.
.
.
NHÀ
VĂN BÀN CHUYỆN CHIẾN TRANH THÌ CÓ "MẤT TƯ CÁCH" KHÔNG?
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=361970909143268&id=100059910855657
Khoảng một tuần nay, giữa lúc Putin đang gieo
chết chóc lên đất nước Ukraine xinh đẹp, trong tôi cứ thấp thoáng lời của một
giảng viên, cũng là nhà phê bình văn học* (mà tôi vốn quý mến lâu nay) khi ông
nói trên Facebook:
“Bạn hỏi: sao không thấy ông bàn gì về cuộc
chiến giữa Nga và Ukraine. Trả lời: tôi lấy câu cách ngôn của Trương Trào tự
răn mình: ‘Văn nhân mà bàn về binh thư, phần nhiều là bàn luận trên giấy, vũ tướng
mà bàn về văn chương, một nửa là nghe lỏm’. Mình không phải nhà bình luận quân
sự, thông tin không đủ đầy, chính xác, a dua, nói lăng nhăng vừa mất tư cách, vừa
mất thời gian”.
Tôi thấy cần thiết phải viết ra suy nghĩ của
mình về vấn đề này. Không phải bản thân quan điểm này khiến tôi “dao động” hay
mất niềm tin vào tiếng nói của mình và mọi người, mà là sự cuộn dậy trong tôi một
câu hỏi cũ: “Sống thế nào?”.
Mỗi người đều cần một quan niệm sống để đi qua
cuộc đời này, dù nặng nhọc hay nhẹ nhõm, nhưng ít ra chính họ phải thấy ý nghĩa
của quãng thời gian hiện sinh ấy. Dương Chu vị kỷ hay Thích Ca vị tha, thảy đều
có chỗ đứng và giá trị riêng của nó, lựa chọn thế nào là quyền của mỗi người.
Đã qua rồi cái thời của con người quảng trường, con người tập thể, con người
đám đông; thế giới văn minh khẳng định giá trị và nhân vị của cá nhân, lấy cá
nhân làm mục đích tối hậu của mọi mưu cầu.
Nhưng cái cá nhân ấy, nếu muốn thành toàn cho
mình, trớ trêu thay, lại không thể tách rời khỏi xã hội như một công dân liên đới
với hết thảy. Phải chăng, giá trị của một đời người phải được kiến tạo song
hành từ cả hai chiều: đào sâu vào cá nhân cùng lúc với vói tay vào cuộc đời?
Nghĩa là nó phải gắn với trách nhiệm xã hội,
nhất là ở một “trí thức”. Liên quan, Bác sĩ – nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện có lần
nói: “Nhiệm vụ của kẻ sĩ, thời nào cũng vậy, là gây dư luận”. Cao Huy
Thuần lại nhận định một cách trực diện và hay: “Trí thức là người làm những
việc chẳng ăn nhập gì đến họ”. Điều này cũng như J. P. Sartre đã phân biệt:
Trí thức không phải là tất cả những người làm lao động trí óc.
Vai trò của người trí thức trong xã hội là vô
cùng hệ trọng. Tất nhiên, anh có thể không bao giờ nhận mình là một trí thức,
và thường là như thế. Nhưng không phải vì “tôi không phải trí thức” mà “tôi” có
quyền từ khước nghĩa vụ của mình.
Trong một cuộc xuống đường do người trí thức dẫn
dắt, anh, dù “vô học”, nhưng với tư cách là một thành viên của cái cộng đồng
đang mong muốn và đòi hỏi lẽ công bằng kia, anh không thể trùm chăn ngủ ở nhà để
đợi thành quả do kẻ khác mang về. Sự thành công của họ, nếu có, tất nhiên anh
không có đóng góp gì; còn nếu thất bại thì anh không thể tự tha thứ cho mình, nếu
anh còn là một con người có lương tri.
Cuộc chiến Ukraine hay chuyện giá xăng, tham
nhũng, chuyện bạo hành trẻ em, chuyện thi học sinh giỏi v.v… đều như nhau đối với
mỗi người trong một cộng đồng với tư cách là chủ thể nhận thức. Chúng ta buộc
phải nhận thức, là “nhận thức” chứ không phải một chuyên gia – không ai đòi hỏi
chúng ta điều ấy cả. Nhưng là một con người, với những giá trị và nguyên tắc nền
tảng, chúng ta phải biết phân biệt, đó là tốt/xấu, đúng/sai, hay/dở…
Không ai đòi hỏi chúng ta phải có bằng cấp hay
chứng chỉ là chuyên gia quân sự để bàn và tham mưu cho các chiến dịch cả. Chúng
ta chỉ cần nhận thức vấn đề trên giá trị đạo đức phổ quát và tinh thần công
chính cũng như luật pháp; và ta buộc phải có cái nhận thức ấy của mình – nghĩa
là ta không thể nhắm mắt như chẳng thấy.
Chưa cần nói về trách nhiệm công dân hay nghĩa
vụ trí thức gì cho to tát cả. Sẽ thật khó tưởng tượng khi hai nhà hàng xóm của
ta xách dao chém nhau, máu chảy, người chết mà ta lại không khởi lên trong lòng
một nỗi đau đớn/ lo sợ/ bất bình/ thương xót; thật khó hình dung nếu trong hoàn
cảnh ấy mà ta không hỏi “vì sao”, “để làm gì”, “ai đúng ai sai” v.v… Lúc chém
giết ấy, dù là một kẻ đang nằm liệt giường với bệnh tật giày vò trên thân thì
chắc cũng phải nhỏm dậy mà nhìn qua cửa số, huống gì là người khỏe mạnh với trí
óc bình thường!
Chúng ta, tất nhiên rồi, luôn có lý lẽ cho
quan niệm của mình. Nhưng cái quan niệm và lý lẽ ấy có ích gì cho ta và cho cái
cộng đồng mà ta đang chia sẻ cùng một số phận kia thì lại là chuyện khác. Tôi sẽ
xót xa nếu một ông thầy giáo đứng trên giảng đường đại học, và khi sinh viên hỏi
về cuộc chiến tranh giết chóc của Putin ở Ukraine mà ông thầy lại có thể xua
tay và nói: chúng ta là dân văn, đừng bàn về chiến tranh, hãy lo học văn cho tốt!
Tôi không hiểu cái thứ văn chương ấy sẽ dùng
vào việc gì và cho ai. Và tôi cũng không biết người ta sẽ dạy và học các tác phẩm
văn học về đề tài chiến tranh như thế nào. Chiến tranh và chuyện “trẻ con không
được ăn thịt chó” không khác gì nhau cả, bởi vì từ những chuyện ấy mà ta hiểu
xã hội, hiểu con người và chọn cho mình một hành xử giữa cuộc đời này.
Đó là chưa kể, đâu phải một nhà quân sự mới có
thẩm quyền viết những tác phẩm văn học về chiến tranh. Các nhà văn sĩ đầu thế kỷ
20 đều xuất thân Nho học/ Tây học, họ đâu phải nông dân, đĩ điếm, trộm cướp,
sao họ viết về trộm cướp, đĩ điếm, nông dân hay và đúng đến vậy? Ta có nên đọc
họ hay không khi họ không có những thứ “bằng cấp” tương xứng kia?
Con Người, chứ không phải kỹ sư, bác sĩ, thầy
giáo, chính khách, nông dân… Chúng ta nhìn và nói trên tư cách con người phổ
quát với những giá trị và quyền của mình. Nó không có biên giới nào giữa ngành
nghề, tuổi tác, sắc tộc, thể chế chính trị cả. Khi ta từ chối cái nhìn và lời
nói của mình với tư cách ấy (Con Người) để chỉ giữ lại một cái nghề nhất định,
ta đã tự tước hết mọi điều thiêng liêng mà tạo hóa từng ban cho. Đó là một lựa
chọn bi ai, nếu không phải là đáng thương.
Ý thức về sự liên đới, dứt khoát phải hình
thành cái ý thức này. Khi một em bé bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu cho
đến chết, chính ta, những người đang ở cách xa hàng trăm cây số phải thấy đó là
chuyện của mình bằng những đau đớn và thương cảm, bằng những ước mong và khác vọng
cải tạo cuộc đời để cái ác không còn ngang nhiên đi lại trên đường phố. Cái sự
liên đới ấy cũng chính là chỗ mà ta được gọi là Con Người, là sự vượt lên trên
một chiếc giường hẹp để thức ngủ cùng nhau trong một thân phận chung.
Nhân tiện, rất nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới,
trong đó có cả những người đoạt giải Nobel đang không ngừng bàn và lên án cuộc
chiến xâm lược của Putin, trong đó có tác giả của “Chiến tranh không có gương mặt
phụ nữ” mà trong giới văn học ở ta dường như không ai không biết.
_____
* Tôi không tiện nêu hay tag tên tác giả của
stt đã dẫn, vì sợ ông không hài lòng. Nhưng tôi tuyệt nhiên không có ý tứ riêng
tư gì về cá nhân ông cả. Nếu ông có đọc được bài viết này, xin ông hiểu rằng
tôi chỉ mượn lời ông như một bắt gặp tình cờ để nói câu chuyện mà tôi quan tâm
bậc nhất trước nay: vai trò của người trí thức và câu chuyện ý thức công lợi. Nếu
được ông trao đổi, thảo luận thì sẽ càng vui hơn.
Xin bình luận lịch sự.
.
.
http://vanviet.info/.../nh-van-bn-chuyen-chien-tranh-th.../
VANVIET.INFO
Nhà văn bàn chuyện chiến tranh thì có "mất tư cách" không? | Văn Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment