Saturday, March 19, 2022

HIỆN TƯỢNG UKRAINE (Trần Gia Phụng)

 



Hiện tượng Ukraine

Trần Gia Phụng (Danlambao) 

3/17/2022

https://danlambaovn.blogspot.com/2022/03/hien-tuong-ukraine.html

 

Điều dễ nhận thấy là các nước Đông Âu luôn luôn nằm giữa hai thế lực chính trị quan trọng. Trước đây là đế quốc Áo-Hung ở phía tây, và đế quốc Nga về phía đông. Từ thế chiến thứ hai (1939-1945), các nước Đông Âu nằm giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô. Hai nước nầy đều độc tài, nhưng hoàn toàn khác nhau về ý thức hệ chính trị, và cả hai đều lăm le nuốt trọn Đông Âu, Ngày nay, Đông Âu cũng nằm giữa hai khối chống đối nhau: Môt bên là NATO (North Atlantic Treaty Organization) tức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, lúc đầu gồm các nước tự do dân chủ Tây Âu và Hoa Kỳ, sau có thêm một số nước Đông Âu sau khi thoát ra khỏi khối cộng sản (CS), và bên kia là Cộng Hòa Nga là một nước hậu CS. Tổng thống Nga Vladimir Putin vốn là một sĩ quan công an CS Liên Xô. Liên Xô bị sụp đổ năm 1991, đổi thành Cộng Hoa Nga.

 

Trong số các nước Đông Âu hiện nay, các nước giáp giới về phía đông với Nga từ bắc xuống nam là Estonia, Latvia, Belarus va Ukraine. Ukraine là nước rộng nhứt và có nhiều dân gốc Nga ở phía đông. Hai nước Estonia và Latvia là thành viên của NATO từ 29-3-2004. Bealarus và Ukraine chưa gia nhập NATO. Nói chung, hai nước nầy đều trung lập, và chịu nhiều ảnh hưởng của Nga.

 

https://lh5.googleusercontent.com/rVcVbmjIzkZPtku4QSYbzGX_qdbHLVdFOK1-6IL7jNZbpoGAeUyKZLgHs5slYU6qgKRU9hdu99ZYNekNMPFf9TBPxa7uVI59Z1h9Pt5zGzq1ljW1VVSmu80AuE8Uyz0r8kgdiptr

Bản đồ Đông Âu (Internet)

 

Vị trí địa lý của các nước Đông Âu gần giống như trướng hợp Việt Nam ở Đông Nam Á. Việt Nam nằm về phía đông của Indochina (Anh ngữ) hay Indochine (Pháp ngữ). Rõ ràng Indochina là chữ ghép lại từ hai địa danh là India (Ấn Độ) và China (Trung Hoa). Hai nước India và China có hai nền văn hóa và văn minh cổ xưa rất khác nhau. Ngày nay, Indochina cũng nằm giữa hai thế lực chính trị đối kháng nhau. Đó là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa theo chủ nghĩa CS, độc đảng độc tài toàn trị một bên, và bên kia là Hoa Kỳ cùng các nước Tây phương, chủ trương tự do dân chủ.

 

Năm 2014, hai vùng Donetsk và Lugansk ở phía đông của Ukraine gồm đa số là dân Nga, tách ra ly khai khỏi Ukraine và thành lập hai nước cộng hòa biệt lập. Lúc đầu, hai nước cộng hòa mới nầy được một số nước nhỏ công nhận, và cho đến ngày 21-2-2022, tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai nước nầy.

 

Có thể vì việc nầy, tổng thống Ukraine là Volodymyr Oleksandrovych Zelensky, một chính khách độc lập, liền cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga ngày 24-2-2022. Tổng thống Nga quan ngại rằng đây là dấu hiệu Ukraine nghiêng về NATO, liền xua quân đánh Ukraine cùng ngày đó.

 

Hành động của Vladimir Putin gần giống như hành động của lãnh tụ Đức Quốc Xã là Aolf Hitler trước thế chiến thứ hai. Ngày 1-9-1939, Hitler xua quân tấn công Ba Lan, vì trước đó một tuần, ngày 25-8-1939, Ba Lan ký hiệp định liên minh quân sự với Anh Quốc. Việc nầy làm cho Hitler lo ngại rằng quân đội và võ khí Anh sẽ đến Ba Lan và đe dọa Đức Quốc. Vì vậy, Hitler ra tay trước, xua quân tấn công Ba Lan ngày 1-9-1939. Ba ngày sau, Anh Quốc cùng Pháp trả đũa Đức Quốc Xã ngày 3-9-1939. Thê là thế chiến thứ hai bùng nổ. Phải chăng nhà dộc tài Vladimir Putin đã học theo bài học của nhà độc tài Adolf Hitler, hay lịch sử đã tái diễn?

 

Khi Nga, một cường quốc trên thế giới, đưa quân xâm lăng Ukraine, hầu như ai cũng nghĩ rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, nhưng không ngờ là Ukraine đã anh dũng chống trả mãnh liệt, chận đứng, hoặc ít ra cũng đã làm chậm lại bước tiến của quân Nga, đúng như câu ca dao lịch sử của người Việt chúng ta thường truyền tụng: “Nực cười châu chấu đá xe / Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.”

 

Thiên hạ còn mỉa mai rằng tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Oleksandrovych Zelensky, chỉ là một diễn viên hài kịch, hay nói nôm na là một “tên hề” trên sân khấu kịch nghệ. Và thiên hạ còn bàn tán rằng một “tên hề” thì làm sao cai trị đất nước và làm sao lãnh đạo quân đội trong cuộc kháng chiến chống xâm lược?

 

Tuy nhiên, dù bị lực lượng hùng hậu của Nga tấn công, dù bị đe dọa, ám sát, và ba lần thoát chêt, dù đã được Hoa Kỳ mời di tản ra nước ngoài, nhưng ông Zelensky tuyên bố chiến đấu đến cùng, cương quyết ở lại Ukraine, lãnh đạo dân chúng Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Chưa biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng cho đến nay, bàn dân thiên hạ trên thế giới đều phải công nhận ông Zelensky là một người yêu nước vĩ đại, cùng sống chết với toàn dân Ukraine chiến đấu chống ngoại xâm. Như thế, kinh nghiệm Ukraine cho thấy thà bầu “tên hề” làm lãnh đạo, còn hơn là bầu lãnh đạo lên làm tên hề, như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. “Cuba thức Việt Nam ngủ…” đúng là sản phẩm khôi hài đen “ma dề [made] in Việt Nam.”

 

Trong cuộc kháng chiến nầy, ngoài tổng thống Zelensky anh hùng, có thể nói toàn dân Ukraine đều anh hùng. Những thanh niên Ukraine đưa gia đình đi lánh nạn, rồi quay trở về làm nhiệm vụ chiến binh. Những người phụ nữ can đảm nếu không được ở lại để chiến đấu, thì tuyên bố chấp nhận hy sinh, một mình đưa gia đình ra đi lánh nạn, để chồng ở lại chiến đấu, chống ngoại xâm. Cuộc chiến đấu anh dũng của người Ukraine trong nước chẳng những làm cho thế giới khâm phục, mà thế giới còn khâm phục hơn nữa khi nhiều người Ukraine đang sống an vui, sung sướng và thanh bình ở nước ngoài, đã tình nguyện xin về nước để góp sức chiến đấu Đây mới đúng là đất nước anh hùng như thời nhà Trần chúng ta chống quân Nguyên.

 

Trong cuộc chiến đấu anh dũng của toàn dân Ukraine chống lại quân Nga xâm lược, truyền thông thế giới loan tin rằng quân đội Ukraine đã chận đứng được quân Nga nhờ sử dụng tài tình và hữu hiệu hai loại võ khí quan trọng.

 

Loại thứ nhứt là những máy bay không người lái (drone). Có hai loại drone. Drone làm công việc thám thính, theo dõi đối phương, rồi thông báo tin tức đối phương về hậu cứ để các chuyên viên hậu cứ lên chương trình tấn công địch thủ. Loại thứ hai là loại drone được các chuyên viên dựa vào những tin tức đó, rồi đặt chất nổ lên drone, và gởi đi tấn công mạnh mẽ các đoàn quân Nga xâm nhập vào Ukraine, làm cho quân Nga tiến thoái lưỡng nan, như ăn phải gân gà, nuốt vào không được, mà nhả ra cũng không xong.

 

Loại võ khí quan trọng thứ hai là các hỏa tiển FGM 148 JAVELIN, là loại võ khí chống tăng tầm trung rất hữu hiệu, dễ di chuyển, dễ sử dụng do Hoa Kỳ sản xuất, có thể là quân đội Nga chưa có, hoặc cũng có thể quân đội Nga chưa biết đến.

 

Sự kiện nầy khiến chúng ta chú ý thêm một điều là chiến tranh là cơ hội sử dụng, trình diễn và tiêu thụ võ khí, giúp cho sự phát triển kỹ nghệ quân sự. Sau thế chiến thứ hai, Liên Xô (nước Nga CS) viện trợ võ khí còn tồn đọng từ thế chiến hai cho các nước và các tổ chức thiên tả trên thế giới, từ Á Châu, qua Phi Châu, Nam Mỹ, nhằm tranh đấu để thiết lập các chế độ CS. Chính Liên Xô đã gia tăng viện trợ quân sự gấp bốn (4) lần cho Bắc Việt Nam để Bắc Việt Nam có điều kiện tấn công Nam Việt Nam, trong khi Nam Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ lớn lao sau hiệp định Paris ngày 27-01-1973, đưa đến kết quả ngày 30-4-1975.

 

Khi Liên Xô chuyển qua Cộng Hòa Nga năm 1991, kỹ nghệ võ khí Nga tiếp tục phát triển tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ, chẳng những cần phải có thị trường tiêu thụ, mà còn cần phải có cơ hội thí nghiệm võ khi và thi triển võ công mới, võ khí mới, để chào hàng với thế giới và chiêu dụ khách hàng, cạnh tranh với các nước khác.

 

Ukraine là cơ hội thuận tiên cho Putin biểu diễn võ công. Vì vậy, Putin mở cuộc chiến tranh ở Ukraine không phải chỉ vì vấn đề Donetsk và Lugansk, mà còn để tiêu thụ kho võ khí mà Nga đã sản xuất, giới thiệu các sản phẩm quân sự của Nga, và chiêu khách để bán võ khí.

 

Vì vậy Putin ra lệnh tấn công Ukraine đúng như câu nói của các cụ đồ nho Việt Nam ngày xưa: “Đột phá nhứt điểm, khai thông toàn bộ” (tấn công một điểm, mở ra toàn bộ), nghĩa là Nga chỉ cần đánh Ukraine, thì Nga có thể mở ra được nhiều lối thoát bế tắc của Nga.

 

Dĩ nhiên các cường quốc kỹ nghệ võ khí Tây phương cũng không bỏ lỡ cơ hội, đáp ứng ngay cuộc tấn công của Nga, dựa vào thời cơ rất thuận tiện, gởi ngay võ khí giúp Ukraine chống lại Nga một cách hợp lý, hợp tình, hợp pháp, đồng thời bán ngay võ khí cho các nước láng giềng của Ukraine để các nước nầy tự phòng thân, vì biết đâu Putin sẽ dựa vào những lý do vu vơ, tiếp tục lấn sân, tiếp tục tung quân xâm lăng các nước Đông Âu khác như đã xâm lăng Ukraine.

 

Gần đây, tổng thống Ukraine là Zelenski lên TV kêu gọi Hoa Kỳ và NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, để ngăn cản hoạt động của phi cơ Nga trên vòm trời Ukraine, nhưng Hoa Kỳ và NATO không đáp ứng. Theo tin truyền thông Tây phương, Hoa Kỳ và NATO không thiết lập vùng cấm bay trên vòm trời Ukraine, vì quan ngại quân đội Hoa Kỳ và NATO sẽ đụng độ với quân đội Nga, thì chiến tranh sẽ lan rộng, có thể đưa đến thế chiến thứ ba. Điều nầy thoạt nghe thì hợp lý và nhân bản, nhưng Hoa Kỳ và NATO lại khẩn cấp viện trợ võ khí cho Ukraine thì cũng là một cách tiếp tay với Ucraine chống Nga, vậy cũng có thể làm cho chiến tranh lan rộng.

 

Ở đây, xin chú ý rằng, nếu thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, thì Nga không có cơ hội thi triển võ khí mới của Nga, như máy bay, hỏa tiễn, súng đạn… Nếu thế thì các địch thủ của Nga (tức Hoa Kỳ, NATO) không có cơ hội tìm hiểu, quan sát, nghiên cứu võ khí của Nga đã sản xuất trong thời gia gần đây. Đồng thời các nước địch thủ của Nga cũng sẽ không có cơ hội cung cấp, bán thêm sản phẩm quân sự, võ khí, máy bay, hỏa tiễn, súng đạn, quân nhu cho các nước có nhu cầu phòng thủ và chống Nga như Ukraine và các nước Đông Âu khác. Vì vậy chuyện cấm bay trên vòm trời Ukraine khó xảy ra. Ngày nay, phức trạng kỹ nghệ quân sự (military industrial complex) sinh lợi không kém các loại kỹ nghệ khác trên thế giới, kể cả kỹ nghệ xe hơi.

 

Một hiện tượng rõ ràng nhứt là từ trước đến nay, do ảnh hưởng của tuyên truyền, người ta cho rằng Nga là một cường quốc quân sự, võ khí hiện đại tối tân như Hoa Kỳ, nhưng qua những ngày chiến tranh vừa qua, sức mạnh võ khí của Nga không như người ta tưởng, mà chỉ là huyền thoại đồn đãi mà thôi, khác với Hoa Kỳ.

 

Có một điểm khá quan trọng xảy ra sau “hiện tượng Ukraine”, là ở Nga dân tình chia rẽ khá trầm trọng. Một điều hiếm thấy là sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, thì ở bên trong nước Nga xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Ukraine, chống Putin. Quân đội và cảnh sát Nga đã vất vả dẹp bỏ biểu tình và bắt bớ dân chúng. Chẳng những thế, truyền thông Nga nói chung, tức các hãng thông tấn, báo chí, truyền hình, không được đưa tin chiến sự ở Ucraine, mà chỉ loan tin là quân Nga đang qua Ukraine để giúp nhân dân Ukraine xây dựng đất nước. Sao mà rất giống với truyền thông, báo chí, truyền hình Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay quá vậy?

 

Điều nầy ngược lại ở Hoa Kỳ. Tin tức báo chí cho biết hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vốn hiện tranh chấp nhau quyết liệt, nay lại cùng nhau lên án Nga và đòi hỏi trừng phát Nga. Vì vậy, lúc đầu tổng thống Biden còn lưỡng lự, nhưng sau khi thấy lưỡng đảng đồng tình lên án Nga, tổng thống Biden liền quyết định trừng phạt kinh tế, ngưng mua dầu khí của Nga.

 

Cho đến nay, cuộc xâm lăng của quân Nga vào Ukraine chưa kết thúc. Kết quả cuối cùng chưa ngã ngũ. Tuy nhiên cả thế giới đều thấy rõ, chiến tranh Ukraine là một hiện tượng lịch sử đặc biệt sau một thời gian dài hòa bình ở Âu Châu, nhắc nhở rằng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc luôn luôn âm thầm nuôi dưỡng con người đứng lên bảo vệ quê hương khi lâm nguy. Và cuồng vọng xâm lăng, làm bá chủ thiên hạ không còn chỗ đứng trong tâm thức của loài người chúng ta. HIỆN TƯỢNG UKRAINE đã chứng minh điều đó.

 

(Texas, 08-03-2022)

Trần Gia Phụng

danlambaovn.blogspot.com





No comments: