Monday, March 14, 2022

ĐIỂM YẾU CỦA KẺ CHUYÊN QUYỀN (David Remnick  -  The New Yorker)

 



Điểm yếu của kẻ chuyên quyền

David Remnick  -  The New Yorker

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON MARCH 14, 2022

https://dcvonline.net/2022/03/14/diem-yeu-cua-ke-chuyen-quyen/

 

Một chuyên gia về Stalin thảo luận về Putin, Nga và phương Tây.

 

Chuyên gia về Nga Stephen Kotkin cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là đã có quá nhiều thay đổi, nhưng chúng ta vẫn thấy khuôn mẫu cũ mà họ không thể thoát khỏi.”

 

https://i.vimeocdn.com/video/996440119-a588f8280f6ba5f99be95fb96cdca958e10764bb273bdc2578a9e493326854d9-d?mw=1000&mh=563&q=70

Sử gia Stephen Kotkin. Fiduciary Investors Symphosium Digital

 

Stephen Kotkin là một trong những học giả uyên thâm và phi thường nhất về lịch sử nước Nga. Tác phẩm của ông là tiểu sử của Josef Stalin. Cho đến nay ông đã xuất bản hai tập — “Nghịch lý quyền lực, 1878-1928”, vào vòng chung kết giải Pulitzer, và “Chờ đợi Hitler, 1929-1941”. Tập thứ ba sẽ đưa câu chuyện đến Chiến tranh thế giới thứ hai; Cái chết của Stalin, năm 1953; và di sản độc tài đã định hình phần còn lại của kinh nghiệm Liên Xô. Tận dụng những kho tài liệu lưu trữ bị cấm từ lâu ở Moscow và hơn thế nữa, Kotkin đã viết một cuốn tiểu sử về Stalin vượt qua những cuốn tiểu sử của Isaac Deutscher, Robert Conquest, Robert C. Tucker và vô số người khác.

 

Danh tiếng của Kotkin nổi bật trong giới học thuật. Ông là giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton và là viện sĩ tại Viện Hoover, thuộc Đại học Stanford. Ông có vô số nguồn tin về các lĩnh vực khác nhau của nước Nga đương đại: chính phủ, kinh doanh, văn hóa. Cả nguyên tắc và thực dụng, ông ấy cũng là một nhà báo nghiêm túc hơn bất kỳ phóng viên hay chuyên gia phân tích nào mà tôi biết. Kể từ khi chúng tôi gặp nhau ở Moscow, nhiều năm trước — Kotkin đang nghiên cứu về thành phố kỹ thuật Magnitogorsk của thời Stalin –– Tôi thấy sự hướng dẫn của ông ấy ở mọi phương diện, từ cấu trúc của chế độ Putin đến cội nguồn lịch sử Nga, là vô giá.

 

Đầu tuần này, tôi đã nói chuyện với Kotkin về Putin, cuộc xâm lăng Ukraine, phản ứng của Mỹ và châu Âu, và những gì xẩy ra tiếp theo, gồm việc có thể xẩy ra một cuộc đảo chính trong cung điện ở Moscow. Cuộc trò chuyện của chúng tôi, trong video ở phần cuối, đã được chỉnh sửa cho gọn và rõ ràng.

 

 


 

Chúng ta đã nghe thấy cả tiếng nói của quá khứ và hiện tại cho rằng lý do của những gì đã xẩy ra, như George Kennan đã nói, là sai lầm chiến lược của việc mở rộng NATO về phía đông. Sử gia theo trường phái hiện thực-đại cường John Mearsheimer khẳng định rằng phần lớn trách nhiệm với những gì chúng ta đang chứng kiến phải thuộc về Hoa Kỳ. Tôi nghĩ chúng ta sẽ bắt đầu với phân tích của ông về lập luận đó.

 

Tôi rất kính trọng  George Kennan. John Mearsheimer là một học giả lớn. Nhưng tôi không đồng ý với cả hai. Vấn đề với lập luận của họ là họ giả định rằng, nếu NATO không mở rộng, nước Nga sẽ không giống hoặc rất có thể gần như nước Nga ngày nay. Những gì chúng ta có ngày hôm nay ở Nga không phải là một sự bất ngờ. Đó không phải là một dạng sai lệch nào đó so với một khuôn mẫu lịch sử. Trước khi NATO hiện hữu — vào thế kỷ 19 — nước Nga đã như thế này: nó đã có một kẻ chuyên quyền. Nó đã có sự đàn áp. Nó có chủ nghĩa quân phiệt. Nó có sự nghi ngờ của người nước ngoài và phương Tây. Đây là nước Nga mà chúng ta biết, và không phải nước Nga mới xuất hiện ngày hôm qua hay vào những năm một ngàn chín trăm chín mươi. Đó không phải là phản ứng đối với những hành động của phương Tây. Có những quy trình nội bộ ở Nga giải thích cho vị trí của chúng ta đang đứng ngày nay.

 

Tôi thậm chí sẽ đi xa hơn. Tôi có thể nói rằng việc mở rộng NATO đã đưa chúng ta vào một vị trí tốt hơn để đối phó với mô hình lịch sử này ở Nga mà chúng ta đang gặp lại ngày nay. Bây giờ chúng ta sẽ ở đâu nếu Ba Lan hoặc các nước Baltic không ở trong liên minh NATO? Họ sẽ ở trong cùng một thế giới lấp lửng, trong cùng một thế giới mà Ukraine đang ở. Trên thực tế, tư cách thành viên của Ba Lan trong NATO đã khiến cột sống của NATO trở nên cứng hẳn lên. Không giống như một số quốc gia NATO khác, Ba Lan đã nhiều lần tranh chấp với Nga. Trên thực tế, bạn có thể lập luận rằng Nga đã hai lần vỡ mặt với với Ba Lan: lần đầu tiên vào thế kỷ 19 gần đến thế kỷ 20, và một lần nữa vào cuối thời Liên bang Sô viết, với Công đoàn Đoàn kết. Vì vậy, George Kennan là một học giả và một chuyên gia rất, rất quan trọng  — một chuyên gia Nga vĩ đại nhất từng hiện hữu — nhưng tôi không nghĩ đổ lỗi cho phương Tây là cách phân tích đúng đắn về vị trí của chúng ta.

 

*

Khi ông nói về các động lực bên trong của Nga, tôi nhớ đến một bài ông đã viết cho Tạp chí Ngoại giao, cách đây 6 năm, bắt đầu bằng đoạn, “Trong nửa thiên niên kỷ, đặc điểm của chính sách đối ngoại của Nga được mô tả  bằng những tham vọng lớn lao vượt quá khả năng của nước Nga. Bắt đầu từ triều đại của Ivan Bạo chúa vào thế kỷ XVI, Nga đã mở rộng với tốc độ trung bình 50 dặm vuông mỗi ngày trong hàng trăm năm, cuối cùng bao trùm một phần sáu diện tích trái đất.” Ông tiếp tục mô tả ba “khoảnh khắc phù du” của sự thăng tiến của Nga: đầu tiên là dưới thời trị vì của Peter Đại đế, sau đó là chiến thắng của Alexander I với Napoléon, và sau đó, tất nhiên, chiến thắng của Stalin với Hitler. Và sau đó ông nói rằng, “tuy nhiên, để những vết nước cao này sang một bên, Nga hầu như luôn luôn là một cường quốc tương đối yếu.” Tôi tự hỏi liệu ông có thể khai triển vấn đề đó và nói về động lực bên trong của Nga đã dẫn đến thời điểm hiện tại dưới thời Putin như thế nào hay không.

 

Chúng ta đã có cuộc tranh luận này về Iraq. Iraq như thế là vì Saddam, hay Saddam như vậy vì Iraq? Nói cách khác, không thể phủ nhận có phần về tính khí, nhưng cũng có những yếu tố cấu trúc hình thành nên tính khí. Một trong những lập luận mà tôi đưa ra trong cuốn sách về Stalin là người độc tài, nắm quyền lực của Nga trên thế giới, trong những hoàn cảnh đó và trong khoảng thời gian đó đã khiến Stalin trở thành con người của chính Stalin chứ không phải ngược lại.

 

Nga là một nền văn minh đáng chú ý: về nghệ thuật, âm nhạc, văn học, khiêu vũ, phim ảnh. Trong mọi lĩnh vực, đó là một nơi uyên thâm, đáng chú ý –– toàn bộ nền văn minh, không chỉ là một quốc gia. Đồng thời, Nga cảm thấy rằng mình có một “vị trí đặc biệt” trên thế giới, một sứ mệnh đặc biệt. Đó là Chính thống giáo phương Đông, không phải phương Tây. Và họ muốn nổi bật như một cường quốc. Vấn đề của Nga luôn luôn không phải là cảm giác về bản thân hay căn cước mà là thực tế là khả năng của nó chưa bao giờ bắt kịp với nguyện vọng của nó. Luôn phải đấu tranh để đạt được những khát vọng này, nhưng không thể, bởi vì phương Tây luôn mạnh hơn.

 

Nga là một cường quốc, nhưng không phải là cường quốc, ngoại trừ một vài thời điểm trong lịch sử mà ông vừa liệt kê. Khi cố gắng so sánh với phương Tây hoặc ít nhất là điều chỉnh sự khác biệt giữa Nga và phương Tây, họ phải dùng đến sự ép buộc. Họ sử dụng một phương pháp giải quyết lấy nhà nước làm trung tâm rất nặng để cố gắng đưa đất nước tiến lên và đi lên theo trật tự, về quân sự và kinh tế, để sánh vai hoặc cạnh tranh với phương Tây. Và điều đó có kết quả trong một thời gian, nhưng rất hời hợt. Nga có độ tăng trưởng kinh tế không liên tục, và xây dựng quân đội, và tất nhiên, họ đụng phải một bức tường. Sau đó, nó có một thời gian dài bị đình trệ và vấn đề trở nên tệ hơn. Chính nỗ lực giải quyết vấn đề càng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, và hố sâu với phương Tây ngày càng mở rộng. Phương Tây có kỹ thuật, kinh tế phát triển và quân đội mạnh hơn.

 

Phần tồi tệ nhất của động lực này trong lịch sử Nga là sự hợp nhất của nhà nước Nga với một người cai trị. Thay vì có được một nhà nước mạnh mẽ mà họ muốn, để thu hẹp cái hố sâu với phương Tây và thúc đẩy và ép Nga lên mức cao nhất,  thay vào đó họ có được một chế độ cá nhân chủ nghĩa. Họ có được một chế độ độc tài, mà thường trở thành một chế độ chuyên quyền. Họ đã ở trong mối ràng buộc này một thời gian dài vì họ không thể từ bỏ cảm giác ngoại lệ đó, khát vọng trở thành sức mạnh lớn nhất, nhưng họ không thể bắt kịp điều đó trong thực tế. Âu Á (Eurasia) yếu hơn nhiều so với mô hình quyền lực Anh—Mỹ. Iran, Nga và Trung Hoa, với những mô hình rất giống nhau, đều đang cố gắng bắt kịp phương Tây, cố gắng kềm giữ phương Tây và sự chênh lệch quyền lực này.

 

*

Chủ nghĩa Putin là gì? Nó không giống như chủ nghĩa Stalin. Nó chắc chắn không giống với Trung Hoa của Tập Cận Bình hay chế độ ở Iran. Những điểm đặc biệt của nó là gì, và tại sao những đặc điểm đó lại khiến Nga muốn xâm lăng Ukraine, một hành động có vẻ như là một hành động ngu ngốc, chưa nói đến tàn bạo?

 

Vâng, chiến tranh thường là một tính toán sai lầm. Nó dựa trên những giả định không chính xác, những điều bạn tin là đúng hoặc muốn trở thành sự thật. Tất nhiên, đây không phải là chế độ giống như chế độ của Stalin hay Sa hoàng. Đã có sự thay đổi lớn: đô thị hóa, trình độ học vấn cao hơn. Thế giới bên ngoài đã biến đổi. Và đó là một cú sốc. Điều đáng ngạc nhiên là quá nhiều thứ đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn thấy khuôn mẫu này mà họ không thể thoát khỏi.

 

Bạn có một người chuyên quyền — hoặc thậm chí bây giờ là một kẻ bạo ngược — tự mình quyết định tất cả. Ông ta có nghe  ý kiến của khác không? Có lẽ. Chúng ta không biết bên trong trông như thế nào. Ông ấy có chú ý không? Chúng ta không biết. Họ có mang đến cho ông ấy thông tin mà ông ấy không muốn nghe không? Điều đó dường như khó xẩy ra. Ông ấy có nghĩ rằng ông ấy hiểu rõ hơn mọi người khác không? Điều đó có vẻ rất có thể như vậy. Ông ta tin vào lời tuyên truyền của chính mình hay quan điểm âm mưu của chính mình về thế giới không? Điều đó dường như cũng có thể xẩy ra. Đây là những phỏng đoán. Rất ít người nói chuyện với Putin, dù là người Nga trong nước hay người nước ngoài.

 

Và vì vậy chúng ta nghĩ, nhưng chúng ta không biết, rằng ông ta không nhận được đầy đủ thông tin. Ông ấy đang nhận được những gì ông ấy muốn nghe. Trong mọi trường hợp, ông ấy tin rằng mình vượt trội và thông minh hơn người khác. Đây là vấn đề của chế độ chuyên quyền. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa chuyên quyền, hay ngay cả chỉ là chủ nghĩa độc đoán, lại có sức mạnh toàn diện và đồng thời cũng dễ bị phá vỡ. Chế độ bạo ngược tạo ra hoàn cảnh phá hoại của chính nó. Thông tin trở nên tồi tệ hơn. Số người bợ đỡ, ăn bám ngày càng nhiều hơn. Các cơ chế điều chỉnh trở nên ít hơn. Và những sai lầm gây ra hậu quả nhiều hơn.

 

Dường như Putin tin rằng  Ukraine không phải là một quốc gia thực sự, và người dân Ukraine không phải là một dân tộc thực sự, rằng họ là cùng một dân tộc với người Nga. Ông tin rằng chính phủ Ukraine là một đối thủ hạ dễ như chơi. Ông ta tin những gì ông ta được nói cho biết hoặc muốn tin về quân đội của chính mình, rằng nó đã được hiện đại hóa đến mức có thể tổ chức không phải một cuộc xâm lăng quân sự mà là một cuộc đảo chính chớp nhoáng, chiếm Kyiv trong vài ngày và thành lập một chính phủ bù nhìn hoặc buộc chính phủ đương nhiệm và Tổng thống phải ký một số thủ tục giấy tờ.

 

Nhưng hãy nhớ lại Mùa xuân Praha, vào tháng 8 năm 1968. Leonid Brezhnev đã đem xe tăng của Khối Warsaw để ngăn chặn “chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt con người”, phong trào canh tân cộng sản của Alexander Dubček. Brezhnev tiếp tục nói với Dubček, Hãy dừng lại. Đừng làm vậy. Bạn đang hủy hoại chủ nghĩa cộng sản. Và, nếu bạn không dừng lại, chúng tôi sẽ tấn công. Brezhnev đã đến Praha, và họ đưa Dubček và những người lãnh đạo khác của Tiệp Khắc trở lại Moscow. Họ không có chế độ bù nhìn để cài đặt. Trong Điện Kremlin, Brezhnev hỏi Dubček, sau khi đưa xe tăng đến và bắt sống ông ta, họ phải làm gì bây giờ? Thật nực cười, và nó thật sự nực cười. Nhưng, tất nhiên, vì nó dựa trên những tính toán sai lầm và hiểu lầm. Và do đó, họ đã đưa Dubček trở lại Tiệp Khắc, và ông ta ở lại nắm quyền [cho đến tháng 4 năm 1969], sau khi xe tăng tiến vào để phá nát Mùa xuân Praha.

 

https://lh3.googleusercontent.com/801V3dBjbHOemcYZs6ZCr-OjOuHAoOvuh3QWIROl83grpdQsAy83l4gKcXfPVT1R

Karmal Babrak và Leonid Brezhnev. Biếm họa của Nani Tedeschi

 

Một ví dụ khác là những gì đã xẩy ra ở Afghanistan, vào năm 1979. Liên Xô không xâm lăng Afghanistan. Họ đã làm một cuộc đảo chính ở Afghanistan, gửi lực lượng đặc biệt vào thủ đô Kabul. Họ đã sát hại giới lãnh đạo Afghanistan và gài  một con rối vào đó, Babrak Karmal, đang ẩn náu ở Tiệp Khắc. Đó là một thành công toàn diện vì lực lượng đặc biệt của Liên Xô thực sự giỏi. Nhưng, tất nhiên, họ quyết định rằng họ có thể cần bảo đảm an ninh ở Afghanistan cho chế độ mới. Vì vậy, họ đã gửi đủ loại trung đoàn lục quân đến để bảo vệ an ninh và kết thúc bằng một cuộc nổi dậy và một cuộc chiến kéo dài mười năm mà họ đã thua.

 

Với Ukraine, chúng ta giả định rằng đó có thể là một phiên bản thành công của Afghanistan, nhưng không phải vậy. Hóa ra người dân Ukraine thật can đảm; họ sẵn sàng kháng chiến và chết vì đất nước của họ. Rõ ràng là Putin không tin điều đó. Nhưng hóa ra “Tổng thống truyền hình”, Zelensky, người có tỷ lệ được chấp nhận là 25% trước chiến tranh — hoàn toàn xứng đáng, vì ông ấy không thể cầm quyền — bây giờ hóa ra là ông ấy được tỉ lệ chấp thuận là 91%. Hóa ra là ông ấy có bi lớn. Ông ấy dũng cảm đến khó tin. Hơn nữa, để một công ty sản xuất chương trình truyền hình điều hành một quốc gia không phải là ý kiến hay trong thời bình, nhưng trong thời chiến, khi chiến tranh thông tin là một trong những mục tiêu của bạn, thì đó là một điều kiện tuyệt vời cần phải có.

 

Tất nhiên, điều ngạc nhiên lớn nhất đối với Putin là phương Tây. Tất cả những luận điệu láo lếu về phương Tây suy đồi, phương Tây đã hết thời, phương Tây đang suy tàn, thế giới đa cực và sự trỗi dậy của Trung Hoa như thế nào, v.v.: tất cả những điều đó hóa ra đã xéo đi. Lòng can đảm của người dân Ukraine và sự can đảm và thông minh của chính phủ Ukraine, và Tổng thống của họ, Zelensky, đã khiến phương Tây nhớ lại họ là ai. Và điều đó khiến Putin bị sốc! Đó là một tính toán sai lầm.

 

*

Ông định nghĩa “phương Tây” như thế nào?

 

Phương Tây là một chuỗi các định chế và giá trị. Phương Tây không phải là một vùng địa lý. Nga là châu Âu, nhưng không phải là phương Tây. Nhật Bản là phương Tây, nhưng không phải của châu Âu. “Phương Tây” có nghĩa là pháp trị, dân chủ, tài sản tư nhân, thị trường mở, tôn trọng cá nhân, sự đa dạng, đa nguyên quan điểm và tất cả các quyền tự do khác mà chúng ta được hưởng, mà đôi khi chúng ta cho là đương nhiên. Đôi khi chúng ta quên mất chúng từ đâu đến. Nhưng đó là những gì phương Tây là. Và phương Tây, mà chúng ta đã mở rộng vào những năm 90, theo quan điểm của tôi, bằng việc mở rộng Liên minh châu Âu và NATO, hiện đang hồi sinh, và nó đã đứng vững trước Vladimir Putin theo cách mà cả ông ta và Tập Cận Bình đều không mong đợi.

 

Nếu bạn cho rằng phương Tây sẽ đóng cửa tiệm, vì nó đang suy tàn và chạy khỏi Afghanistan; nếu bạn cho rằng người dân Ukraine không có thật, không phải là một quốc gia; nếu bạn cho rằng Zelensky chỉ là một diễn viên truyền hình, một diễn viên hài, một người Do Thái nói tiếng Nga từ miền Đông Ukraine — nếu bạn cho rằng tất cả là như vậy, thì có lẽ bạn nghĩ rằng bạn có thể lấy Kyiv trong hai ngày hoặc bốn ngày. Nhưng những những giả định đó đã sai.

 

https://d.newsweek.com/en/full/2000012/mikhail-khodorkovsky-putin-ukraine.webp?w=790&f=908219362c35c989c09df3e1ddfc9e1a

Thứ Sáu, 11/03, Mikhail Khodorkovsky, chủ cũ của một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, cho biết, “Nếu phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine, thất bại của chính ông Putin là điều không thể tránh khỏi.” Khodorkovsky tham dự một cuộc thảo luận trong Hội nghị Diễn đàn 2000 vào ngày 13 tháng 10 năm 2014 tại Praha, Cộng hòa  Czech. Matej Divizna/Getty

 

                                                          *

Hãy thảo luận về bản chất của chế độ Nga. Putin lên ngôi cách đây hai mươi ba năm, và có những nhân vật được gọi là tài phiệt từ những năm Yeltsin, tám hoặc chín người trong số họ. Putin đọc cho họ đạo luật  bạo loạn và nói rằng: Quý vị có thể giữ sự giàu có của mình, nhưng hãy tránh xa chính trị. Những người chĩa mũi dùi vào chính trị, như Mikhail Khodorkovsky, đều bị trừng phạt, bị tống vào tù. Những người khác có thể sống lưu vong với  tài sản của họ mang đi nhiều nhất . Nhưng chúng ta vẫn nói về những tay tài phiệt đầu sỏ. Bản chất của chế độ và những người trung thành với nó là gì? Ai là người quan trọng?

 

Đó là một chế độ  quân đội-công an độc tài. Đó là những người nắm quyền. Ngoài ra, nó có một đội ngũ tuyệt vời của những người điều hành kinh tế vĩ mô. Ngân hàng trung ương, bộ tài chính, tất cả đều được điều hành ở mức độ chuyên nghiệp cao nhất. Đó là lý do tại sao Nga có pháo đài kinh tế vĩ mô này, dự trữ ngoại tệ này, quỹ “ngày mưa”. Nó có lạm phát hợp lý, ngân sách rất cân bằng, nợ nhà nước rất thấp — 20% của G.D.P., mức thấp nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Nó có sự quản lý kinh tế vĩ mô tốt nhất.

 

Vì vậy, bạn có một chế độ quân đội-công an độc tài cầm quyền, với một nhóm kinh tế vĩ mô điều hành nhà nước tài chính, quân sự của bạn. Những người đó đang vờn xem ai chiếm được ưu thế. Để ổn định kinh tế vĩ mô, để tăng trưởng kinh tế, bạn cần quan hệ tốt với phương Tây. Tuy nhiên, đối với bộ phận an ninh quân sự của chế độ, là bộ phận thống trị, phương Tây là kẻ thù của bạn, phương Tây đang cố gắng làm suy yếu bạn, nó đang cố gắng lật đổ chế độ của bạn bằng một kiểu gọi là cách mạng màu nào đó. Điều đã xẩy ra là sự cân bằng giữa các nhóm đó chuyển sang hướng có lợi hơn cho những người thuộc lực lượng an ninh quân đội — hãy gọi đó là phần côn đồ của chế độ. Và, tất nhiên, đó là nơi xuất thân của chính Putin.

 

Giới tài phiệt chưa bao giờ nắm quyền dưới thời Putin. ông ta cắt đôi cánh của họ. Họ đã làm việc cho ông ta. Nếu họ không làm việc cho ông ta, họ có thể mất tiền. Ông ta sắp xếp lại những chiếc ghế ngồi trên boong. Ông ấy đã bỏ tiền ra. Ông ta cho phép những đầu sỏ chính trị của mình, những người lớn lên cùng ông ta, những người đã tập judo với ông ta, những người đã đi nghỉ hè với ông ta, chiếm đoạt tài sản. Những người trong K.G.B. với ông ta ở Leningrad ngày trước, hay ở St. Petersburg thời hậu Xô Viết — những người đó trở thành tài phiệt đầu sỏ và chiếm đoạt tài sản để sống cuộc sống thượng lưu. Một số người đầu thời Yeltsin hoặc bị tịch thu tài sản, bỏ trốn hoặc bị buộc phải lưu vong. Putin đã xây dựng một chế độ trong đó tài sản tư nhân, một lần nữa, phụ thuộc vào người cai trị. Mọi người đều biết điều này. Nếu họ không biết, họ đã học được bài học và đã phải trả một giá rất đắt.

 

Đáng buồn thay, điều này đã khuyến khích tất cả mọi người từ trước đến nay của chế độ bắt đầu ăn cắp doanh nghiệp và tài sản của người khác. Nó đã trở thành một loại cho không cho tất cả. Nếu điều đó đủ tốt cho Putin và những người bạn của ông ấy, thì điều đó cũng đủ tốt cho tôi với tư cách là thống đốc tỉnh Podunk. Chế độ ngày càng thối nát, ngày càng kém tinh vi, ngày càng kém tin cậy, ngày càng kém phổ biến. Nó rỗng. Đó là những gì xẩy ra với các chế độ độc tài.

 

*

Nhưng đối với tôi, những người như vậy và một chế độ như vậy, có vẻ như sẽ quan tâm đến sự giàu có, cuộc sống thượng lưu, quyền lực hơn tất cả mọi việc khác. Tại sao họ quan tâm đến Ukraine?

 

Không chắc là họ quan tâm. Chúng ta đang nói chuyện, tối đa là khoảng sáu người và chắc chắn một người là người ra quyết định. Đây là vấn đề về các chế độ độc tài: họ kinh khủng về mọi thứ. Họ không thể nuôi sống người dân của họ. Họ không thể bảo an cho người dân của họ. Họ không thể giáo dục con người dân của họ. Nhưng họ phải giỏi một thứ để tồn tại. Nếu họ có thể từ chối các lựa chọn chính trị khác, nếu họ có thể buộc tất cả phe đối lập phải đi đày hoặc vào tù, thì họ có thể sống còn, bất kể họ kém cỏi, tham nhũng hay khủng khiếp đến mức nào.

 

*

Và dù, tham nhũng như Trung Hoa, họ đã đưa hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Trình độ học vấn ngày càng cao. Giới lãnh đạo Trung Hoa ghi công cho chính họ bằng những thành tựu to lớn.

 

Ai đã làm điều đó? Chính quyền Trung Hoa đã làm điều đó? Hay xã hội Trung Hoa? Hãy cẩn thận để không cho phép những người Cộng sản Trung Hoa chiếm đoạt, như nó đã, sức lao động khổ sai, tài kinh doanh, sự năng động của hàng triệu triệu người trong xã hội đó. Bạn biết đấy, trong trường hợp của Nga, Navalny đã bị bắt—

 

https://static.dw.com/image/56413983_303.jpg

Alexei Navalny bị bắt ngày 17/01/2021 khi ông từ Đức trở về Nga. © Moscow city court/dpa/picture-alliance

 

*

Đây là Alexey Navalny, đối thủ chính trị rõ ràng nhất của Putin, người đã bị F.S.B. đầu độc và hiện đang ở trong tù.

 

Vâng. Ông ấy đã bị bỏ tù trước khi có cuộc xâm lăng Ukraine. Nhìn lại, rất có thể đây là một sự chuẩn bị cho cuộc xâm lăng, ví dụ như cách mà Ahmad Shah Massoud đã bị [Al Qaeda] ám sát bằng mìn nổ tung ở miền Bắc Afghanistan ngay trước khi Tòa tháp đôi sụp đổ.

Với sự phủ nhận những sự thật khác, đàn áp bất kỳ sự chống đối nào, bắt giữ, lưu đày, và sau đó bạn có thể thịnh vượng với tư cách là một élite (tinh hoa), không phải nhờ tăng trưởng kinh tế mà chỉ với trộm cắp. Và, ở Nga, sự giàu có ngay từ trong lòng đất! Vấn đề đối với các chế độ độc tài không phải là tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là làm thế nào để bảo trợ cho những élite của họ, làm thế nào để giữ cho các élite trung thành, đặc biệt là lực lượng công an và các sĩ quan cấp trên trong quân đội. Nếu tiền chỉ trào ra khỏi mặt đất dưới dạng dầu khí hoặc kim cương hoặc các khoáng chất khác, những kẻ áp bức có thể tự giải phóng khỏi những kẻ bị áp bức. Những kẻ đàn áp có thể nói, chúng tôi không cần bạn. Chúng tôi không cần thuế của bạn. Chúng tôi không cần bạn bỏ phiếu. Chúng tôi không dựa vào bạn bất cứ điều gì, bởi vì chúng tôi có dầu và khí đốt, palladium and titanium. Họ có thể không có tăng trưởng kinh tế và vẫn sống đời sống rất thượng lưu.

 

Chẳng bao giờ có một khế ước xã hội trong một chế độ độc tài, theo đó mọi người nói, OK, chúng tôi sẽ lấy tăng trưởng kinh tế và mức sống cao hơn, và chúng tôi sẽ từ bỏ quyền tự do của mình cho bạn. Không có hợp đồng. Chế độ không cung cấp sự tăng trưởng kinh tế và nó không nói rằng, Ồ, bạn biết đấy, chúng tôi đang thất hứa. Chúng tôi đã hứa tăng trưởng kinh tế để đổi lấy tự do, vì vậy chúng tôi sẽ từ chức ngay bây giờ vì chúng tôi không tôn trọng hợp đồng.

 

*

Điều gì giải thích cho sự “được ưa chuộng” của một chế độ độc tài như của Putin?

 

Họ có những câu chuyện để kể. Và, như bạn biết, những chuyện kể luôn có sức mạnh hơn công an chìm. Đúng, họ cũng có công an chìm và cảnh sát chính quy, và vâng, họ là những người nghiêm túc và họ thật tàn nhẫn trong cách đối xử với những người đang phản chiến, đưa họ vào biệt giam. Đây là một chế độ nghiêm túc, không được xem thường. Nhưng họ có những câu chuyện. Những câu chuyện về sự vĩ đại của nước Nga, về sự hồi sinh của sự vĩ đại của nước Nga, về những kẻ thù trong nước và thế lực thù nghịch ở nước ngoài đang cố gắng kìm hãm nước Nga. Và họ có thể là người Do Thái hoặc George Soros hoặc I.M.F. và NATO. Chúng có thể là tất cả các loại kẻ thù mà bạn chỉ cần lấy ngay ra khỏi kệ, giống như một cuốn sách.

 

Chúng tôi nghĩ đến kiểm duyệt là sự đàn áp thông tin, nhưng kiểm duyệt cũng là sự tích cực quảng bá cho một số loại câu chuyện sẽ gây được tiếng vang đối với người dân. Khát vọng trở thành một cường quốc, khát vọng thực hiện một sứ mệnh đặc biệt trên thế giới, nỗi sợ hãi và nghi ngờ mà người ngoài đang cố gắng bắt hoặc hạ gục họ: đó là những câu chuyện có hiệu quả ở Nga. Chúng không dành cho tất cả mọi người. Bạn biết nhiều người Nga không tin vào những câu chuyện đó và họ biết rõ hơn. Nhưng phiên bản Putin rất mạnh, và họ phát huy nó mỗi khi có cơ hội.

 

*

Vì những lý do rõ ràng, phương Tây đã quyết định không gây chiến với Nga, không có vùng cấm bay. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã tỏ ra toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn những gì có thể mọi người đã dự đoán cách đây vài tuần. Nhưng có vẻ như những người mà họ nhắm đến trực tiếp nhất sẽ có thể chịu trận được.

 

Các biện pháp trừng phạt là một vũ khí mà bạn sử dụng khi không muốn gây chiến tranh nóng vì bạn đang phải đối phó với một cường quốc hạch tâm. Oanh tạc những quốc gia ở Trung Đông không có vũ khí hạch nhân là một chuyện; nó lại là một vần đề khác khi xét đến việc ném bom Nga hoặc Trung Hoa trong thời đại nguyên tử. Có thể hiểu rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, gồm cả những biện pháp trừng phạt thực sự mạnh mẽ, là những công cụ mà chúng ta sử dụng được.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng trang bị vũ khí cho người Ukraine. Và có rất nhiều việc xẩy ra trong lĩnh vực mạng mà chúng ta không biết gì về nó vì những người đang nói thì không biết và những người biết thì không nói. Và có khá nhiều cuộc xung đột vũ trang, nhờ vào lòng can đảm của người Ukraine và sự tiếp ứng và hậu cần của NATO, tất nhiên, với Washington dẫn đầu.

 

Chúng ta vẫn chưa biết các biện pháp trừng phạt sẽ hoạt động như thế nào. Các lệnh trừng phạt thường gây ra nỗi đau lớn nhất cho thường dân. Các chế độ đôi khi có thể chịu đựng được những lệnh trừng phạt vì chúng vẫn có thể ăn cắp nội bộ nhiều hơn. Nếu bạn chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của ai đó ở London hoặc Frankfurt hoặc New York, thì cũng có một nguồn nguyên thuỷ, họ có thể quay trở lại bên trong nước Nga và khai thác lại nguồn đó. Putin không có tiền ở nước ngoài mà chúng ta có thể trừng phạt hoặc tịch thu. Tiền của Putin là toàn bộ nền kinh tế Nga. Ông ấy không cần phải có một trương mục ngân hàng riêng và chắc chắn ông ấy sẽ không để nó dễ bị thiệt hại ở một số quốc gia phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt lớn nhất và quan trọng nhất luôn là về chuyển giao kỹ thuật. Đó là vấn đề của việc bỏ đói kỹ thuật cao của họ. Theo thời gian, qua Bộ Thương mại, bạn từ chối không cấp phần mềm, đồ phụ tùng và sản phẩm do Mỹ sản xuất, điều này ảnh hưởng đến mọi kỹ thuật quan trọng trên thế giới và bạn có mục tiêu và cơ chế thực thi để làm điều đó, bạn có thể gây thiệt hại cho chế độ này và tạo ra một sa mạc kỹ thuật.

 

*

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chúng ta đã thấy những gì quân Nga đã làm với Grozny trong những năm 1999-2000; chúng ta đã thấy những gì họ đã làm ở Aleppo. Đối với Nga, nếu độ chính xác không có hieju quả, họ sẽ san bằng những thành phố. Đó là những gì chúng ta đang thấy hiện nay ở Kharkiv và ở các vùng khác của Ukraine. Và nó có thể chỉ mới bắt đầu.

 

Nga có rất nhiều vũ khí mà họ chưa sử dụng, nhưng có một vài yếu tố ở đây. Trước hết, Ukraine đang chiến thắng cuộc chiến này chỉ  trên Twitter, không phải trên chiến trường. Họ sẽ không thắng trong cuộc chiến này. Nga đang tiến rất mạnh ở miền nam, đây là một nơi vô cùng quý giá vì có bờ Biển Đen và các hải cảng. Họ đang tiến lên ở mặt trận miền đông. Nếu các mũi tấn công phía nam và phía đông gặp nhau, chúng sẽ bao vây và cắt đứt những lực lượng chủ lực của Quân đội Ukraine. Điều đã thất bại cho đến nay là nỗ lực của Nga nhằm chiếm Kyiv bằng cuộc tấn công chớp nhoáng. Mặt khác, cuộc chiến của họ đang diễn ra tốt đẹp. Chỉ mới vài tuần; chiến tranh kéo dài hơn nhiều.

 

Nhưng đây là một vài điểm cân nhắc: sau ba hoặc bốn tuần chiến tranh, bạn cần tạm dừng chiến lược. Bạn phải trang bị lại áo giáp, tiếp tế đạn và kho nhiên liệu, sửa chữa máy bay. Bạn phải mang theo dự trữ. Luôn có kế hoạch tạm dừng sau khoảng ba đến bốn tuần.

Nếu Kyiv có thể cầm cự trong thời gian ngưng chiến đó, thì có khả năng nó có thể cầm cự lâu hơn thế, vì Kyiv có thể được tiếp tế trong khi quân Nga đang được tiếp tế trong thời gian đình chiến. Hơn nữa, vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất là Nga không thể chiếm giữ  Ukraine một cách thành công. Họ không có đủ quân lực. Họ không có số người cai trị cần có hoặc sự hợp tác của dân chúng. Họ thậm chí còn chưa có người hợp tác với kẻ xâm lăng.

 

Hãy nghĩ về tất cả những người Ukraine sẽ tiếp tục kháng chiến. Đức Quốc xã đến Kyiv vào năm 1940. Họ chiếm giữ tất cả các khách sạn sang trọng, nhưng vài ngày sau những khách sạn đó bắt đầu nổ tung. Họ đã bị mắc bẫy. Nếu bạn là một quản trị viên hoặc một sĩ quan quân đội ở Ukraine đang bị chiếm đóng và bạn gọi một tách trà, bạn có định uống tách trà đó không? Bạn có muốn mở máy ô tô của mình không? Bạn có muốn bật công tắc đèn trong văn phòng của mình không? Chỉ cần làm vài vụ ám sát là đủ để làm xáo trộn toàn bộ cuộc chiếm đóng.

 

*

Hãy trở lại câu chuyện về Moskva. Chúng ta biết câu chuyện về việc Sa hoàng Paul I bị những người thân cận ám sát như thế nào. Khrushchev cuối cùng bị Brezhnev lật đổ và thay thế. Dưới thời Putin, liệu có khả năng xẩy ra một cuộc đảo chính trong cung điện hay không?

 

Luôn luôn có thể xẩy ra một cuộc đảo chính trong cung điện. Có một số vấn đề ở đây. Một là [phương Tây] làm việc thêm giờ phụ trội để lôi kéo đào ngũ. Chúng ta muốn một viên chức an ninh cấp cao hoặc một sĩ quan quân đội lên máy bay và bay đến Helsinki hoặc Brussels hoặc Warsaw và tổ chức một cuộc họp báo và nói: “Tôi là Tướng А-Б-В và tôi đã làm việc trong chế độ Putin và tôi phản đối cuộc chiến này và tôi phản đối chế độ này. Và đây là những gì bên trong của chế độ đó trông như thế này.

 

Đồng thời, Putin đang làm việc ngoài giờ để ngăn chặn bất kỳ vụ đào ngũ nào như vậy trong khi các cơ quan tình báo của chúng ta đang làm việc phụ trội để lôi kéo chỉ một vụ đào ngũ như vậy — không phải các nhân vật văn hóa, không phải cựu chính khách mà là giới chức an ninh và quân sự hiện tại trong chế độ. Điều này xẩy ra dưới thời Stalin, khi Tướng Genrikh Lyushkov của lực lượng mật vụ đào tẩu sang Nhật vào năm 1938, với những kế hoạch quân sự và an ninh của Stalin cũng như ý thức về chế độ. Ông ta đã tố cáo Stalin trong một cuộc họp báo ở Tokyo.

 

Vì vậy, bây giờ chúng ta đang theo dõi Moscow. Động lực ở đó đang như thế nào với chế độ? Bạn phải nhớ rằng những chế độ này thực hành một thứ gọi là “lựa chọn tiêu cực.” Bạn sẽ thăng chức mọi người trở thành biên tập viên và bạn sẽ thuê người viết, bởi vì họ có tài; bạn không sợ nếu họ là thiên tài. Nhưng, trong một chế độ độc tài, đó không phải là những gì họ làm. Họ thuê những người hơi ngu một chút, như họ nói trong tiếng Nga, tupoi, không sáng dạ lắm. Họ được thuê chính vì họ sẽ không quá giỏi, quá thông minh, để tổ chức một cuộc đảo chính chống lại người thuê họ. Putin luôn cố ý vây quanh mình với những người không phải là công cụ sắc bén nhất trong ngăn kéo.

 

Điều đó làm được hai chuyện. Nó giúp ông ta cảm thấy an toàn hơn, với tất cả sự hoang tưởng của mình, rằng họ không đủ thông minh để hạ gục ông ta. Nhưng nó cũng làm giảm sức mạnh của nhà nước Nga bởi vì bạn có một ông cai công trường là Bộ trưởng Quốc phòng [Sergei Shoigu], và ông ta đang mớm cho Putin ăn tất cả những thứ vớ vẩn về những gì họ sẽ làm ở Ukraine. Lựa chọn tiêu cực bảo vệ được người lãnh đạo, nhưng nó cũng làm suy yếu chế độ của ông ta.

 

Nhưng, một lần nữa, chúng ta không biết chuyện gì đang xẩy ra bên trong. Chúng ta nghe lời đồn. Có rất nhiều thông tin tình báo đáng kinh ngạc mà chúng ta đang thu thập, điều này đang khiến người Trung Hoa sợ hãi, khiến họ lo lắng: Liệu chúng ta có mức độ thâm nhập giới tinh hoa của họ đến mức đó không? Tuy nhiên, những lời đồn đãi là từ những người không có nhiều thời gian gặp mặt Putin, nói về việc ông ấy có thể bị điên như thế nào. Luôn luôn, khi bạn tính toán sai, khi các giả định của bạn không tốt, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn điên rồ. Putin giả điên để dọa chúng ta và để đạt được thế mạnh.

 

https://d.newsweek.com/en/full/647206/putin.webp?w=737&f=cfb35ec76dedcfe87c26e3f86769ba50

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong chuyến đi săn và câu cá diễn ra vào ngày 1-3/8 tại nước cộng hòa Tyva, miền nam Siberia, Nga, trong bức ảnh này do Điện Kremlin công bố ngày 5/8/1917. SPUTNIK/ALEXEI NIKOLSKY/KREMLIN/REUTERS

 

*

Ông có nghĩ đó là trường hợp của lời đe dọa hch tâm này không?

 

Tôi nghĩ chắc chắn rằng đây là những gì ông ấy đang cố làm. Vấn đề là, chúng ta không thể cho rằng đó là một trò hù doạ. Chúng ta không thể cho rằng đó là tư thế của một kẻ điên rồ, bởi vì ông ta có khả năng; ông ta có thể nhấn nút.

 

*

Steve, Tôn Tử, lý thuyết gia về chiến tranh của Trung Hoa, đã viết rằng bạn phải luôn xây cho đối thủ của mình một “cây cầu vàng” để đối phương có thể có đường rút lui. Liệu Hoa Kỳ và NATO có thể giúp xây  một con đường cho Nga kết thúc cuộc xâm lăng kinh hoàng và giết người này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn không?

 

Ông nói trúng phóc. Đó là một trích dẫn tuyệt vời. Chúng ta có một số để lựa chọn ở đây. Một lựa chọn là ông ta san bằng Ukraine: nếu tôi không chiếm được nó, thì không ai có thể có nó, và ông ta làm với Ukraine như những gì ông ta đã làm ở Grozny hoặc ở Syria. Đó sẽ là một kết cục bi thảm, không thể tưởng tượng. Đó là con đường mà chúng ta đang đi.

 

Ngay cả khi người Ukraine thành công trong cuộc nổi dậy của họ, trong cuộc kháng chiến của họ, sẽ có vô số người chết và tàn phá. Chúng ta cần một cách để tránh kết quả như vậy. Điều đó có nghĩa là xúc tác một tiến trình để Putin thảo luận với, chẳng hạn như với Tổng thống Phần Lan, người mà ông tôn trọng và biết rõ, hoặc Thủ tướng Israel, người đã tiếp xúc với ông ta; ít có thể hơn, với giới lãnh đạo Trung Hoa, với Tập Cận Bình. Một người nào đó để lôi kéo ông ta vào một loại quy trình mà ông ta không có những đòi hỏi theo chủ nghĩa tối đa và nó sẽ ngưng để có thời gian cho mọi thứ diễn ra trên thực tế, sắp xếp lại bức tranh về những gì ông ta có thể làm.

 

Nó không phải là chúng ta không cố gắng. Người Phần Lan hiểu rõ nước Nga hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Israel là một lựa chọn tốt khác, có thể xẩy ra, tùy vào độ khéo léo của Naftali Bennett. Và rồi Trung Hoa, một hy vọng hơi xa, nhưng ở họ đang phải trả một cái giá đắt và những người dưới quyền Tập Cận Bình hiểu điều đó. Hiện có khá nhiều lo lắng bên trong giới chức chính phủ Trung Hoa, nhưng Tập Cận Bình là người nắm quyền và có mối quan hệ cá nhân với Putin. Ông Tập đang ủng hộ quan điểm của Putin. Nhưng việc đó kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào việc liệu Châu Âu có bắt đầu trừng phạt Trung Hoa hay không. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

 

Trung Hoa đang theo dõi việc này rất chặt chẽ. Họ đang theo dõi (a) sự thâm nhập thông tin tình báo của chúng ta, (b) sai lầm của một chế độ chuyên quyền, và (c) cái giá mà bạn phải trả khi các công ty tư nhân của Hoa Kỳ và châu Âu hủy bỏ hoạt động phát triển của Nga. Tập Cận Bình, người đang hướng tới nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có vào mùa thu sắp đến, và không muốn rơi vào tình trạng này. Nhưng bây giờ ông ấy phải chịu trách nhiệm.

 

Cuối cùng, có một lá bài khác mà chúng ta đang cố gắng chơi: cuộc kháng chiến của người Ukraine và sự tiếp viện của chúng ta cho người Ukraine về vũ khí và những lệnh trừng phạt. Tất cả những điều đó có thể giúp thay đổi bài toán. Bằng cách nào đó, chúng ta phải duy trì nó bằng tất cả các công cụ mà chúng ta có —  không những chỉ bằng áp lực mà còn cả ngoại giao.

 

*

Cuối cùng, ông đã ghi công cho Chính phủ Biden vì đã công bố tin tình báo của họ về cuộc xâm lăng sắp xẩy ra, về các biện pháp trừng phạt và phản ứng chín chắn đối với những gì đang xẩy ra. Họ đã làm gì sai?

 

Họ đã làm tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta dự đoán dựa trên những gì chúng ta đã thấy ở Afghanistan và sự thành công trong thỏa thuận bán tàu ngầm hạch tâm cho người Úc. Chính phủ Biden đã học được từ những sai lầm của họ. Đó là vấn đề của Hoa Kỳ. Chúng ta có cơ chế khắc phục. Chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm của mình. Chúng ta có một hệ thống chính trị trừng phạt những sai lầm. Chúng ta có những cơ chế vững mạnh. Chúng ta có một xã hội hùng cường, một phương tiện truyền thông vững vàng và tự do. Những cơ quan chính phủ hoạt động kém có thể học hỏi và trở nên tốt hơn, điều này không xẩy ra ở Nga hay Trung Hoa. Đó là một lợi thế mà chúng ta không thể quên.

 

Vấn đề bây giờ không phải là Chính quyền Biden đã mắc sai lầm; Thật khó để tìm ra cách xuống thang, làm thế nào để thoát ra khỏi vòng xoáy của chủ nghĩa tối đa hóa lẫn nhau. Chúng ta tiếp tục nâng cao cái giá phải trả với ngày càng nhiều lệnh trừng phạt và hủy bỏ hợp đồng. Phía chúng ta có áp lực phải “làm điều gì đó” vì người Ukraine đang chết dần từng ngày trong khi chúng ta ngồi bên lề, về mặt quân sự, ở những mặt nào đó. (Mặc dù, như tôi đã nói, chúng ta đang viện trợ vũ khí cho họ, và chúng ta đang làm rất nhiều việc trong không gian mạng.) Áp lực ở phía chúng ta là phải trở thành người theo chủ nghĩa tối đa, nhưng chẳng may, càng dồn họ vào chân tường, Putin càng không còn gì để mất, thì ông ta lại càng nâng cao giá đánh đổi. Ông ấy có nhiều đồ chơi chưa sử dụng có thể gây thiệt hại cho chúng ta. Chúng ta cần xuống thang, ra khỏi vòng xoáy của chủ nghĩa tối đa, và chúng ta cần một chút may mắn và vận may, có lẽ ở Moscow, có thể ở Helsinki hoặc Jerusalem, có lẽ ở Bắc Kinh, nhưng chắc chắn là ở Kyiv.

 

VIDEO :

The Psychology of an Isolated Russia | The New Yorker 

https://www.youtube.com/watch?v=6Mm3hgc1hhg

David Remnick và sử gia Steve Kotkin thảo luận về Vladimir Putin và cách những chế độ độc tài bị đẩy vào những cuộc chiến tranh sai lầm ở nước ngoài. The New Yorker.

 

Người phỏng vấn | David Remnick là biên tập viên của tờ The New Yorker từ năm 1998 và là nhà báo từ năm 1992. Ông là tác giả của cuốn “The Bridge: The Life and Rise of Barack Obama”.

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: The Weakness of the Despot — An expert on Stalin discusses Putin, Russia, and the West | David Remnick | The New Yorker | March 11, 2022.





No comments: