Nguyễn
Văn Nghệ
03/03/2022
https://baotiengdan.com/2022/03/03/nga-xam-luoc-ukraine/
Ngày 24/2/2022 quân đội Nga tiến hành một chiến
dịch tấn công quy mô lớn vào quốc gia có chủ quyền là Ukraine. Phía Nga gọi
là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, còn phương Tây gọi là “Nga
xâm lược Ukraine”.
Thế nào là xâm lược, xâm lăng? Xâm trong chữ
Hán thuộc bộ Nhân, có nghĩa là hiếp, xâm phạm, xâm nhập, tấn công. Ví dụ: Cường
bất xâm nhược = Mạnh không hiếp yếu; Lược thuộc bộ Điền, có nghĩa là xâm chiếm,
cướp. Ví dụ: Lược địa = Chiếm đất; Lăng thuộc bộ Băng, có nghĩa là hiếp đáp. Ví
dụ: Thịnh khí lăng nhân = Cậy thế hiếp người. Xâm lăng và Xâm lược nghĩa như
nhau. Xâm lược quốc = nước xâm lược; Xâm lược biệt quốc = Đi xâm lược nước
khác.
Ukraine là một quốc gia có chủ quyền, nhân dân
Ukraine có quyền tự quyết vận mệnh dân tộc của mình khi xin gia nhập khối này
hay khối nọ. Nước nào kéo quân vào đánh chiếm Ukraine chính là kẻ xâm lược. Tổng
thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ bảo vệ đất
nước của mình, bởi vì vũ khí của chúng tôi là sự thật và sự thật của chúng tôi
đó là: Đây là đất của chúng tôi, nước của chúng tôi, con cái của chúng tôi và
chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều này” [1].
Việc quân đội Nga xâm lược Ukraine chẳng có
chút gì là chính nghĩa cả. Trước tiên, nước Nga là một trong năm thành viên Thường
trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với nhiệm vụ là “Bảo An” (gìn giữ hòa
bình), nhưng ngược lại nước Nga đã đem quân xâm lược Ukraine, gây tang thương
chết chóc cho dân tộc Ukraine. Với hành động như vậy, nước Nga chẳng xứng đáng
ngồi vị trí ghế Thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nữa!
Nước Nga là một cường quốc về quân sự đem quân
xâm lược Ukraine chẳng khác nào ỷ mạnh hiếp yếu. Giả sử quân đội Nga dưới sự
lãnh đạo của Putin có thắng Ukraine cũng chẳng có chút gì là vinh dự.
Theo thiên “Mưu công” sách binh pháp Tôn tử viết:
“Phàm dụng binh chi pháp, toàn quốc vi thượng, phá quốc thứ chi; toàn quân
vi thượng, phá quân thứ chi… Cố bách chiến bách thắng, phi thiện chi, thiện giả
dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã. Cố thượng binh
phạt mưu, kỳ thứ phạt giao, kỳ hạ công thành”.
Nghĩa là: Phàm là phép dùng binh, bảo toàn nước
địch [bắt chúng phải khuất phục] là trên hết, phá tan nước địch là thứ chi; bảo
toàn quân đội địch [buộc chúng phải chịu thua] là trên hết, đánh tan quân đội địch
là thứ chi… Cho nên trăm trận trăm thắng chưa phải là tướng giỏi trong hàng tướng
giỏi. Không đánh mà khuất phục được quân đội đối phương mới là tướng giỏi nhất
trong hàng tướng gioi. Cho nên cao nhất trong việc binh là đánh bằng mưu, thứ đến
là đánh bằng ngoại giao, bét nhất là binh đánh thành.
Những người có lương tri và yêu chuộng công lý –
hòa bình đều ủng hộ Ukraine và lên án Nga.
Ngày 28/8/1963 trước đài tưởng niệm Abraham Lincoln ở Washington, Mục sư Martin
Luther King đọc bài diễn văn lịch sử “Tôi có một giấc mơ” (I have dream) có đoạn:
“Bi kịch lớn nhất không
phải sự áp bức và tàn ác của kẻ xấu, mà chính là sự im lặng của người tốt”
(The ultimate tragedy is not the oppression and cruelty by the bad people, but
the silence over that by good people).
Hiện nay có một số quốc gia im lặng không dám gọi
Nga là kẻ xâm lược. Bà Nataliya Zhynkina, Đại
biện lâm thời của Ukraine tại Việt Nam đã trả lời phỏng vấn BBC: “Bởi vì nếu
bây giờ các quốc gia sợ gọi tên kẻ xâm lược trong hoàn cảnh nguy cấp này, thì họ
sẽ dung túng cho bất kỳ loại hành vi nào của Nga”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nhận định về sự im lặng: “Kẻ yếu sợ kẻ mạnh mà ‘khôn khéo’ im lặng
để kẻ mạnh ức hiếp người yếu, thì khi ngồi ghế quan tòa sẽ bẻ cong công lý mà xử
lợi cho người thân, xử lợi cho người phải chịu ơn, xử lợi cho kẻ có quyền, có
tiền”.
Thông cảm cho Việt Nam, bà Nataliya Zhinkina
đã có lời nhắn nhủ: “Tôi hiểu được Việt Nam muốn giữ thế trung lập. Nhưng hiện
không phải thời điểm thích hợp để giữ lập trường như vậy, bởi vì đây không chỉ
là chuyện của Ukraine. Đây là vấn đề trật tự thế giới, đây là vấn đề tôn trọng
luật pháp quốc tế. Việt Nam là nước nhỏ, cần dựa vào luật pháp quốc tế. Họ cần
thể hiện ra rằng bất cứ ai vi phạm luật pháp quốc tế đều phải chịu hậu quả và
phải đối mặt với công lý”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu có lời nhắn nhủ: “Kẻ yếu viện cớ trung lập để yên thân, đến mức thấy
kẻ mạnh xâm lược không dám lên án, thấy kẻ mạnh cướp bóc không dám hô hoán, thì
đến lúc mình rơi vào hoàn cảnh tương tự sẽ không ai cứu giúp… Trung lập không
có nghĩa là im lặng cho cái ác lộng hành. Khôn khéo không có nghĩa là ủng hộ
phi nghĩa. Trung lập có giới hạn, khôn khéo có biên giới” [2].
Đầu tháng 3/2022 Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát
biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về tình hình Ukraine: “Chiến tranh và
xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền,
tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp
quốc tế” [3].
Nói thì nói vậy nhưng khi biểu quyết thông qua
Nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine thì Việt Nam là 1 trong 35 nước bỏ
phiếu trắng. Vậy Việt Nam tiếp tục giữ “trung lập”! (Campuchia thì lại bỏ phiếu
ủng hộ Nghị quyết!).
Bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán ghi: “Yêu
ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng
không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ cũng không nói ghét thành yêu”.
Độc giả Đỗ Xuân Đại đã viết bình luận trên facebook VOA Tiếng Việt: “Tôi không bài Nga.
Những tâm tình tốt đẹp dành cho Liên Xô và nước Nga vẫn nguyên vẹn như ngày
nào. Nhưng với tôi, tập đoàn Putin và đội quân xâm lược không đại diện cho các
giá trị Nga và văn hóa Nga. Làm ơn đừng bắt cóc tôi phải tin ủng hộ nước Nga là
phải ủng hộ Putin độc tài khát máu và xâm lược… Như thế là vô đạo đức, bán rẻ
linh hồn”.
Chiến tranh gây ra tang thương. Abraham
Lincoln nói: “Khi một viên đạn xuyên vào một người lính, dù bên nào đi nữa,
thực ra nó đã xuyên vào trái tim người Mẹ”.
Nguyễn Văn Nghệ,
Diên Khánh, Khánh Hòa
______
Chú thích:
[2] https://boxitvn.blogspot.com/2022/03/trung-lap-va-khon-kheo.html
No comments:
Post a Comment