Nguyễn An Nam / KTSG
20/03/2022
15:25
https://thesaigontimes.vn/lang-que-tro-sot/
(KTSG)
– Người nông dân quanh năm nhem nhuốc với đồng áng, mùa được mùa mất bỗng “rũ
bùn đứng dậy” trong cơn sốt đất. Nhiều người thức thời, quay lưng không tiếc nuối
với đất đai – thứ đối với họ đã là biểu tượng bao đời của cơ hàn khắc khổ. Bị
cuốn vào khát vọng đổi đời, có những người hôm qua còn bán mặt cho đất bán lưng
cho trời, nhưng đến khi cầm bạc tỉ trong tay lại rơi vào tình trạng hoang mang.
Rồi họ đứng trước mối lo âu khác: của cải đến quá nhanh thì cũng đi rất lẹ.
https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/03/Langquetrosot.jpg
Đất đai ở các miền quê lại trở nên nóng bỏng
hơn bao giờ hết. Ảnh: H.P
Trong khi
nền kinh tế còn chịu muôn vàn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 thì đất đai ở các
miền quê lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hễ nghe đâu đó sắp có quy hoạch
khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp hay mở rộng đô thị thì lập tức xuất hiện
những nhóm người lạ mặt bên những lũy tre làng hay những đồng lúa xanh, chỉ tay
tán chuyện tách thửa lô nọ, chốt đẹp lô kia. Trên các trang mạng quảng cáo hay
giao dịch bất động sản, đâu đâu cũng thấy những lời có cánh về “thiên đường nghỉ
dưỡng”, “nơi chốn tận hưởng thanh bình”, “vùng núi đồi huyền thoại”…, cùng những
lời hứa hẹn “đầu tư sinh lợi”.
Chỉ vậy
thôi nhưng cũng đủ làm đảo lộn nhịp sống nơi những làng quê vừa mới hôm qua còn
được ca ngợi là thanh bình, trong trẻo. Trên các cánh đồng, con đê, vườn tược,
nương rẫy đã mau chóng mọc lên những tấm biển ghi số điện thoại liên hệ giao dịch.
Nhiều người địa phương tưởng cả đời chỉ biết việc đồng áng, nay trở thành cò đất
chốt lô nọ thảy lô kia một cách lanh lợi không ngờ.
Đất được
giá, lẽ dĩ nhiên cũng là điều kiện tốt để các gia đình đầu tư cho con cái đi học,
có cơ hội mở mang chuyển đổi nghề nghiệp sinh kế. Nhưng đất được giá cũng sinh
ra sự mất cân bằng trong lối sống khiến đám trẻ trở nên ăn chơi hơn, đua đòi
hơn và tệ nạn nhiều hơn. Các vụ tranh chấp đất đai gia tăng thì sự rạn nứt các
mối quan hệ gia đình, xã hội cũng gia tăng.
Đi về những
làng quê mà đất đai đang “có giá”, có thể dễ dàng nghe được vô số chuyện bẽ
bàng. Như cha mẹ vừa mới nằm xuống thì anh em đã tranh cãi, dọa kiện tụng và tệ
hơn là ẩu đả nhau vì chuyện thừa kế đất đai, phân bì hơn thiệt. Báo chí thời
gian qua cũng đăng tải nhiều câu chuyện đáo tụng đình đầy chua xót và cả án mạng
dã man mà bị can, thủ phạm và nạn nhân là người cùng huyết thống. Có cả những vụ
con cái kéo cha mẹ ra tòa chỉ vì tranh chấp mảnh vườn, thửa ruộng.
Đất tuy
không biết nói năng nhưng trong cơn sốt, quyền lực của nó được biểu hiện qua
giá trị tiền bạc, khả năng sinh lời và làm bạc màu những mối quan hệ tốt đẹp,
làm méo mó đạo lý con người.
Nhiều làng
quê đã không còn bình yên bởi hệ lụy từ sốt đất. Nhưng đó chỉ là vấn đề dễ thấy,
điều đáng lo hơn là viễn cảnh của việc đánh đổi sinh kế để lấy đồng tiền trước
mắt sẽ làm cho cơ cấu kinh tế ở nông thôn bị đảo lộn. Người nông dân không còn
sự gắn bó thân thuộc với đất đai. Việc giàu xổi khi chưa có sự chuẩn bị chuyển
dịch trong nghề nghiệp có thể dẫn họ đến việc đầu tư không bài bản vào các lĩnh
vực mà họ không kiểm soát được rủi ro, và khả năng thất bại là rất cao. Đã có
những người giàu nhanh nhờ đất và cũng trắng tay nhanh vì không kiểm soát được
tiền bạc dẫn đến nợ nần, bế tắc.
Bộ mặt
nông thôn ở các vùng sốt đất có thể sáng sủa hơn trong nhất thời, nhưng cũng tiềm
ẩn nguy cơ bất ổn khi quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, đất đai chỉ để đầu cơ,
đón đầu và lệ thuộc sự thành bại của các dự án từ bên ngoài.
Hiện cơn
say mua bán bất động sản trở nên cao trào tạo nhiều vùng quê, đến mức không chỉ
người nông dân mới bị tác động mà cả cán bộ, công chức, giáo viên, ngoài giờ
làm ở cơ quan, không mối lái thì cũng đầu tư giật bên này bán bên kia ăn chênh
lệch, hưởng huê hồng. Sức hấp dẫn của sự giàu lên nhanh chóng nhờ sốt đất đã
khiến nhiều người tham gia vào cơn bão bất động sản như một nghề chính chứ
không cứ trông vào đồng lương ổn định nhàm chán nơi công sở.
Sau những
đợt ảnh hưởng đại dịch tại các thành phố lớn là những cuộc chuyển dịch dân số
trở ngược về các vùng quê. Một số người khá giả ở thành phố cũng theo trào lưu
về nông thôn tìm kiếm góc nghỉ dưỡng trong lành. Ngoài ra còn có sự chuyển dịch
nguồn vốn đầu tư từ các lĩnh vực kinh doanh khác bị tác động bởi dịch bệnh sang
đầu tư bất động sản… Tất cả đã đẩy cơn sốt đất ở các vùng ven, vùng nông thôn
lên cao.
Chưa biết
bao giờ và với sự điều hành nào thì cơn sốt ấy sẽ nguôi ngoai, nhưng hiện tại,
những xáo trộn về xã hội thì đã có thể cảm nhận và dự cảm được ở tương lai gần.
***
Bỏ cọc
đất ở quê
Khoảng
một năm trở lại đây, đất ở Hương Khê quê tôi bắt đầu lên cơn sốt, nhất là sau
thời điểm một vị tỉ phú khánh thành nhà máy ở khu công nghiệp Vũng Áng, giá đất
tăng gấp 5-7 lần. Và rồi những vụ bỏ cọc xảy ra…
Chú tôi
kêu bán mảnh đất vườn hơn ngàn mét vuông thì chỉ một hôm sau là có người từ Hà
Nội đi ô tô vào xem đất rồi nói muốn đặt cọc ngay. Không ngờ “hét” giá rất cao
mà vẫn bán được nhanh, chú tôi đồng ý làm thủ tục nhận số tiền cọc 100 triệu đồng.
Trong hợp đồng bên mua đã soạn sẵn có ghi rõ sau một tuần thì họ sẽ thanh toán
toàn bộ số tiền còn lại; còn bên bán chịu trách nhiệm làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Nhưng
hơn một tuần sau đặt cọc, bên mua vẫn không vào trả tiền, chú tôi những tưởng
mình đã được số tiền cọc. Nhưng thêm hai ngày sau nữa thì bên mua vào và bảo
chú tôi buôn bán không trung thực, lý do đất vườn mà bảo là đất ở. Họ quyết liệt
đòi tiền cọc và đòi thêm 100 triệu tiền bồi thường vi phạm hợp đồng. Chú tôi
xem kỹ lại hợp đồng mới vỡ lẽ nội dung trong đó ghi rõ “đất ở trong khu dân cư
hiện hữu”. Biết mình bị “gài” nên chú tôi nhờ người quen bên chính quyền xã can
thiệp. Sau một ngày tranh cãi kịch liệt, đòi kiện tụng, họ mới xuống nước chịu
lấy lại đúng số tiền cọc và hủy bỏ hợp đồng viết tay.
Có thêm
một kiểu lừa cọc nữa cũng xảy ra ngay trong làng tôi. Lần này, người mua (từ
nơi khác đến) sau khi xem qua sổ đỏ một mảnh đất thì họ tiến hành đo đạc và ký
hợp đồng viết tay, rồi đặt cọc cho bên bán số tiền 150 triệu đồng. Lại cũng quá
thời hạn, bên mua không đả động đến chuyện trả tiền lấy đất, sau đó mới tranh
cãi rằng “bên bán không trung thực, số mét đất trên thực tế không đúng như
trong hợp đồng”.
Lúc này
người bán đất mới trực tiếp ra đo đạc thì thấy thiếu… 1 mét ngang đất mà trước
đây họ đã hiến cho xóm để mở đường, nhưng chưa điều chỉnh trong số đỏ. Cũng lại
tranh đi cãi lại, rồi phải nhờ chính quyền can thiệp thì các “cò đất” mới chịu
nhận lại cọc, ra về.
Ngay
lúc này đây, đất quê tôi vẫn đang sốt. Nhiều mảnh đất từ chỗ bỏ hoang nay bỗng
được “định giá” bạc tỉ nhờ những tin đồn mở nhà máy này, mở con đường nọ. Nhưng
sự hào hứng và chủ quan cộng với việc không am hiểu pháp luật, người dân quê
tôi đang trở thành những người rất dễ bị lừa bởi “đội quân cò đất”.
Khánh
Hưng
No comments:
Post a Comment