Sunday, March 20, 2022

TẬP CẬN BÌNH ĐỒNG LÕA VỚI PUTIN (HIếu Chân / Người Việt)

 




Tập Cận Bình đồng lõa với Putin

Hiếu Chân/Người Việt

March 15, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tap-can-binh-dong-loa-voi-putin/

 

Khi quân đội Nga nổ súng xâm lược Ukraine vào sáng 24 Tháng Hai vừa qua, nhiều con mắt nhìn về Bắc Kinh để xem thái độ của Trung Quốc. Tất cả những lời lên án chiến tranh mạnh mẽ nhất đều dành cho ông Vladimir Putin, tổng thống Nga. Nhưng ít ai để ý ông Putin có một kẻ đồng lõa hết sức quan trọng là ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/A1-Tap-Can-Binh-dong-loa-Putin-1068x712.jpg

Những người tị nạn Ukraine chuẩn bị lên một chuyến tàu nhân đạo đến Berlin, Đức, hôm 15 Tháng Ba ở Krakow, Ba Lan, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga nổ ra hôm 24 Tháng Hai. (Hình minh họa: Omar Marques/Getty Images)

 

Trong diễn biến mới nhất, sau cuộc họp kéo dài bảy tiếng đồng hồ hôm Thứ Hai, 14 Tháng Ba, với ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine “để giúp giảm leo thang tình hình càng sớm càng tốt.”

 

Tuyên bố do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã phát đi nói ông Dương kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và giải quyết “mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên.” Ông Dương khẳng định lại quan điểm của chính phủ Bắc Kinh là quan ngại về “tình hình” Ukraine mà không gọi đó là một cuộc chiến tranh, tất nhiên không gọi đó là cuộc xâm lược như cách của các chính phủ và truyền thông ở phương Tây.

 

Phát biểu của ông Dương không có gì mới, chỉ nhắc lại những lời mà ông Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức mới đây trong chính sách “đu dây” của ông ta, vừa tìm cách tránh xa cuộc chiến nhưng vừa biện minh cho tội ác chiến tranh của ông Putin, lên án Hoa Kỳ và phương Tây đã không quan tâm đầy đủ đến nhu cầu chính đáng của ông Putin về an ninh quốc gia.

 

Xem ra, Bắc Kinh đang tích cực tìm cơ hội thể hiện một hình ảnh “trung lập,” thậm chí gợi ý đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột nhưng thực chất là sắm vai ngư ông đắc lợi trong cuộc đối đầu quân sự đẫm máu nhất hiện nay. Vẻ bề ngoài “trung lập” của Trung Quốc thực ra chỉ là cái vỏ che giấu vụng về cho vị thế “đồng lõa” của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống lại nhân dân Ukraine. Đó là điều thế giới cần nhận ra và có hành động thích hợp.

 

Tại sao Trung Quốc là “đồng phạm?”

 

Nếu có một nhà lãnh đạo ngoại quốc biết trước quyết định tấn công Ukraine của ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin thì đó chỉ có thể là ông Tập Cận Bình. Trong khi cân nhắc xâm lược nước láng giềng, ông Putin đã bay sang Bắc Kinh bề ngoài là đi dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Hai nhà lãnh đạo Nga-Trung đã “đàm luận thân mật” và trong thông cáo chung dài tới 5,000 chữ công bố sau đó, hai bên cam kết một tình đoàn kết “không có giới hạn” và không có lĩnh vực hợp tác “bị cấm.” Ông Tập cũng yêu cầu ông Putin ký một thỏa thuận khí đốt kéo dài 30 năm với các điều khoản có lợi cho Bắc Kinh.

 

Nhà báo Matthew Pottinger, cựu phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia thời Tổng Thống Donald Trump, nói với ký giả Josh Rogin của The Washington Post: “Putin đã đến Bắc Kinh với tư cách là người cầu cứu và nhận được sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc cho cuộc chiến của mình, với cái giá là cầm cố tương lai của nước Nga cho Trung Quốc… Về bản chất, ông Tập là đồng phạm. Chúng ta phải chỉ mặt đặt tên ông ta để giải quyết vấn đề, chứ không phải giả vờ như ông ta là một người ngoài cuộc trung lập.”

 

Một số phân tích gia phương Tây nghi ngờ khả năng ông Tập biết trước và tán thành kế hoạch quân sự của ông Putin; nhưng có những dữ kiện cho thấy Trung Quốc đã yêu cầu ông Putin hoãn cuộc tấn công tới sau ngày kết thúc Thế Vận Hội Bắc Kinh. Ngay hôm sau lễ bế mạc Thế Vận Hội, Nga lên tiếng công nhận “độc lập” của hai lãnh thổ ly khai ở Ukraine, Donetsk và Lugansk; ba ngày sau đó, tiếng súng mở màn cuộc xâm lược bùng nổ. Ông Tập được cho là không chỉ bật đèn xanh cho ông Putin xâm lược Ukraine mà còn ấn định thời điểm là khi Thế Vận Hội Bắc Kinh kết thúc; rõ ràng ông Tập đã không vô can.

 

Hai ông Tập và Putin nói chuyện với nhau chỉ một ngày sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công. Trong thông báo về cuộc đàm luận giữa hai nhà lãnh đạo, Trung Quốc đưa ra lập luận sáo mòn rằng Bắc Kinh không can thiệp vào công việc của nước khác và tôn trọng chủ quyền quốc gia, nhưng đồng thời khẳng định “Trung Quốc hỗ trợ Nga giải quyết vấn đề thông qua đàm phán với Ukraine” khi Moscow đã bắt đầu chiến dịch tấn công với mục đích đánh bại Ukraine trong thời gian rất ngắn.

 

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không phản đối cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin. Trung Quốc không lên án ông Putin vô cớ gây ra thảm họa cho người Ukraine mà hùa theo Nga lên án cái gọi là sự gây hấn của Hoa Kỳ và NATO. Tuy bỏ phiếu trắng khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Nga chấm dứt ngay hành động quân sự, nhưng Trung Quốc đã đứng về phía thiểu số; và đặc biệt ông Tập và ông Putin đã cùng nhau phát biểu rằng các lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế mà Hoa Kỳ và phương Tây sắp áp dụng với Nga là “không hợp pháp.”

 

Trên mặt trận truyền thông, Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ đạo báo chí và mạng xã hội nước này khuếch đại các luận điệu của nhà cầm quyền Moscow về cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đã được lệnh xóa tất cả các bài đăng ủng hộ Ukraine. Báo chí nhà nước Trung Quốc thậm chí còn đưa phóng viên đến làm việc với các chỉ huy quân đội Nga. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hiện đang nhai lại những cáo buộc của chính phủ Nga về các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học do Mỹ kiểm soát ở Ukraine mà chính phủ Mỹ gọi là “phi lý.”

 

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang tìm cách cứu lĩnh vực năng lượng của Nga và làm loãng các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Trung Quốc hy vọng có thể mua rẻ nhiều mỏ dầu khí và cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí của Nga nhờ biện pháp ngừng nhập cảng dầu khí Nga của Hoa Kỳ. Các ngân hàng Trung Quốc và Nga đã làm việc cùng nhau để tránh các lệnh trừng phạt tài chính, vận hành một hệ thống thanh toán chung do Trung Quốc dựng lên bên ngoài hệ thống SWIFT của phương Tây và các công ty thẻ VISA, MasterCard. Nga đang chuyển hàng hóa sang Trung Quốc để xuất cảng, tránh các biện pháp cấm vận của Mỹ.

 

Đỉnh điểm của sự hợp tác, phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc là đầu tuần này, Moscow đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc cung cấp cho Nga đạn dược và thiết bị quân sự, theo tin các tổ chức tình báo phương Tây – một điều mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ.

 

Dù thế nào, thực tế cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không phải là một nước “trung lập.” Bắc Kinh đã thể hiện lựa chọn chính trị của họ là đứng cùng với Nga trong cuộc tắm máu ở Ukraine.

 

Đã có ý kiến nhận định rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm (proxy war),” trong đó hai đối thủ thực sự là Hoa Kỳ, Châu Âu – đại diện cho hệ thống giá trị tự do – và Trung Quốc – thể chế độc tài toàn trị lớn nhất thế giới, còn Nga và Ukraine chỉ là những lực lượng tiền phương trên chiến trường.

 

Tính toán của Tập Cận Bình

 

Quan hệ gắn bó Nga và Trung Quốc một phần do hai nước có chung thể chế chính trị độc tài, cùng có mặc cảm bị phương Tây làm nhục, và cùng có tham vọng khôi phục lại các đế chế Trung Hoa, đế chế Nga La Tư xưa cũ. Ông Tập Cận Bình và Putin đều nuôi mộng làm “hoàng đế” trọn đời và đều có dã tâm sử dụng vũ lực để sắp xếp lại trật tự quốc tế theo tham vọng của họ.

 

Nhận xét về liên minh Nga-Trung, Thượng Nghị Sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) nói với báo The Washington Post: “Bản chất thực sự của mối quan hệ là họ là đối tác trong kỷ nguyên mới của sự xâm lược độc tài. Họ ngày càng sẵn sàng sử dụng các hành động gây hấn, bao gồm cả các cuộc xâm lược quân sự, và họ đang ngày càng làm việc cùng nhau để thực hiện những mục tiêu này.”

 

Nhưng đường lối “thân Nga và giả vờ trung lập” của Bắc Kinh đặt nền tảng trên sự tính toán của ông Tập Cận Bình về lợi ích của Trung Quốc trong cuộc xung đột. Theo hai tác giả Steven Lee Myers và Chris Buckley của báo The New York Times, trong giới chính sách của Trung Quốc đang hình thành một sự đồng thuận rằng nếu có một quốc gia chiến thắng trong cuộc chiến Ukraine thì đó là Trung Quốc và Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng chiến lược tự che chắn trước những hậu quả tồi tệ về kinh tế và ngoại giao mà Trung Quốc phải đối mặt, để hưởng lợi từ cuộc chuyển dịch về địa chính trị một khi khói lửa đạn bom đã trôi qua.

 

Những tuyên bố trước công luận, những bài bình luận và phân tích thời sự của các quan chức, học giả Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đánh giá Hoa Kỳ và phương Tây nói chung đang suy yếu. Cuộc xung đột với nước Nga của ông Putin ở Ukraine càng làm cho Hoa Kỳ phải tập trung sức mạnh vào Châu Âu, khiến cho Tổng Thống Joe Biden – cũng như những người tiền nhiệm của ông như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama – sẽ thất bại trong chiến lược “tái cân bằng,” tập trung vào Trung Quốc và khu vực Châu Á Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

 

Có những điểm tương đồng trong số phận của Ukraine và Đài Loan trong các toan tính địa chính trị của Nga và Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình chắc chắn đang theo dõi kết quả của cuộc chiến Ukraine để cân nhắc liệu phương Tây có ý chí bảo vệ Đài Loan hay không. Và nếu Trung Quốc tấn công nền dân chủ trên đảo tự trị, chắc chắn ông Putin sẽ đáp lại tình bạn của ông Tập.

 

Cuộc xung đột sẽ làm nước Nga suy tàn, trở thành một kẻ hạ đẳng (pariah) bị cộng đồng thế giới ruồng bỏ và không thể dựa cậy vào ai khác ngoài Trung Quốc. Trong bốn cực quyền lực của thế giới (Mỹ, Nga, Châu Âu và Trung Quốc), Bắc Kinh sẽ thu phục được cực Nga, gia tăng đáng kể sức mạnh để đối đầu với hai cực còn lại.

 

Cái lợi cho Trung Quốc là rất lớn. Vì thế, ông Tập một mặt ra sức quảng bá cho “thiện chí” của Trung Quốc muốn đứng ra dàn xếp cuộc xung đột, vãn hồi hòa bình, kêu gọi các bên kiềm chế, nhưng mặt khác đang âm thầm đổ dầu vào lửa chiến tranh với ý đồ làm cho Hoa Kỳ, NATO và Nga sa lầy trầm trọng trên những vùng đất đen của Ukraine, càng kéo dài càng tốt.

 

Cần đối phó với cả Trung Quốc

 

Thực tế có thể trái với những toan tính nói trên của ông Tập Cận Bình. Mối quan hệ liên minh gần gũi với Nga trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine chắc chắn sẽ đào sâu thêm sự thù địch Trung Quốc ở Mỹ và Châu Âu – điều mà chính quyền Bắc Kinh luôn cố tránh để tìm môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Bằng mọi thủ đoạn, Trung Quốc phải cố che giấu sự liên minh này.

 

Sau khi chiến tranh bùng nổ ở Châu Âu, nhiều quốc gia EU đã đột ngột nhận ra mối đe dọa sát sườn từ sự bành trướng ảnh hưởng của ông Putin và đã ứng phó bằng cách tăng cường quân đội, tăng chi tiêu quốc phòng; một số nước trung lập cũng bắt đầu xin gia nhập NATO. Nếu Châu Âu “tự lực” được về mặt an ninh như dự tính, Hoa Kỳ cuối cùng sẽ rảnh tay để tập trung chú ý và tập trung nguồn lực vào Châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc. Ngay trong lúc bom rơi đạn nổ ở Châu Âu, các giới chức quân sự cao cấp của Mỹ vẫn nhiều lần khẳng định họ sẽ không để tình hình Ukraine làm sao nhãng sự chú ý của họ đối với Trung Quốc.

 

Tại cuộc gặp ông Dương Khiết Trì ở Rome hôm Thứ Hai, cố vấn Jake Sullivan đã đưa ra cảnh báo trực tiếp cho người đồng cấp Trung Quốc về hậu quả tiềm tàng nếu Bắc Kinh hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine, kể cả cung cấp thiết bị quân sự và viện trợ hoặc giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế và công nghệ của phương Tây.

 

Trước đó, hôm Chủ Nhật, ông Sullivan nói trên đài CNN: “Chúng tôi đã nói với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không đứng nhìn và cho phép bất kỳ quốc gia nào bù đắp cho Nga những thiệt hại do các lệnh trừng phạt kinh tế gây ra.” Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cũng cho biết hậu quả đối với Trung Quốc sẽ là “đáng kể” dù từ chối tiết lộ cụ thể các biện pháp mà ông Sullivan đã cảnh báo.

 

Một yếu tố khác là tình hình ở Ukraine đang thúc đẩy các đồng minh của Mỹ ở Đông Á như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và Philippines tăng tốc chạy đua vũ trang, tăng chi phí quốc phòng và mua sắm nhiều vũ khí tân tiến hơn. Đó là những dấu hiệu không thuận lợi cho Trung Quốc.

 

Dù sao, mối quan hệ gắn bó Tập-Putin đang bền chặt và Hoa Kỳ không thể trông mong Trung Quốc có hành động mang tính xây dựng đối với tình hình ở Ukraine. Và cái ý tưởng trước đây của nhiều nhà bình luận chính trị – kể cả của người viết bài này – rằng Hoa Kỳ nên hợp tác với Nga để chống lại Trung Quốc; như Tổng Thống Richard Nixon đã bắt tay với Trung Quốc để làm tan rã khối Cộng Sản Liên Xô từ năm 1972 – đang ngày càng tỏ ra bất khả thi, nếu không nói là ngây thơ trong bối cảnh chiến trang Ukraine. Nếu không thể chia rẽ Moscow với Bắc Kinh thì Washington và Brussels cần tính tới các biện pháp trừng phạt kinh tế cả Trung Quốc và Nga nếu Bắc Kinh ra mặt tiếp tay với cuộc xâm lược đẫm máu của ông Putin. [qd]





No comments: