Làm
thế nào để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine?
Kati Krause, thực hiện
Hiếu Bá
Linh biên dịch
20/03/2022
https://baotiengdan.com/2022/03/20/lam-the-nao-de-cham-dut-cuoc-chien-o-ukraine/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/03/1-9-747x420.png
Đàm phán giữa Ukraine và Nga. Nguồn:
Keystone/BelTA/AP/Maxim Guchek
LGT: Ngày 19-3-2022, phóng viên Kati Krause của
báo Die Zeit, Đức, có bài phỏng
vấn bà Janice Gross Stein, một nhà khoa học chính trị Canada, và là
chuyên gia quan hệ quốc tế và giáo sư về quản lý xung đột. Bà còn là giám đốc
sáng lập Munk School of Global Affairs (Trường Các vấn đề Toàn cầu Munk) tại Đại
học Toronto. Sau đây là bản dịch:
*
ZEIT
ONLINE: Thưa bà
Stein, trong nhiều tuần qua, bà đã cảnh báo trên các phương tiện truyền thông Bắc
Mỹ về sự leo thang của cuộc chiến ở Ukraine. Chủ nhật tuần trước, Nga đã ném
bom một căn cứ quân sự ở phía tây nước này, nơi được cho là dùng để huấn luyện
các chiến binh người nước ngoài. Bà nghĩ gì khi biết tin này?
Stein: Tổng thống Putin muốn gửi một tín hiệu
đến các nước NATO đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến này: Các ông đang đi
trên lớp băng mỏng! Và chắc chắn đó cũng là lời cảnh báo về nguy cơ leo thang
chiến tranh. Các tên lửa
phòng không và chống tăng, vốn là một yếu tố chính yếu của cuộc kháng chiến
Ukraine, đang được đưa vào miền tây Ukraine qua Ba Lan và Romania. Nếu
không có đường tiếp tế này, Ukraine sẽ không thể tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên,
cho đến nay, Nga chưa ném bom bất kỳ đoàn xe nào, vì vậy chúng ta có thể đọc
“thông điệp” cuộc tấn công vào trại huấn luyện gần biên giới Ba Lan như sau:
NATO gửi tiếp tế vũ khí là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu các ông đi tiếp
một bước nữa, Nga cũng sẽ làm như vậy.
*
ZEIT
ONLINE: Tại
sao Nga lại chấp nhận NATO can thiệp vào (tức là cung cấp vũ khí)?
Stein: Bởi vì Putin cũng cảm thấy khó khăn
trong việc quyết định leo thang chiến tranh. Binh lính Nga đông hơn Ukraine,
nhưng khi chiến tranh giữa NATO và Nga thì Nga yếu hơn về mọi mặt.
*
ZEIT
ONLINE: Nghe
có vẻ như Nga còn có thể thua nặng nề hơn nữa nếu Nga leo thang quân sự. Vậy tại
sao NATO không thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, như Tổng thống
Ukraine Zelensky đã kêu gọi trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong tuần
qua?
Stein: Lập vùng cấm bay sẽ vi phạm một trong những quy tắc cơ bản
để tránh leo thang. Nếu một máy bay Nga đi vào không phận Ukraine, NATO
sẽ phải bắn hạ nó. Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh giữa Nga và các nước
NATO. Và Putin sau đó sẽ tìm cách để bù đắp cho thế yếu của mình bằng cách leo
thang chiến tranh và tấn công các nước NATO gần nhất, tức là Ba Lan, Latvia,
Lithuania và Estonia. Như thế, một cuộc chiến tranh giới hạn về mặt địa lý trở
thành một cuộc chiến tranh lớn. Điều này đang dần được kích lên.
*
ZEIT
ONLINE: Làm thế
nào phương Tây có thể hành xử về mặt đạo đức trong cuộc chiến này?
Stein: Đó là một câu hỏi sai, bởi vì bạn
đang cho rằng chỉ có một đòi hỏi đạo đức. Nhưng có ít nhất hai. Một là: Làm thế
nào để bạn giúp đỡ các nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo mà
không phải do lỗi của họ, tức là người Ukraine? Đây là mệnh lệnh đạo đức. Nhưng có một mệnh lệnh đạo đức
thứ hai, đó là hạn chế chiến tranh và ngăn chặn cái chết của hàng trăm ngàn người
ở Nga và châu Âu. Nếu chỉ có một câu hỏi đạo đức, ngay lập tức chúng ta
sẽ biết mình phải làm gì. Nhưng chúng ta phải cân nhắc các nghĩa vụ đạo đức
khác nhau và tìm ra con đường gây ra ít tác hại nhất. Và đó chính xác là những
gì các chính phủ và NATO đang làm hiện nay.
*
ZEIT
ONLINE: Nhưng
không phải lúc nào công luận cũng đứng về phía quan điểm của bà.
Stein: Áp lực đối với các nước thành viên
NATO hiện đang rất lớn. Nhưng các chính trị gia có nhiệm vụ giải thích cho công
chúng biết. Họ phải cắt nghĩa cho mọi người hiểu rằng cuộc chiến có thể chuyển
sang một độ lớn khác nhanh như thế nào. Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu với
cuộc xung đột giữa Áo và Serbia vào mùa hè năm 1914. Đến tháng 9 thì nó đã trở
thành một cuộc chiến tranh thế giới.
*
ZEIT
ONLINE: Nhưng
mặt khác (bài học Thế chiến thứ hai), nhiều nhà quan sát liên tưởng đến năm
1939, khi Đức tấn công Ba Lan. Họ cảnh báo về sự nguy hiểm của một chính sách
xoa dịu mới.
Stein: Người ta có thể chọn các ví dụ lịch
sử khác nhau và học các bài học từ chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng
ta có một chiều kích (dimension) mà chúng ta chưa bao giờ trải qua, đó là cuộc
đối đầu với một cường quốc hạt nhân mà học thuyết quân sự của họ cho rằng việc
sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường là có thể được cân nhắc
thực hiện.
*
ZEIT
ONLINE: Vậy là
bà thật sự lo lắng về sự đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga?
Stein: Vâng, tất nhiên. Làm thế nào người
ta có thể không thực sự lo lắng? Sẽ thật là điên rồ nếu khẳng định chắc
chắn rằng đây chỉ là một trò bịp. Không ai biết điều gì đang diễn ra trong đầu
của Tổng thống Putin ngoại trừ chính ông ta. Vì vậy, phải đề phòng điều tồi tệ
nhất. Chúng ta đang nói về đạo đức, hãy tưởng tượng cuộc chiến này leo thang và
Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine – ai sẽ là người đau khổ nhất?
Vì vậy, nếu mối quan tâm của bạn là làm càng nhiều càng tốt cho người Ukraine,
thì đây là luận chứng của bạn chống lại sự leo thang.
*
ZEIT
ONLINE: Bà
nghĩ gì về các biện pháp cấm vận kinh tế mà phương Tây đã áp dụng đối với Nga?
Stein: Các lệnh cấm vận gây tác hại về lâu
dài, nhưng trong ngắn hạn chúng không bao giờ có thể làm thay đổi cục diện trên
chiến trường. Vì vậy, bạn cũng phải đưa ra các biện pháp khích lệ cụ thể để người
bị cấm vận thay đổi hành vi không thể chấp nhận được của họ. Chúng ta sẽ
làm gì nếu Putin ngừng chiến? Chúng ta dỡ bỏ tất cả hay chỉ dỡ bỏ những biện
pháp trừng phạt nặng nhất? Những sự khích lệ này là cốt lõi của một chính sách
cấm vận khả dĩ thành công và hiện nó đang bị bỏ qua hoàn toàn. Từ 20 năm qua,
chúng ta biết rằng áp lực chính trị khiến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trở
nên rất khó khăn.
*
ZEIT
ONLINE: Bà có
nghĩ rằng những khích lệ này hiện đang được thương lượng đằng sau hậu trường,
thông qua Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel?
Stein: Không, tôi biết không phải vậy. Nguyên
nhân là do các biện pháp cấm vận được coi như là hình phạt. Một số thậm chí còn
đi xa đến mức nói rằng để khiến cho Putin bị lật đổ. Đúng ra, các biện pháp cấm
vận chỉ nhằm mục đích làm cho họ thay đổi hành vi. Vì vậy người ta phải đặt điều
kiện thật rõ ràng.
*
ZEIT
ONLINE: Có phải
tâm lý trừng phạt này cũng là do sự phẫn nộ đạo đức trong các xã hội dân chủ?
Stein: Tất nhiên. Và các chính phủ cũng phải
giải thích cho người dân của họ hiểu. Hy vọng tốt nhất của chúng ta trong cuộc
chiến này là một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine. Các kịch bản tồi tệ nhất có lẽ
là Ukraine bị đánh bại hoặc chiến tranh leo thang. Cả hai đều khủng khiếp. Điều
đó có nghĩa là các chính phủ sẽ phải đàm phán với Tổng thống Putin. Và
chúng ta càng biến ông ta thành ác quỷ, chúng ta càng để xúc cảm của mình lấn
lướt, thì NATO sẽ càng khó khăn trong việc tạo ra một không gian cho những cuộc
đàm phán.
*
ZEIT
ONLINE: Các cuộc
đàm phán đang được tiến hành, bao gồm cả về sự trung lập của Ukraine. Tuy
nhiên, các quan điểm của hai bên dường như vẫn còn rất xa nhau vào lúc này. Một
hiệp định hòa bình có thể được hình dung như thế nào?
Stein: Hòa bình là một từ ngữ lớn. Những
thiệt hại mà Nga gây ra cho mối quan hệ của họ với Ukraine sẽ không thể sửa chữa
được trong ít nhất 20 năm nữa. Lòng căm thù của người Ukraine quá lớn. Vì vậy,
sẽ không có hòa bình. Những gì có thể có là một hiệp định đình chiến. Và bây giờ
Tổng thống Zelensky nói những điều mà ông ấy đã không nói ba tuần trước – chẳng
hạn như Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Đây là những bước đầu tiên hướng tới
các cuộc đàm phán cần thiết cho một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, những cuộc đàm
phán đó còn phụ thuộc vào việc: giá phải trả cuộc chiến trở nên quá cao đối với Putin và ông ta
nhận được những khích lệ cụ thể để chấm dứt chiến tranh.
*
ZEIT
ONLINE: Tuy
nhiên, trong những tuần gần đây, chúng ta đã biết rằng Tổng thống Putin dường
như đưa ra quyết định của mình mà không dựa trên phân tích chi phí – lợi ích của
chiến tranh. Điều quan trọng hơn đối với Putin là ông ấy sẽ đi vào lịch sử
như thế nào. Điều này có ý nghĩa gì đối với các cuộc đàm phán?
Stein: Tổng thống Putin có thể nghĩ rằng
ông ấy đang thực hiện một sứ mệnh lịch sử là đoàn kết các dân tộc Nga nguyên thủy.
Nhưng thậm chí ông ta cũng bị cản trở khi có quá nhiều binh sĩ Nga tử trận khiến
ông ấy không còn lực lượng trừ bị và giờ buộc phải chiêu mộ các chiến binh ở
nước ngoài. Đó không phải là dấu hiệu của sức mạnh. Ngay cả những nguyên thủ quốc
gia với tham vọng lớn cũng có thể phải chịu áp lực. Putin nhìn thấy những vết nứt
trong hệ thống của mình.
Các cố vấn
thân cận nhất của ông trong hệ thống an ninh đang bắt đầu lo lắng về hậu quả của
cuộc chiến này đối với nội bộ nước Nga. Và Putin không hoàn toàn xa rời thực tế,
cũng như không hoàn toàn miễn nhiễm với những thiệt hại mà cuộc chiến này sẽ
gây ra cho danh tiếng của ông ở Nga nếu nó tiếp tục tồi tệ như nó đang diễn ra
cho tới nay. Câu hỏi lớn đặt ra là: Ông ta sẽ còn
đi bao xa? Liệu ông ta có sẵn sàng biến Ukraine thành đống tro tàn đổ
nát? Sau đó, ông ta sẽ phải xây dựng lại và chiếm đóng đất nước với một đội
quân vốn đã không thể đối phó với sự căm ghét của người dân Ukraine. Ông ta đã
mắc một sai lầm chiến lược rất lớn.
*
ZEIT
ONLINE: Phương Tây có
thể làm gì để chấm dứt cuộc chiến này?
STEIN: Hai điều. Phương Tây có thể cung cấp
cho Ukraine càng nhiều vũ khí phòng thủ càng tốt. Hãy làm trống kho vũ khí của
mình! Số lượng khí tài đưa qua biên giới đã gợi nhớ đến Cầu Không vận Berlin.
Nhưng cần phải cung cấp nhiều hơn nữa, vì những vũ khí này khiến quân đội
Ukraine trở nên hiệu quả như vậy. Một khu vực cấm bay sẽ chỉ mang lại lợi ích hạn
chế vì phần lớn tác hại đối với dân thường đến từ tên lửa và đạn pháo.
*
ZEIT
ONLINE: Và thứ
hai?
Stein: Thứ hai, chúng ta phải liên hệ với tất
cả các bên trung gian đáng tin cậy để duy trì liên lạc và tìm hiểu các cơ hội
ngừng bắn. Điều đó có vẻ không vui đối với công chúng phương Tây đang phẫn nộ
vì lý do đạo đức, nhưng đó là điều sẽ giúp ích nhiều nhất cho người dân
Ukraine. Những người đứng đầu chính phủ phải tiếp tục công du Moscow. Và chúng
ta cần nói chuyện với các nhà môi giới tư nhân. Điều đó không có gì đáng xấu hổ
cả, bởi vì chúng ta không bao giờ đàm phán với bạn bè của mình, chỉ với kẻ thù
của chúng ta.
*
ZEIT
ONLINE: Còn
yêu cầu của Selensky thắt chặt thêm nữa các biện pháp cấm vận thì sao?
Stein: Vẫn có thể làm được một chút, nhưng
không nhiều. Về năng lượng có những lỗ hổng lớn. Nhưng khi chi phí sưởi ấm tăng
cao đụng trần nhà, thì có nguy cơ các quốc gia NATO đánh mất sự ủng hộ của công
chúng cho cuộc chiến này.
*
ZEIT
ONLINE: Một đề
tài lớn ở Đức.
Stein: Chính xác. Đức có lẽ nói: Chúng tôi
sẽ làm bất cứ điều gì ngoại trừ một cuộc can thiệp quân sự và ngừng nhập
khẩu dầu và khí đốt của Nga. Vả lại, việc ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt Nga
(một trong những nguồn tài chính quan trọng nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh của
Nga) là một cách hành xử có đạo đức. Nhưng tôi cũng hiểu tại sao chính phủ Đức
không làm điều đó.
No comments:
Post a Comment