Putin
ra lệnh báo động về vũ khí hạt nhân của Nga: Ý nghĩa và Ảnh hưởng
Đỗ Kim Thêm
Tổng hợp từ SPIEGEL ONLINE, DLF, WDR, EUROTOPICS
04/03/2022
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/03/0-7.jpg
Nga biểu dương một
loại vũ khí nguyên tử Topol-M trong một cuộc thao diễn quân sự. Nguồn ảnh: DPA
Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine vẫn còn tiếp
tục sôi động, làm cho hơn một triệu người dân đang tìm đường lánh nạn tại các
nước lân cận.
Để đối phó với các biện pháp phong toả của các
nước phương Tây ngày càng nghiêm khắc, Tổng thống Vladimir Putin cũng đưa ra một
đối sách mới quyết liệt hơn, đó là việc đặt các vũ khí hạt nhân của Nga trong
tình trạng báo động và đã gây ra nhiều lo âu cho công luận thế giới.
Putin sẽ làm cho Thế chiến thứ ba bùng nổ
nhanh hơn? Những hiệu ứng thảm khốc như Hiroshima sẽ tái diễn? Đằng sau lời đe
doạ là gì? Các chuyên gia quốc tế đã tỉnh táo hơn khi nhìn trong toàn cảnh và
có những lý giải khác biệt.
Ý nghĩa
Nỗi lo của dân chúng là có cơ sở thực tế. Bằng
chứng là, theo SIPRI, Viện Nghiên cứu Hòa bình tại Stockholm, với 6.255 vũ khí
hạt nhân vào đầu năm 2021, Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, trong
khi Mỹ chỉ với 5.500 vũ khí hạt nhân.
Các tên lửa hoạt động tầm xa của Nga có thể đạt
tới các mục tiêu ở Mỹ, các tên lửa tầm trung sẽ tới Tây Âu và tên lửa tầm ngắn
chiến thuật, dù là với sức công phá thấp hơn, nhưng cũng sẽ tới được Ukraine.
Tuy gọi là sức nổ thấp hơn, nhưng cần phải được hiểu đúng là những đầu đạn này,
nếu phát nổ, sẽ mang theo nhiều hiệu ứng tác hại không kém như quả bom
Hiroshima.
Trong một buổi nói chuyện với các tướng lãnh trên
đài truyền hình, Putin loan báo quyết định đặt toàn bộ lực lượng răn đe vào
tình trạng báo động. Trong các loại vũ khí
răn đe, phải kể đến hầu hết các kho tên lửa đạn đạo khổng lồ với đầu đạn thông
thường, hỏa tiển hiện đại và tầm ngắn cũng thuộc về biện pháp này. Hầu hết các
loại vũ khí này đều có mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, ngoài ra, còn có các
vũ khí siêu thanh.
Putin biện minh cho quyết định của mình là
hành vi tự vệ trước “các thái độ gây hấn của khối NATO và các biện pháp trừng
phạt kinh tế của phương Tây”.
Theo quan điểm về lý thuyết quân sự, đây là biện
pháp phòng thủ của Nga trong trường hợp Mỹ sử dụng quyền tấn công đầu tiên.
Giới phân tích nhìn lại trong toàn cảnh dự báo
theo hệ thống an ninh Nga và chia ra có bốn mức độ leo thang.
Cấp độ 1: Tình trạng bình thường, có nghĩa là,
đất nước yên bình và vũ khí hạt nhân còn trong kho.
Cấp độ 2: Tình trạng được cảnh báo là sẽ có
nguy cơ. Các đơn vị phải ứng chiến thường trực trong doanh trại để có thể kịp
thời phản ứng nhanh chóng.
Cấp độ 3: Tình trạng có đe dọa quân sự, vũ khí
được chuẩn bị, đầu đạn và hỏa tiễn được tập trung.
Cấp độ 4: Tình trạng nguy cơ toàn diện. Hỏa tiễn
được cung cấp tọa độ và khai hỏa. Chiến tranh với vũ khí hạt nhân bùng nổ.
Viện SIPRI nhận định, sau lời đe doạ của
Putin, quân đội Nga hiện đang ở vào cấp hai trong bốn mức độ kể trên, nhưng
không tin là vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng. Hầu hết các chuyên gia tên tuổi
khác đều đồng ý về quan điểm này.
Theo chuyên gia quân sự Thomas Wiegold, động
thái ở cấp độ hai của Putin là một cử chỉ đe dọa đối với phương Tây. Lý do biện
minh cho lý giải này là về cơ bản, hiện nay, không có cuộc đối đầu trực tiếp giữa
các lực lượng NATO và Nga.
Tướng Hans-Lothar Domröse, cựu Tư lệnh khối
NATO, cho rằng các diễn biến ở Ukraine là quá chậm. Putin đang có lý do để nghi
ngờ, nhưng không muốn bỏ cuộc. Cảm tưởng lẫn lộn này là tin không vui làm cho
Putin muốn tìm cách khác để đe doạ.
James Acton, Giám đốc “Nuclear Policy Programs
am Thinktank Carnegie Endowment for International Peace in Washington D.C.“ đồng
thuận với nhận xét này và cho rằng, việc tấn công bằng vũ khí hạt nhân vẫn còn ở
mức xác suất rất thấp.
Carlo Masala, Chuyên gia thuộc Quân đội Đức của
Đại học Bundeswehr ở Munich cũng không thấy nguy cơ vào lúc này, gia tăng cảnh
báo là có, nhưng chưa phải là lúc để leo thang tiếp, nó khác với bối cảnh đe dọa
cụ thể, trong đó chúng ta phải lo sợ rằng vũ khí hạt nhân sẽ được khai hỏa vào
bất kỳ mục tiêu nào đâu đó ở phương Tây hoặc Mỹ. Nhưng nếu vòng xoáy hạt nhân
này tiếp tục tăng, đó thực sự là một trò chơi bằng ngôn từ, mà trong đó lời nói
và cách diễn đạt chính xác là quan trọng, để làm sao cho thấy Nga không cố ý
leo thang.
Matthew Koenig, chuyên gia về an ninh quốc tế
và vũ khí hạt nhân của Đại học Georgetown Washington nói với báo New York Times
rằng: “Các quốc gia có vũ khí hạt nhân không thể tiến hành chiến tranh hạt
nhân vì sẽ có nguy cơ diệt chủng, nhưng họ có thể đe dọa và làm như vậy“.
Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp
Quốc, nói rằng, dùng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận trong lúc
này.
Liệu biện pháp của Putin có làm cho Mỹ nâng mức
cảnh báo lên cao tương tự hay không, vấn đề này vẫn chưa sáng tỏ. Pavel Podvig,
chuyên gia thuộc United Nations Institute for Disarmament Research (UNIDIR) cho
rằng, không ai nên làm cho tình hình trầm trọng thêm bằng cách đề cập đến các
hiểm hoạ của vũ khí hạt nhân, điều này là hợp lý.
Ảnh hưởng
Để đối phó, Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO
nói với CNN về “những lời lẽ nguy hiểm” của Putin và hành vi của Putin là “vô
trách nhiệm”.
Cho đến nay, nhiều quốc gia thành viên trong
khối NATO đã tăng cường sự hiện diện quân đội chính quy ở các nước phía đông
lên tổng cộng vài ngàn binh sĩ. Ngoài ra, đạn dược, vũ khí và nhiên liệu đã được
cung cấp cho Ukraine. Ví dụ, Đức sau khi kềm chế ban đầu, nay đang cung cấp
1.000 tên lửa chống thiết giáp và 500 tên lửa phòng không loại Stinger cho Ukraine.
Khối NATO có thể đối phó với Nga không? Không
thể có lời giải thích chính xác vì không một tài liệu chính thức nào công bố về
tình trạng lưu trữ vũ khí hạt nhân của các nước NATO ở châu Âu.
Theo ước tính của Center for Arms Control and
Non-Proliferation, có khoảng 100 vũ khí hạt nhân của Mỹ tại 5 quốc gia châu Âu
là Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, theo tài liệu của SIPRI, Anh có
225 vũ khí hạt nhân và Pháp 290.
Nếu khối NATO đối đầu công khai với Nga bằng
các loại vũ khí thông thường, liệu Putin có thể đơn phương khai hỏa vũ khí hạt
nhân không? Câu trả lời là không, vì ở Nga không có một loại nút đỏ chỉ bấm một
mình một lần là xong.
Trong quy cách kích hoạt, Nga có ba va-ly ra lệnh
khai hỏa với ba người khác nhau, một là Tổng thống, hai là Bộ trưởng Quốc phòng
và người cuối cùng vị Tổng Tham mưu trưởng quân lực. Thiếu tướng Nga Boris
Solovyov nói với báo Komsomolskaya Pravda như vậy và gỉải thích thêm rằng:
“Hệ thống tam đầu chế kiểm soát là một bảo
đảm để ngăn ngừa các lỗi lầm tuỳ tiện khi sử dụng hệ thống vũ khí hạt nhân”.
Ngược lại, cũng cần biết thêm là về phía Mỹ,
chiếc va-ly loại này luôn cận kề Tổng thống, dù ông đi bất cứ nơi đâu.
Triển vọng
Thật ra, lời đe dọa như vậy không có gì mới.
Trong quá trình xâm chiếm và sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Putin đã có lần ra một
báo động tương tự.
Hiện nay, một lý giải quan trọng và khả tín
cho tình hình là Putin thấy rằng cuộc xâm lược Ukraine không diễn ra đúng theo
kế hoạch. Rõ ràng, có những tổn thất cực kỳ nặng nề cho phía Nga, có trên 6000
binh sĩ chết, đây là con số do Ukraine đưa ra. Phía Nga, lần đầu tiên sau bảy
ngày chiến đấu, đưa ra con số tổn thất là 600, nhưng không ai có thể kiểm chứng
cả hai bên.
Có một điều chắc chắn là tinh thần chiến đấu của
dân quân Ukraine lên cao sau khi châu Âu và Đức chính thức chấp thuận viện trợ
vũ khí quân sự và nhất là khi Tổng thống Wolodymyr Zelensky kiên quyết sẽ tử thủ
cùng dân chúng, dù Mỹ thu xếp cho một cuộc di tản.
Châu Âu công bố quyết định sẽ thu nhận Ukraine
vào khối Liên Âu và trước mắt viện trợ quân sự 500 triệu euro. Đức thay đổi
quan điểm về quốc phòng triệt để, đồng ý viện trợ vũ khí sát thương cho
Ukraine.
Đồng thời, các biện pháp trừng phạt của các nước
phương Tây khắc nghiệt hơn nhiều so với năm 2014 và dự đoán của Putin hiện nay.
Cho dù Putin đã tích lũy khối ngoại tệ dự trữ
khổng lồ, tìm kiếm mặt hàng thay thế cho nhiều hàng nhập khẩu từ phương Tây và
các lựa chọn tương ứng từ Trung Quốc, nhưng lần này tình hình khác hơn.
Lý do là dự án cung cấp khí đốt Nord Stream 2
của Nga không đi vào hoạt động, Mỹ cắt bỏ Nga ra khỏi các công nghệ cao cấp
quan trọng và các nước có lệnh cấm Nga sử dụng hệ thống thanh toán Swift.
Các đối sách này đang đặt Putin và cả dân
chúng Nga vào khó khăn, nhất là các mối giao thương mại quốc tế của Nga tính bằng
đô la Mỹ bị tê liệt. Thị trường chứng khoán Nga lúc đầu sụt giảm 30%, nay đóng
cửa chờ tình hình, đó là một thí dụ điển hình.
Nếu Nga không còn các hoạt động về kinh tế, thị
trường, công nghệ và khoa học, mà chỉ có một ý thức hệ về chiến đấu chống lại kẻ
thù thì bức màn sắt sẽ rơi xuống cho nước Nga, một thảm hoạ khó tránh.
Tương lai của Putin đi về đâu? Hình ảnh của
Hitler trong hầm trú ẩn dưới mưa bom của Đồng Minh ngày xưa tái diễn? Tập Cận
Bình có phép lạ để giúp cho Putin trong cơn nguy khốn? Cả hai có thể độc tôn lập
ra một trật tự thế giới mới, phi dân chủ và luật pháp? Còn nhiều vấn đề đang chờ
đón cho cả hai trong những ngày sắp tới.
Còn Việt Nam và Đài Loan cũng không có lý do để
yên tâm là Trung Quốc sẽ không tấn công xâm chiếm trong lúc tình thế ngã
nghiêng này. Ai sẽ bảo đảm là không và nước nào sẽ còn sức đứng ra hỗ trợ cho cả
hai?
Nhưng đối sách của phương Tây đang suy yếu và
phân hoá cũng là một vấn để cần được thảo luận sâu rộng hơn.
* Tổng hợp từ SPIEGEL ONLINE, DLF, WDR, EUROTOPICS
No comments:
Post a Comment