việc hủy bỏ dự án sân bay đang xây dở ở Thành
phố Mexico đã khiến chính phủ ông mất trắng ít nhất 185 tỷ peso (9 tỷ USD). Vì
vậy có rất nhiều điều đáng nói khi sân bay thay thế nó, mang tên Sân bay Quốc tế
Felipe Ángeles, mở cửa vào thứ Hai này. Nó có công suất 19,5 triệu hành khách mỗi
năm, bằng 40% công suất của sân bay hiện tại. Hai sân bay sẽ hoạt động song
song, qua đó làm cho không phận của thủ đô thêm phần phức tạp, trong khi kết nối
hạ tầng mặt đất vẫn chưa hoàn thành. Cho đến nay chỉ mới có bốn hãng hàng không
đăng ký khai thác bay.
Đây là một biểu hiện thường thấy đối với các
siêu dự án cơ sở hạ tầng đặc trưng của ông López Obrador —tiêu biểu là nhà máy
lọc dầu ở bang Tabasco hay hệ thống đường sắt quanh bán đảo Yucatán. Các dự án
này đều thiếu minh bạch, bị đội chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Mọi người đều
cho rằng Mexico cần đầu tư công nhiều hơn. Nhưng họ cũng cho rằng Mexico sẽ có
lợi từ đường sá, trường học và bệnh viện mới hơn là các siêu dự án của tổng thống.
No comments:
Post a Comment