Monday, March 21, 2022

QUAN ĐIỂM CỦA BÀ NATALIYA ZHYNKINA về MỘT SỐ BÀI VIẾT TRÊN MẠNG (ĐSQ Ukraine tại Việt Nam)

 



Quan điểm của bà Nataliya Zhynkina về một số bài viết trên mạng…

ĐSQ Ukraine tại VN 

21/03/2022

https://baotiengdan.com/2022/03/21/quan-diem-cua-ba-nataliya-zhynkina-ve-mot-so-bai-viet-tren-mang/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/03/UK-696x440.png

Bà Nataliya Zhynkina. Ảnh chụp từ clip

 

Quan điểm của bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam về một số bài viết trên mạng nhằm gây ra tranh cãi giữa người dân Ukraine và Việt Nam:

 

Trong vài ngày gần đây, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu của những người Việt Nam liên quan bình luận về các ấn phẩm trên báo chí Ukraine về chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công thông tin nhằm mục đích gây ra tranh cãi giữa người dân hai nước chúng ta. Hai tài liệu được sử dụng cho mục đích này – một tài liệu có tuổi đời gần một thập kỷ, được ra mắt vào năm 2013 và một video khác được ra mắt vào cuối năm 2017. Video chỉ có hơn 4.000 lượt xem vào ngày hôm qua. Và điều này trong hơn bốn năm.

 

Điều này cho thấy tình trạng thực sự liên quan đến cái gọi là “sự phổ biến” của video này ở Ukraine. Đầu năm 2018, Oksana Yurynets, chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Ukraine – Việt Nam, đã lên án đoạn video trên Ukraine24, và cô đã vạch rõ quan điểm của Ukraine đối với video với tư cách là đại diện của Quốc hội Ukraine. Đây là lời kháng nghị.

 

Bài đăng thứ hai được giới thiệu là quan điểm của “Sự thật Ukraine”, xuất bản phẩm phổ biến thứ hai ở Ukraine. Tuy nhiên, đây cũng là một thao tác có chủ ý – và bài báo không phải là tài liệu biên tập. Đây là phần được gọi là “chuyên mục của tác giả”, trên thực tế, một nền tảng blog mà hầu như ai cũng có thể đăng văn bản của họ. Tác giả chỉ có bốn bài đăng trên trang web này. Tài liệu này đã được xem chỉ 200 lần trong mười năm.

 

Vì vậy, hai tài liệu mà ở Ukraine trong một thời gian dài không ai quan tâm lại được trình bày trong thế giới ảo này là lập trường chính thức của chính phủ Ukraine và thái độ của người dân. Nhưng thực tế thì khác.

 

Quan điểm chính thức của Ukraine là như sau: hầu hết các đoàn đại biểu của Ukraine – cả ở cấp cao nhất – Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội, và các đoàn chính thức khác luôn vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt hoa. Đây, chẳng phải là sự ghi nhận công lao và sự tôn trọng sao?

 

Tại Kyiv có một trường phổ thông số 251 mang tên Hồ Chí Minh, được thành lập vào năm 1985 và là nơi học tập của trẻ em bình thường Ukraine. Và ngôi trường này được nhà nước tài trợ. Liệu phụ huynh ở Kyiv có cho con mình đến ngôi trường đó học nếu họ nghĩ về Hồ Chí Minh như các phóng viên chống Ukraine trên Internet nói?

 

Năm 2015, Thư viện Quốc hội Ukraine đã tổ chức triển lãm ảnh tư liệu “Hồ Chí Minh và Ukraine” nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh vị chính khách Việt Nam kiệt xuất Hồ Chí Minh, trưng bày hàng chục bức ảnh từ Kho lưu trữ ảnh và phim nhà nước Trung ương Ukraine, Cơ quan Lưu trữ nhà nước Trung ương, các hiệp hội xã hội của Ukraine, Bộ Ngoại giao Ukraine và các tổ chức nhà nước khác.

 

Chúng tôi trân trọng ký ức, bảo quản các tài liệu lưu trữ và không che giấu chúng với mọi người. Trở lại năm 2019, trong một lời phát biểu của mình, tôi đã nói rằng người dân Ukraine được truyền cảm hứng từ cuộc chiến đấu quên mình của nhân dân Việt Nam với lực lượng kẻ địch vượt trội hơn nhiều lần so với lực lượng của họ. Và biểu tượng của cuộc đấu tranh này là hình tượng Hồ Chí Minh – một con người có tinh thần quật cường.

 

Thật không may, cuộc tấn công thông tin này nhằm vào những người chúng ta yêu quý và nhằm mục đích gây tranh cãi giữa hai dân tộc chúng ta. Nguồn gốc của cuộc tấn công này là một nguồn thông tin trên Facebook, nơi phát đi những nội dung sai sự thật và tuyên truyền của Nga, bóp méo sự thật và cố gắng coi quan điểm cá nhân như là quan điểm chính thức của nhà nước, như quan điểm của toàn thể Ukraine.

 

Thật không may, chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn, những cuộc tấn công thông tin như vậy sẽ còn tiếp tục, bởi vì việc xoay chuyển và nghĩ ra điều vớ vẫn giật gân dễ dàng hơn nhiều so với việc dàn xếp cuộc đối thoại giữa người dân. Tôi tin chắc rằng những người Việt Nam có hiểu biết sẽ nhìn ra kẻ đang muốn kích động thù hằn giữa chúng ta. Và tôi biết ơn vì giờ đây tôi có cơ hội phát triển các mối quan hệ truyền thông, giáo dục, xã hội, văn hóa giữa Ukraine và Việt Nam.

 

=================================

.

.

Đại biện Ukraine ở VN: Xới lên bài viết về Hồ Chí Minh là ‘tấn công thông tin’, gây thù hằn

VOA Tiếng Việt

21/03/2022

https://www.voatiengviet.com/a/dai-bien-ukraine-o-vn-xoi-len-bai-viet-ve-ho-chi-minh-la-tan-cong-thong-tin-gay-thu-han/6494295.html

 

https://gdb.voanews.com/02660000-0aff-0242-cfde-08da0b3e69a0_cx0_cy1_cw0_w650_r1_s.jpg

Charge d'Affaires Nataliya Zhynkina speaks on Facebook page of the Ukraininan Embassy in Hanoi, 03/21/2022.

 

Đại biện lâm thời Ukraine ở Việt Nam, bà Nataliya Zhynkina, vừa lên tiếng làm rõ về hai “ấn phẩm” trên báo chí nước bà trong quá khứ nói về cố Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam. Bà Zhynkina khẳng định việc xới lên hai ấn phẩm đó ở thời điểm này là một phần của chiến tranh thông tin, có mục đích gây thù hằn giữa nhân dân hai nước Ukraine và Việt Nam.

 

Theo quan sát của VOA, trong vài ngày gần đây, một số trang Facebook được cho là của giới dư luận viên Việt Nam, trong đó có trang Tifosi với hơn 233.000 người theo dõi, chỉ ra rằng kênh YouTube “Ukraine 24” và báo mạng “Pravda Ukraine” (Sự thật Ukraine) đã từng đăng video và bài viết bị xem là “hạ thấp” ông Hồ Chí Minh.

 

Tifosi và các trang của giới dư luận viên, tức những người ủng hộ chính quyền và làm công việc tuyên giáo không chính thức ở Việt Nam, chỉ trích video và bài viết đó vì chúng có nội dung mô tả cố chủ tịch Việt Nam là một “ông già độc tài” gắn bó với Lenin, làm nhiều người Việt chết vì chiến tranh, đất nước Việt Nam bị nghèo đói, không có tự do.

 

Trong quan điểm của Tifosi và các trang của dư luận viên, ông Hồ Chí Minh là “vĩ nhân” của dân tộc Việt Nam, có công mang lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Vì vậy, họ nhấn mạnh rằng nếu Ukraine “hạ thấp Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đừng mong chúng tôi ủng hộ”.

 

Tuyên bố của trang Tifosi và các trang của dư luận viên Việt Nam được đưa ra khi Ukraine đang cố gắng chống trả cuộc xâm lược của Nga đến nay đã kéo dài gần 1 tháng.

 

Hôm 21/3, trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội đăng video và lời văn thể hiện quan điểm của bà Nataliya Zhynkina, người đang nắm quyền trưởng phái bộ ngoại giao này, nhằm minh định video và bài viết của Ukraine 24 và Pravda Ukraine.

 

Ngay từ đầu, Đại biện lâm thời Nataliya Zhynkina khẳng định việc xới lên hai sản phẩm trên báo chí đó trong những ngày gần đây - dù chúng đã xuất hiện cách nay khá lâu và đã không được chú ý lắm - là động thái có chủ ý phục vụ cho chiến tranh thông tin.

 

“Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công thông tin nhằm mục đích gây ra tranh cãi giữa người dân hai nước chúng ta”, bà Zhynkina nêu rõ.

 

Nữ đại biện lâm thời chỉ ra rằng video của Ukraine 24 chỉ có hơn 4.000 lượt xem trong 4 năm kể từ khi được đăng lên YouTube hồi năm 2017, còn bài viết trên Pravda Ukraine thực chất là bài của một cá nhân đăng trong nền tảng blog và chỉ có 200 lượt xem trong vòng gần 10 năm kể từ khi được đăng hồi năm 2013.

 

Dưới góc nhìn của bà đại biện, hai sản phẩm trên báo chí này “không ai quan tâm” ở Ukraine trong một thời gian dài. Bà cũng lưu ý rằng hồi năm 2018, bà Oksana Yurynets, chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Ukraine-Việt Nam, đã có thư kháng nghị, lên án đoạn video trên Ukraine 24, và vạch rõ quan điểm của Ukraine đối với video với tư cách là đại diện của Quốc hội Ukraine.

 

Để nêu bật quan điểm chính thức của Ukraine về cố chủ tịch của Việt Nam, Đại biện lâm thời Nataliya Zhynkina đưa ra dẫn chứng là “hầu hết các đoàn đại biểu của Ukraine - cả ở cấp cao nhất - Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội, và các đoàn chính thức khác - luôn vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt hoa”, và bà đặt câu hỏi tu từ “Đây chẳng phải là sự ghi nhận công lao và sự tôn trọng sao?”

 

Người đang nắm chức vụ tương đương với quyền đại sứ của Ukraine ở Hà Nội cho biết tại thủ đô Kyiv của nước bà có trường phổ thông mang tên Hồ Chí Minh, được thành lập vào năm 1985.

 

Ngoài ra, bà cho biết thêm Thư viện Quốc hội Ukraine đã tổ chức triển lãm ảnh tư liệu “Hồ Chí Minh và Ukraine” vào năm 2015 nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ông Hồ mà bà Zhynkina dùng cụm từ “vị chính khách Việt Nam kiệt xuất” để mô tả.

 

Nữ đại biện lâm thời của Ukraine nhấn mạnh rằng chính bản thân bà vào năm 2019 đã phát biểu rằng “người dân Ukraine được truyền cảm hứng từ cuộc chiến đấu quên mình của nhân dân Việt Nam với lực lượng kẻ địch vượt trội hơn nhiều lần so với lực lượng của họ. Và biểu tượng của cuộc đấu tranh này là hình tượng Hồ Chí Minh - một con người có tinh thần quật cường”.

 

Người đang nắm quyền đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Ukraine ở Hà Nội đưa ra nhận định rằng sự việc video và bài viết về ông Hồ Chí Minh vừa bị xới lên là một “cuộc tấn công thông tin” nhằm mục đích “gây tranh cãi giữa hai dân tộc chúng ta”.

 

Bà Zhynkina cáo buộc rằng “Nguồn gốc của cuộc tấn công này là một nguồn thông tin trên Facebook, nơi phát đi những nội dung sai sự thật và tuyên truyền của Nga”, là nước đang xâm lược Ukraine.

 

VOA không thể kiểm hứng ngay lập tức về cáo buộc mà nữ đại biện lâm thời của Ukraine ở Hà Nội đưa ra.

 

Tuy nhiên, như VOA đã đưa tin, các giới chức phương Tây và các nhà phân tích độc lập nói rằng lâu nay Nga có nhiều hoạt động bị gọi là “gieo rắc tin giả và đánh lạc hướng khéo léo trên các nền tảng truyền thông xã hội bởi các nhóm dư luận viên và sau đó được khuếch đại bởi các hãng tin chính thức của nhà nước như RT”, song song với đó là việc “Điện Kremkin gây nhiễu thông tin, che mờ dữ kiện thực tế và đưa ra tuyên truyền lệch lạc”.

 

Mặc dù vậy, VOA quan sát thấy khi các lực lượng Nga bị sa lầy trên chiến trường Ukraine trước một đối thủ nhỏ hơn, linh hoạt hơn và quyết tâm hơn, thì hoạt động tuyên truyền của Nga dường như vụng về.

 

Trong phần kết của bài phát biểu được đăng trên trang chính thức của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, nữ Đại biện lâm thời Nataliya Zhynkina cảnh báo rằng “chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn, những cuộc tấn công thông tin như vậy sẽ còn tiếp tục”.

 

Song bà bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng “Những người Việt Nam có hiểu biết sẽ nhìn ra kẻ đang muốn kích động thù hằn giữa chúng ta”, nhưng bà không nêu đích danh đó có phải là Nga hay thế lực nào khác.

 

VIDEO : Đại biện Ukraine ở VN lên án hành động gây thù hằn giữa nhân dân hai nước | VOA

https://www.youtube.com/watch?v=01m1H0JbTkw





No comments: